Ở tuổi 63, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, vẫn giữ một năng lượng trẻ trung và cách nói chuyện dí dỏm. Ông là người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX, từng là Tổng Giám đốc FPT, và cũng là tác giả của hai cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm phần mềm và doanh nghiệp. Với nhiều người trẻ, Nguyễn Thành Nam là một người thầy sẵn sàng đưa ra những góc nhìn ngược dòng, đôi khi bất ngờ nhưng cực kỳ thực tế.
Trò chuyện cùng ông, ta dễ nhận ra những triết lý giản dị nhưng nhiều lớp nghĩa về người trẻ, bản sắc dân tộc, hay hành trình trưởng thành của doanh nghiệp. Ông cho rằng, muốn đi xa, trước tiên ai cũng phải hiểu mình, nguồn cội của mình.
Làm việc nhiều với các doanh nghiệp trẻ, ông cảm thấy họ khác gì so với thế hệ trước?
Khác nhiều đấy. Ví dụ, thế hệ tôi từng nghĩ, đầu tư nước ngoài là đã bước một chân ra biển lớn. Còn bây giờ, nhiều bạn trẻ cho rằng thị trường trong nước cạnh tranh căng thẳng, nên ngay từ đầu các bạn đã chọn cách tiếp cận toàn cầu.
Tôi hoàn toàn ủng hộ tư duy đó. Thời đại này, công nghệ và internet đã xoá nhoà gần như mọi ranh giới, không nhất thiết phải giới hạn mình trong phạm vi quốc gia. Nếu mình thấy một vấn đề cần giải quyết, rất có thể ở đâu đó trên thế giới cũng đang có nhu cầu tương tự. Đó chính là lợi thế rất lớn của các bạn trẻ: dám nghĩ lớn, dám làm sớm, và có sự liều lĩnh nhất định.
Nhiều bạn trẻ sau khi khởi nghiệp đến gặp tôi, tưởng chuyện gì nghiêm trọng, hóa ra chỉ là... “Ôi bỗng nhiên em nhiều tiền quá, em hoang mang quá!”. Doanh nghiệp cũng như một cơ thể sống, khi nó lớn lên, bạn buộc phải trưởng thành theo. Muốn nuôi một đứa con khôn lớn, bạn không chỉ cần tiền, mà còn cần kiến thức, trải nghiệm và cả sự cam kết.

Ông đã viết hai cuốn sách và sắp tới sẽ có cuốn thứ ba. Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông?
Nói thật, viết sách không phải chuyện dễ. Nó cũng giống như làm phần mềm vậy - cần kỹ thuật, cần tư duy hệ thống. May mắn là từ ngày xưa, tôi đã có thói quen ghi chép.
Bạn bè lâu lâu hỏi tôi: “Sao mấy chuyện từ thời nảo thời nao mà anh còn nhớ?” Thật ra, con người mà, khoảng ba năm là đã quên sạch. Chỉ là tôi ghi lại ra giấy, lưu vào máy tính, nhờ thế mà khi cần có thể đọc lại, chứ không phải một phiên bản đã bị “chế biến” theo trí nhớ. Việc này đặc biệt quan trọng trong kinh doanh. Bởi nếu mình kể sai, nhớ sai, thậm chí diễn giải lại theo cảm tính, đôi khi cái sai đó lại được truyền đi tiếp, rất nguy hiểm.
Tôi cũng để ý thấy, so với các nước trong khu vực, tốc độ phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam không hề thua kém. Mình rất năng động, rất sáng tạo. Nhưng điều mình còn thiếu, đó là tính kế thừa. Thế hệ tôi gần như phải bắt đầu lại từ đầu, vì bố mẹ đa phần là công chức, giáo viên, không có ai đi trước truyền lại kinh nghiệm.
Nên dạo gần đây, tôi mới bắt đầu tự hỏi: Làm sao để thế hệ này truyền được gì đó cho thế hệ sau? Mình tư vấn bằng lời, người ta nghe rồi quên ngay. Còn khi mình viết xuống, mình phải sắp xếp lại cho có lớp lang, có hệ thống. Viết là cách để giữ lại một phần trí nhớ của tập thể.
Một số người trẻ hiện nay rất sợ hai từ “khoảng lặng”, nhất là khi thế giới đang chuyển động quá nhanh. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ trước hết phải đặt ra câu hỏi: bạn đang “chủ động” lặng hay “bị động” lặng. Nếu bạn chủ động chọn dừng lại như người giương cung, nín thở để bắn chính xác một mũi tên duy nhất – thì khoảng lặng đó vô cùng cần thiết.
Một ví dụ điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng “lặng” suốt 8 năm trời bôn ba năm châu học hỏi, tích lũy, chuẩn bị. Và một khi đã ra tay hành động thì đó là việc lớn, vẻ vang cho cả dân tộc. Làm chuyện lớn không thể vội. Mũi tên càng muốn bắn xa, thì dây cung phải được kéo lùi càng lâu.

Cái tôi lo không phải là khoảng lặng, mà là tâm lý sợ bị người khác đánh giá trong lúc mình... đang lặng. Nhiều bạn cứ nghĩ mình phải luôn tỏ ra bận rộn, phải cho người khác thấy mình đang làm việc, đang “chạy”. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Làm kinh doanh phải có cái đầu lạnh. Nên đừng nhìn người khác bề ngoài vô công rỗi nghề mà đánh giá người ta. Vì không ai biết trong đầu họ đang tính toán để nhảy xa, chạy marathon hay bắn cung đâu (cười).
Ông có đồng tình quan điểm: mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều đang góp phần vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam không?
Thật lòng, tôi không thấy đúng. Thương hiệu quốc gia là một khái niệm lớn, rất quan trọng. Câu hỏi không nên là “Ta đã làm gì cho thương hiệu quốc gia?”, mà nên là: “Thương hiệu quốc gia của chúng ta có gì?”
Nhiều thứ người Việt mình xem là bình thường, thậm chí không để ý tới, hoá ra lại rất phi thường trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi kể một câu chuyện nhỏ thế này: năm 2010, một người bạn nước ngoài đến thăm tôi đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Bạn ấy tròn mắt thốt lên: “Một nghìn năm á?” Bởi ở Mỹ, thành phố cổ nhất cũng chỉ tầm 300 năm. Ngay khoảnh khắc đó, họ nhìn Việt Nam bằng ánh mắt khác. Một quốc gia có cả nghìn năm lịch sử đâu phải chuyện đơn giản? Nên với tôi, đất nước này đã cho tôi tất cả. Không phải tôi đóng góp cho nó, mà chính thương hiệu Việt Nam mới là nền tảng giúp tôi và rất nhiều người khác làm được điều mình muốn làm.
Tôi rất thích một cụm từ của Bác Hồ: “Sánh vai với các cường quốc năm châu.” Muốn được sánh vai, trước hết phải làm cho thế giới kính trọng mình. Muốn được kính trọng, doanh nghiệp hay cá nhân đều phải biết mình là ai, đến từ đâu, mang theo điều gì của Việt Nam khi bước ra thế giới. Hiểu mình đã là một lợi thế lớn. Bài học ấy, chính Bác Hồ cũng đã làm rất rõ. Bác có thể chạm đến những nền văn hóa xa lạ, vì Bác hiểu sâu sắc văn hóa của mình. Khi bạn nói được về chính mình, người khác mới cởi mở nói về họ.

Ông từng nhắc đến triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Vậy trong thời đại AI đang phát triển như vũ bão, thậm chí đe dọa công việc của con người, theo ông, chúng ta còn điều gì là “bất biến”?
Nói thật, tôi cũng không biết (cười). Nhưng nó chắc chắn có điều bất biến, mỗi ngành nghề có những bất biến khác nhau.
Câu trả lời không thể tự nhiên rơi xuống khi mình ngồi yên một chỗ. Phải lao vào làm, phải đương đầu với thực tế thì mới lộ ra được cái gì thật sự “bất biến”. Tôi hay nói với mấy bạn khởi nghiệp: cứ nhảy vào đi, có gì đâu mà sợ. Trong kinh doanh, mất tiền là chuyện bình thường. Hết tiền thì... chịu, kiếm lại. Chỉ có mất sức khỏe thì mới thật sự đáng lo vì không kiếm lại được.
Người ta hay nghĩ người trẻ bây giờ sống trong điều kiện đủ đầy nên ngại khó, ngại khổ. Nhưng không phải. Tuổi trẻ thời nay liều hơn, nhiều khi còn... liều hơn tụi tôi hồi xưa nữa. Các bạn ít bị trói buộc bởi lo toan “cơm áo gạo tiền”, có nhiều phương tiện, được kết nối rộng rãi hơn, nên chẳng có lý do gì để không dám thử.
Mình có cần lúc nào cũng phải va chạm thì mới nhận ra vấn đề không?
Không chỉ là “lúc nào”, mà đó là cách duy nhất. Tôi chưa từng thấy ai chỉ ngồi yên, ngẫm nghĩ rồi đột nhiên “ngộ ra mình là ai” cả. Chuyện đó chắc chỉ có trong cổ tích hay trong mơ. Chúng ta đang sống trong đời thực, mà đời thực thì không thể thiếu va chạm. Có khi phải trả giá nữa. Giá thì có người thấy đắt, người thấy rẻ, nhưng ít ra vẫn có được một bài học, giúp mình hiểu bản thân hơn.
Sai lầm trong doanh nghiệp, với ông, có phải điều bình thường?
Đúng, sai lầm và sửa sai đều là một phần tất yếu trong kinh doanh, biết kiểm điểm mới là phi thường. Năng lực yếu nhất của chúng ta chính là tự kiểm điểm. Ngày xưa đi học, mỗi lần làm bản kiểm điểm, ta đều viết đi viết lại câu quen thuộc: “Em xin hứa sẽ rút kinh nghiệm và không bao giờ tái phạm nữa.” Nhưng thực tế là… chẳng ai nói rõ sẽ sửa bằng cách nào.

Con người có một điểm rất khó sửa: đó là khi sai thì không muốn nhắc lại. Mình thích để mọi chuyện trôi qua êm đẹp, không muốn đối diện, không muốn đào sâu gốc rễ của vấn đề. Nhưng nếu không mổ xẻ, không tìm hiểu tường tận cái sai đó đến từ đâu, vì sao nó xảy ra… thì chắc chắn nó sẽ lặp lại.