Burnout không chỉ diễn ra trong công việc. Trong tình yêu, trong các mối quan hệ thân thiết, trong một cuộc hôn nhân hay giữa những người bạn thân lâu năm, burnout cũng có thể âm thầm xảy đến.
Có những mối quan hệ nhìn từ bên ngoài vẫn ổn, không một tiếng cãi nhau, không ai làm sai, vẫn gọi nhau bằng những ngôn từ chứa đầy yêu thương, vẫn hỏi nhau về những hoạt động trong ngày, nhưng bên trong, cả hai đã thực sự ngừng lắng nghe nhau. Họ yêu nhau theo quán tính. Họ quan tâm nhau như một thói quen cần phải làm mà không còn nhiều cảm xúc.
Đã từng yêu nhau đến vậy, sao giờ lại thấy không còn gì để nói?
Burnout trong một mối quan hệ xảy ra khi bạn liên tục cho đi cảm xúc, gồng gánh vai trò. Khi bạn luôn là người bắt chuyện trước, nghĩ xem cuối tuần nên đi đâu, ăn gì vào dịp kỷ niệm, hay làm sao để cả hai có thêm những khoảnh khắc đáng nhớ. Nhưng rồi mọi cố gắng chỉ nhận lại những hồi đáp hời hợt, thiếu nhiệt thành, không như bạn từng kỳ vọng.
Sự kiệt quệ ấy diễn ra sẽ không bùng nổ như cãi vã, không ồn ào, không có sự gay gắt, sự giằng co, chỉ là cảm giác cạn kiệt dần, khi bạn vẫn yêu nhưng không còn đủ sức để thể hiện. Khi bạn vẫn quan tâm nhưng chẳng còn năng lượng để nói ra. Khi bạn nằm cạnh người kia mà thấy như hai vùng không khí khác biệt.
Thuật ngữ này trong tâm lý học được gọi là “emotional exhaustion” - mô tả trạng thái mệt mỏi về mặt cảm xúc, không còn năng lượng để duy trì hoặc xây dựng kết nối. Khi stress cảm xúc diễn ra liên tục, não tiết cortisol quá mức, làm suy giảm vùng hippocampus (quản lý cảm xúc & trí nhớ), khiến bạn dễ trở nên quên lãng, cáu gắt, hoặc… dửng dưng.
Ba nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng burnout trong mối quan hệ
1. Kiệt sức vì đồng cảm (Compassion Fatigue)
Mô tả cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ của người luôn phải đồng cảm và chăm sóc người khác. Thường bắt gặp ở những người làm trong lĩnh vực y tế (bác sĩ, điều dưỡng, therapist), họ sẽ có biểu hiện trơ lì cảm xúc khi phải tiếp xúc với quá nhiều người bệnh với cường độ cao. Và điều này cũng sẽ xuất hiện trong tình yêu, đặc biệt với ai luôn là người hiểu, nhường, dỗ, hoặc xử lý cảm xúc thay người kia. Khi bạn liên tục ở trạng thái phải lắng nghe, thấu cảm và giải quyết xung đột, hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system) hoạt động quá tải, dẫn đến cảm giác kiệt sức, mất hứng thú, thậm chí... lạnh nhạt.

2. Bất lực do học được (Learned Helplessness)
Tâm lý khi con người cảm thấy mọi cố gắng của mình đều không tạo ra thay đổi, dẫn đến việc ngừng cố gắng và chấp nhận mỏi mệt như một chân lý. Trong tình yêu khi bạn nói mãi nhưng không ai lắng nghe, cố gắng mãi mà không có hồi đáp, tâm trí sẽ rút lui để bảo vệ bạn.
3. Tê liệt cảm xúc (Emotional Numbing)
Một cơ chế tự vệ khi não không thể xử lý thêm tổn thương. Bạn không còn vui, buồn, giận hay rung động chỉ muốn yên. Khoa học: Cơ thể tiết ra opioid nội sinh để "gây tê" cảm xúc tương tự khi bạn sốc tâm lý. Đây là phản ứng phòng vệ nhưng nếu kéo dài, sẽ khiến bạn mất khả năng kết nối thật sự với chính mình và người khác.
Những người thường xuyên phải kìm nén cảm xúc tiêu cực để không làm tổn thương người khác dễ rơi vào trạng thái kiệt sức cảm xúc hơn, một cơ chế được gọi là emotional suppression. Khi phải "tỏ ra ổn" trong thời gian dài, ta dễ gặp phải sự mệt mỏi tinh thần kéo dài, hoặc burnout.
Không ít người tưởng rằng họ đang “trưởng thành” khi giữ im lặng để tránh cãi vã. Nhưng im lặng kéo dài, không phải là bình yên. Đó có thể là dấu hiệu bạn đang co lại, để không phải đối mặt với việc mình đang dần tắt đi trong mối quan hệ.
Có phải yêu thương nhiều quá thì dễ kiệt sức?
Không phải vì ta yêu quá nhiều. Mà vì tình yêu đó không được chăm sóc bằng sự cân bằng. Tình yêu không có nghĩa là luôn luôn nhường nhịn. Không có nghĩa là lúc nào cũng phải vui vẻ, dễ chịu, và sẵn sàng cho đi.
Một trong những nguyên nhân khiến burnout trong tình yêu dễ bị bỏ qua là vì xã hội thường gắn tình yêu với sự hy sinh. Người càng chịu đựng giỏi lại càng được khen là "chín chắn", là "vì người kia mà cố gắng". Nhưng nếu tình yêu là nơi ta luôn phải chứng minh bản thân bằng sự kiên nhẫn thì sớm muộn gì nó cũng trở thành gánh nặng.
Thực tế, một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai được là chính mình mà không sợ bị phán xét. Khi mâu thuẫn có thể diễn ra trong an toàn. Khi người kia không chỉ là một đối tượng để ta thể hiện lòng tốt, mà còn là một người ta có thể tựa vào khi yếu lòng.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang kiệt sức trong mối quan hệ
- Bạn không còn háo hức chia sẻ những chuyện trong ngày.
- Bạn cảm thấy mình phải cố gắng tỏ ra dễ chịu, dù bên trong thì không ổn.
- Bạn luôn cảm thấy bị công kích, và phản ứng bằng cách biện minh, trách móc hoặc nhắc lại lỗi cũ.
- Mỗi lần có xung đột nhỏ, bạn cảm thấy như thể không thể tiếp tục được nữa.
- Bạn có những suy nghĩ kiểu như: “Giá mà họ cũng hiểu mình như mình hiểu họ”, nhưng không còn động lực để nói ra.
- Cả hai dần im lặng, không phải vì hết chuyện, mà vì không còn muốn chia sẻ nữa.

Phải làm gì khi thấy bản thân đang kiệt sức trong một mối quan hệ
Chấp nhận rằng burnout trong tình cảm là có thật. Không phải ai cũng sẵn sàng thừa nhận mình không còn năng lượng để yêu. Nhưng sự dũng cảm đầu tiên chính là gọi tên cảm xúc của mình.
Và đây là lúc bạn phải tự hỏi: mình có thể xin nghỉ phép khỏi tình yêu này được không?
Trước tiên, bạn sẽ cần phải bước qua những bước sau:
1. Đặt lại ranh giới
Burnout phần lớn đến từ việc chúng ta liên tục vượt qua ranh giới của bản thân. Hãy xác định rõ điều gì khiến bạn mệt mỏi, và điều gì bạn thật sự cần trong một mối quan hệ. Hãy trò chuyện khi bạn đã xác định rõ cảm xúc của mình, và sẵn sàng lắng nghe phản hồi. Có thể người kia không cố làm bạn tổn thương. Chỉ là họ chưa đủ tinh tế để nhận ra bạn đã âm thầm gồng gánh quá lâu.
2. Xin nghỉ phép!
Giống như cơ thể cần nghỉ sau một cuộc chạy dài, tâm trí cũng cần khoảng lặng để hồi phục. Có thể bạn cần một ngày không nhắn tin, một cuối tuần không gặp nhau, hoặc một khoảng cách đủ để bạn xem lại lý do mình vẫn còn ở lại.
3. Hoặc thậm chí là kết thúc
Không phải mối quan hệ nào cũng cần tiếp tục. Không phải kết thúc nào cũng là thất bại. Có những mối quan hệ cần một lần điều chỉnh để đổi hướng. Và cũng có những mối quan hệ mà sự nghỉ phép vĩnh viễn chính là cách hồi phục tốt nhất.
Chẳng phải yêu nhau thì chỉ cần tình yêu thôi là đủ?
Tình yêu không đủ nếu thiếu tôn trọng, thiếu an toàn, thiếu không gian cho mỗi người được là chính mình. Khi ta cảm thấy phải liên tục làm hài lòng, phải luôn ổn, phải gồng lên để giữ lấy người kia, tình yêu dần trở thành một cuộc chạy marathon không điểm dừng.
Trong mối quan hệ, ta không thể lúc nào cũng mạnh mẽ. Có những lúc, chính việc chấp nhận yếu đuối, thừa nhận giới hạn và nói ra sự mệt mỏi mới giúp cả hai đến gần nhau hơn.

Có thể yêu lại một lần nữa sau burnout không?
Có. Nhưng không phải bằng cách quay lại như cũ. Mà bằng cách bắt đầu với những thỏa thuận mới, những giới hạn rõ ràng hơn và một sự chủ động lắng nghe lẫn nhau.
Burnout là lời cảnh báo, không phải hồi kết. Điều này cho thấy rằng ta đã đi quá xa so với năng lực hiện tại của mình. Và nếu biết dừng lại, nghỉ ngơi và điều chỉnh, ta hoàn toàn có thể bước tiếp với chính người đó, hoặc một mình, hoặc với người mới, nhưng là phiên bản tỉnh táo hơn.
Bạn đang cố gắng vì tình yêu, hay chỉ đang cố gắng để không trở thành người bỏ cuộc trước?