Có quán cà phê nào khiến bạn yêu thích vô cùng, đến mức mỗi lần ghé lại đều thấy như trở về một miền ký ức – rồi một ngày, bạn đứng trước cửa quán, ngỡ ngàng vì chẳng nhận ra điều gì quen thuộc nữa?
Với tôi, quán đó tên là Magpie. Một nơi nhỏ xinh nằm trong con hẻm cũ, nơi mỗi chiều cuối tuần tôi vẫn đến để trốn Sài Gòn và deadline. Nơi ấy có bàn gỗ thô, có cây đèn vàng treo lơ lửng trên cành cây, có tiếng nhạc jazz chậm rãi và vài ba người ngồi làm việc trong im lặng. Ở đó, tôi không chỉ là khách – tôi là một phần trong cái không khí đồng điệu ấy.
Nhưng rồi Magpie đổi khác.
Hôm ấy, tôi ghé vào một quán cà phê mới nổi để viết nốt bản thảo còn dang dở. Quán lớn, rộng, tông trắng đen tối giản, chỗ nào cũng đầy người check-in, bàn ghế cách xa nhau như thể ai cũng cần một khung ảnh riêng. Tôi chọn đại một góc – chỗ còn trống cuối cùng – rồi gọi một ly cà phê ủ cùng đào và chanh dây, được phục vụ trong ly nhựa, có lớp trái cây mỏng dính nổi lềnh bềnh phía trên. Đang lơ ngơ nhìn quanh, tôi thấy một dáng người quen. Là Tuấn – barista cũ ở Magpie.
“Bà còn cà phê deadline hả?” – Tuấn cười, tay vẫn đang lau máy pha.
“Ờ... Nhưng không nghĩ là sẽ gặp ông ở đây đó.”
“Magpie giờ ‘lên đời’ rồi mà,” Tuấn nói, vừa đùa vừa buồn. “Bên mình mở rộng, đổi menu, đổi mặt bằng, đổi luôn cả tệp khách.”
Tôi cười, mà lòng thì chẳng vui. Magpie – quán mà tôi từng yêu – giờ như một người bạn cũ đi du học về, nói một thứ tiếng khác, ăn mặc khác, nghĩ khác. Vẫn là cái tên đó, nhưng tinh thần xưa cũ đã không còn. Không gian đã “xịn sò” hơn, tiện nghi hơn, sản phẩm cũng hợp trend hơn. Khách đến đông hơn – trẻ, đẹp, bắt trend nhanh. Nhưng tôi thì không còn cảm thấy mình thuộc về nơi đó nữa.

“Cũng tiếc mấy khách quen cũ, có người 2 năm rồi không quay lại,” Tuấn nói. “Có người ghé lại thì nhìn quanh rồi đi luôn, không gọi món.”
Tôi thấy mình trong những vị khách đó. Có gì đó chùng xuống. Nhưng rồi Tuấn tiếp lời:
“Thật ra tụi mình cũng đắn đo lắm. Giữ nguyên thì sợ không trụ được. Mở rộng thì sợ mất đi cái chất xưa. Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện giữ được hoài một mô hình nhỏ mà đủ sống. Nên tụi mình chấp nhận thay đổi, dù biết sẽ đánh mất vài điều.”
Tôi gật đầu. Trong ánh nhìn của Tuấn, tôi thấy cả sự tiếc nuối lẫn hy vọng. Và tôi bỗng thấy nhẹ lòng.
Tôi từng nghĩ rằng quán đã phản bội tôi – người khách cũ trung thành. Nhưng rồi tôi hiểu, Magpie không phản bội ai cả. Họ chỉ đang loay hoay sống sót trong thế giới kinh doanh, trong sự đổi thay của thị trường và hành vi người tiêu dùng. Họ đang tìm một chỗ đứng mới – và cái giá phải trả là đánh đổi một phần quá khứ.
Scale-up, người ta gọi thế. Là khi một doanh nghiệp trẻ không còn đứng yên với cái danh “start-up” nữa, mà bắt đầu dấn thân vào cuộc chơi lớn hơn, rộng hơn – nhưng cũng cô đơn và áp lực hơn. Ở đó, họ có nhiều khách hơn, doanh thu cao hơn, thương hiệu được biết đến nhiều hơn. Nhưng cũng là lúc họ đối mặt với những câu hỏi không dễ trả lời: Khách mới liệu có trung thành hay chỉ là người qua đường? Những người từng yêu họ vì sự khác biệt có còn quay lại không? Và quan trọng nhất: Họ có còn là họ?

Tôi viết xong bài lúc trời vừa tắt nắng. Ly cà phê vẫn còn nửa, tôi vẫn chưa quen với ly nhựa trong và những miếng đào cắt mỏng. Nhưng tôi không thấy buồn như trước nữa.
Vì tôi hiểu, trong những thay đổi tưởng chừng như “đánh mất mình”, Magpie – và biết bao doanh nghiệp trẻ khác – đang cố gắng trưởng thành.
Còn tôi – một người quan sát – có lẽ cũng đang trưởng thành trong cách nhìn nhận sự thay đổi đó.
***
“Chẳng lẽ không còn những quán cà phê khác cho những người như tui sao?"
“Còn chứ, có nhiều anh chị làm cà phê nhưng vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng riêng tới cùng. Tui biết vài chỗ, lần tới bà ghé thử xem.”
(Tên quán đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư)