Đi để thật thà. Trekking hay Hiking? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Well-nessĐi để thật thà. Trekking hay Hiking?

Tôi biết, khi đi bộ giữa thiên nhiên là lúc con người dễ thành thật nhất với chính mình.

Đi để thật thà. Trekking hay Hiking?

Đi giữa cây lá, đất trời, ta thành thật hơn với chính mình. | Nguồn: Trân Đỗ

Tôi là một đứa mê rừng, thích đi.

Không phải kiểu thích để chụp vài tấm ảnh, hay để kể lại với ai đó rằng mình vừa “xê dịch”. Mà là kiểu thích âm thầm, vừa chạm đất rừng đã thấy tim lắng xuống, tai mở ra và tâm trí thôi rối bời.

Tôi thích cái mùi ngai ngái của lá mục, tiếng nước róc rách giữa những tảng đá rêu phong, cả tiếng gió lùa qua tán cây cũng nghe như lời thì thầm của một ai đó xưa cũ. Rừng không bao giờ hỏi tôi là ai, đến từ đâu, đã từng thành công hay thất bại. Rừng chỉ ở đó - trầm mặc và rộng lượng.

Và tôi cứ đi, như thể mỗi bước chân trên lối mòn là một cách để trở về với mình, để nhớ rằng mình vẫn còn sống, vẫn còn cảm được những điều nhỏ bé nhưng thật đến tận chân tóc.

Dần dà, đi nhiều đến nỗi tôi có thêm một “nghề tay trái”: trở thành người dẫn đường, đồng hành cùng các bạn có chung sở thích hiking hoặc trekking giống mình. Đó thường là những chuyến đi vào cuối tuần - khi thành phố bắt đầu ngột ngạt, còn rừng thì vẫn rộng mở như mọi khi.

Chúng tôi lang thang theo những lối mòn xuyên rừng, có khi là một triền dốc dài chạm mây hoặc cũng có khi chỉ là con đường nhỏ vắng người ở vùng ven—nơi chỉ cần rời khỏi phố xá một chút là đã không còn nghe thấy tiếng còi xe, nơi chỉ có gió và nhịp tim rộn ràng hòa cùng hơi thở của chính mình.

“Nhưng trekking và hiking thì khác nhau chỗ nào?”

Có lần, một bạn trong nhóm đã hỏi tôi như vậy. Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng lại là điều mà nhiều người mới thường hay nhầm lẫn.

Cả trekking và hiking đều là những hoạt động đi bộ ngoài trời, nhưng khác nhau ở nhiều khía cạnh—từ địa hình, thời gian cho đến mục đích và mức độ chuẩn bị.

alt
Nhẹ nhõm. | Nguồn: Trân Đỗ

Hiking là đi bộ đường dài trên những cung đường rõ ràng, dễ đi, ít dốc, không quá gập ghềnh hay thay đổi độ cao. Độ khó thường ở mức nhẹ đến trung bình, thời gian diễn ra ngắn—có thể chỉ trong vài giờ hoặc một ngày. Vì thế, chuẩn bị cho một chuyến hiking khá đơn giản: một đôi giày thoải mái, ít nước, chút đồ ăn nhẹ. Hiking phù hợp với những ai muốn thư giãn, rèn luyện sức khỏe, hoặc đơn giản là đi dạo trong thiên nhiên để ngắm cảnh.

Trekking, ngược lại, là một hành trình đi bộ dài ngày với địa hình phức tạp hơn: có thể băng rừng, lội suối, leo dốc, vượt ghềnh. Mức độ thử thách từ trung bình đến cao, đòi hỏi sức bền và sự chuẩn bị kỹ càng. Người đi trekking thường mang theo ba lô lớn cùng các vật dụng sinh tồn: lều trại, đèn pin, áo ấm, thuốc men... Mục tiêu của trekking không chỉ là đi, mà còn là thử thách bản thân, sống cùng thiên nhiên và bước ra khỏi vùng an toàn quen thuộc.

Nhưng sau tất cả, ngoài những điều khó gọi tên như cảm giác được sống thật với chính mình, Hiking hay Trekking đều mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho cả sức khỏe tinh thần lẫn sinh học.

Về mặt thể chất, đi bộ đường dài giúp tăng sức bền, cải thiện hệ tim mạch, hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch. Cơ thể được vận động nhịp nhàng giữa không gian trong lành, giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn. Một số nghiên cứu còn cho thấy, việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường tự nhiên như rừng cây có thể làm giảm nồng độ cortisol trong máu—loại hormone gây căng thẳng tích tụ khi ta sống quá lâu trong đô thị.

Còn với tinh thần, rừng là liều thuốc dịu dàng mà mạnh mẽ. Chỉ cần đi bộ dưới tán cây trong khoảng 15–20 phút mỗi ngày cũng đủ giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, tăng khả năng tập trung. Ở Nhật, người ta gọi đó là shinrin-yoku—tắm rừng—như một liệu pháp để chữa lành bằng sự hiện diện trọn vẹn giữa thiên nhiên. Khi ta bước đi giữa rừng, mắt dừng lại ở màu xanh, mũi ngửi được mùi hơi nước của độ ẩm, tai lắng nghe những chuyển động của gió qua tán cây rì rào… tất cả giác quan gần như được đánh thức và não bộ được “thiết lập lại” một cách tự nhiên, không cần đến công nghệ.

Nhưng riêng với tôi thì vẫn là, trong mỗi chuyến đi, tôi được gặp những con người khác nhau. Không ai giống ai. Điều làm tôi nhớ nhất, không phải là ngọn núi nào cao bao nhiêu, hay cung đường đó khó hay dễ. Mà đa phần là những lý do khiến mọi người xuất hiện vào sáng sớm hôm đó—khi thành phố vẫn còn say giấc, còn chúng tôi đã cùng nhau lên xe, bỏ lại phía sau cả một đô thị chật chội người và bê-tông chen chúc.

Có người đi vì “quá stress”. Một tuần làm việc dồn dập đến mức không còn nhớ lần cuối mình nhìn thấy hoàng hôn là khi nào. Họ chỉ muốn lên rừng để “ngắt kết nối”, để ngồi im, và nghe cây cối thở.

Có người thì kiểu: “Em là lần đầu đi luôn đó!”. Tôi nghe xong liền liếc xuống đôi giày các bạn đang mang. Đúng thật—chẳng ai đi leo núi mà lại chọn giày bata, không có lấy một mảnh gai bám dưới đế.

Có người lại muốn thử “sống như hồi xưa” - cái thời loài người chưa có điện, không wifi, không điều hòa, không có thứ gì dễ dãi đến mức khiến ta quên mất cảm giác khó khăn là như thế nào. Những đêm lạnh co ro trong túi ngủ và chiếc lều mỏng, những cơn mưa bất chợt và đôi khi, chỉ một nắm cơm dính tro cũng đủ để người ta hiểu: thiên nhiên không phải để tiêu dùng, mà là để học lại cách tồn tại.

Rồi một vài bạn khác còn tâm sự: “Em đi chỉ đơn giản là để… cai nghiện game! Thật đấy! Chơi game ‘một mạng’ kiểu này vui hơn nhiều chị ơi!”. Tôi nghe mà không biết nên cười, hay nên mắng cho tụi nó một trận vì cái trò đùa nhăn nhở đó. Nhưng nghĩ lại, đa phần các bạn đều còn rất trẻ—có bạn nhỏ hơn tôi gần một con giáp!

alt
Trong mỗi chuyến đi, tôi được gặp những con người khác nhau. Không ai giống ai. | Nguồn: Trân Đỗ

Và cũng có những người… chẳng vì lý do gì cả.

Họ chỉ muốn đi. Như bản năng. Bởi đôi chân không chịu ở yên khi mặt trời lên.

Và tôi còn biết, khi đi bộ giữa thiên nhiên là lúc con người dễ thành thật nhất với chính mình.