Hồng tỷ - Chỉ là một meme hài hước? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Hồng tỷ - Chỉ là một meme hài hước?

Đằng sau tiếng cười giễu cợt vì “Hồng tỷ”, là một câu chuyện không hài chút nào.

Phoebe Phạm
Hồng tỷ - Chỉ là một meme hài hước?

Nguồn: Unsplash

Gần đây, nếu lướt mạng xã hội mà thấy dòng trạng thái đầy ẩn ý nhắc đến “Hồng tỷ” và loạt bình luận sôi nổi phía dưới như “tỉnh lại đi anh ơi”, “đi Nam Kinh về chưa?”, thì xin chúc mừng bạn đã chính thức bước vào vũ trụ của một trong những hiện tượng mạng đang thu hút chú ý và làm nảy sinh rất nhiều content!

Hồng tỷ là gì?

Không phải idol, không phải diễn viên, “Hồng tỷ” là biệt danh mà cộng đồng mạng đặt cho một người đàn ông 38 tuổi ở Nam Kinh, Trung Quốc - người đã giả gái cực kĩ lưỡng bằng cách đội tóc giả, đeo ngực giả, gắn mi giả, thậm chí là luyện cả giọng nói giả. Mục đích là để hẹn hò với rất nhiều chàng trai, ghi hình lén các cuộc gặp, rồi phát tán clip để kiếm tiền.

alt
Hồng tỷ hóa trang thành phụ nữ. | Nguồn: Thanh Niên

Tại sao Hồng tỷ lại phổ biến?

Từ một vụ việc nghiêm trọng, mạng xã hội đã thực hiện như đã từng: biến tất cả thành meme, thành một cơn sốt giải trí. Và thế là “Hồng tỷ” vụt sáng - không phải vì tài năng hay nhan sắc, mà vì… drama lừa tình, con số nạn nhân và số lượng clip có mặt họ vẫn chưa được xác định chính thức. 1.691 hay ít hơn, câu trả lời chính xác chỉ có thể được đoán!

Câu chuyện lan nhanh chóng mặt, cộng đồng mạng không kịp xác thực thông tin thật giả. Chỉ cần thấy “sốc” và hấp dẫn là share, là pha trò. Thế là từ một vụ án thật, bỗng dưng thêm hàng loạt thông tin sai lệch: rằng trong số gần 1700 nạn nhân, có 11 người nhiễm HIV, nào là có người tự tử vì bị quay lén… tất cả đều bị cảnh sát bác bỏ. Nhưng internet thì làm gì có thời gian kiểm chứng. Trend là phải bắt liền tay!

Hồng tỷ bị bắt đi, nhưng “meme” thì ở lại!

Câu chuyện không dừng ở tin giả mà nổ tung lên thành một chuỗi các động thái mạng. Truyền thông vào cuộc, xã hội học phân tích tâm lý, nguyên nhân được quy về mất cân bằng giới, khiến cả đàn ông lẫn phụ nữ đều hoang mang!

Nhiều người bắt đầu... tải clip về để "kiểm tra" xem có người quen không, rồi share lại lên mạng xã hội với caption câu view như: “Người quen của tôi kìa!” hay “Đừng đi Nam Kinh nha mọi người!”. Có người còn photoshop mặt người nổi tiếng, bạn bè, đồng nghiệp mình vào hình ảnh “Hồng tỷ” như một trò đùa cuối tuần.

alt
Hồng tỷ dẫn đến một trò đùa mạng ghép mặt nam giới chưa được xác thực. | Nguồn: Dân Việt

Nghe thì vui, nhưng thử đặt mình vào vị trí những người bị cắt ghép hoặc nghi ngờ vô cớ, cảm giác chắc không vui chút nào. Bởi vì, dù sao đi nữa, đó là một vụ án thật, với những nạn nhân thật, và một người đang bị truy tố vì hành vi sai trái. Câu chuyện về Hồng tỷ không còn là giải trí, mà đã là một dạng xâm phạm quyền riêng tư, là một cú đả kích vào tình cảm, tự ái, và tương lai của một người.

Công thức dùng Hồng tỷ

Từ “Hồng tỷ” nhanh chóng trở thành từ khóa nóng để chế meme, làm clip reaction, thậm chí dùng để… bán một số thứ.. màu Hồng!

Nhưng phổ biến hơn cả, là giễu cợt chuyện đàn ông “ham vui” dễ bị rủ rê đi gặp “chị Hồng”, dễ bị thành nhân vật của các clip lộ mặt và vài thứ khác!

“Chị Hồng” cũng là lời nhắc, mọi giao dịch giá rẻ, khi mất cảnh giác, tham gia không kiểm soát, có khi phải trả giá rất đắt!

Gần 1.700 người từng “giao dịch” với chị. Không phải một, không phải vài mà có thể là hàng trăm hay hàng ngàn lượt quan hệ không rõ danh tính, không an toàn, không biết đối phương là ai. Dù cảnh sát chưa công bố người này có mắc bệnh truyền nhiễm hay không, nhưng thử tưởng tượng thôi cũng đủ lạnh gáy: nếu chỉ một người trong số đó mang mầm bệnh, thì chuyện gì đang lan ra ngoài kia mà không ai kiểm soát nổi?

alt
Nguồn: Unsplash

Cũng mong đây chỉ là một lời đồn. Cũng mong chẳng ai bị nhiễm. Nhưng nếu chúng ta nghĩ chuyện này “không dính đến mình đâu”, thì rất tiếc virus không phân biệt ai là người cười hay người xem. Nó chỉ cần một kẽ hở. Và chỉ cần một lần chủ quan.

Vui một phút, nhưng cái giá có thể trả bằng cả quãng đời còn lại.
Và khi cơn sốt mạng qua đi, chỉ còn lại những người âm thầm sống chung với hậu quả, không trend nào cứu được.

Nên nếu sợ, thì tốt. Vì sợ là bản năng giữ mình an toàn.