Mới đây, trong một chương trình, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng dịch bệnh Covid-19 đã kết thúc. Tuyên bố của ông Biden dù bất ngờ và rất chủ quan nhưng không phải là không có căn cứ bởi Tổng giám đốc WHO cũng thông báo rằng chúng ta đang tiến gần hơn tới điểm kết của đại dịch.
Số liệu cho thấy tỉ lệ tử theo tuần của dịch Covid-19 đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên, chỉ số liệu thống kê không thôi đã đủ để ta kết luận về sự kết thúc của Covid-19 chưa? Và đâu là tiêu chuẩn để xác định khi nào một căn bệnh đã ở trong tầm kiểm soát?
Bệnh dịch là một hiện tượng sinh học, nhưng cũng có chiều kích tâm lý và xã hội rất rõ nét. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 5 thuật ngữ sau đây để xác định những tiêu chí cho phép chúng ta chào tạm biệt Covid, hay bất cứ dịch bệnh nào trong tương lai.
1. Post-pandemic period
Post-pandemic period, tức giai đoạn hậu đại dịch, miêu tả thời kỳ một dịch bệnh dần thoái trào và giảm khả năng ảnh hưởng. Một căn bệnh bước vào giai đoạn hậu đại dịch khi khả năng lây nhiễm của nó nằm ở mức độ thông thường.
Trạng thái hậu đại dịch thể hiện rằng khả năng lây nhiễm của bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng không có một thước đo chính xác cho câu hỏi “thế nào là trong tầm kiểm soát.” Thực tế cho thấy giai đoạn hậu đại dịch biến chuyển theo từng khu vực với những đặc điểm khác nhau chứ không phải trên toàn cầu trong thời gian ngắn.
Rất khó để đánh giá chính xác liệu một căn bệnh đã tới thời kỳ hậu đại dịch hay chưa, bởi những đợt sóng lây nhiễm có thể cách nhau vài tuần, thậm chí vài tháng. Việc một căn bệnh đạt đỉnh lây nhiễm, sau đó hạ nhiệt đôi khi chỉ là một quãng nghỉ trước đợt tấn công tiếp theo.
Chính vì thế, nhiều người hay nhầm lẫn giữa post-pandemic period với post-peak period, tức giai đoạn hậu đỉnh dịch. Nếu chỉ nhìn vào con số, cả hai đều thể hiện động thái giảm trong tỉ lệ lây nhiễm. Nhưng để có thể tuyên bố một căn bệnh đã bước qua đại dịch thì những con số phải giảm rất sâu trong một thời gian đủ dài và với sự giám sát số liệu chặt chẽ.
2. The medical end
The medical end, hay cái kết trên bình diện y tế, mô tả sự kết thúc của một đại dịch dựa theo những con số thống kê về tỉ lệ lây nhiễm và tỉ lệ tử. Đây là công cụ để các đơn vị giám sát y tế quyết định liệu một căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn hậu đại dịch, hay vẫn đang chờ những làn sóng lây nhiễm mới hậu đỉnh dịch.
Do phụ thuộc vào số liệu nên có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc đánh giá cái kết trên bình diện y tế của một căn bệnh. Việc tỉ lệ tử và tỉ lệ lây nhiễm giảm đôi khi không xuất phát từ sự suy yếu của bệnh, mà từ việc không thu thập đủ số liệu, hoặc nhiễu số liệu.
Một ví dụ đang xảy ra ngay thời điểm này là tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tới thống kê về đại dịch. Các số liệu về thương vong ở cả hai bên, cũng như sự áp đảo của những thông tin về chiến tranh trên truyền thông đã ảnh hưởng gián tiếp tới việc thông báo lại những ca lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh.
Do đó, nếu chỉ dựa vào con số, ta dễ đánh giá sai quy mô và năng lực lây nhiễm của bệnh. Đó là còn chưa bàn tới việc mỗi tổ chức hay quốc gia lại có cách thống kê khác nhau và quan niệm khác nhau về số liệu dẫn tới sự sai lệch giữa con số của các bên với nhau. Điều này cho thấy rằng những con số quả thực không nói dối, nhưng lại kể những sự thực khác nhau.
3. The political end
The political end, hay cái kết về mặt chính trị, ám chỉ sự kết thúc của những chính sách, chỉ thị, và quy định liên quan tới đại dịch. Suy rộng ra, cái kết về mặt chính trị của một căn bệnh thể hiện rằng nó không còn là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước và các tổ chức.
Về lý thuyết, cái kết chính trị có thể xảy ra cả trước lẫn sau cái kết y tế. Thế nhưng thực tế cho thấy rằng sự kết thúc của chính sách chống dịch đôi khi không nằm ở tuyên bố hết dịch, cũng không nằm ở sự chỉ đạo của nhà nước, mà ở ý thức thực hiện của người dân và cộng đồng.
Số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy trong một tháng vừa qua, vẫn có hơn hai triệu người nhiễm Covid tại Mỹ. Tình trạng tương tự diễn ra ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, dường như nước Mỹ đã bước vào political end từ lâu trước tuyên bố của ông Biden, bởi không chỉ người dân Mỹ mà ngay cả chính quyền Mỹ cũng không còn mặn mà với những quy tắc phòng dịch.
4. The social end
The social end, tức cái kết về mặt xã hội, miêu tả việc xã hội quay lại trạng thái bình thường so với khi xảy ra đại dịch. Trạng thái mà chúng ta đang nói tới vừa là tình trạng, tâm thế chung của toàn xã hội, nhưng cũng ám chỉ những trạng thái tâm lý riêng biệt của các cá nhân hay các nhóm trong một xã hội.
Cái kết xã hội thường không tương đồng với cái kết trên bình diện y tế, nhưng có sự liên quan mật thiết với sự kết thúc của dịch bệnh về mặt chính sách, quy định. Ví dụ, một dẫn chứng mà ông Biden đưa ra để chứng minh rằng Covid đã qua đi là việc “chẳng ai đeo khẩu trang cả.” Dẫn chứng này cũng đúng tại Việt Nam, nơi từng có luật phạt tiền nếu ra đường không đeo khẩu trang nhưng tới nay không còn áp dụng xử phạt.
Tất nhiên, “bình thường mới” và “bình thường cũ” có những sự khác nhau. Đó có thể là sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, mô hình làm việc từ xa, hoặc thói quen sử dụng thuốc và khẩu trang. Thế nhưng sự khác biệt lớn nhất nằm ở sự hiện hữu của bệnh dịch. Ta sống chung với bệnh dịch, mọi thứ tiếp diễn như chưa hề có cuộc chia ly - đó chính là the social end.
5. Herd immunity
Herd immunity, tức miễn dịch cộng đồng, là khả năng miễn nhiễm với một loại bệnh nhất định của một phần lớn cư dân trong một khu vực thông qua việc tiêm vaccine hoặc đã có kháng thể sẵn trong người từ những lần nhiễm bệnh trong quá khứ. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm dần trong cụm dân cư, và có thể tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn bệnh nếu trạng thái miễn dịch cộng đồng diễn ra trên toàn cầu.
Một số căn bệnh truyền nhiễm, ví dụ như thủy đậu hay sởi, là những căn bệnh bị-một-lần, tức là cơ thể sẽ tự xây dựng kháng thể ngăn không cho bệnh xâm nhập lần hai. Đây có lẽ cũng là cách tiếp cận vấn đề của chính quyền cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson khi quyết định gỡ bỏ toàn bộ chính sách phòng dịch để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, cách làm này không những không hiệu quả mà còn có tác dụng ngược, làm trầm trọng tình hình bệnh tại Anh và châu Âu.
Nghiên cứu cho thấy, vaccine là công cụ chủ chốt để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Trong trường hợp của Covid-19, đây có lẽ là cách duy nhất mà chúng ta có để trang bị khả năng chống dịch cho phần đông dân số trên thế giới, bởi căn bệnh này biến đổi liên tục, và mỗi chủng mới của Covid có thể đánh bại kháng thể mà cơ thể đã xây dựng đối với chủng cũ.