Kathy Lương, Founder của OrcheStars: Chúng tôi muốn mang nhạc giao hưởng vượt định kiến, đến gần hơn công chúng | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Kathy Lương, Founder của OrcheStars: Chúng tôi muốn mang nhạc giao hưởng vượt định kiến, đến gần hơn công chúng

Cùng trò chuyện với Kathy Lương và Dustin Tiêu để hiểu thêm những người muốn thổi hồn đương đại vào nhạc giao hưởng, làm mờ đi những định kiến phổ biến.

Cao Vy
Kathy Lương, Founder của OrcheStars: Chúng tôi muốn mang nhạc giao hưởng vượt định kiến, đến gần hơn công chúng

Từ trái qua phải: Nhạc trưởng Dustin Tiêu và Kathy Lương, Founder của OrcheStars. | Source: Khooa Nguyễn for Vietcetera

Hàn lâm, xa cách và gây buồn ngủ - ba định kiến phổ biến khi nhắc đến nhạc giao hưởng, một dòng nhạc lâu nay vẫn nằm sâu trong lòng nhà hát ở nhạc viện.

Xuất phát điểm như mọi khán giả mua vé, Kathy Lương vô tình bị cuốn vào thế giới của nhạc giao hưởng - trong một lần đi xem trình diễn hòa nhạc Disney cùng cô con gái nhỏ cách đây 3 năm. Trên sân khấu hôm đó là Dustin Tiêu, một nhạc trưởng Gen Z và dàn nhạc Imagine Philharmonic Orchestra (IPO).

“Bé chưa từng đến Disneyland, nhưng qua 2 giờ biểu diễn của Dustin, bé như được gặp các công chúa, hoàng tử, còn cá nhân chị như sống lại ký ức tuổi thơ của mình”

Qua hành trình dài làm khán giả và chứng kiến những khó khăn dàn nhạc trẻ gặp phải trong việc tự tổ chức bán vé, Kathy quyết định đồng hành với Dustin để kết nối dàn nhạc với thế giới bên ngoài. Công ty OrcheStars được lập ra với sứ mệnh: “Đại chúng hóa nhạc giao hưởng” - đưa âm nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng. Với tư duy cởi mở, các buổi trình diễn của IPO được tổ chức với quy mô lớn hơn, không đơn thuần chỉ hòa tấu mà còn có sự xuất hiện của các ca sĩ giải trí, của hiệu ứng sân khấu, và đặc biệt là sân chơi âm nhạc cho các bé nhỏ được xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp.

Nhưng nhạc giao hưởng với tất cả sự cổ điển, cấu trúc và chiều sâu của nó liệu có thể được đại chúng hóa, giải trí hóa, mà không đánh mất bản sắc? Trước thềm của buổi diễn Once Upon A Time vào ngày 19 & 20.7 tới đây, cùng trò chuyện với Kathy Lương và Dustin Tiêu để hiểu thêm những người muốn thổi hồn đương đại vào nhạc giao hưởng, làm mờ đi những định kiến phổ biến, rằng đó chỉ là âm nhạc sau vách nhung của những sân khấu trang trọng và xa cách.

Từ kinh doanh nội thất, giờ rẽ thêm sang với nhạc, chị thấy khó khăn lớn nhất cho nhạc giao hưởng ở Việt Nam là gì?

Kathy: Khó khăn lớn nhất là định kiến. Người ta vẫn nghĩ nhạc giao hưởng mang tính hàn lâm, khó hiểu, dễ buồn ngủ, kén người nghe. Trước đây, tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng chính vì thế, càng trân trọng những gì Dustin đang làm, khi nhạc giao hưởng được phối lại từ những bản nhạc đương đại, trải nghiệm trở nên gần gũi và đầy xúc động. Rất nhiều khán giả sau show nói rằng họ “nổi da gà” vì âm nhạc đánh thức những cảm xúc mà họ vô tình lãng quên trong cuộc sống bộn bề của người trưởng thành. Và tôi rất tâm đắc mỗi lần chứng kiến những giây phút đó.

Thực tế, nhạc giao hưởng là cái nôi của mọi thể loại âm nhạc. Để đến được với nhạc điện tử, pop hay jazz, người ta vẫn phải bắt đầu từ nhạc cụ cổ điển như piano hay violin, cái gốc vẫn nằm ở đó.

alt
Kathy Lương, Founder của nanoHome và OrcheStars. | Source: Khooa Nguyễn for Vietcetera

Thách thức thứ hai là tâm lý xa cách. Nhiều người nghĩ giao hưởng không dành cho mình – rằng đó là một thế giới của giới tinh hoa. Nhưng tôi tin rằng âm nhạc luôn là hình thức nghệ thuật đại chúng nhất. Một bức tranh đẹp hay một thiết kế đẹp cần gu thẩm mỹ, cần trải nghiệm. Nhưng với âm nhạc, bất kể bạn là ai, đến từ đâu thì khi giai điệu cất lên, bạn sẽ cảm được, vẫn có thể thấy tim mình nhói lên, hay lặng đi.

OrcheStars chọn những bản giao hưởng hiện đại hơn, dễ đồng cảm hơn, để khán giả thấy chính mình trong đó. Và từ đó, mọi ranh giới cũng tự nhiên biến mất.

Kathy cũng gặp rất nhiều khó khăn khi quản lý công ty và dàn nhạc hiện tại. Bởi từ trước đến nay, giới nghệ sĩ giao hưởng và ngành công nghiệp giải trí gần như phát triển độc lập, như hai thế giới song song. Chưa nhiều người thử sức, hay thành công trong việc đưa hai thế giới đó lại gần nhau. Và Kathy muốn làm cầu nối giữa hai thế giới đó, để công chúng vốn đã quen với ngôn ngữ giải trí vẫn có cơ hội được trải nghiệm những gì sâu sắc hơn, lắng đọng hơn.

Chị Kathy Lương có nói về việc muốn tháo bỏ những định kiến xung quanh nhạc giao hưởng. Nhưng đó là góc nhìn từ phía những người nghĩ rằng nhạc giao hưởng rất hàn lâm, khó tiếp cận. Còn với Dustin, một người học nhạc và cũng là một nhạc trưởng thì anh nhìn nhận định kiến này như thế nào? Anh có thấy nó thực sự tồn tại không? Hay bên trong còn những khó khăn khác?

Dustin: Định kiến mà mọi người hay nghĩ tới đúng như chị Kathy chia sẻ. Xem phim Disney, phim Hollywood, nghe nhạc trong phim và thấy rất xúc động, nhưng ít người biết rằng phần nhạc đó được viết bởi những nhà soạn nhạc giao hưởng như Hans Zimmer, John Williams hay Alan Menken. Mọi người chỉ đơn giản nghĩ đó là “nhạc phim”.

Nên khi xem biểu diễn những bản nhạc ấy ngoài đời thực, họ mới bất ngờ: “Ồ, mình đã nghe rất nhiều rồi mà không hề biết đó là nhạc giao hưởng.” Họ thích, nhưng họ chưa bao giờ thấy nó được trình diễn theo cách như vậy.

Chính vì thế, trong tâm trí nhiều người, việc đi nghe giao hưởng vẫn gắn liền với hình ảnh phải ngồi trong nhà hát, nghe Beethoven hay Mozart – rất trang trọng, rất khác biệt.

alt
Dustin Tiêu, nhạc trưởng Gen Z.| Source: Khooa Nguyễn for Vietcetera

Quay lại với câu chuyện của chị Kathy, chị thích nhạc giao hưởng vì chị từng lớn lên với Disney, từng xem phim Hollywood, nên khi âm nhạc ấy vang lên theo một cách khác, chị kết nối được ngay.

Vậy nên tôi và OrcheStars đang cố gắng tái tạo lại cảm giác đó cho khán giả để họ thấy quen thuộc, thấy gần gũi, và từ đó mở lòng hơn với nhạc giao hưởng.

Anh cũng vừa nhắc đến việc nhạc giao hưởng thường được gắn với nhạc cổ điển. Vậy khi OrcheStars muốn làm mới, muốn đưa nó gần công chúng hơn, liệu có phải đánh đổi chất cổ điển vốn có không?

Dustin: Nói không thì không đúng. Nhạc giao hưởng vốn được sinh ra để biểu diễn trong nhà hát, nơi có âm học chuẩn, âm thanh vang đều đến từng hàng ghế. Nhưng ở Việt Nam, sân chơi đúng nghĩa để nhạc giao hưởng được trình diễn đúng chuẩn còn thiếu. Vì vậy, khi làm một show mang tính đại chúng, như Disney chẳng hạn, mình phải đưa nó ra không gian mở ở các nhà thi đấu, sân khấu lớn, nơi có màn hình LED, camera, các hiệu ứng sân khấu,… để tăng tính tương tác với khán giả. Và từ đó, thách thức đặt ra là: làm sao để trải nghiệm âm nhạc ở không gian mở vẫn tương đương chất lượng như trong nhà hát.

Hy vọng về lâu dài, khi khán giả đã được chạm vào cảm xúc và yêu thích loại hình này, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn, hoặc chủ động tìm đến nhà hát nơi âm nhạc có thể vang lên trong một không gian lắng đọng cần thiết, cũng có thể đến những không gian rộng mở và gần gũi hơn.

Kathy: “Giải trí hóa”, “trải nghiệm hóa” và “quy mô hóa” nhạc giao hưởng, đó là những cách để nhạc giao hưởng được đại chúng hóa. Show diễn được giải trí hóa bằng cách mời đạo diễn có kinh nghiệm làm chương trình giải trí để kể câu chuyện theo ngôn ngữ của công chúng. Chính vì thế, Kathy đã mời Đạo diễn Lê Xuân Kỳ từ AURA Communication & các ca sĩ giải trí như anh Đức Tuấn, chị Lương Bích Hữu cùng tham gia show diễn lần này.

alt
“OrcheStars muốn đại chúng hóa, và giải trí hóa nhạc giao hưởng, để nó đến được với nhiều người hơn.” | Source: Khooa Nguyễn for Vietcetera

Mình đã nói về những gì sẽ đưa khán giả đến gần hơn với show diễn, nhưng đối với những người làm âm nhạc, đặc biệt là với đội ngũ nghệ sĩ mà Dustin cộng tác, theo anh, họ tìm kiếm điều gì? Hiện nay nhiều nghệ sĩ cũng không còn quá mặn mà với việc theo đuổi hay gắn bó cố định với một nhà hát cụ thể. Điều đó đặt ra một câu hỏi: trong bối cảnh thiếu vắng một hệ thống ổn định như vậy, thì anh ưu tiên điều gì ở những người mình chọn làm việc cùng?

Dustin: Đây là điều tôi luôn trăn trở. Có một từ khiến tôi thấy buồn khi nói về nghệ sĩ ở Sài Gòn, đó là “thợ”. Tức là họ luôn phải bươn chải. Nhiều nghệ sĩ phải chạy đủ loại show: giải trí có, thương mại có. Nhưng không có nơi nào là chốn đi về, một nơi để họ thực sự gắn bó lâu dài.

Khi mới bắt đầu, họ còn háo hức, còn giữ được cái chất tươi mới của người nghệ sĩ. Nhưng đi nhiều quá, mệt mỏi, họ dần trở thành người “đến diễn rồi về”, mất đi phần nào cái lửa trong nghề.

Nên điều tôi và chị Kathy mong muốn trong khả năng và thời gian của mình là có thể xây dựng một nơi các nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng có thể toàn tâm toàn ý làm nghề, có sự ổn định để phát triển lâu dài. Sau màn nhung hay sân vận động, miễn là được chơi nhạc bằng tất cả sự say mê và tình yêu.


Có thể nói, “đại chúng hóa” nhạc giao hưởng vẫn là một mục tiêu lấp lánh, đẹp và không dễ chạm. Những dàn dựng mới mẻ, cách kể chuyện hiện đại có thể khơi gợi tò mò. Nhưng câu hỏi vẫn còn rất lớn: liệu nhạc giao hưởng có thể được đưa ra khỏi nhà hát? Và liệu công chúng có sẵn sàng đến với một loại hình nghệ thuật mới, không thuộc về thói quen giải trí, với những định kiến cũ?

Câu trả lời có lẽ sẽ còn bỏ ngỏ — ít nhất là cho đến sau đêm diễn đầu tiên của Once Upon A Time.

Nhưng với những cảm xúc được chờ đón, đêm nhạc Once Upon A Time tới đây của OrcheStars vẫn là một buổi diễn đáng thử, là nỗ lực đáng được lắng nghe nếu ta tin rằng âm nhạc có thể chạm đến và mang ký ức rất đẹp đến với mọi người.

Về đêm nhạc Once Upon A Time

- Địa điểm: Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, Quận 3, TP.HCM
- Thời gian: 19 & 20/07/2025
- Hotline: 0972444023 hoặc 0979055253

Tìm hiểu thêm thông tin về chương trình hoặc đặt vé tại website.