Mùa hè không hẳn là mùa hè chỉ vì cái nóng oi ả, màu hoa phượng đỏ, các lễ bế giảng và các kỳ thi. Chỉ khi bài kiểm tra sau cùng kết thúc, trang giấy cuối cùng được nộp lại, thì mùa hè dường như mới thực sự là chính nó, vẫn trong cái nóng thiêu đốt ấy, vẫn sắc đỏ tươi của phượng vĩ. Chính vào lúc này mùa hè trọn vẹn hơn vì một cảm giác lơ lửng tự do, rơi khỏi lồng ngực.
Cũng như thế, sách đọc mùa hè đâu phải vì nó tình cờ lấy bối cảnh vào tháng 6, hay có vài trang viết về tiếng ve. Nhiều khi, đó chỉ đơn giản là cuốn sách khiến bạn muốn đọc chậm lại, muốn trốn dưới bóng râm, mở từng trang khi nắng vẫn cao trên đầu và bầu trời thì quá xanh để vội vã. Đó là những cuốn sách có chất "mùa hè", không vì cốt truyện, mà chỉ vì cảm giác khi đọc, vì độ dài vừa đủ để đọc rồi ta lại chạy đi chơi bởi không thì mùa hè sẽ trôi mất.
Nói đến sách đọc mùa hè ở Việt Nam, chúng ta thường nghĩ ngay đến Nguyễn Nhật Ánh. Vì những kỳ nghỉ như những chuyến phiêu lưu của Hạnh - Quý - Long trong Kính Vạn Hoa, vì những câu chuyện được đặt ở nơi xa khỏi lớp học hay văn phòng phố thị, với những cảm xúc trải dài miên man như trong Đi Qua Hoa Cúc. Đọc Nguyễn Nhật Ánh là đọc về một mùa hè quen thuộc, ở bên kia cửa sổ, của tuổi thơ và tiếng ve.
Nhưng nếu bạn muốn tìm đến những chân trời mùa hạ xa hơn một chút, bắt trọn cảm xúc mùa hè dần trôi qua, thì hãy cùng tôi lật giở 4 quyển sách sau.
Thân gửi mùa Hạ – Tove Jansson
Nếu bạn từng biết đến thế giới thơ ngây Moomin, loài sinh vật nhỏ mũm mĩm sống giữa rừng xanh, thì hẳn bạn sẽ không bất ngờ khi Tove Jansson cũng là người viết nên một mùa hè đẹp và thoáng chút buồn trong Thân gửi mùa Hạ.
Mùa hè trong cuốn sách của Tove diễn ra ở bên kia bán cầu, trên một hòn đảo nhỏ giữa vịnh Phần Lan. Ở đó, cô bé Sophia cùng bà nội sống qua những ngày trời sáng mãi, với người cha trầm lặng luôn hiện diện như một bóng hình chăm chỉ và điềm tĩnh. Không có cốt truyện dồn dập. Chỉ có những mẩu chuyện nhỏ, vài lần hai bà cháu khám phá thiên nhiên, những câu hỏi về cái chết và sự sống, những khoảnh khắc tưởng chừng lặng lẽ nhưng lại ngân dài như vết nắng trên mặt biển.
Thân gửi mùa Hạ khiến người đọc nhớ về tuổi thơ, không phải tuổi thơ rộn rã, mà là tuổi thơ bình yên, có chút bất an, có nhiều day dứt. Đó là những ngày mùa hè đang lặng lẽ trôi đi, những cơn bão ập đến bất ngờ và cả nỗi buồn lặng lẽ về sự thiếu vắng bóng dáng người mẹ mà không ai nói ra.

Nhưng điều đọng lại sau cùng, lại không chỉ mỗi nỗi buồn. Ở mùa hè đó còn có tình yêu thầm lặng của người bà dành cho Sophia, là bóng dáng người cha cần mẫn, là tình thân giản dị được đặt giữa thiên nhiên hoang sơ, nơi mùa hè không cần được gọi tên, vẫn đủ đầy và nguyên vẹn.
Mùa hè ấy, tuy ở bên kia bán cầu, lại vô cùng gần gũi với bất kỳ ai từng sống những ngày nghỉ bên bà, từng tự hỏi vì sao người lớn hay im lặng, từng sợ mùa hè sẽ hết lúc nào không hay. Thân gửi mùa Hạ khi lật đến trang cuối cùng của quyển sách, bạn có cho mình một cảm xúc tựa như nỗi nhớ, dai dẳng và bền lâu như con sóng nhỏ vỗ vào bờ đá của đảo nhỏ Phần Lan.
Đến ngọn hải đăng – Virginia Woolf
Ba góc nhìn tại một ngôi nhà nghỉ mùa hè ven biển Scotland, nơi gia đình Ramsay và những người bạn nghệ sĩ tụ hội với hy vọng, rồi chia ly. Thời điểm Virginia Woolf sáng tác Đến ngọn hải đăng, bà không kể chuyện theo phong cách truyền thống. Hạn chế thoại nhân vật và không nhiều phần mô tả hành động, Virginia Woolf để ý nghĩ của từng nhân vật tuôn chảy, chồng lấp va vào nhau như sóng biển lúc gần lúc xa.
Tương tự như Thân gửi mùa Hạ, mùa hè trong Đến ngọn hải đăng cũng là về sự mất mát, của sự khác biệt trong mùa hè quá khứ và hiện tại. Phần truyện “Thời gian qua” là một trong những đoạn văn buồn và đẹp nhất từng được viết về thời gian, được thể hiện qua sự biến đổi của căn nhà nghỉ mùa hè. Không còn nhân vật, chỉ còn không gian dần phủ bụi, ánh trăng, tiếng gió, chiến tranh đến và đi, người sống rồi mất. Thời gian không “trôi qua”, nó xâm chiếm, cuốn phăng, lặng lẽ đục khoét từng thứ một.

Đọc Đến ngọn hải đăng là trải nghiệm cả sự xao động, nhộn nhịp, bận rộn vốn có của kỳ nghỉ hè và sự trống rỗng sâu thẳm mà kỳ nghỉ đó để lại khi ta không còn đặc quyền trải qua nó.
Người tình – Marguerite Duras
Câu chuyện nổi tiếng của Người tình bắt đầu bằng một thoáng gợi nhớ về chuyến phà qua sông Tiền của một thiếu nữ mười lăm tuổi rưỡi. Khi hồi ức chạm đến mùa “nóng bức, đơn điệu”, Marguerite Duras mở ra một vùng trời ký ức xa xưa: một mối tình lặng thầm giữa cô gái Pháp chưa thành niên và một người đàn ông Việt gốc Hoa giàu có.
Marguerite Duras viết Người tình như đang độc thoại với chính mình. Giọng kể là một dòng hồi tưởng rời rạc, đứt gãy, mê man. Không gọi tên cảm xúc, không phán xét, không giải thích, chỉ có những hình ảnh ám ảnh mãi sau khi sách đã gấp lại.
Quả thật Người tình là một lựa chọn lạ cho mùa hè, lạ như chính Việt Nam trong ký ức của Marguerite Duras. Cả tác phẩm là một vùng ký ức xa xôi, nửa thực nửa mơ, nơi tình yêu cấm đoán diễn ra giữa cái nóng đặc quánh của xứ nhiệt đới. Một tình yêu vừa rực cháy vừa lạnh lùng, để lại trong người đọc cảm giác bỏng rát trên da như ánh nắng gắt vào buổi trưa không gió.
Khác với Thân gửi mùa Hạ hay Đến ngọn hải đăng, nơi mùa hè là bối cảnh xuyên suốt và được gọi tên, Người tình chỉ nhắc đến mùa hè ở vài trang đầu như một cánh cửa mở ra hồi ức. Thế nhưng, cái nóng xứ nhiệt đới, cái nóng của một ký ức xa xăm nhưng chưa bao giờ nguội tắt, vẫn thấm đẫm trong từng trang viết.

Có lẽ vì thế mà Người tình vẫn là một cuốn sách mùa hè, theo một cách riêng. Không phải vì thời tiết, mà vì thứ ánh nắng luôn âm ỉ trong ký ức, không đổi mùa, không có hồi sinh. Và giữa cái nóng đó, luôn hiện lên hình ảnh thiếu nữ đội mũ phớt trắng vừa để tránh nắng, vừa để tỏ ra mình đã lớn. Một hình ảnh vừa nữ tính lại cũng rất mùa hè.
Người tình không quá dày, lại có nhiều khoảng lặng. Một cuốn sách dễ mang theo bên mình, trong một chuyến đi xa, cho buổi trưa không việc gì gấp, hoặc đơn giản là một ngày dài khi bạn muốn chậm lại một nhịp.
Căn phòng của Giovanni – James Baldwin
Nước Pháp. Một căn phòng nhỏ. David, một người Mỹ, và mối quan hệ với Giovanni, giữa Paris mờ khói và nỗi cô đơn bủa vây.
Mùa hè không là bối cảnh và thật ra cũng chưa từng được nhắc đến trong quyển sách. Nhưng kỳ lạ thay nhiều danh sách liệt kê sách đọc mùa hè đều có Căn phòng của Giovanni. Trang LitHub xếp quyển sách vào danh sách “50 Tiểu thuyết mùa hè vĩ đại nhất”, còn Condé Nast Traveler đề tên nó vào tuyển tập “10 Quyển sách nên đọc trong mùa hè”.
Chỉ khoảng 170 trang tiếng Anh hay 280 trang tiếng Việt, cuốn sách có độ dài vừa đủ để mang theo khi đi nghỉ mát và đọc hết trong một chiều nhiều gió. Nhưng không chỉ vì sự gọn gàng của quyền sách khiến nó hợp với mùa hè, mà còn là cách nó làm người đọc dừng lại, rồi ngoảnh nhìn vào chính mình. Căn phòng của Giovanni là một lời bộc bạch thật dài của David, khi nhân vật vừa kể, vừa phân trần, vừa xé toạc chính mình thì độc giả cũng đã dễ dàng lật tới trang cuối.

Câu chuyện đơn giản, giọng văn tự sự, Căn phòng của Giovanni là những cảm xúc nội tâm miên man như tựa như mùa hè có ngày dài hơn đêm, nơi thời gian hờ hững và không gian mơ hồ.