Qualia là gì? Hiểu để tận dụng lợi thế độc đáo của con người trước AI | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 01, 2025

Qualia là gì? Hiểu để tận dụng lợi thế độc đáo của con người trước AI

Sao không thử nhìn vào điểm yếu của AI để phát triển chính mình?
Qualia là gì? Hiểu để tận dụng lợi thế độc đáo của con người trước AI

Nguồn: Pexels

AI ngày càng chứng tỏ sự vượt trội trong rất nhiều lĩnh vực cần tư duy logic như chơi cờ vua, phân tích dữ liệu, dự báo thời tiết,... Ngay cả trong sáng tạo nghệ thuật – một lĩnh vực vốn được coi là đặc quyền của con người, AI cũng đang tiến bộ vượt bậc. Từ tranh vẽ, thơ ca đến bản nhạc, những sản phẩm mà AI tạo ra có thể khiến nhiều người bất ngờ về độ tinh xảo.

Tuy nhiên, công việc, đặc biệt trong ngành sáng tạo và nghệ thuật, không chỉ đơn thuần là kỹ thuật hay quy tắc. Có một yếu tố mà AI, dù hiện đại đến đâu, vẫn chưa thể thay thế được con người là ‘qualia’. Và mình tin chính yếu tố này sẽ là kim chỉ nam để chúng ta học hỏi, phát triển và tìm thấy giá trị thực sự trong kỷ nguyên AI.

Qualia: Lợi thế độc đáo của con người

alt
Nguồn: Hoangthoughts

Qualia là một khái niệm tâm lý học, chỉ những trải nghiệm chủ quan và cảm nhận cá nhân của mỗi người.

Ví dụ, khi cùng ngắm hoàng hôn, mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau vì chúng gắn liền với ký ức, giá trị cá nhân, và bối cảnh sống của từng người. Có người cảm thấy bình yên, có người nhớ về một kỷ niệm cũ, và có người đơn giản chỉ cảm thấy đói bụng, báo hiệu đã tới giờ ăn rồi.

Qualia chính là thứ nhắc nhở chúng ta rằng không nên so sánh nỗi đau của một người mất con với một người mất thú cưng. Xét về giá trị xã hội, hai sự mất mát này có thể so sánh hơn kém, nhưng xét về giá trị cảm xúc, thì không thể nói nỗi đau nào hơn nỗi đau nào. Mỗi nỗi đau, niềm vui, sự thất vọng hay hạnh phúc đều mang dấu ấn riêng, không ai giống ai.

Còn với AI thì sao? Thử tưởng tượng bạn và một hệ thống AI đang cùng nhìn vào một đồ vật có màu vàng. Bạn ngay lập tức có một cảm xúc nào đó, bạn thích màu vàng, nên cũng thích món đồ đó. Bạn hiểu được tại sao mình thích màu vàng, là vì ba mẹ của bạn đã đặt tên bạn là Hoàng, khi họ gặp gỡ và yêu nhau vào mùa thu năm đó.

Còn hệ thống AI, dù có đầy đủ dữ liệu về màu vàng — từ bước sóng ánh sáng, các hiện tượng tự nhiên, tâm lý học liên quan, cho đến khả năng nhận diện tất cả đồ vật màu vàng qua camera — thì cảm xúc mà màu vàng mang lại cho nó là gì? Câu trả lời, hiện tại, đã quá rõ ràng.

alt
Bạn nghĩ gì khi thấy tấm ảnh này? Và thử đem nó đi hỏi AI để có sự so sánh nhé. | Nguồn: Pexels

Với mình đây vẫn đang là lý do lớn nhất khiến cho AI dù có khả năng sáng tạo, vẫn chưa thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đạt đến độ độc đáo tầm cỡ các chuyên gia. Nghệ thuật, suy cho cùng, là hình thức thể hiện cảm xúc và nội tâm của con người qua hành trình sống.

AI có thể bắt chước cách con người làm nghệ thuật. Nhưng sự thiếu vắng cảm xúc và trải nghiệm cá nhân, khiến nó khó lòng thay thế hoàn toàn vai trò của chúng ta trong lĩnh vực này.

AI sẽ thay thế con người nếu nó có tri giác, trực giác và cảm xúc để hình thành cái tôi. Đó là một ngày đẹp trời (với AI) và u ám (với loài người) khi tự nó nảy sinh câu hỏi: "Sự tồn tại của tôi ở thế giới này là để làm gì?"

Tuy nhiên, dựa trên những gì chúng ta đang biết ở thời điểm hiện tại, khả năng này vẫn còn khá mơ hồ. Cho đến lúc đó, có lẽ việc mà AI không thể làm tốt hơn chúng ta, đó là “sống và làm người”.

Để thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên AI

alt
Nguồn: Hoangthoughts

Tuy nhiên chỉ dựa vào lợi thế “sống và làm người” không có nghĩa là chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn với sự thay thế. Ai cũng có thể bị thay thế chỉ khác nhau ở mức giá. Nếu giá trị của chúng ta tạo ra trong công việc quá thấp, thì không cần chờ tới AI, chỉ cần một bạn sinh viên vừa ra trường là đã có thể thay thế được mình.

Chìa khóa ở đây là cần phải liên tục gia tăng giá trị của bản thân, thông qua khả năng tự học, bao gồm cả học hỏi từ những người "tốt hơn" trong công việc. Hãy thử nhân hoá AI thành một người đồng nghiệp của bạn, để từ đó tiếp thu điểm tốt nhưng đồng thời cũng cần nhận ra cả hạn chế của nó. Chính ở những điểm yếu đó là nơi bạn có thể khai thác để tăng thêm lợi thế cho mình.

1. Điểm mạnh của AI:

  • Không có “cái tôi” trong học tập: AI sẽ không bao giờ tranh cãi hay bảo thủ giữ ý kiến chỉ vì tự ái cá nhân. Điều này giúp nó luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới.
  • Không bị chi phối bởi cảm xúc: Khi gặp phải những tình huống khó khăn hay thất bại, AI sẽ không bị mất tinh thần hay dễ dàng tổn thương bởi những lời chỉ trích vô cớ.

2. Điểm yếu của AI:

  • Khả năng kiểm nghiệm sự thật còn hạn chế: AI có thể xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác, nhưng đôi khi vẫn dễ bị đánh lừa bởi thông tin sai lệch. Vì vậy, AI cần có sự hỗ trợ thêm từ phía con người để xác thực thông tin và đảm bảo tính chính xác.
  • Thiếu kinh nghiệm “thực chiến”: AI có thể tổng hợp thông tin rất nhanh, đưa ra phương án gợi ý tức thì cho vấn đề yêu cầu. Tuy nhiên, các phương án này có thực thi được hay không, nguồn lực giới hạn của dự án có đáp ứng được không, thì vẫn cần sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người để áp dụng vào tình huống cụ thể trong thực tế.
  • Không “lường” trước được tình huống phức tạp: AI vốn được lập trình dựa trên logic và dữ liệu. Do đó nó có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định đòi hỏi sự cân nhắc về nhiều yếu tố phi logic như giá trị đạo đức, văn hóa và tôn giáo.
  • Thiếu quan điểm cá nhân: Nếu đi ăn cùng AI, nó sẽ không bao giờ biết chọn món ăn nào trong menu vì nó không có sở thích riêng. Cá tính và quan điểm cá nhân của AI nếu tồn tại, cũng chỉ là kết quả của sự lập trình hoặc những giá trị được người dùng gán cho.

3. Bài học rút ra

  • Cởi mở hơn, hạ thấp cái tôi một chút: Mình không yêu cầu bạn phải loại bỏ hoàn toàn cái tôi, chỉ là đừng để nó cản trở bạn tiếp nhận ý kiến mới hoặc học hỏi từ những điều khác biệt.
  • Rèn luyện trí thông minh cảm xúc (E.Q): Học cách nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của mình và những người xung quanh để làm việc hiệu quả hơn.
  • Rèn luyện tư duy phản biện: Trong thời đại thông tin mỗi ngày một nhiều như hiện nay, việc biết phân biệt đâu là sự thật, đâu là thông tin giả mạo là cực kỳ quan trọng. Hãy là người có khả năng đào sâu, kiểm chứng thông tin kỹ càng trước khi sử dụng hay chia sẻ bất kỳ điều gì.
  • Bồi đắp tư duy sáng tạo để xử lý các vấn đề phức tạp: AI có khả năng tổng hợp thông tin đa lĩnh vực với tốc độ vượt trội mà với khả năng của một người bình thường chúng ta không thể cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng khả năng này của AI kết hợp với tư duy sáng tạo, ta có thể x2 năng lực để xử lý các tình huống phức tạp.
  • Xây dựng hệ giá trị cá nhân tích cực: Điều này nghe có vẻ đao to búa lớn nhưng thực ra rất đơn giản. Hãy xác định điều gì là quan trọng với bạn và trở thành người bảo vệ những giá trị đó. Nhớ về những giá trị bạn muốn gìn giữ và đứng về phía chúng trong những tình huống quan trọng.

Suy nghĩ cuối

AI là một công cụ cực kỳ hiệu quả, hoặc thậm chí bạn có thể xem nó là một người đồng đội tuyệt vời. Nhưng thay vì lệ thuộc, hãy xem nó như một tấm gương để không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Đồng thời, đừng chỉ cố gắng sao chép sự hoàn hảo của AI. Giá trị và sự khác biệt của bạn không chỉ nằm ở kiến thức hay kỹ năng, mà đặc biệt còn nằm ở những điều AI không có: cảm xúc, trải nghiệm thật, và góc nhìn độc đáo của riêng bạn. Đến cuối cùng, người mà bạn nên tin tưởng và dựa vào nhất vẫn là chính bản thân mình.