Tại văn phòng, có những món đồ vật nho nhỏ, mềm mềm, tròn tròn, mà nếu không tròn thì cũng không có góc cạnh nào đáng kể. Chúng nằm lặng lẽ trên bàn, trên kệ, hoặc trong ngăn kéo, và cứ mỗi lần nhìn thấy là tay bạn lại ngứa ngáy muốn bóp thử một cái cho vui.
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy một đồng nghiệp, mặt không biểu cảm, một tay liên tục gõ phím mũi tên đi xuống như thể đang dò tìm sự sống trong một bảng Excel dài vô tận và tay còn lại bóp liên tục chính cái thứ mềm tròn nhỏ đó. Như thể đấy là cách duy nhất để giữ chút lý trí còn sót lại sau các cuộc họp hay lúc nhìn các con số nhảy múa trong file báo cáo.
Đó chính là stress ball, món đồ vật vừa lạ vừa quen, và có lẽ là công cụ sinh tồn cần thiết nhất cho dân văn phòng hiện đại.
Stress ball là gì?
Về cơ bản, stress ball (bóng xả stress) là một quả bóng nhỏ, mềm thường làm từ cao su, gel hoặc foam. Vì tính đàn hồi vốn có nên stress ball rất dễ bóp. Bạn có thể cầm nó gọn trong lòng bàn tay, bóp – thả – bóp – thả, cứ thế đều đều.

Stress ball không kêu, không phát sáng, không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu. Nhưng đằng sau sự giản đơn ấy là một chuỗi phản ứng đáng nể trong cơ thể. Khi bạn bóp stress ball, bạn sẽ:
1. Kích thích các cơ bàn tay
Động tác bóp stress ball giúp co – giãn nhịp nhàng các nhóm cơ bàn tay, từ đó hỗ trợ lưu thông máu, đặc biệt ở những người ngồi lâu, làm việc máy tính nhiều giờ.
Một nghiên cứu tại Nhật Bản (2023) đã chứng minh: các bài tập bóp tay nhẹ (handgrip exercise) tăng rõ rệt tốc độ dòng máu tĩnh mạch, giảm nguy cơ phù nề và cải thiện trao đổi oxy ở tay, đặc biệt ở bệnh nhân sau can thiệp mạch máu.
Tương tự, các bài tập bóp bóng (soft ball exercise) còn được dùng trong phục hồi chức năng sau phẫu thuật nối mạch, cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tăng độ giãn tĩnh mạch và lưu thông máu ngoại biên.
2. Đánh lạc hướng hệ thần kinh khỏi căng thẳng
Việc bóp bóng lặp đi lặp lại có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi tác nhân gây stress, tạo ra một dạng “thiền cơ học”, một cách luyện tập chánh niệm mà không cần gập chân xếp bằng.
Một nghiên cứu tại Đại học California về các tác động mà stress ball mang đến trong việc điều trị ung thư da đã chứng minh: khi được cho sử dụng stress ball trong lúc chờ phẫu thuật da liễu, nhóm bệnh nhân có mức lo âu thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, tính bằng thang điểm STAI (State-Trait Anxiety Inventory).
Ở một nghiên cứu khác, stress ball cũng hoạt động như một dạng “sensory distraction”, giúp não bạn ngắt kết nối tạm thời khỏi phản ứng căng thẳng mãn tính và quay về trạng thái ổn định.
3. Giải phóng endorphin (hormone hạnh phúc)
Không chỉ đơn thuần là động tác cơ học, việc bóp stress ball có thể kích hoạt sự giải phóng endorphin, hay chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác thư giãn, hạnh phúc và giảm đau tự nhiên.
Endorphin thường được giải phóng trong các hoạt động có nhịp điệu đều như chạy bộ, cười, thiền hoặc... bóp bóng. Theo giải thích từ các tài liệu sinh học thần kinh, sự vận động cơ lặp lại (repetitive motor movement) là một yếu tố kích hoạt vùng não sản sinh endorphin và serotonin, hai chất có khả năng giảm căng thẳng, làm dịu thần kinh và ổn định tâm trạng.
Từ cơ chế đó, những “cú bóp nhẹ nhàng” mang lại những lợi ích to lớn như:
- Giảm stress và lo âu.
- Cải thiện tập trung, đặc biệt khi làm việc trí óc, giúp bạn không nổi điên vì bảng Excel có 379 cột.
- Tăng tuần hoàn máu bàn tay cho người làm việc văn phòng, dùng máy tính nhiều.
- Phòng tránh hội chứng ống cổ tay nếu dùng đúng cách và đều đặn.
- Cai nghiện thói quen xấu như cắn móng tay, gõ bút liên tục, hay nghịch điện thoại không kiểm soát.
Tóm lại là: bóp bóng sẽ giúp bạn nhẹ đầu, bớt quạu, tăng sự tập trung và các lợi ích thể chất ở những bộ phận chúng ta hay bỏ quên.
Stress ball có cứu bạn khỏi đột quỵ không?
Nếu hiểu “cứu mạng” theo nghĩa đen – như ngừa đột quỵ, tai biến – thì câu trả lời là: không. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng thì việc bóp bóng sẽ cứu bạn khỏi một cơn stress kéo dài, bùng nổ cơn giận không cần thiết thì có thể là có đấy.

Thực tế, stress ball còn được dùng trong các bài tập phục hồi sau đột quỵ, đặc biệt là để giúp người bệnh luyện lại khả năng kiểm soát cơ tay, cải thiện lưu thông máu và tăng phản xạ thần kinh. Tuy nhiên, đó là một phần nhỏ trong quy trình vật lý trị liệu chuyên sâu, chứ không phải công cụ để phòng chống hay điều trị đột quỵ.
Vậy nên, hãy nhớ: stress ball là công cụ hỗ trợ, không phải thuốc chữa. Nếu bạn đang gặp các dấu hiệu của stress nặng như mất ngủ kéo dài, lo âu liên tục, cảm giác trầm uất hoặc mất hứng thú với công việc và cuộc sống, thì điều bạn cần làm là tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý trước khi bóp xẹp quả bóng nào.
Đừng kỳ vọng một quả bóng xốp nhỏ cứu cả hệ tim mạch của bạn. Nhưng hãy xem nó như “cú bóp sơ cứu” tinh thần, giúp bạn hít thở, bình tĩnh lại giữa một ngày chật kín meeting, deadline, và tin nhắn từ sếp hoặc khách hàng với câu mở đầu kiểu: “Ủa em?”.
Cách dùng stress ball đúng cách
Trước tiên, chọn bóng phù hợp với bạn. Có nhiều loại: bóng cao su, foam, gel, thậm chí có loại phủ gai. Miễn là mềm, không trơn tuột, cầm vào thấy dễ chịu là được, đặc biệt là phải vừa tay. Khi đã có được quả bóng xả stress phù hợp, hãy thực hiện các bước sau.

Bước 1: Nhẹ nhàng bóp quả bóng, giữ vài giây, rồi từ từ thả ra. Đừng bóp quá mạnh hoặc quá nhanh. Bạn đang xả stress chứ không phải tham gia môn thể thao đối kháng. Vậy nên hãy bóp nhẹ nhàng, vừa sức.
Bước 2: Lặp lại động tác bóp – thả vài lần. Có thể làm khi ngồi họp, đứng chờ thang máy, thậm chí lúc mở bảng Excel ra mà chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Bước 3: Thêm một chút chánh niệm khi kết hợp động tác này với hít thở sâu. Khi bóp – thở ra, khi thả – hít vào. Cứ đều đều như vậy, bạn đang giúp cả cơ thể và đầu óc được làm dịu.
Lưu ý nhỏ: Nếu bạn đang gặp căng thẳng nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu chấn thương cổ tay, đừng bóp bóng tự xử, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia trước.
Bóp một chút xua tan bức bối
Trong thế giới công sở hiện đại, nơi tin nhắn nhảy liên tục, task tới tấp như bầy ong vỡ tổ, đôi khi bạn chỉ cần một chỗ để đặt tay và một nhịp điệu để thở lại. Stress ball không giải quyết được mọi chuyện. Nhưng nó có thể là thứ giữ bạn lại một nhịp, trước khi làm gì đó khiến bạn hối tiếc.
Đôi khi, chỉ cần một thao tác đơn giản để cắt ngang dòng suy nghĩ tiêu cực. Một cú bóp nhẹ, một nhịp thở sâu, có thể giúp bạn không nạt đồng nghiệp, không đập bàn phím, không viết mail nóng giận gửi đi lúc 2 giờ sáng.
Vì vậy, nếu bạn hỏi: "Stress ball có cứu được mạng người không?" Tôi sẽ đáp là có. Nó có thể cứu một cuộc trò chuyện, một buổi làm việc, một chiều tan ca. Và biết đâu, cứu chính bạn khỏi các chấn thương thể chất và sự kiệt quệ tinh thần.