Hôn nhân là cột mốc quan trọng trong đời. Ở nơi đó, những thay đổi thầm lặng theo thời gian không chỉ xảy ra với phụ nữ, mà đàn ông cũng không thể né tránh.
Một trong những cuộc chiến dai dẳng nhất mà họ phải chiến đấu là phân chia thời gian dành cho gia đình nhỏ và cho bản thân. Nếu như phụ nữ đối diện với những vết rạn sau sinh, tóc rụng như “lá mùa thu rơi” vì phải thức khuya nhiều chăm con nhỏ, thì ở chiều hướng khác, ngoại hình đàn ông cũng thay đổi, không ồn ào, âm thầm đến mức đôi khi bẵng đi mấy năm họ còn không nhận ra.
Việc đàn ông “xuống sắc” sau hôn nhân đã không còn là câu chuyện mới lạ. Trên mạng xã hội, các bà vợ không ngừng thi nhau chia sẻ hình ảnh/video chồng mình khi yêu và sau khi về chung một nhà… khác nhau một trời một vực, nhận về nhiều sự đồng cảm ở phần comment và biểu cảm sốc của cư dân mạng.
Hiện tượng này phổ biến đến mức người ta có hẳn tên gọi dành riêng cho nó. Những ông bố tầm tuổi 30, từng có (hoặc chưa bao giờ có) cơ thể săn chắc nhưng bắt đầu xuất hiện triệu chứng “bụng bia”, “đầu hói” sẽ được gọi là dad bod – viết tắt của “daddy body”. Dad bod được bình chọn là một trong 6 từ lóng phổ biến nhất trên Internet vào năm 2015 trên tạp chí Vogue.
Nhưng quan trọng là, đàn ông “xuống sắc” có đồng nghĩa với việc xuống phong độ không?
Nửa đùa nửa thật, đâu là đùa mà đâu là thật?
Không biết khái niệm “dùng hao” từ đâu ra, nhưng mặc nhiên người ta cứ vô tư gán ghép câu nói “vợ dùng hao chồng” vào những trường hợp người chồng có sự thay đổi “ngoạn mục” về ngoại hình, theo hướng béo lên, già đi hoặc đầu mất đi vài sợi (hoặc vài nhúm) tóc. Ai cũng hiểu rằng đấy có thể chỉ là câu nói đùa, nhưng lời đùa mang một nửa hàm ý thật “lấy vợ vào là đời tàn phai” lại khiến người trong cuộc đôi khi tổn thương nhiều chút.
Một lý do khác được đưa ra: có gia đình, có vợ rồi thì cần gì làm đẹp? Nhiều người đàn ông chăm chút vẻ ngoài bảnh bao, “chưng diện” sau khi kết hôn bị nghi ngờ “đứng núi này trông núi nọ”, “bé ba, bé tư” đầy rẫy bên ngoài. Sự chỉn chu đáng ra nên là niềm vui thì lại bị quy chụp như một dấu hiệu của phản bội. Tự lúc nào, định kiến đã bao phủ: anh làm chồng, làm cha, đồng nghĩa với việc anh mất đi quyền năng được quan tâm đến ngoại hình của mình.
Hãy nghe người trong cuộc lên tiếng!
Tập 4 của Lên Men khiến tôi nghĩ nhiều đến những điều đàn ông phải “đổi” sau hôn nhân. Cùng với 3 khách mời, 3 ông bố, với những câu chuyện xoay quanh về gia đình, những lý do thật sự nằm đằng sau việc “buông thả” ngoại hình được đàn ông tiết lộ. Rất mạnh mẽ, rất trưởng thành, họ cho rằng, bụng bia, đầu hói thì có sao, khi cảm thấy…
Hạnh phúc vì được “bận rộn”
Hạnh phúc ở đây là hạnh phúc khi được chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Nhiều người đàn ông yêu khoảng thời gian bận rộn – yêu việc đưa con đi học mỗi sáng, yêu cảm giác cùng vợ nấu bữa tối, cùng con làm bài tập và đọc truyện trước giờ đi ngủ. Một chút mỡ bụng “dư dả” của những năm tháng làm chồng, làm cha thì cũng chả là vấn đề.
Có người gọi đó là “happy weight” – “trọng lượng” của hạnh phúc. Anh Huy Green chia sẻ “Ngày trước tôi từng nằm trong nhóm chạy bộ của công ty, từ khi có con thì ít dần, bây giờ thì đã gần như ngừng hẳn. Quá bận, sau một ngày dài làm việc chỉ muốn về nhà, ở nhà cùng vợ, dành thời gian cho con. Có râu cũng được, ăn mặc xuề xòa tí cũng được, miễn con mình sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ là được. Cơ thể thay đổi ngoài ý muốn cũng không sao, vì sự thay đổi đó là dấu vết của trách nhiệm và một tình yêu vô điều kiện.”

May mắn vì được ăn ngon
Viện Nghiên cứu Tim mạch Quốc gia Warsaw (Ba Lan) mới đây (2025) cho biết, nam giới đã kết hôn có nguy cơ béo phì cao hơn 3,2 lần so với nam giới độc thân. Lý do là gì?
“Được chăm từng miếng ăn, giấc ngủ” chính xác là cảm giác của một số đàn ông sau khi lấy vợ. Nếu như trước đây bữa sáng là ly cà phê vội, bữa tối là mì gói lót dạ, thì nay cơm canh đủ món đã thành thói quen. Chính trong sự chăm sóc tận tình đó, họ “tròn trịa” dần lên lúc nào chẳng hay. “Tròn trịa” không chỉ vì những món ăn ngon, mà còn vì tình thân, tình yêu của những người vun đắp.
Khách mời Văn Trần đùa vui rằng, “Tôi béo lên còn là vì… phải ăn thức ăn thừa của con (cười)”. Câu nói khiến người xem phải chợt bật cười, nhưng cũng dấy lên nhiều suy nghĩ. Đàn ông, họ chấp nhận có thể kém hấp dẫn trong mắt xã hội, nhưng lại sâu sắc hơn trong mắt gia đình.
Nhưng…
Cả ba khách mời đều đồng ý ở một điểm: dù cuộc sống sau kết hôn khiến họ không còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân như trước, họ vẫn cần chăm chút ngoại hình, vì sức khỏe. Sức khỏe là câu chuyện của mỗi người, kể cả phái nam lẫn nữ.
Ở thời điểm đã Lên Men, họ không còn đủ hứng thú để theo đuổi những phong cách thời thượng, chạy theo mốt của David Beckham, Ronaldo hay các trào lưu idol K-pop như ngày còn 19, 20. Nhưng để giữ gìn sức khỏe và làm gương cho con về một lối sống lành mạnh, họ tin rằng mình vẫn nên vận động đều đặn: chơi thể thao cuối tuần, chạy bộ, bơi lội, cân bằng công việc và đời sống.

Bởi lẽ, người đàn ông hấp dẫn nhất, không phải là người trẻ mãi không già, mà là người biết trưởng thành cùng trách nhiệm, nhưng vẫn giữ lại được sự chỉn chu. Không để làm hài lòng người khác, mà để không bỏ quên chính mình.
Xem tập 4, tập cuối của chương trình Lên Men SS1: Chuyện ngoại hình đàn ông trên kênh Vietcetera Podcast, YouTube, Spotify và Apple Podcast.