Nhiều tín hiệu tốt từ bức tranh kinh tế mới của Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Vietnam Innovators DigestNhiều tín hiệu tốt từ bức tranh kinh tế mới của Việt Nam

Tín dụng mở lối cho startup, game Việt vươn xa, công nghệ Đài Loan nhập cuộc, cải cách tài chính bứt phá.

Nhiều tín hiệu tốt từ bức tranh kinh tế mới của Việt Nam

Bà Hoàng Thị Kim Dung (bìa trái) và ông Phạm Hồng Hải, CEO ngân hàng OCB (bìa phải) trong một phiên thảo luận. | Nguồn: VNEconomy

OCB và Genesia Ventures đồng tổ chức sự kiện “Banking Innovation for Startups”, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho các startup Việt

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang chứng kiến một bước chuyển lớn trong cách các doanh nghiệp trẻ tiếp cận nguồn vốn nhờ sáng kiến mới do Ngân hàng OCB và Quỹ đầu tư Genesia Ventures khởi xướng.

Ngày 18/7/2025, hai đơn vị đã cùng tổ chức hội nghị “Banking Innovation for Startups” tại TP.HCM, mở ra các hướng đi mới trong hoạt động cho vay dành cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu. Sự kiện quy tụ các bên liên quan, để cùng bàn cách giải quyết một trong những rào cản lớn nhất mà startup thường gặp: vay vốn mà không cần tài sản thế chấp. Thay vì dựa trên tài sản, cách tiếp cận mới ưu tiên dòng tiền, mô hình kinh doanh và uy tín của đội ngũ sáng lập.

alt
Hội nghị “Banking Innovation for Startups” do do Ngân hàng OCB và Quỹ đầu tư Genesia Ventures đồng tổ chức. | Nguồn: VNEconomy

Sáng kiến này nhận được sự hậu thuẫn từ các đối tác chiến lược như Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) và phù hợp với định hướng của Nghị quyết 68-NQ/TW, vốn khuyến khích cấp tín dụng dựa trên tài sản vô hình.

Hiện OCB đã bắt đầu áp dụng mô hình này cho các startup như M Village, Buymed (Thuocsi) và Ecomobi - những doanh nghiệp cho thấy khả năng tăng trưởng tốt, mô hình dễ mở rộng hoặc có tiềm năng IPO. Mô hình hợp tác này tạo ra “tam giác lợi ích” giữa ngân hàng, quỹ đầu tư và startup: Genesia Ventures hỗ trợ tìm kiếm và đánh giá dự án, trong khi OCB triển khai các gói cho vay linh hoạt, giúp dòng vốn đến với startup dễ dàng hơn.

Tổng thể, đây được xem là một bước ngoặt trong hệ sinh thái tài chính đổi mới tại Việt Nam. Việc chuyển từ tư duy “cho vay an toàn” sang mô hình dựa trên niềm tin và tầm nhìn dài hạn đang mở ra cơ hội tiếp cận vốn theo chuẩn quốc tế cho các startup Việt.

Sau khi mất trắng, VNG vẫn tiếp tục đầu tư vào game mới của Founder Bùi Sỹ Phong với kỳ vọng doanh thu 200 triệu USD

Sau khi Telio, startup thương mại điện tử B2B từng được hậu thuẫn bởi những cái tên lớn như Tiger Global và Granite Asia, sụp đổ vào cuối năm 2024, ông lớn công nghệ Việt Nam là VNG vẫn quyết định tiếp tục đồng hành cùng nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong. Thay vì rút lui, VNG đã đầu tư vào dự án mới của anh: Kronia, một studio game tập trung phát triển các tựa game cao cấp trên PC và console dành cho thị trường toàn cầu.

Đây là bước chuyển chiến lược đáng chú ý cho cả hai bên: ông Bùi Sỹ Phong chuyển hướng từ thương mại điện tử sang ngành game, trong khi VNG cũng bước ra khỏi vai trò nhà phát hành để trở thành nhà sáng tạo sở hữu IP (tài sản trí tuệ) gốc.

Dự án đầu tay của Kronia, có tên mã là “Project P”, được xem là một trong những nỗ lực táo bạo nhất của ngành game Việt Nam từ trước đến nay. VNG không hỗ trợ bằng tiền mặt mà cung cấp gói hỗ trợ phát triển trị giá 2,5 triệu USD thông qua đội ngũ kỹ sư, họa sĩ, quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật. Dự án này dự kiến tiêu tốn tổng cộng 10-12 triệu USD và nhắm đến thời điểm ra mắt vào năm 2029, với mục tiêu bán được 4 triệu bản trong năm đầu tiên, tương đương doanh thu khoảng 200 triệu USD. Đáng chú ý, ông Bùi Sỹ Phong vẫn nắm toàn quyền sáng tạo và sở hữu IP, và đây là điều hiếm thấy trong môi trường startup game tại Việt Nam. VNG cũng để ngỏ khả năng đầu tư vốn cổ phần bổ sung tùy thuộc vào hiệu quả thương mại của sản phẩm.

alt
Một nhân vật trong dự án game của Kronia. | Nguồn: Kronia

Sự hợp tác lần này không chỉ cho thấy lòng tin của VNG vào người sáng lập từng thất bại, mà còn phản ánh chiến lược mới của công ty, chuyển từ phân phối các tựa game quốc tế như Liên Minh Huyền Thoại sang phát triển IP game “made in Vietnam” mang tầm quốc tế.

Đây là một câu chuyện tái sinh của nhà sáng lập, đồng thời là minh chứng cho tư duy chiến lược táo bạo của nhà đầu tư. Nó cho thấy thất bại không phải là dấu chấm hết mà có thể là bàn đạp để vươn lên. Đặc biệt khi có sự đồng hành của những người có tầm nhìn và dám đánh cược vì tương lai của ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Việt Nam và Đài Loan tăng cường hợp tác công nghệ vì sự phát triển khu vực

Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm đổi mới công nghệ mới của khu vực Đông Nam Á, thể hiện rõ nét qua sự kiện Vietnam-Taiwan Tech Solution Day 2025 được tổ chức vào ngày 15/7 tại TP.HCM.

Sự kiện do Startup Island Taiwan, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), FPT Smart Cloud và Digiwin (Đài Loan) đồng tổ chức, tập trung giới thiệu các giải pháp AI có khả năng mở rộng trong lĩnh vực sản xuất và vận hành doanh nghiệp. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Đài Loan trong lĩnh vực AI công nghiệp, với sự đồng hành từ cả chính phủ và cộng đồng startup hai nước.

alt
Startup Đài Loan KDAN giới thiệu các giải pháp quy trình làm việc và xử lý dữ liệu ứng dụng AI tại sự kiện. | Nguồn: Ban tổ chức cung cấp, báo Việt Nam News

Đài Loan hiện là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với tổng vốn FDI tích lũy hơn 40,9 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế công nghệ cao và xanh.

Sự kiện năm nay cho thấy rõ sự đồng bộ giữa hai bên, khi tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam như điện tử, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và hạ tầng số.

Về phía đổi mới sáng tạo, nhiều startup từ hai quốc gia đã trình diễn các ứng dụng AI tiên tiến. Từ Đài Loan, KKCompany giới thiệu BlendVision, một nền tảng video sử dụng AI phục vụ đào tạo và quy trình nội dung; KDAN trình làng công cụ hỗ trợ ra quyết định và tự động hóa quy trình; AIWin mang đến nền tảng triển khai AI không cần huấn luyện; còn Infinitix ra mắt AI-Stack, một nền tảng tối ưu hóa sử dụng GPU và MLOps.

Về phía Việt Nam, LEXengine trình diễn giải pháp AI xử lý tài liệu pháp lý, còn Flowmingo giới thiệu nền tảng tuyển dụng thông minh kết nối nhân tài với hơn 3.000 doanh nghiệp.

Vietnam-Taiwan Tech Solution Day 2025 là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của hợp tác khu vực, hỗ trợ chính sách và tinh thần đổi mới sáng tạo từ các startup trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp ứng dụng AI tại Đông Nam Á.

Những thách thức và cơ hội cho startup Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số nông nghiệp

Chính những hạn chế trong chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn cho các startup AgriTech trong nước. Những cái tên như Techcoop, FoodMap, Tepbac, Cricket One hay Révi Coffee & Tea đang dần tìm ra lời giải cho các bài toán về minh bạch chuỗi cung ứng, tài chính thông minh và kết nối nông thôn với công nghệ.

alt
Phiên tọa đàm “Tăng cường hợp tác chuyển đổi số khu vực công”. | Nguồn: Đức Huy cho Vietnambiz

Nông nghiệp, dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chiếm tới gần 80% lực lượng lao động khu vực nông thôn, vẫn là lĩnh vực bị bỏ ngỏ trong các chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn triển khai đang còn nhiều bất cập: hạ tầng ở cơ sở chưa đáp ứng được, cán bộ địa phương thiếu kỹ năng số, trong khi công nghệ lại phát triển quá nhanh so với khả năng đáp ứng của hệ thống quản lý và chính sách hiện hành. Một ví dụ rõ ràng là hệ thống mã QR từng được triển khai nhưng không hoạt động hiệu quả vì thiếu thiết bị quét phù hợp ở cấp địa phương.

Khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục đổ vào AgriTech và chính sách nhà nước dần hướng đến hiện đại hóa nông nghiệp, lĩnh vực tưởng chừng truyền thống này hoàn toàn có thể trở thành động lực mới cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Khi các rào cản trong thực thi được tháo gỡ, nông nghiệp số sẽ không chỉ là xu hướng mà còn là tương lai đầy tiềm năng cho cả startup lẫn cộng đồng nông thôn.

Việt Nam có thể thu hút thêm khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm nâng tầm vị thế trên thị trường tài chính quốc tế, với mục tiêu được FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Nếu thành công, Việt Nam có thể thu hút thêm khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã công bố lộ trình cải cách gồm bốn giai đoạn kéo dài đến năm 2027, bao gồm nhiều thay đổi về pháp lý và cơ chế thị trường. Một điểm nhấn quan trọng là việc thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ (CCP) thuộc Trung tâm Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, đóng vai trò trung gian nhằm giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch chứng khoán, đảm bảo giao dịch được hoàn tất kể cả khi một bên gặp sự cố, từ đó tăng tính minh bạch và an toàn cho thị trường.

alt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của FTSE Russell. | Nguồn: Trần Hải cho Nhân Dân

Bên cạnh đó, một loạt cải cách đã được triển khai như xóa bỏ yêu cầu nộp tiền trước đối với nhà đầu tư nước ngoài và nâng cấp hệ thống thanh toán. Những động thái này nhằm gỡ bỏ các rào cản lâu nay khiến dòng vốn quốc tế khó tiếp cận thị trường Việt Nam. Với vốn hóa thị trường hiện vào khoảng 245 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với Thái Lan (455 tỷ USD) hay Singapore (~490 tỷ USD), tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn nếu Việt Nam được nâng hạng.

Thị trường cũng đang ghi nhận tín hiệu tích cực: sau thông tin về thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ, chỉ số VN-Index đã tăng 7,22%, phản ánh niềm tin gia tăng từ giới đầu tư. Theo kế hoạch, FTSE Russell sẽ xem xét nâng hạng Việt Nam vào tháng 9/2025, và quá trình thay đổi có thể diễn ra trong vòng 6 đến 12 tháng sau đó.

Lộ trình cải cách lần này được đánh giá là đúng thời điểm, có định hướng rõ ràng và tập trung vào lợi ích của nhà đầu tư. Không chỉ nhằm thu hút vốn ngoại, Việt Nam còn thể hiện quyết tâm cải tổ toàn diện thị trường tài chính để tiến gần hơn đến các chuẩn mực khu vực. Với hệ sinh thái khởi nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng khi có thể thúc đẩy sự quan tâm từ nhà đầu tư quốc tế, gia tăng cơ hội thoái vốn với mức định giá tốt hơn.

Về lâu dài, các startup sẽ hưởng lợi gián tiếp từ thị trường vốn trưởng thành hơn, thanh khoản cao hơn và khả năng tiếp cận vốn tăng trưởng tốt hơn là yếu tố quan trọng để mở rộng quy mô và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.