Giá dầu thế giới xuống mức âm, nhưng tại sao xăng Việt Nam chỉ giảm một nửa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 05, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Giá dầu thế giới xuống mức âm, nhưng tại sao xăng Việt Nam chỉ giảm một nửa?

Giá xăng Việt Năm liên hệ như thế nào với giá dầu thế giới? Tại sao khi giá dầu âm, giá xăng của nước ta vẫn chỉ giảm một nửa?

Giá dầu thế giới xuống mức âm, nhưng tại sao xăng Việt Nam chỉ giảm một nửa?

*Nội dung bên dưới sẽ thường xuyên được cập nhật theo các diễn biến mới nhất.

Diễn biến giá xăng dầu theo dòng COVID-19

15h00, 13/5: Giá xăng trong nước lần đầu được điều chỉnh tăng sau 8 lần điều chỉnh giảm.
5/5: Giá dầu thô thế giới tăng khi một số quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa từ đầu tháng 5.
21/4: Giá dầu thô thế giới bật tăng trở lại sau đợt giảm kỷ lục.
20/4: Giá dầu thô thế giới lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm.
29/3: Giá xăng trong nước giảm mạnh theo xu hướng của giá dầu thô thế giới.
18/3: Giá dầu thô thế giới giảm hơn một nửa so với cuối tháng 1.

Giá xăng dầu thay đổi thế nào mùa COVID-19?

Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, giá xăng dầu đã liên tục lao dốc.

Trên thế giới, giá dầu thô rơi từ mức 52.14 USD/thùng (30/1) xuống mức thấp kỷ lục -37.63 USD/ thùng (20/04), trước khi bật tăng trở lại lên mức 10.01 USD/thùng vào ngày hôm sau.

giá dầu thô sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px

Tại Việt Nam, giá xăng cũng liên tục giảm theo xu hướng chung của giá dầu thế giới. Xăng E5 RON92 rơi từ mốc 19.640 đồng/lít (30/1), xuống còn 11.150 đồng/lít (28/4).

giá xăng sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px

*Hiện 2 nguồn dầu thô chính để Việt Nam sản xuất thành xăng đến từ: nhập khẩu và khai thác trong nước. Vậy nên khi nước ta bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu thô trong 2 năm qua, giá xăng dầu Việt Nam cũng “nhạy cảm” hơn với giá dầu thô thế giới.

COVID-19 làm điều đó như thế nào?

Đại dịch hoành hành dẫn đến lệnh hạn chế di chuyển được ban hành khắp nơi và sản xuất đình trệ. Từ đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu và sản xuất (các sản phẩm từ dầu) trên toàn thế giới sụt giảm. 9,3 triệu thùng dầu là số lượng sụt giảm mỗi ngày theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Trong khi đó, sản lượng xăng dầu đã được sản xuất không được tiêu thụ hết. Sự chênh lệch cung cầu này khiến cho giá dầu và xăng giảm mạnh.

Trước tình hình đó, thay vì giảm sản xuất để giảm bớt chênh lệch cung cầu, Nga và Saudi Arabia lại lao vào cuộc chiến tăng cường sản xuất dầu, khiến giá dầu thế giới càng thêm lao dốc.

Các cột mốc nổi bật

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia

Vào ngày 5/3, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã họp bàn tại Vienna (Áo) để tìm cách kiểm soát giá dầu.

Tại cuộc họp, Saudi Arabia đề nghị cắt giảm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong đó sản lượng cắt giảm của Nga là lớn nhất (500,000 thùng/ngày).

Tuy nhiên, phía Nga lại không đồng ý, dẫn đến việc Saudi Arabia thay đổi cách tiếp cận từ “hợp tác” sang “cạnh tranh”. Họ quyết định tăng sản xuất để giảm giá dầu, nhằm tranh giành thị phần còn sót lại ở châu Á.

Điều này làm khơi mào cuộc chiến giá dầu.

Với việc Saudi Arabia và Nga là 2 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (chiếm tổng cộng khoảng 28% sản lượng xuất khẩu toàn cầu), cuộc chiến càng làm cho giá dầu thế giới giảm sâu.

Giá dầu thô xuống dưới mức âm

Ngày 20/4/2020 đánh dấu cột mốc lịch sử: giá dầu thô WTI (tiểu chuẩn dầu của thị trường Mỹ) rơi tự do xuống mức kỷ lục: -37.63 USD/thùng.

Tuy nhiên, đây không phải mức giá thực giao dịch mà là giá hợp đồng sẽ giao trong tháng 5, giữa các nhà đầu tư dầu thô (bên bán) và các nhà sản xuất xăng dầu (bên mua).

Bên bán nhận thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu sắp tới sẽ còn ảm đạm nên tìm cách bán tháo hàng loạt.

Trong khi đó, bên mua đã hết kho trữ và sẽ phải tìm thêm chỗ chứa cho lượng hàng sắp giao tới trong tháng sau. Chi phí cho việc này quá cao nên họ cũng không muốn giữ lại một hợp đồng sắp đáo hạn.

Dẫn đến hệ quả: ngày 20/4 – cũng là ngày đáo hạn hợp đồng – dầu thô WTI đã giảm giá không phanh xuống mức âm.

Giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng gì tới chúng ta?

  • Người tiêu dùng được hưởng lợi khi giá xăng dầu trong nước đã giảm gần một nửa từ đầu năm đến nay.
  • Các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nguyên liệu dầu (điển hình là ngành nhựa) bớt được một phần gánh nặng chi phí.
  • Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường nhập khẩu và tích trữ dầu thô.
  • Tuy nhiên, các công ty kinh doanh, sản xuất xăng dầu thì chịu ảnh hưởng tiêu cực: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thua lỗ ròng 423 tỉ đồng ngay trong quý I/2020; Petrolimex ước tính lỗ 572 tỉ đồng từ tồn kho.

Tại sao giá dầu thế giới xuống mức âm mà giá xăng chúng ta chỉ giảm một nửa?

Thị trường nhập khẩu dầu chủ yếu của Việt Nam là Singapore, Hàn Quốc và Malaysia và loại dầu chúng ta nhập về là dầu Brent (tiêu chuẩn dầu của thị trường châu Âu). Vì thế, diễn biến giá dầu thô WTI của thị trường Mỹ không tác động trực tiếp đến chúng ta.

Giá xăng dầu ở Việt Nam không được điều chỉnh theo thị trường, mà theo chu kỳ 15 ngày và có sự trợ giá từ Quỹ bình ổn xăng dầu. Vậy nên, giá trong nước giảm ít hơn và không theo nhịp điệu của thế giới.

*Quỹ bình ổn giúp bảo vệ lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn bên sản xuất xăng dầu. Quỹ này đang chiếm 66% giá bán lẻ xăng E5 và 72% giá bán lẻ xăng RON95. Nếu không có quỹ này, giá xăng có thể chỉ còn 7 – 8.000 đồng/lít.

Tương lai sẽ thế nào?

Theo dự báo, trong thời gian tới thị trường dầu mỏ sẽ còn ảm đạm, nhưng sẽ không giảm sốc như vừa qua do Nga và Saudi Arabia đã giảm dần lượng dầu sản xuất. Ngoài ra, nhiều nước khác trên thế giới cũng đồng lòng giảm sản xuất để khôi phục giá dầu.

Theo đà tích cực của thế giới, Việt Nam đã điều chỉnh lần tăng giá xăng đầu tiên (vào 13/5), sau 8 lần điều chỉnh giảm từ khi COVID-19 bùng phát.

Từ 15h chiều nay (13/5), giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 578 đồng/lít lên 11.520 đồng/lít.

Posted by Trung tâm Tin tức VTV24 on Wednesday, 13 May 2020

Trong suốt mùa COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì việc điều chỉnh giá xăng theo chù kỳ 15 ngày. Vì thế chúng ta có thể kỳ vọng: ít nhất trong 15 ngày tới, xăng sẽ được duy trì ở mức giá hiện tại.

Funfact

  • WTI và Brent là 2 loại dầu thô phổ biến nhất thế giới. Đây cũng là 2 tiêu chuẩn dầu quan trọng nhất được giao dịch trên thị trường toàn cầu.
  • WTI là dầu thô khai thác trong nội địa nước Mỹ, cũng là tiêu chuẩn dầu được giao dịch ở thị trường Mỹ. Đây là loại dầu đã giảm giá xuống mức âm vào 20/4.
  • Brent là dầu thô khai thác từ các mỏ ở Biển Bắc, cũng là tiêu chuẩn dầu được giao dịch chính ở châu Âu và châu Phi. Đây là loại dầu được Việt Nam nhập khẩu.

Bài viết được thực hiện bởi Sơn Đặng.

Xem thêm:
[Bài viết] Tương lai của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam