“Mai thúy” là ai mà mạng xã hội cứ réo tên? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

“Mai thúy” là ai mà mạng xã hội cứ réo tên?

Đằng sau từ lóng tưởng chừng vô hại ấy là cả một hệ sinh thái ngôn ngữ né kiểm duyệt.

Thanh Trúc
“Mai thúy” là ai mà mạng xã hội cứ réo tên?

Nguồn: Trung Nguyễn cho Vietcetera

1. “Mai thúy” là gì?

“Mai thúy” là cách nói tránh, chủ yếu được sử dụng trong cộng đồng mạng và giới trẻ, để chỉ các loại chất gây nghiện như ma túy đá, ketamine, cần sa, v.v. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ xuất hiện trong môi trường giao tiếp phi chính thống, với mục đích né tránh kiểm duyệt, giảm tính khiếm nhã, hoặc tạo cảm giác “mềm” hơn khi nói về một chủ đề nặng nề.

Khác với tên gọi chính thức mang sắc thái hình sự, “mai thúy” thường được dùng trong các câu nói đùa, memes, hoặc các bình luận trên mạng xã hội, nơi sự dí dỏm hoặc ẩn dụ giúp người viết không bị rơi vào vùng “vi phạm cộng đồng”.

2. Nguồn gốc của từ “mai thúy”

Không thể xác định được ai là người đầu tiên dùng từ “mai thúy”. Tuy nhiên, theo các nguồn tin uy tín, từ này bắt đầu xuất hiện rộng rãi từ khoảng năm 2019, trùng với thời điểm mạng xã hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và các chính sách kiểm soát nội dung bắt đầu nghiêm ngặt hơn.

Việc nói lái từ “ma túy” thành “mai thúy” cũng nằm trong truyền thống lâu đời của tiếng Việt, khi người ta muốn né tránh các chủ đề nhạy cảm, tục tĩu hoặc bị kiểm duyệt, thì nói lái trở thành một hình thức giao tiếp ngầm hiệu quả. Trong trường hợp này, “mai thúy” vừa là cách ẩn dụ, vừa là một dạng phản ứng ngôn ngữ trước các rào cản hiển ngôn.

3. Vì sao “mai thúy” trở nên phổ biến?

Sự phổ biến của “mai thúy” gắn liền với hai yếu tố: thuật toán kiểm duyệtvăn hóa meme của mạng xã hội.

Trên các nền tảng như TikTok hay Facebook, những từ khóa nhạy cảm, có tính bạo lực và liên quan đến tình dục thường bị thuật toán đánh dấu là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mặc cho ngữ cảnh dùng từ hoàn toàn lành mạnh.

Khi dùng các từ khóa như “ma túy”, “chết”, hay “tự tử” sẽ dẫn đến bài đăng bị hạn chế hiển thị, thậm chí tài khoản đăng bài sẽ bị đình chỉ. Điều này khiến người dùng buộc phải sáng tạo ra một hệ ngôn ngữ để né tránh sự kiểm duyệt từ thuật toán của nền tảng mạng xã hội. Trong đó “mai thúy” là ví dụ điển hình. Một số ví dụ thường gặp khác có thể kể đến là “44” đã thay thế từ “tự tử”, và từ “chết” cũng đã được người dùng mạng xã hội thay thế bằng từ “chớt”.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại, kiểm duyệt bằng AI vốn chỉ là một giải pháp tạm thời. Việc các nền tảng dựa quá nhiều vào thuật toán khiến cho nội dung có ích bị lu mờ, trong khi các nhóm tội phạm thực sự cũng có thể lợi dụng chính các từ lóng như “mai thúy” để giao dịch. Ngôn ngữ lách luật không chỉ phục vụ mục đích giải trí mà còn vô tình tạo ra “mặt nạ” cho hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cách nói này còn nhanh chóng lan rộng nhờ yếu tố giải trí: nó mang lại sự vui tai, gây tò mò, dễ chế meme và tương tác. Từ đó, “mai thúy” không chỉ là cách né ma túy, mà còn trở thành biểu tượng cho những thứ “gây nghiện mềm” kiểu như mạng xã hội, nhạc remix, phim drama, v.v. Từ nghĩa đen ban đầu, “mai thúy” dần được chuyển hóa thành nghĩa bóng.

Nhưng việc không được gọi đúng bản chất sự việc đôi khi cũng khiến xã hội né tránh nhìn nhận sự thật. Một ví dụ gây tranh cãi là tại Bảo tàng Văn hóa Đại chúng (Seattle, Mỹ), cái chết của Kurt Cobain được ghi là “un-alived”, một cách nói tránh nhằm né từ “suicide” để không bị thuật toán đánh dấu là nội dung nhạy cảm.

Điều đáng bàn là trong không gian hiện hữu của viện bảo tàng, nơi không có sự can thiệp của thuật toán kiểm duyệt, việc sử dụng thuật ngữ này trở nên khó hiểu: tại sao một nơi lưu giữ sự thật lịch sử và văn hóa lại phải vay mượn cách diễn đạt né tránh vốn chỉ xuất hiện vì nỗi lo bị kiểm soát bởi máy móc? Hành động này bị nhiều nhà phê bình cho là tránh né sự thật, giảm tính giáo dục và làm lu mờ vấn đề xã hội.

alt
Bảo tàng Lịch sử Pop Culture tại Seatle dùng từ “un-alived” thay vì “suicide” dấy nên tranh cãi về việc ngôn ngữ mạng xã hội đã xâm nhập vào đời sống. | Nguồn: vegryn

Từ đó có thể thấy, “mai thúy” hay các từ tương đương không chỉ đơn thuần là một cách nói vui. Chúng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa ngôn ngữ, công nghệ, văn hóa mạng và đạo đức truyền thông.

4. Dùng “mai thúy” như thế nào?

Trong thực tế, “mai thúy” được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, từ việc mô tả đúng nghĩa (“thằng kia dính mai thúy”) đến nghĩa bóng (“tôi nghiện cái game này y như mai thúy luôn”). Bên cạnh đó, nhiều từ tương đương cũng được sáng tạo không ngừng, như:

  • Kẹo ke: ketamine
  • Bay lắc: chơi thuốc và nhảy trong các buổi tiệc tùng
  • 44: tự tử
  • Chớt hay c.h.ế.t: biến dạng chính tả để né kiểm duyệt