Lucky girl syndrome - “Thần chú” may mắn của bạn là gì? | Vietcetera
Billboard banner

Lucky girl syndrome - “Thần chú” may mắn của bạn là gì?

Có thực là bạn sẽ may mắn hơn chỉ nhờ vào thay đổi suy nghĩ?
Lucky girl syndrome - “Thần chú” may mắn của bạn là gì?

Nguồn: ILLIT - BELIFT LAB

1. Lucky girl syndrome là gì?

Dù có chữ “syndrome” (hội chứng) trong tên, lucky girl syndrome không phải một căn bệnh nào. Trái lại, đây là một hình thức khẳng định tích cực (positive affirmation), trong đó bạn nói với bản thân rằng mình thực sự may mắn, và những điều tốt đẹp đang đến với mình.

Lucky girl syndrome có phần giống với delulu ở cách “thao túng” suy nghĩ theo hướng tích cực, thậm chí có phần phi thực tế để tăng mức độ tự tin. Song nếu delulu tập trung vào năng lực của bạn ở một khía cạnh nào đó, lucky girl syndrome hướng bạn theo suy nghĩ rằng, may mắn là điều bạn hoàn toàn có thể chủ động “thu hút” đến với cuộc đời mình.

Một số câu “thần chú” phổ biến của những người chơi hệ này có thể kể đến:

  • Mình thật may mắn.
  • Mọi việc đều diễn ra đúng ý mình.
  • Mình luôn gặp đúng người, ở đúng thời điểm.

2. Nguồn gốc của lucky girl syndrome?

Thuật ngữ được Laura Galebe, một chuyên gia trang điểm và nhà sáng tạo nội dung, nhắc đến lần đầu trong một video TikTok đăng tải ngày 18/12/2022. Cô chia sẻ trong video rằng, “chỉ đến khi tôi tin rằng những điều tuyệt vời sẽ đến với mình, thì chúng mới thực sự xảy đến liên tiếp”.

Dù vậy, lucky girl syndrome vốn không phải “triết lý” gì mới mẻ. Nó được coi là một cách diễn giải của Luật Giả định (The Law of Assumption) - chiến thuật tư duy được nhà văn Anh Neville Goddard đưa ra từ đầu thế kỷ XX nhằm thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Theo đó, nếu tin rằng bạn đã có điều mình muốn, vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn biến nó thành hiện thực.

Và lý do thuật ngữ được gọi là lucky girl thay vì lucky boy chỉ đơn giản vì… Laura là nữ. Còn về bản chất, mọi người đều có thể áp dụng lối tư duy này.

02apr20241imanifestedmy943522jpg
Chân dung Laura Galebe - “mẹ đẻ” của thuật ngữ Lucky Girl Syndrome. | Nguồn: Laura Galebe

3. Vì sao lucky girl syndrome phổ biến?

Thuật ngữ trở nên viral gần đây nhờ xuất hiện trong tên bài hát của nhóm nữ tân binh nhà HYBE là ILLIT. Tuy nhiên ngay từ thời điểm video của Laura Galebe được đăng tải, lucky girl syndrome đã trở thành một “hiện tượng” trên TikTok.

Chỉ cần tìm hashtag #luckygirlsyndrome trên TikTok, bạn sẽ thấy nó xuất hiện trong hơn 165,000 clip. Phần lớn trong số này là những câu chuyện người dùng kể về cách mọi việc đã đi theo hướng họ muốn thế nào khi niệm “thần chú” rằng mình rất may mắn. Và về mặt khoa học, lucky girl syndrome quả thực có một số tác dụng nhất định.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Science Direct, những người tin mình may mắn thường tự tin, lạc quan và có cảm giác kiểm soát tốt hơn khi đối diện các vấn đề mới. Nghiên cứu này cũng cho rằng, cảm giác may mắn thúc đẩy bạn hành động theo mục tiêu đã đề ra, từ đó tiến gần hơn tới điều bạn mong muốn.

Bên cạnh đó, não bộ vốn có xu hướng ưu ái suy nghĩ tiêu cực. Đây vốn là điều bình thường, nhưng khi kéo dài có thể dẫn tới căng thẳng, trầm cảm và những “tác dụng phụ” không mong muốn khác. Theo chuyên gia tâm lý Susan Albers, lucky girl syndrome có thể “xoay chuyển” phần nào suy nghĩ trong trường hợp này, giúp bạn bình tĩnh hơn khi nhìn nhận tình huống.

02apr2024leohohojbylsnoamviunsplashjpg
Về mặt tích cực, lucky girl syndrome có thể giúp bạn tự tin hơn khi giải quyết các vấn đề mới. | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên theo chuyên gia hướng nghiệp Lisa Quinn, kiểu tư duy này quá tập trung vào suy nghĩ mà quên đi hành động cụ thể. Mặt khác, nó cũng bỏ qua thực tế về những người sinh ra trong nghèo khó, gia đình mất chức năng hoặc đang chiến đấu với bệnh nặng. Những hạn chế này khiến họ khó mà tư duy tích cực, khi việc cố gắng sinh tồn đã là một nỗ lực rất lớn với họ.

Thế nên về một khía cạnh nào đó, lucky girl syndrome có thể trở thành tích cực độc hại (toxic positivity). Thử tưởng tượng bạn buộc phải nghĩ mình “may mắn” khi đang phải đối mặt với 7749 vấn đề khác, đó chắc chắn là cảm giác không dễ chịu chút nào.

Vì vậy thay vì lucky girl syndrome, chuyên gia Lisa Quinn gợi ý thực hành khắc kỷ hoặc công thức WOOP (Wish, Outcome, Obstacle and Plan). Các phương pháp này vẫn giúp bạn đặt mục tiêu với tâm thế tích cực, đồng thời ghi nhận những vấn đề đã (và có thể) xảy ra trên hành trình. Khi nắm được những vấn đề này, bạn sẽ tự tin đối mặt nếu chúng thực sự xảy ra.

Nhưng nhìn chung dù phấn đấu theo phương pháp nào, thì “năng lượng vũ trụ” chỉ đóng một vai trò nhỏ. Nỗ lực, hành động và cách bạn xử lý những vấn đề xảy ra mới giúp bạn mang lại vận may cho cuộc đời mình.

4. Cách dùng lucky girl syndrome?

Tiếng Anh

A: How do you turn all your desires into reality?

B: I practice the “lucky girl syndrome”. Just manifesting that everything will work out your way.

Tiếng Việt

A: Làm sao bà biến được mọi điều bà muốn thành hiện thực vậy?

B: À tui theo chủ nghĩa “cô gái may mắn” đó. Bà chỉ cần tâm niệm rằng mọi thứ sẽ đi theo hướng bà muốn là ok thôi.