Khi máy chủ của OpenAI bất ngờ gặp sự cố, hàng triệu người dùng ChatGPT trên khắp thế giới như khựng lại giữa dòng suy nghĩ. Không có chatbot hỗ trợ 24/7, không còn tiện ích “viết hộ”, không cả trợ lý ý tưởng tức thời. Một trục trặc nhỏ nhưng đủ để phơi bày một vấn đề lớn: chúng ta hình như đã phụ thuộc quá nhanh vào AI.
Chính trong bối cảnh đó, cuộc trò chuyện giữa Vietnam Innovators và Chandu Rajapreyar – Giám đốc Sáng tạo Cấp cao tại Hakuhodo Group Vietnam – trở nên đặc biệt đúng lúc. Được ghi hình từ trước nhưng lại tình cờ phát sóng đúng lúc sự cố xảy ra, tập podcast chứa đựng những góc nhìn sâu sắc và đầy sức nặng về AI, sự sáng tạo và vai trò không thể thay thế của con người.

Khi sáng tạo là dám mơ về điều không tưởng
Chandu không coi sáng tạo là “làm cho đẹp”, mà là hành trình không ngừng đặt câu hỏi: Vấn đề thật sự là gì? Và liệu có một cách giải quyết chưa ai từng thử? Ông không ngần ngại nói thẳng: AI chạy trên những dữ liệu của những điều đã xảy ra, còn sáng tạo là những điều chưa từng có. Nếu tất cả chúng ta đều hành động theo dữ liệu, thì thị trường sẽ chỉ lặp lại chính mình, dù hiệu quả nhưng không còn sự khác biệt.

Chandu đưa ra một ví dụ: một khách hàng tìm đến bạn với kỳ vọng tăng trưởng 5%, bạn sẽ làm gì? Đó là mức kỳ vọng phổ biến, vừa tầm, an toàn, dễ bán. Nhưng chúng ta không nên dừng lại ở con số đó. Bạn có thể chuẩn bị thêm một phương án có thể giúp tăng trưởng… 35%. Tất nhiên, không phải khách hàng nào cũng chọn giải pháp táo bạo hơn. Nhưng quan trọng là ý tưởng lớn vẫn được đề xuất và không chỉ vì sự an toàn hay tốn thời gian mà chúng ta không dám thử.
Trong một thế giới đang dần giao lại công đoạn tưởng tượng, suy nghĩ và mơ mộng cho AI, việc dám mơ về điều không tưởng và thực sự tin vào nó có lẽ là định nghĩa tối giản mà sâu sắc nhất về sáng tạo.
Sự đồng cảm: Khởi nguồn cho sáng tạo và nền tảng của công ty có lịch sử lâu đời
Khi nói về sáng tạo, điều đầu tiên mà Chandu chia sẻ không phải là sự đổi mới hay giải pháp cho các vấn đề mà ông bắt đầu từ sự đồng cảm. Ông tin rằng: “Chính sự đồng cảm giữ cho bạn tỉnh táo. Không đồng cảm, không hiểu thực sự khách hàng cần gì, bạn không thể giải quyết vấn đề.”
Với Chandu, đồng cảm không chỉ là một kỹ năng dành cho lãnh đạo, cũng không phải gia vị mà chính là chất nền, là khởi điểm cho sự sáng tạo. Mọi giải pháp, ý tưởng, đổi mới.. nếu không xuất phát từ một nỗ lực thực sự để hiểu người khác, thì chỉ là kỹ thuật dễ dàng sao chép.
Đây cũng là nền tảng văn hóa được gìn giữ và phát triển tại Hakuhodo Group Vietnam – nơi Chandu đang dẫn dắt chiến lược sáng tạo – dựa trên triết lý Sei-katsu-sha, thấu hiểu con người như những cá thể toàn diện với cuộc sống phong phú, không chỉ đơn thuần là người tiêu dùng.
Là một phần của mạng lưới Hakuhodo toàn cầu – công ty mẹ được thành lập từ năm 1895 tại Nhật Bản, Hakuhodo Group Vietnam đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 1995, vẫn đứng vững vàng trong thị trường sáng tạo và quảng cáo giữa bối cảnh ngành sáng tạo liên tục thay da đổi thịt.
Hơn một thế kỷ qua, Hakuhodo và sau này là Hakuhodo Group Vietnam đã đi qua những bước chuyển công nghệ lớn: từ thời chưa có điện thoại, máy tính, đến thời AI tổng hợp mọi thứ trong vài giây. Nhưng cách con người phản ứng với những vấn đề, cảm xúc, nỗi đau, hy vọng hay mặc cảm thì không thay đổi nhiều như ta tưởng. Và thấu hiểu, chăm chút cho điều đó chính là cách một công ty sáng tạo tồn tại, thích nghi mà không đánh mất mình bất kể công cụ trong tay họ đang là gì.
Chandu chia sẻ một quy tắc nội bộ đáng chú ý tại Hakuhodo Group Vietnam: nếu nhân viên mắc lỗi, người chịu trách nhiệm đầu tiên là quản lý. Một hệ thống được xây dựng để bảo vệ sự thử sai – vốn là điều kiện tiên quyết của sáng tạo. Và trong thế giới mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nơi mọi chiến dịch đều bị đòi hỏi “hiệu quả tức thì”, giữ được sự đồng cảm giữa các thành viên nội bộ là một hành vi… mang tính chiến lược.

Ở đây, đồng cảm không chỉ dành cho người tiêu dùng mà còn dành cho chính những người tạo ra giá trị trong doanh nghiệp. Và đó cũng là cách Hakuhodo Group Vietnam tiếp cận công nghệ. Họ không chạy theo bằng mọi giá, mà quan sát kỹ lưỡng, thử nghiệm có chọn lọc và luôn giữ câu hỏi: Công nghệ này có giúp ta thấu hiểu và phục vụ con người tốt hơn không?
Khi đổi mới không cần ồn ào, mà chỉ cần giải quyết được vấn đề
Tại Vietnam Innovators, chúng tôi luôn tìm kiếm những nhân vật đại diện cho sự đổi mới: người dám nghĩ khác, dám vận hành doanh nghiệp theo cách riêng, dám dấn thân vào những điều mới lạ và sẵn sàng chia sẻ. Nhưng với Chandu, “đổi mới” không đơn thuần là chạy theo điều mới mẻ hay lạ lẫm, càng không phải là chạy theo những từ khóa như AI, tự động hóa hay blockchain.
“Sự đổi mới không nằm ở việc dùng công nghệ phức tạp nhất, mà ở việc dùng nó để giải quyết một vấn đề cũ theo cách đơn giản đến bất ngờ.”
Sự đổi mới, theo ông, không cần ồn ào gây sốc. Thay vào đó, nó cần độ chính xác trong quan sát và chiều sâu trong suy nghĩ. Và từ đó ta có sự đổi mới trong cách đặt câu hỏi, cách ra quyết định, hay cách tổ chức tạo điều kiện để người trong cuộc được làm đúng thay vì làm nhanh. Như chương trình “Shark Tank nội bộ” tại chính Hakuhodo là biểu hiện rõ ràng của một tư duy đổi mới âm thầm nhưng bền vững.
Chúng ta sẽ quảng cáo AI như thế nào?
Cuối mỗi tập Vietnam Innovators, host Hảo Trần đều mời người khách tham gia đặt câu hỏi như một cách mời gọi người kế tiếp tiếp tục cuộc đối thoại. Chandu chia sẻ điều ông đang nghĩ nhiều nhất chính là AI sẽ đưa chúng ta về đâu. Nhưng rồi câu hỏi ông đưa ra lại dẫn đến một câu hỏi khác thú vị không kém: Chúng ta nên quảng cáo AI như thế nào?

Và câu trả lời là: Không cần. Chúng ta không cần quảng cáo cho một thứ mà ai cũng đang tin rằng mình đang cần. Điều có thể và nên quảng cáo có lẽ là ý thức về tính bảo mật, rủi ro deepfake, và khả năng bị khai thác cá nhân hóa dữ liệu – những vấn đề có thật nhưng dễ bị đánh lạc hướng trong làn sóng công nghệ hào nhoáng.
Hành động của bạn là gì khi chiếc máy quen thuộc bỗng ngừng chạy?
Sự cố tại máy chủ OpenAI sớm được khắc phục. Những dòng lệnh lại tiếp tục được gửi vào ChatGPT, Gemini hay bất kỳ mô hình GenAI nào đang thịnh hành. Mỗi dòng lệnh lại cung cấp những dữ liệu cho ra những thành phẩm là bản sao của muôn vàn dữ liệu được các máy học (machine learning) ghi nhận.
Sự quá tải sẽ xảy ra ngày càng nhiều hay không bao giờ diễn ra sẽ vẫn là ẩn số. Nhưng có một sự thật đơn giản: cách bạn phản ứng khi sự tiện nghi tạm thời không còn sẽ phản ánh chính xác nhất cách bạn đối diện các vấn đề trong tương lai.
Chandu hiện đang giữ vai trò lãnh đạo cấp cao tại một công ty có lịch sử lâu đời. Ở nơi đó đã từng không có AI và nếu một ngày nào đó AI không còn thì sáng tạo vẫn sẽ tồn tại. Bởi sự đồng cảm – nền tảng của sáng tạo đã trở thành văn hóa, không phụ thuộc vào công cụ hay xu thế. Những gì ông chia sẻ không là lý thuyết trên giấy, mà là triết lý vận hành đã được kiểm chứng qua nhiều thập kỷ biến động.