Trưa 30/4/1975, cuộc kháng chiến dài đằng đẵng của dân tộc kết thúc, nhưng vết thương mà nó để lại trên da thịt và tinh thần người Việt phải mất nhiều thời gian mới lành. 50 năm trôi qua, Việt Nam chính thức đi qua nửa thế kỷ hòa bình. Con người Việt Nam dù đi đến muôn nơi, vẫn luôn tự hào khoe với bạn bè thế giới rằng đất nước chúng tôi kiên cường, lịch sử là thứ chúng tôi yêu và tự do là điều chúng tôi khao khát nhất.
Nhưng tôi nghĩ, lẽ ra có một thứ mà chúng ta được quyền tự hào hơn cả. Đó là một Việt Nam nhân hậu, bao dung, một đất nước đủ mạnh mẽ để không “trói mình” trong quá khứ, gạt bỏ hận thù, hướng đến khát vọng xây dựng lại quê hương, chấp nhận hàn gắn những vết thương đã cũ.
Giờ đây, khi khúc ca hòa bình được vang lên trên khắp nẻo đường đất nước, đó cũng là lúc Việt Nam cần tự tin thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn của mình, giương cao ánh mắt sáng ngời của một dân tộc đầy kiêu hãnh. Đây không chỉ là nguyện vọng của ông cha, mà còn là niềm mong mỏi của những người đang ngày đêm dựng xây một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chuck Searcy: Từ cựu chiến binh Mỹ đến “người hòa giải” quan hệ song phương
Nếu chỉ biết đến Chuck Searcy là một cựu sĩ quan tình báo quân đội Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, hẳn các bạn sẽ thắc mắc: Vì sao một cựu binh Mỹ lại được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị Quốc gia vào năm 2004, và mới đây tiếp tục được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trao lá thư cảm ơn từ Tổng thống Joe Biden?
Chuck Searcy có ba cột mốc “chạm mặt” đáng nhớ với Việt Nam. Lần đầu tiên là từ năm 1966 - 1969, khi ông gia nhập Lục quân Mỹ và được đưa tới Sài Gòn với vai trò là sĩ quan quân báo thuộc Tiểu đoàn Tình báo quân sự số 519. Tuy nhiên Chuck nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là hủy diệt, sai trái và đáng lẽ không nên xảy ra. Trở về sau khi hết hạn quân dịch, Chuck tiếp tục đi học Đại học và tham gia các phong trào phản chiến.
Sau thời gian bôn ba với nhiều công việc, từ sáng lập một tờ báo, làm biên tập viên đến làm việc cho chính quyền Tổng thống Jimmy Carter và trong Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Wyche Fowler, Chuck vẫn luôn day dứt trong lòng và cảm thấy tội lỗi với người dân đất Việt. Đó chính là một phần lý do khiến ông trở lại nơi đây vào năm 1992, không lâu sau khi Chính phủ Mỹ cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ đến thăm Việt Nam.
Cột mốc cuối cùng là năm 1995, Chuck Searcy chuyển hẳn tới Việt Nam, làm đại diện cho Quỹ Cựu chiến binh Việt Nam của Hoa Kỳ (VVAF). Trong quá trình hợp tác với các tổ chức cựu chiến binh Mỹ, các cơ quan, tổ chức Việt Nam, ông càng thấm thía những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại, từ những quả bom mìn chưa nổ đến di chứng chất độc da cam. Những trăn trở ấy thôi thúc ông đồng sáng lập Dự án RENEW tại Quảng Trị, với mục tiêu giáo dục cộng đồng về nguy cơ bom mìn, hỗ trợ rà phá, cung cấp chân tay giả cho nạn nhân và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam trong vai trò một “sứ giả hòa bình”, bền bỉ tháo gỡ những tàn tích chiến tranh, ông Chuck Searcy chỉ mong một ngày được nhìn thấy cái bắt tay thân tình giữa những người từng ở hai đầu chiến tuyến.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Từ thiếu niên vùng quê tới cố vấn cho ba đời thủ tướng
Là một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt, Chuyên gia Bùi Kiến Thành được biết đến là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ. Mỗi câu chuyện ở mỗi giai đoạn cuộc đời ông thật khiến người ta đi hết từ bất ngờ này sang đến ngỡ ngàng khác. Dù là ở thời thơ ấu, đến khi tuổi trẻ sục sôi hay bây giờ đã bước sang tuổi 94 đi chăng nữa, những hăng say và nhiệt huyết tràn đầy mà ông dành cho đất nước cũng đều đáng quý.
Sinh ra ở vùng quê Quảng Nam, cậu bé Bùi Kiến Thành ngay từ lúc nhỏ đã thuộc làu bài thơ Cắt Tóc của chí sĩ Nguyễn Quyền - bài thơ kêu gọi mỗi người hãy sống vì lợi ích nhân dân, đất nước. Nó như một minh chứng cho việc từ tuổi ấu thơ, ông đã ý thức được rằng, định mệnh của mình không phải là tận hưởng cuộc đời bình dị ở nơi thôn xóm bản làng này nữa.
Nghe theo lời cha đến Mỹ du học ngành kinh tế tài chính, chàng thanh niên Bùi Kiến Thành khi đó ấp ủ mơ ước tìm hiểu, quan sát và lựa chọn những ngôi trường có chương trình học tiến bộ để phù hợp với sự nghiệp của bản thân. Sau này đến Pháp, ông gặp gỡ một số nhân sĩ trí thức Việt Nam và quan tâm đến tình hình đất nước. Cuộc chiến khi hai miền đất nước chia cắt luôn làm ông đau đáu về sự thống nhất và hòa hợp dân tộc.

Sau năm 1975 cho đến nay, ông trở thành cố vấn cho ba đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Ông cũng là người đưa ra nhiều kế hoạch phát triển kinh tế cho đất nước, song song với việc giữ mối quan hệ với Đại sứ quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp kể cả sau thời điểm 30/4/1975. Nhờ vậy mà với tư cách là chuyên gia kinh tế tài chính, ông đã có cơ hội tham tham gia vào việc xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) – nền tảng cho Chính sách Đổi Mới.
Dù đã gần 40 năm qua đi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng công cuộc Đổi Mới vẫn chỉ mới hoàn thành một nửa. Nửa còn lại – tương lai của Việt Nam – sẽ do thế hệ trẻ quyết định.
Vẻ đẹp thực sự của một đất nước hòa bình
Chuck Searcy từng chia sẻ với rất nhiều tờ báo rằng, điều khiến ông cảm thấy bất ngờ nhất khi đặt chân quay lại Việt Nam chính là sự bao dung và những nụ cười chào đón. Khác với những gì ông hình dung về ánh mắt oán trách hay lời nói hờn giận, thứ ông cảm nhận được là sự chân thành, một tinh thần sẵn sàng bước qua lằn ranh quá khứ để khởi tạo tương lai.
Còn đối với Chuyên gia Bùi Kiến Thành, ông cho rằng Việt Nam không hề mang dáng dấp của một đất nước nhỏ bé. Ông thấy đâu đó là hình bóng của một thế hệ “vàng” sẽ tiếp tục kế thừa những truyền thống vẻ vang, đồng thời bước vào thế kỉ 21 với tinh thần hội nhập.
Những nhận định này không hề sai. Bởi từ lâu, Việt Nam đã chọn cho mình kim chỉ nam trong hành trình vươn mình và phát triển, đó là mở lòng đón nhận những cơ hội mới. Trong bài viết với tiêu đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đề cập: “Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.”

Vì vậy, hòa bình của Việt Nam không chỉ là chiến thắng một trận chiến đã qua, mà là ở cách con người trên chính đất nước này vươn mình đứng dậy sau nhiều thiệt thòi, mất mát. Có những câu chuyện lịch sử đúng là không thể phủ nhận. Nhưng sẽ tuyệt vời biết mấy nếu chúng ta hiểu được giá trị của lòng vị tha, của hòa giải, hòa bình.
Hai khách mời, hai câu chuyện, nhưng đều sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ cho Have A Sip ở tập 218 và 219 sắp tới đây. Hãy đón xem để có thể lắng nghe và thấu hiểu thêm câu chuyện của những người “bắc cầu” thầm lặng trong hành trình Việt Nam chuyển mình bạn nhé.