1. Hustle là gì?
Hustle /ˈhʌs.əl/ (danh từ, động từ) là dồn năng lượng để làm một công việc nào đó với tốc độ nhanh chóng. Ngoài ra, hustle cũng mang nghĩa thúc giục ai đó làm việc cật lực hơn nữa. Nhìn chung, hustle được hiểu đơn giản là sống hối hả, vội vã.
Trong bối cảnh đi làm, từ này dùng để chỉ sự năng nổ, bận rộn và tất bật của nhân viên. Những chiếc deadline căng thẳng, những thông báo tin nhắn liên hồi ngoài giờ làm là ví dụ điển hình về hustle.
2. Nguồn gốc của hustle?
Hustle ban đầu được dùng phổ biến trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi cuối thế kỷ 19. Nhiều người trong xã hội bấy giờ quan niệm rằng người da màu ở Mỹ thường gặp thất bại vì họ lười biếng.
Trong khi đó, nguyên nhân thật sự lại đến từ nhiều vấn đề khác nhau, như tư tưởng phân biệt chủng tộc hay áp bức nhiều cấp độ (systemic oppression). Đứng trước nhiều bất công, người da màu buộc phải chọn cách làm việc hết mình để tồn tại và chứng minh giá trị trong xã hội.
Hustle trong giai đoạn này được gắn với lớp nghĩa mang màu sắc tích cực như “dám nghĩ dám làm” hoặc “làm việc chăm chỉ”.
3. Hustle phổ biến khi nào?
Từ vựng này dần phổ biến vào giai đoạn thập niên 90 và đầu 2000, khi nhiều rapper da màu bắt đầu dùng nhạc hip-hop để phản ánh cuộc sống tất bật với “cơm áo gạo tiền”.
Trong phạm vi giới rap, hustle chỉ tinh thần nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng để kiếm tiền trang trải cuộc sống và giấc mơ ca hát. Ở Việt Nam, nhiều rapper cũng sử dụng từ này trong các dự án âm nhạc của mình, ví dụ như rapper Robe lấy cảm hứng để đặt tên cho tổ đội HUSTLANG của anh.
Về sau, khi hustle được chủ nghĩa tư bản sử dụng để khuyến khích nhân viên cống hiến nhiều hơn thì từ khoá này lại mở rộng thành “hustle culture” (văn hóa làm việc hối hả).
Nó khiến người lao động tin rằng mục đích quan trọng nhất của cuộc đời là đạt thành tựu lớn trong sự nghiệp, thông qua lao động không ngừng nghỉ. Văn hóa làm việc 996 cũng là một phần của phong trào này.
Văn hóa làm việc hối hả gieo vào người lao động niềm tin: nghỉ ngơi đồng nghĩa với rảnh rỗi, và bạn sẽ không thể gặt hái thành quả sớm nếu muốn giảm giờ làm. Cùng với đó, trong thời đại làm việc từ xa, chủ nghĩa tư bản giám sát (surveillance capitalism) luôn kỳ vọng nhân sự online mọi lúc mọi nơi như một minh chứng cho trách nhiệm, thái độ trong công việc.
Hậu quả là hustle culture khiến người lao động kiệt sức vì phải đánh đổi sức khỏe, tệ hơn là “quá lao tử” (karoshi) vì áp lực công việc trong thời gian dài.
Ở Việt Nam, tình trạng cống hiến hết sức cho công việc được phản ánh qua những con số thống kê như 80% người lao động phải dành 2 - 5 tiếng để làm việc thêm mỗi ngày, hay tình trạng rối loạn giấc ngủ ngày càng tăng lên và trẻ hóa tại nước ta.
Để bảo vệ bản thân trước vòng xoáy công việc, mỗi người nên học cách nhìn nhận được giới hạn của bản thân, tránh để rơi vào chiếc bẫy nghiện việc. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên rà soát, đánh giá những mục tiêu trong sự nghiệp. Bằng cách đó, bạn có thể biết mình nên thêm bớt những gì.
4. Cách dùng hustle?
Tiếng Anh
A: You had just finished a hard hustle, why not take some rest?
B: Thanks for caring, but I have to hustle more at this year-end time in order to earn enough money for going homeland this Tet.
Tiếng Việt
A: Anh vừa trải qua một thời gian vất vả rồi, sao không nghỉ ngơi chút đi?
B: Cảm ơn cậu đã hỏi thăm, nhưng mùa cuối năm này anh phải “cày” thêm việc thì Tết mới đủ tiền về quê được.