Cùng nhìn lại những ám ảnh ấu thơ với Vietcete-vô | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 10, 2021
Điện ẢnhVietcete-vô

Cùng nhìn lại những ám ảnh ấu thơ với Vietcete-vô

Nhân ngày Halloween, cùng điểm qua những cảnh phim kinh dị đã ám ảnh các Editors của Vietcetera nhé!

Cùng nhìn lại những ám ảnh ấu thơ với Vietcete-vô

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

Có lẽ trong thời thơ ấu của bất kì ai, cũng có những đêm ngồi với bạn bè, anh chị em cùng kể cho nhau những câu chuyện tâm linh, hay xem những thước phim kinh dị. Những con người ở Vietcetera cũng không phải là ngoại lệ.

Nhân Halloween năm nay, hãy cùng Vietcete-vô khơi gợi lại những “kí ức tươi đẹp” đó của tuổi thơ qua câu hỏi “Những thước phim nào đã để lại ám ảnh cho bạn?” nhé.

Tandoor Web Series

Hiền Lê - Editor mục Cuộc Sống

Cảnh phim: Nữ chính Palak Sharma sau khi bị chồng là Sahil Sharma bắn chết, xác của cô đã bị phi tang trong chiếc lò đứng (tandoor) ở một nhà hàng. Để xác Palak cháy nhanh hơn, Sahil đã phết rất nhiều bơ (loại bơ ghee của Ấn Độ) lên trong lúc thiêu.

Mình xem phim này vì là fan của Rashami Desai (nữ diễn viên vào vai Palak trong phim). Bộ phim này được dựa trên một vụ án có thật ở Ấn Độ năm 1995, vì vậy mình lại càng thêm tò mò. 

Trước khi xảy ra án mạng, Palak và Sahil đã có một câu chuyện tình yêu nồng cháy, thậm chí đã bí mật kết hôn. Vì vậy mà sự man rợ của Sahil khiến mình vừa sốc, vừa thấy ghê rợn. Sau khi bắn chết vợ, Sahil quăng cái bao tải chứa xác Palak vào lò đốt mãi mà không cháy.

Thế là anh ta sai quản lý nhà hàng là Keshav mang hết bơ trong bếp ra đốt với hy vọng thiêu được xác cô trước khi cảnh sát phát hiện.

Câu thoại "Do you have more butter?" của Sahil ám ảnh mình cho đến bây giờ. Giờ thì mình đã hiểu vì sao thời điểm vụ án xảy ra, người dân Delhi không dám ăn những món nướng trong lò tandoor như bánh naan và gà xiên (tandoori chicken) suốt thời gian dài. Chắc cũng phải một thời gian nữa mình mới dám đi ăn lại mấy món này.

Đúc Người (Truyện cổ tích Việt Nam)

Trân Lê - Editor mục Cuộc Sống

Cảnh phim: Sau khi người thợ đúc người mở cái khuôn ra và vợ của bá hộ Lý chỉ còn là một bộ xương.

Mình xem được bộ phim cổ tích Đúc Người trên HTV3 chiếu vào khoảng lúc mình học tiểu học. Cũng như bao đứa trẻ khác, mình coi khá nhiều chuyện cổ tích Việt Nam và cũng bị ám ảnh bởi không ít cảnh phim trong series này. 

Vì lúc đó đang ở nhà một mình, nên hình ảnh một bộ xương bỗng hiện ra trong một cái khuôn đá nó hơi quá đáng sợ cho một đứa bé học cấp 1. Sau một lúc ngẩn ra vì sợ, cuối cùng thì mình vẫn dũng cảm hoàn thành bộ phim. Tối đó nằm ngủ, mình rút sát vào lòng mẹ hơn mọi khi.

Sau đây, mình xin gợi ý vài bộ phim cổ tích Việt Nam khác để các bạn tìm lại được nỗi sợ thời ấu thơ như mình (Người học trò và ba con quỷ, Mụ yêu tinh và bầy trẻ, Mãng Xà Tinh)

Pan's Labyrinth

Trà Nhữ - Họa sĩ minh họa

Cảnh phim: Con quái vật Pale Man thức tỉnh sau khi nhân vật chính Ofelia ăn những món ăn trên bàn. 

Mình coi cảnh này vào khoảng mùa hè năm lớp 11, 12. Lúc đó, ngày nào mình cũng qua chơi nhà đứa bạn và cùng nhau ngồi xem một bộ phim ngẫu nhiên được tìm thấy trên mạng. Một trong những bộ phim in đậm vào trí nhớ của mình nhất là The Pan’s Labyrinth, tất nhiên là vì con quái vật Pale Man.

Lúc đầu xem cảnh này, mình cứ nghĩ đây là một con quái vật mù vì trên mặt của nó không có con mắt nào cả nên cũng chỉ thấy hơi hơi đáng sợ. Sau khi Ofelia ăn trái nho trên bàn, thì cả mình với đứa bạn đều chết đứng khi thấy Pale Man từ từ thức tỉnh và hé lộ hai con mắt trên lòng bàn tay.

Cái tạo hình siêu đáng sợ này, cộng thêm với nỗi lo cho nhân vật Ofelia đã khắc sâu cảnh phim này vào trí nhớ của  mình. Thỉnh thoảng sẽ nổi lên khi mấy đứa bạn cố tình hù mình như hình bên dưới.

undefined
Editor Nghĩa Lê cosplay Pale Man | Nguồn: Nghĩa Lê

Evil Dead 2 (Ma Cây 2)

Minh Anh - Editor mục Tin Tức

Cảnh phim: Nhân vật Ash chiến đấu với chính bàn tay bị ám của mình.

Lúc đầu, người mở phim này lên để xem là mẹ và bạn của mẹ mình. Vì lo lắng cho tâm hồn bé bỏng của mình, nên mẹ đã đuổi mình ra khỏi phòng. Tuy nhiên, với sự tò mò của một đứa trẻ, mình vẫn cố gắng đứng ngoài cửa để len lén coi, một quyết định ám ảnh tuổi thơ.

Một em bé cấp 1 mới lần đầu xem những cảnh quay kinh dị và máu me thì cái cảnh quay này nó thật sự in sâu vào tâm trí của mình. Nhiều lúc nhớ lại còn thấy mất niềm tin vào chính cánh tay của mình (hức).

The Divide

Lê Nghĩa - Editor mục Sáng tạo

Cảnh phim: Một người phụ nữ mất con trở thành món đồ chơi cho hai thanh niên trong căn hầm tối tăm, tù túng.

Khi một trái bom nguyên tử rơi xuống một thành phố tại Mỹ, một nhóm người phải trú ẩn trong tầng hầm căn chung cư họ từng sống. Sau khi đánh mất đứa con vào tay một nhóm người bí ấn từ mặt đất, cô để bản thân trở thành một món đồ tiêu khiển, một nô lệ cho dục vọng của hai thanh niên cũng đang ngày càng suy đồi về đạo đức dưới căn hầm tối.

Mình xem The Divide vào khoảng năm cấp 3 nhờ vào “quảng cáo” của một đứa bạn thân. Tới giờ, nhờ những giới thiệu phim của bạn ấy mà tụi mình mới trở nên thân thiết với nhau đến giờ, 

Cảnh phim ở trên làm mình thấy kinh sợ vì những gì mà người ta có thể làm với người khác, và với chính bản thân, khi họ đánh mất đi nhân tính và lý trí. Khi đó, tất cả những gì còn lại của các nhân vật là nhục dục, nhục nhã và sự đầu hàng.

Hereditary

An Bảo - Editor mục Tin tức, Sáng Tạo

Cảnh phim: Tất cả những cảnh phim có sự xuất hiện của nhân vật Charlie, vì bé có khuôn mặt quá ám ảnh.

Mình đi xem Hereditary ở Art House Saigon với bạn. Lúc xem mấy cảnh có Charlie là mình với đứa bạn thân đi chung tự động siết tay nhau, quay qua nhìn nhau kiểu “tao sợ quá mày ơi…” Lúc xem đến cái cảnh cuối cùng của bé Charlie thì miệng mình phải chửi thề thôi chứ cũng chẳng biết làm gì vì sợ quá.

Thường thì mình không sợ phim kinh dị lắm, nhưng mà tạo hình của Charlie cùng với diễn xuất và biểu cảm của bé lúc đó vẫn khiến mình rợn người khi nhớ lại. Nên mình thấy, nhiều khi phim kinh dị chỉ cần những tạo hình gây ám ảnh là đủ.