Hoàng Dũng và ba năm “Xoay Tròn” để trở về với chính mình | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Hoàng Dũng và ba năm “Xoay Tròn” để trở về với chính mình

Sẽ không quá lời khi nói rằng, màu sắc âm nhạc của Hoàng Dũng là sự... khó đoán.

Hải My
Hoàng Dũng và ba năm “Xoay Tròn” để trở về với chính mình

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Sinh năm 1995, trưởng thành từ cuộc thi Giọng hát Việt, Hoàng Dũng được yêu mến nhờ giọng hát trầm ấm và những bản ballad dịu dàng. Anh là “chàng thơ” của album 25 và EP Yên, là người kể chuyện tình bằng những giai điệu đầy cảm xúc. Nhưng đó chỉ là một mảnh ghép.

Sau 10 năm làm nhạc, Hoàng Dũng của hiện tại chọn bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức với pop và trình diễn. Vẫn nhẹ nhàng, nhưng nhiều năng lượng hơn, vẫn sâu sắc, nhưng đa chiều hơn.

Âm nhạc của anh có thể khiến bạn khựng lại đôi chút ở lần nghe đầu. Nhưng đừng ngạc nhiên nếu sau đó, bạn thấy mình vô thức ngân nga giai điệu ấy vào một buổi chiều mưa không hẹn, một cách thật tự nhiên và sâu lắng.

Trong cuộc trò chuyện với host Thuỳ Minh, Hoàng Dũng chia sẻ nhiều về tư duy làm nhạc. Từ đó, bạn có thể hiểu vì sao người hâm mộ sẵn sàng chờ đợi anh suốt ngần ấy thời gian, đơn giản vì ai cũng tin rằng: khi Hoàng Dũng trở lại, sản phẩm của anh sẽ chạm đến mọi giác quan.

Với Hoàng Dũng, 3 năm có phải là quãng thời gian dài?

Thật ra, 3 năm với tốc độ thị trường là khá dài, nhưng với Dũng lại vừa đủ. Vì Dũng tự tay làm hết từ sáng tác đến sản xuất, mà chỉ có một… Hoàng Dũng thôi. Dũng làm gì cũng muốn mọi thứ thật chỉn chu rồi mới mang đến cho khán giả. Thậm chí, Dũng chấp nhận cả việc fan liên tục “réo” nhạc từ năm này qua năm khác. Nếu để tính toán, dự án Xoay Tròn của Dũng có 12 bài, 15 track, mỗi bài viết lời trong khoảng 1 tháng, thêm những công đoạn khác nữa, nên Dũng nghĩ 3 năm là vừa đủ.

Ca si Hoang Dung
Hoàng Dũng luôn cố gắng mang đến cho mọi người nguồn năng lượng tích cực. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Cái tên Xoay Tròn gợi khá nhiều liên tưởng, vì sao bạn lại đặt tên là Xoay Tròn?

Thật ra để có được cái tên này, Dũng phải cảm ơn bạn gái và Duy Đào (Art & Creative Director của Dự án Xoay Tròn). Bạn gái là người đặt tên, vì Dũng không giỏi diễn đạt mọi thứ chỉ với vài từ (cười). Còn Duy Đào chính là người phát hiện ra việc Dũng đã vô thức đưa hình tròn vào những bài hát trong dự án lần này, từ thời gian đến vòng xoáy hay tuần hoàn mà chính mình cũng không nhận ra. Thật ra cả dự án cũng là một hình tròn đấy chứ: những giai điệu nối với nhau tạo thành một vòng lặp.

Trong một lần ngồi với ekip, tụi mình biết được vòng tròn đã xuất hiện từ xưa, trong lịch sử, sinh học và cả thiên văn học, nghĩa là nó có ảnh hưởng nhất định lên tư tưởng con người. Xoay tròn là một chuyển động hướng tâm, nó không giống chuyển động thẳng từ điểm A đến điểm B. Nghe triết học nhưng cũng rất vật lý (cười).

Dũng nghĩ xoay tròn là ẩn dụ cho sự phát triển mà không rời xa bản chất của mình. Hành trình trưởng thành của mỗi người thật ra cũng là những xoáy đi lên. Nhiều người, trong đó có Dũng, thường cảm thấy bản thân trì trệ, vì họ không nhận ra những thay đổi bên trong cơ thể, cứ bắt bản thân phải làm gì đó lớn lao mới đúng là làm. Nhưng thật ra, khi mình muốn “xoáy” lên một bậc, thì mình phải đi hết một vòng, từ từ, không vội được. Dũng nghĩ mình nên trân trọng từ những thay đổi nhỏ.

Dũng có nhắc đến việc trân trọng sự thay đổi. Vậy âm nhạc lần này của bạn có gì thay đổi không, bạn đã từng nói rằng mình sẽ không viết tình ca?

Vẫn là tình ca, nhưng là tình ca kiểu mới (cười). Dũng nghĩ cái mình làm tốt nhất trong thời đại này là kế thừa và phát triển từ những chất liệu âm nhạc có sẵn. Để tìm được cái mới hoàn toàn bây giờ có lẽ rất khó. Dũng vẫn giữ suy nghĩ giống Xoay Tròn: giữ tâm mình lại rồi xoay thôi.

“Cái mới” trong âm nhạc của bạn có phải đến từ một Hoàng Dũng khác so với trước kia?

Đúng vậy. Khán giả nói Hoàng Dũng khác, bạn cũ nói Hoàng Dũng khác. Và khi tự nhìn lại, Dũng cũng thấy mình khác thật. Nhưng cái “khác” đấy không phải là ngoại hình, mà là sự phát triển về tư duy.

Ngày xưa Dũng không thích sự thay đổi. Dũng nghĩ đơn giản rằng mỗi nghệ sĩ sẽ có một chất riêng, nếu thay đổi thì sẽ mất chất. Nhưng ngẫm lại, thật ra thay đổi không có gì là xấu cả, quan trọng là tốt lên hay tệ đi. Khác đi cũng đồng nghĩa với việc mình không dậm chân tại chỗ. Bây giờ, Dũng biết nhìn mọi việc đa chiều hơn, biết cách đặt mình vào người khác khi giải quyết vấn đề và hiểu rằng: Ai cũng sẽ là nhân vật đặc biệt nhất trong câu chuyện của họ. Nhờ vậy mà Dũng hiểu người khác hơn và cũng hiểu chính mình của ngày xưa nữa.

Ca si Hoang Dung
Với Dũng, "thay đổi" có thể là một tín hiệu tích cực cho thấy mình không dậm chân tại chỗ. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Hoàng Dũng bây giờ đã đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu. Vậy khi sáng tác, bạn chọn đứng ở cái tôi cá nhân hay chọn hóa thân vào một nhân vật nào đó?

Trước đây, Dũng từng làm nhạc vì người khác. Nhưng rồi Dũng nhận ra: nếu mình còn chưa hiểu rõ bản thân thì sao có thể hiểu và kết nối với người khác được?

Vì vậy, Dũng chọn làm nhạc từ chính mình trước, viết những điều thật nhất, gần nhất với mình, rồi mới tìm cách để những cảm xúc đó lan tỏa và chạm tới trái tim người nghe. Dũng tin rằng, nếu âm nhạc đủ chân thành, thì một ngày nào đó, khán giả cũng sẽ hiểu được điều Dũng muốn gửi gắm. Và Dũng đủ kiên nhẫn để chờ điều đó xảy ra.

Giữa thị trường âm nhạc đầy sôi động như hiện nay, điều gì đã cho Dũng niềm tin rằng khán giả vẫn kiên nhẫn đợi nhạc của bạn mỗi ngày?

Dũng nghĩ chính khán giả là người đã cho mình tín hiệu qua những lần ra sản phẩm mới, để mình biết rằng niềm tin này có cơ sở. Không chỉ người hâm mộ, mà cả các anh chị đi trước cũng truyền cho Dũng động lực để tin vào bản thân hơn. Dũng duy trì sự lạc quan bằng việc học cách vô tâm một chút với những thông tin tiêu cực xung quanh mình. Dũng giữ cho mình một tâm lý vô tư thôi, có thể nói là tâm linh một chút (cười).

Nghe khá thú vị, Dũng có nghĩ việc tham gia các show giải trí là một cách để khán giả dễ dàng đón nhận và kết nối hơn với phiên bản “khó đoán” của mình?

Lúc trước Dũng nghĩ là không. Thật ra Dũng từng nhận được lời mời từ một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, nhưng vì đang dồn sức làm dự án nên Dũng đã từ chối. Nhiều lúc nghĩ lại, Dũng vẫn tự hỏi: Nếu lúc ấy mình tham gia thì sao? Có gì khác biệt xảy ra với mình không? Liệu mọi người sẽ đón nhận mình hơn chăng? Nhưng đó là chữ “nếu” của sau này. Còn để chọn lại ở thời điểm đó, Dũng vẫn chọn không. Vì Dũng cầu toàn, mà làm cả hai cùng lúc thì sẽ chẳng thể làm tốt cái nào cả.

Nhưng nếu hỏi rằng việc tham gia chương trình có giúp khán giả dễ đón nhận một phiên bản khác của Dũng hơn không, thì Dũng nghĩ là có. Khán giả trước đây đã quá quen với hình ảnh một chàng thơ bên cây đàn guitar cùng những bản tình ca. Có lẽ họ vẫn chưa quen với màu nhạc mới hay những màn vũ đạo.

Dũng nhận ra rằng, những chương trình giải trí trên đang góp phần định hình lại cách khán giả nhìn nhận một nghệ sĩ. Trước đây, mọi người thường “đóng khung” nghệ sĩ theo kiểu: người này là giọng hát chính (main vocal), người kia chỉ mạnh về vũ đạo (main dancer), nghĩa là mỗi người chỉ nổi bật ở một kỹ năng cụ thể. Nhưng từ sau làn sóng của các chương trình này, khán giả bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn. Họ muốn thấy một nghệ sĩ có thể làm được nhiều thứ: vừa hát tốt, vừa biết nhảy, vừa trình diễn tự tin.

Với Dũng, điều đó cũng khiến quá trình thay đổi hình ảnh của mình trở nên dễ dàng hơn. Khi ngày càng nhiều nghệ sĩ dám thử, thì việc Dũng bước ra khỏi vùng an toàn, nhảy trên sân khấu hay chọn một màu sắc âm nhạc khác… cũng dễ được chấp nhận hơn trước.

Host Thuy Minh va ca si Hoang Dung
Host Thuỳ Minh và ca sĩ Hoàng Dũng tại Have A Sip. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nhìn lại hành trình 10 năm làm nhạc, Dũng nghĩ mình còn thiếu gì?

Dũng nghĩ mình còn thiếu nhiều đấy và cũng cố gắng bù đắp thêm những thứ mình đang thiếu. Ngày xưa Dũng nghĩ mình chỉ có 2 thôi, nhưng thiếu 3. Dũng thấy mình hát được, sáng tác được nhưng về ngoại hình, trình diễn hay cả sự dìu dắt thì mình lại không có. Nhưng giờ Dũng tin, tất cả những điều này mình đều có thể đạt được, chỉ cần mỗi ngày nỗ lực thêm một chút.

Mọi người hay bảo Dũng cần một “cú hích”, Dũng không thật sự quan tâm đến nó lắm. Dũng luôn làm mọi thứ hết sức, làm tốt nhất có thể, nên chưa thực sự hình dung “cú hích” đó là gì. Có lẽ với nhiều người, “cú hích” là kiểu ở ẩn 2-3 năm rồi bất ngờ trở lại chăng?

Dự án lần này có lẽ là một cú hích bên trong cho sự nghiệp của Dũng. Và Dũng cũng đang chờ 1 cú hích từ bên ngoài đủ duyên với mình.

Trở lại với Have A Sip sau 5 năm, Dũng có điều gì muốn nói với mình năm 25 tuổi?

Dũng sẽ bảo mình nên nghiêm túc hơn. Hoàng Dũng của tuổi 25 đã phí quá nhiều thời gian vào việc vui chơi và những điều vô bổ. Ngày ấy, Dũng hay trì hoãn, cứ mãi nâng niu những thú vui ngắn hạn vì chúng cho mình cảm giác thỏa mãn tức thời.

Nhưng giờ, Dũng biết sợ hơn rồi. Dũng cần sống thực tế. Có lẽ, nỗi sợ này đến từ việc mình có quá nhiều thứ để mất. Cuộc sống hiện tại của Dũng gắn liền với rất nhiều người, nên mọi quyết định của mình đều sẽ ảnh hưởng đến họ. Thời gian Dũng còn được gặp những người xung quanh cũng ngày càng ít đi. Điều đó càng khiến Dũng trân trọng mọi thứ hơn nữa.