Mới đây, một Liên hoan phim quốc tế ở Ý chuyên giới thiệu điện ảnh châu Á nhờ tôi “recommend” một vài phim kinh dị nổi bật gần đây của Việt Nam để họ mời tham dự chính thức LHP năm nay. Nhưng tôi đã không thể chọn ra được một bộ phim nào khả dĩ.
Trong khoảng 2 tháng qua, điện ảnh Việt Nam liên tiếp cho ra rạp 3 bộ phim thuộc thể loại kinh dị là Chuyện ma gần nhà (Trần Hữu Tấn), Người lắng nghe (Khoa Nguyễn) và mới đây nhất là Bóng đè (Lê Văn Kiệt).
Thành tích phòng vé của thể loại này khá khả quan (nhất là Chuyện ma gần nhà và Bóng đè) và tạo được dư luận sôi nổi trên các diễn đàn. Tuy nhiên, cả ba bộ phim đều gây thất vọng cho khán giả vì sự non yếu về kịch bản, hụt hơi trong kể chuyện với những lỗ hổng (plot holes) ngớ ngẩn và gây ức chế cho khán giả.
Có cảm giác, các nhà làm phim Việt Nam vẫn không tiến được bao nhiêu so với 10 năm trước.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt tiếp tục... lạc đường với phim kinh dị
Phim kinh dị Việt Nam xuất hiện trở lại ở thời điểm thị trường chiếu bóng Việt Nam bắt đầu khởi sắc vào thời điểm 2007 -2008. Năm 2007, Mười – một sản phẩm hợp tác giữa điện ảnh Hàn Quốc và Việt Nam gây tò mò khi khai thác yếu tố kinh dị tâm linh kiểu “folk horror” với những lời đồn thổi ở một vùng làng quê hẻo lánh của Việt Nam liên quan đến linh hồn một cô gái bị “ám” vào tranh.
Ở thời điểm đó, phim kinh dị Hàn Quốc đã rất phát triển và có những bộ phim xuất sắc như A Tale of Two Sisters (2003) của đạo diễn Kim Je-woon. Mười cũng ít nhiều tạo được sự chú ý khi có sự góp mặt của một số diễn viên Việt Nam như Anh Thư, Hồng Ánh, Bình Minh. Tuy nhiên, bộ phim không thực sự thành công tại phòng vé, vì nhiều nguyên do.
Cùng năm đó, sau Dòng máu anh hùng, Ngô Thanh Vân xuất hiện trong Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn, hai tập phim kinh dị ngắn của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín được làm theo lối cũ, như ông từng thực hiện thành công thời phim mì ăn liền đầu thập niên 90 (Chiếc mặt nạ da người và Ngôi nhà oan khốc). Dự án này thất bại vì lối kể chuyện cũ kỹ và cũng là nguyên do khiến Nguyễn Chánh Tín bị vỡ nợ do phim thua lỗ.
Phải đến đầu 2012, đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt về nước làm phim và lập tức gây tiếng vang với bộ phim kinh dị Ngôi nhà trong hẻm với hai diễn viên chính là Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn.
Là một đạo diễn được đào tạo bài bản tại Mỹ và từng có bộ phim độc lập Bụi đời tạo được sự chú ý trong cộng đồng làm phim ở hải ngoại, Lê Văn Kiệt chứng tỏ anh là một đạo diễn nhà nghề và biết cách tạo dựng không khí cho thể loại kinh dị. Anh khai thác vấn đề trầm cảm sau sinh và nỗi đau của người mẹ mất con trong vỏ bọc một tác phẩm kinh dị tâm linh.
Phần mở đầu phim mô tả cảnh sinh con trong bệnh viện của Thảo (Ngô Thanh Vân) với kết quả là đứa con bị chết lưu gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Rúng động vì nỗi đau mất con, Thảo quyết giữ chiếc quan tài nhỏ có chứa thi hài của đứa bé trong căn nhà tranh tối tranh sáng. Và cũng từ đây, một loạt các hiện tượng tâm linh ma quái xuất hiện và ám lấy vợ chồng họ.
Tuy nhiên, sau khi chinh phục được khán giả ở thời lượng 1/3 của bộ phim, Ngôi nhà trong hẻm bắt đầu lộn xộn với một loạt tình huống thiếu thuyết phục, như cách nhân vật người chồng (Trần Bảo Sơn) tự khám phá những bí ẩn trong ngôi nhà rồi gây ra thương tích cho mình và lắm lúc biến bộ phim kinh dị thành phim hài.
Các hành động lặp đi lặp lại mà đôi khi không rõ mục đích, điểm nhìn thay đổi liên tục khiến khán giả không biết đang theo hành trình của một người mẹ mất con và bị trầm cảm sau sinh hay người chồng giận dữ một cách… thái quá khiến bộ phim càng về cuối càng bế tắc vì không thể tìm ra một cái kết hợp lòng khán giả.
Cho dù vậy, ở thời điểm đó, Ngôi nhà trong hẻm vẫn là một bộ phim khá mới lạ. Cộng với sức hút từ tên tuổi của Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn, phim khá thành công tại phòng vé. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi của Việt Nam phát hành tại Mỹ vào thời điểm đó và được trang metacritic chấm điểm với 5 bài review, đều thuộc các báo lớn của Mỹ như The New York Times, Variety, The Washington Post… với số điểm trung bình 42/100.
Các bài điểm phim đánh giá nỗ lực của đạo diễn trong việc khai thác dòng phim kinh dị đậm bản sắc Việt Nam, nhưng hầu hết đều chê kịch bản ôm đồm và thiếu thuyết phục trong việc xử lý câu chuyện.
Sau Ngôi nhà trong hẻm, Lê Văn Kiệt tiếp tục thực hiện nhiều bộ phim tại Việt Nam. Anh có tới hai bộ phim thuộc thể loại kinh dị nữa bị cấm chiếu là Bẫy cấp ba và Rừng xác sống, thất bại doanh thu nặng nề với bộ phim Nữ đại gia, tạo được dấu ấn với bộ phim thuộc dòng art-house là Dịu dàng và gây bùng nổ phòng vé với Hai Phượng.
Sự trở lại của Lê Văn Kiệt với Bóng đè vì vậy mà nhận được nhiều kỳ vọng của giới chuyên môn. Một đạo diễn đi qua chặng hành trình không mấy dễ dàng như vậy mà vẫn tiếp tục làm phim, chứng tỏ anh phải có tình yêu lớn với nghề và bản lĩnh không dễ gục ngã.
Hơn thế nữa, sau thành công của phim hành động Hai Phượng, Lê Văn Kiệt quay lại với dòng phim kinh dị, cho thấy anh vẫn còn nhiều đam mê và duyên nợ với thể loại này.
Bóng đè sở hữu một ý tưởng hấp dẫn. Nó khai thác một hiện tượng vừa được lý giải dưới góc độ khoa học lẫn tâm linh mà rất nhiều người đã trải qua, đặc biệt là giai đoạn tuổi thơ và mới lớn.
Bộ phim bắt đầu với hành trình của Thành (Quang Tuấn) đưa hai cô con gái mới lớn là Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) trở về sinh sống ở một ngôi nhà cổ tại miền quê sau cái chết của người mẹ. Thế nhưng ngôi nhà lại không yên bình như họ tưởng, khi một loạt các hiện tượng tâm linh và ma quái xảy ra, khiến cho hai chị em Linh và Yến đối mặt với những cơn ác mộng kinh hoàng…
Phim khởi đầu đầy hứa hẹn, đặc biệt là lối dẫn chuyện từ tốn tạo cảm giác tò mò cho khán giả, cũng như khả năng tạo dựng bối cảnh, không khí tù đọng, ám ảnh trong một ngôi nhà cổ biệt lập đậm chất Việt Nam.
Nhưng, tương tự như Ngôi nhà trong hẻm 10 năm trước, cứ đi đến được nửa chặng đường, đạo diễn bắt đầu lúng túng về hướng tiếp cận và xử lý, rồi bắt đầu lạc đường.
Sau khi “hù dọa” khán giả ở khoảng 1/3 phim với những cảnh quay sử dụng thủ pháp jumpscares khá rùng rợn, phim bắt đầu xuất hiện những tình huống, chi tiết non yếu, phi lý và không tạo được sự hợp lý (make sense) – thứ quan trọng nhất của thể loại này để giúp khán giả tin vào câu chuyện.
Sự xuất hiện của một nữ bác sĩ tâm lý không biết từ đâu ra nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn trầm trọng, một cái bệnh viện tâm thần với đường hầm ma quái được đưa vào phim để lý giải một cách tùy tiện và thiếu thuyết phục càng khiến phim bị lạc hướng và loạn đao pháp. Điểm nhìn của bộ phim cũng liên tục thay đổi, bắt đầu từ cô chị rồi sang cô em và cuối cùng là ông bố khiến người xem không biết phải tin vào hành trình của ai trong bộ phim này.
Những chi tiết lộn xộn, không theo một logic nhất quán nào, khiến bộ phim càng về cuối càng hụt hơi và kỳ quái. Đạo diễn bắt đầu tung ra các plot twist để tạo bất ngờ, nhưng không có trụ đỡ vững chắc nên càng dễ bị đổ và khiến phần kết trở nên ngớ ngẩn.
Trong Bóng đè, Diệu Nhi nỗ lực để thoát khỏi hình ảnh diễn viên hài của cô với một vai một nữ bác sĩ/nhà ngoại cảm nghiêm túc và có phần bí ẩn. Thế nhưng, cách xây dựng tâm lý nhân vật non kém lại thiếu kiến thức chuyên môn về nghề nghiệp khiến nhân vật của cô càng lúc càng trở nên… buồn cười. Nhất là trong phân đoạn cô cố thôi miên nhân vật người bố và kết quả ăn một quả đấm như thôi sơn vào mặt.
Ngay khi cảnh phim này kết thúc, Diệu Nhi trở về vạch xuất phát là diễn viên hài với những tràng cười rộ lên trong rạp. Và cũng ngay lúc đó, bộ phim kinh dị này trở thành phim hài. Thay vì sợ, khán giả bật cười.
Từ Ngôi nhà trong hẻm đến Bóng đè, sau đúng 10 năm, Lê Văn Kiệt vẫn tiếp tục cho thấy là một đạo diễn phung phí đề tài và lãng phí tài năng.
Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn trong Ngôi nhà trong hẻm và Mai Cát Vi, Lâm Thanh Mỹ trong Bóng đè là minh chứng cho việc, cho dù họ có khả năng diễn xuất tốt đi nữa, với một kịch bản bát nháo, không có điểm nhìn rõ ràng và tâm lý nhân vật non yếu – mọi nỗ lực của họ đều trở nên vô vọng.
Bởi khán giả rời khỏi rạp phim mà không ai còn có thể đồng cảm với nỗi đau hay nỗi sợ của nhân vật nữa.
Một vài thành tựu hiếm hoi và vô số tác phẩm yếu kém
Lấy từ cột mốc Ngôi nhà trong hẻm của đạo diễn Lê Văn Kiệt được khởi chiếu vào dịp Valentine năm 2012, trong 10 năm qua, dòng phim kinh dị của Việt Nam được phát triển khá rầm rộ.
Một số thành công tại phòng vé của Quả tim máu (Victor Vũ), Bắc Kim Thang và Chuyện ma gần nhà (Trần Hữu Tấn), Bệnh viện ma, Đôi mắt âm dương và ngay cả Thất Sơn tâm linh với bản dựng bị cắt nát vì kiểm duyệt… cho thấy khán giả vẫn yêu thích và đồng hành với dòng phim này.
Thế nhưng, với dòng phim kinh dị tại Việt Nam, hầu hết khán giả đều bước vào rạp với ít nhiều kỳ vọng nhưng hầu hết đều ra về với… niềm tuyệt vọng khi họ liên tục bị các đạo diễn thách thức tính kiên nhẫn và tính logic.
Kinh nghiệm của tôi, cứ thấy phim kinh dị nào có từ “ma” trong nhan đề là y như rằng đó là một bộ phim ma dở tệ hay ma giả vờ. Ngủ với hồn ma, Cha ma, Bệnh viện ma, hay gần đây Chuyện ma gần nhà là những minh chứng.
Vài năm trước, nhiều đạo diễn lấy lý do kiểm duyệt khiến họ mắc kẹt trong vòng kim cô, khiến tác phẩm khó gây đột phá về thể loại, tạo ra những bộ phim “giả ma”, hoặc những cái kết kiểu “giấc mơ” để có thể lách cửa kiểm duyệt.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi hệ thống kiểm duyệt của nhà nước đã cởi mở hơn và chấp nhận những câu chuyện “ma thật”, phim kinh dị Việt Nam vẫn rơi vào những điểm yếu cố hữu về kịch bản hoặc kể chuyện.
Nói như vậy không phải để phủ nhận sạch trơn thể loại này. Nếu để chọn ra những bộ phim coi được thuộc thể loại kinh dị hay pha trộn giữa kinh dị và giật gân trong một thập niên qua, lựa chọn của tôi sẽ là Scandal, Quả tim máu của Victor Vũ, Đoạt hồn của Hàm Trần.
Và một bộ phim dù không thành công về phòng vé, nhưng gây ấn tượng về thể loại hơn cả là Cô hầu gái (The Housemaid) của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn.
Khác với dòng kinh dị pha trộn giữa psychological thriller/horror của Victor Vũ và Hàm Trần, Cô hầu gái của Derek Nguyễn là một bộ phim mang màu sắc gothic horror với một câu chuyện đậm màu sắc xưa cũ, pha trộn giữa các yếu tố kinh dị và lãng mạn với bối cảnh diễn ra ở một đồn điền cao su vào thời Pháp thuộc.
Đây cũng là bộ phim kinh dị Việt Nam nhận số điểm cao trên metacritic và rottentomatoes lần lượt với 61% và 71%. Tờ Hollywood Reporter đánh giá bộ phim này khá cao và viết:
“Mặc dù bộ phim này chịu món nợ không nhỏ đối với kiệt tác Rebecca của Alfred Hitchcock với nhiều cảm giác quen thuộc, nhưng biên kịch và đạo diễn Derek Nguyễn đã truyền vào nó các yếu tố mới mẻ để tăng tính giải trí. Không giống như nhiều câu chuyện kinh dị bí ẩn khác, chi tiết đảo ngược được tiết lộ ở phần kết của bộ phim gây ngạc nhiên một cách thỏa mãn chứ không phải là một trò bịp”.
Cây bút phê bình trên tờ này cũng đánh giá cao yếu tố biểu tượng được sử dụng trong phim, cũng như vẻ đẹp cổ điển, trang nhã một cách đáng sợ của nó tạo được sức hút cho khán giả. Điều này chứng tỏ phim kinh dị Việt Nam có thể sánh ngang với các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc khi nói về thể loại phim kinh dị ở châu Á.
Năm 2018, trang Deadline đưa tin một hãng phim tại Mỹ quyết định làm lại bộ phim này với bối cảnh Mỹ, và kịch bản chuyển thể do biên kịch từng đoạt Oscar là Geoffrey S. Fletcher chấp bút. Tuy nhiên, đến nay, thông tin sản xuất cho phiên bản làm lại này vẫn chưa được công bố.
Đó là một vài thành tựu hiếm hoi của phim kinh dị Việt Nam trong 10 năm qua, so với vô số những bộ phim kinh dị non yếu và đáng quên khác của điện ảnh Việt Nam.