Khi khuyết điểm khiến bạn trở nên tuyệt vời hơn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Khi khuyết điểm khiến bạn trở nên tuyệt vời hơn

Theo Mark Manson, việc thừa nhận một điều khiếm khuyết ở bản thân lại chính là điều khiến bạn trở nên tuyệt vời hơn.

Khi khuyết điểm khiến bạn trở nên tuyệt vời hơn

Nguồn: Chris Yang @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Theory of Meta-Awesomeness”, đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Siêu tuyệt vời (meta-awesomeness) là thuật ngữ tôi tự phát minh cho tình huống một người nhận ra khiếm khuyết nào đó ở bản thân, nhưng nghịch lý là cũng chính nó khiến họ trở nên tuyệt vời. 

Ví dụ, một chàng trai biết mình thiếu tế nhị nhờ bạn gái góp ý để cải thiện. Hay một cô gái luôn thành thật xin lỗi vì đi muộn, thừa nhận mình hay quên và cần được nhắc nhở. Hoặc một cầu thủ bóng đá ngượng ngùng thừa nhận rằng anh thích xem múa ballet. Hay một người sếp luôn cảm ơn nhân viên đã chịu đựng những cơn giận dữ vô lý của ông thường xuyên.

Thực tế là ai nhận thức được tính xấu hoặc khía cạnh không được số đông tán thành của bản thân thì người đó càng tuyệt vời. Nó thu hút chúng ta lại gần họ và biến điểm yếu của họ thành điểm mạnh.

Điều gì khiến bạn siêu tuyệt vời

Cách đây khá lâu tôi nhận được một email. Người ta phê bình rằng tôi viết chán, rằng đa số ý tưởng của tôi là ăn cắp, rằng việc có nhiều người đọc trang web của tôi là quá sức tưởng tượng. Tôi trả lời rằng tôi còn phải học hỏi nhiều, và tôi sẵn sàng lắng nghe những góp ý của anh ta để viết tiến bộ hơn.

Sau đó thì anh ta không hồi âm lại nữa.

Đây là một yếu tố kích hoạt tuyệt vời trong bản chất con người: Khi ai đó thừa nhận khuyết điểm của mình, chúng ta không chỉ bỏ qua mà còn thấy thích khuyết điểm đó.

15-oct-2021/p1a.jpg
Khi ai đó thừa nhận khuyết điểm của mình, chúng ta không chỉ bỏ qua mà còn thấy thích khuyết điểm đó nữa. | Nguồn: Unsplash

Vợ tôi dành hàng giờ trong phòng tắm trước mỗi lần chúng tôi cùng ra ngoài. Cô ấy thẳng thắn tự chế nhạo mình về điều đó. Vì lý do nào đó, tôi thấy điều này đáng yêu hơn là phiền toái.

Nhiều năm trước tôi từng hẹn hò những cô gái xinh đẹp ở những địa điểm sang trọng. Tôi vẫn nhớ đã kể cho họ chuyện mình từng dành hàng giờ “luyện chưởng” để tham gia các giải đấu game, đó là điểm nhấn trong cuộc sống của tôi thời trung học. Điều ngạc nhiên là họ bị lôi cuốn dễ dàng hơn. 

Nhận thức về bản thân khiến khuyết điểm cũng trở thành ưu điểm. Việc hiểu rằng bản thân không phải lúc nào cũng giỏi hoá ra lại giúp bạn ghi điểm với người khác.

Sự kết hợp giữa nhận thức về bản thân và khả năng mở lòng

Có 2 yếu tố giúp bạn trở nên siêu tuyệt vời: Nhận thức về bản thân và khả năng mở lòng.

1. Nhận thức về bản thân

Là khả năng tự soi xét những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn từ góc nhìn người thứ ba và đánh giá chúng một cách hợp lý.

Ví dụ, một người thiếu nhận thức về bản thân có thể đấm vỡ kính ô tô lúc nổi giận. Sau đó anh ta hoặc không thể biện minh cho việc đó, hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân làm anh ta tức giận. Đó có thể là người mẹ hay cằn nhằn, cô bạn gái khó chịu hoặc số tiền đáng nhẽ anh có thể tiết kiệm để mua bảo hiểm xe.

Ngược lại, người có nhận thức sẽ biết lùi một bước: “Chà, mình đã tức giận và mất kiểm soát. Chẳng đáng tí nào cả. Máu dính hết lên cái quần jeans mới, thật không thể chấp nhận được. Hình như mình có vấn đề về việc kiềm chế cơn giận, mình cần chú ý đến cảm xúc và hành vi của bản thân hơn”. 

Người đầu tiên vô lý rõ ràng. Người thứ hai thì không vô lý, nhưng anh ta cũng không hoàn hảo. Anh có một khuyết điểm lớn mà có thể khiến bạn chẳng muốn đến gần. Song ít nhất anh ta nhận thức được nó, và đây là bước đầu tiên trên con đường trở nên siêu tuyệt vời. 

Để đi nốt phần đường còn lại, anh ta cần yếu tố thứ hai - khả năng mở lòng

2. Khả năng mở lòng

Là mức độ bạn có thể thẳng thắn về bản thân. Bạn không cố tình che giấu khuyết điểm của mình để gây ấn tượng với người khác. Bạn thừa nhận sai lầm của mình và chia sẻ về nó mà không hề nao núng. 

15-oct-2021/anh-le-fbwybyzq9c0-unsplash-1634295765341.jpg
Mở lòng là khi bạn không cố tình che giấu khuyết điểm của bản thân để gây ấn tượng với người khác. | Nguồn: Unsplash

Nếu không đi đôi cùng nhận thức bản thân, thì mở toang cánh cửa lòng không khác việc tuôn trào cảm xúc mất kiểm soát là bao. Nếu cứ thể hiện nhược điểm bản thân mà không tự nhận thức được chúng, bạn sẽ bị coi là yếu đuối, nhõng nhẽo, trẻ con và bất lực. Bạn cần tự nhận thức để chịu trách nhiệm về những khuyết điểm và vấn đề của mình, và đưa chúng vào bản sắc của mình một cách tích cực. 

Khi kết hợp hai yếu tố trên với nhau, bạn giúp người khác tiếp cận mình một cách rõ ràng hơn. Họ nhìn thấy được điều gì khiến bạn độc đáo và thú vị, cả mặt tốt và chưa tốt.

Chính tổ hợp này khiến bạn trở nên siêu tuyệt vời.

Những cảm xúc đa tầng

Nếu có thể đạt được đồng thời hai phẩm chất này, bạn không chỉ trở nên siêu tuyệt vời mà còn đưa tâm lý bản thân bước vào những cảm xúc đa tầng (multi-layered emotions).

Ví dụ tôi thấy tức giận vì ai đó đạt một giải thưởng mà tôi không giành được, nhưng rồi lại thấy tội lỗi vì cơn tức giận đó và quyết định tha thứ cho bản thân vì cảm giác tội lỗi này. Nó giống như cái bánh burger cỡ bự mà mỗi lớp nhân là một tầng cảm xúc vậy. 

Giả sử bạn đang yêu một ai đó, nhưng bạn cũng rất sợ bị bỏ rơi. Vì vậy bạn vô tình đẩy những người quan tâm mình ra xa và hủy hoại các mối quan hệ của chính mình.

Nếu thiếu đi nhận thức bản thân, bạn sẽ chỉ có mối quan hệ yêu/ghét với bất kỳ ai trở nên thân thiết với bạn. Đó có thể là một người quan trọng mà bạn không thể sống thiếu, nhưng chính bạn lại đối xử với họ không ra gì mà chẳng hiểu tại sao. 

Bạn cảm thấy như bị trói trên một đoàn tàu lượn cao tốc lên đỉnh rồi chạm đáy của những cảm xúc rối loạn. Bạn chia tay, quay lại với họ, trách cứ họ, yêu họ, ghét họ, chạy trốn khỏi họ, quay trở lại vì bạn nhớ họ, rồi lại ghét họ, lại chạy trốn... cứ thế theo một vòng lẩn quẩn. 

Những người có nhận thức về bản thân sẽ nhận ra điều này. Họ nhận biết được cảm giác khi yêu, cảm giác sợ yêu và cả những hành vi phá hoại do cảm giác sợ yêu gây ra. Điều này là cần thiết nếu bạn muốn biến gánh nặng cảm xúc và sự kích động của mình thành một phần thưởng thay vì hình phạt.

Bạn có thể thấy tội lỗi bởi thấy tức giận vì sợ yêu. Một điên rồ đa tầng, nhỉ. 

emotional layers
Nhận thức bản thân và khả năng mở lòng sẽ đưa bạn đến với thế giới của cảm xúc đa tầng. | Nguồn: Unsplash

Vậy còn khả năng mở lòng? Nhận thức về bản thân là tốt, nhưng nếu bạn không thể hoặc quá sợ hãi bày tỏ chúng với đối phương, thì họ sẽ tiếp tục nghĩ bạn là một kẻ thần kinh muốn phá hoại mối quan hệ này.

Thay vào đó, bạn lấy hết can đảm mà nói với họ rằng, bạn khó tính về việc cam kết trong mối quan hệ nhưng thật ra chỉ vì bạn yêu họ rất nhiều. Bạn cần xin lỗi nếu bạn vô tình đẩy họ ra xa, rằng bạn đã cố kiềm chế vấn đề của mình và đây là chuyện thường xảy ra.

Niềm tin đối phương dành cho bạn sẽ  lên một tầm cao mới. Tình cảm của hai bạn sẽ tăng vọt lên như cấp số nhân. 

Họ sẽ không chỉ tôn trọng bạn vì thẳng thắn về khuyết điểm của bản thân, mà khả năng cao là họ sẽ yêu nó như một phần của bạn. Vậy là bạn đã trở nên siêu tuyệt vời rồi đó.