1. Chuyện gì đang xảy ra?
Mới đây, Nikkei Asia đã công bố báo cáo mang tên Awash in plastic về tình trạng rác thải nhựa tại Đông Nam Á và những hệ quả của ngành công nghiệp rác với khu vực này trong giai đoạn 2017-2021.
Theo báo cáo này, Đông Nam Á chính thức trở thành thùng rác của thế giới, là nơi tập trung rác từ các quốc gia khác để xử lý. Nikkei Asia cũng chỉ ra rằng Việt Nam là nước có số lượng rác thải nhựa nhập khẩu lớn thứ 2 trong khu vực.
2. Có những thông tin nào đáng chú ý trong báo cáo?
Trong giai đoạn 2017-2021, 17% số rác thải nhựa được trao đổi trên toàn cầu đã cập bến Đông Nam Á, tương đương với 6.5 triệu tấn rác.
Chỉ tính riêng từ 2016 tới 2018, số lượng rác thải nhựa mà Đông Nam Á nhập khẩu đã tăng 171% với 2.26 triệu tấn. Việt Nam cùng Malaysia là hai nước nhận nhiều rác nhất, với con số cụ thể lần lượt là khoảng 1.3 triệu tấn và trên 2.5 triệu tấn.
Điều này cộng hưởng với lượng rác lớn của từng quốc gia trong khu vực, cũng như hệ thống sông ngòi phức tạp, đường bờ biển dài, và chính sách môi trường thiếu hiệu quả hoặc thiếu sự giám sát, đã biến Đông Nam Á trở thành khu vực “đóng góp” rác thải nhựa cho đại dương nhiều nhất.
Nikkei Asia trích dẫn nghiên cứu của J.J. Meijer, cho thấy rằng 6 trên 10 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhất tới từ khu vực này, bao gồm: Philippines, Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Số rác thải nhựa của 6 nước này chiếm một nửa tổng số rác nhựa trên biển của toàn thế giới.
Báo cáo cũng cho biết, châu Âu là khu vực xuất khẩu rác nhiều nhất, với hơn 40% tổng số rác trong các giao dịch được thống kê thuộc về khu vực này.
3. Ngành công nghiệp rác trên toàn cầu hoạt động thế nào?
Đối với các nền kinh tế lớn, việc xuất rác giúp tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian, công sức khi không phải lo xử lý khối lượng rác khổng lồ mà các quốc gia này thải ra. Nhưng tại sao lại có nước muốn nhập rác của nước khác về?
Từ cách đây vài thập kỷ, khi mà khoảng cách kinh tế giữa các nước phát triển với các nước châu Phi và một số khu vực châu Á còn rất lớn, thì ngành công nghiệp rác thải được coi là một phương án thúc đẩy nền sản xuất ở các nước nhập rác, đồng thời đưa những quốc gia này vào chuỗi kinh tế toàn cầu.
Hầu hết rác thải nhập về là rác thải nhựa và rác thải công nghệ (e-waste). Dù là rác nhưng một số sản phẩm vẫn có thể được sử dụng hay tái chế làm nguyên liệu chế tạo các sản phẩm mới.
Nhiều phế thải điện tử vẫn có thể hoạt động, trong khi rác thải nhựa thì trở thành nguồn nguyên liệu nhựa giá thành thấp để cung ứng cho chuỗi sản xuất trong nước.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự liên hệ giữa việc nhập rác và tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển hay những quốc gia thu nhập thấp. Cụ thể, dựa trên số liệu của Liên Hợp Quốc từ 2003 tới 2013, các nhà nghiên cứu đã cho thấy sự liên hệ giữa chỉ số GDP với việc nhập rác tại 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
4. Tại sao các nước đã và đang phản đối ngành công nghiệp này?
Trước kia, người ta đã tưởng rằng đây là mô hình kinh doanh bền vững và khép kín. Nhưng tới gần đây, nhiều báo cáo đã cho thấy những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội từ ngành công nghiệp này.
Những nghiên cứu mới kết hợp với khảo sát thực trạng ngành công nghiệp cho thấy rằng nhiều rác thải không thể tái chế mà chỉ có thể chôn lấp hoặc đốt. Kể cả rác sau tái chế cũng vẫn rất độc hại cho con người và môi trường.
Ngành công nghiệp rác còn xoáy sâu vào sự bất bình đẳng về kinh tế, môi trường giữa các quốc gia. Một số nhà nghiên cứu còn sử dụng cụm từ “toxic colonialism” để mô tả mối quan hệ bất bình đẳng giữa những nước xuất rác - các quốc gia phát triển ở Bắc bán cầu, với những nước nhập rác - các quốc gia kém phát triển hơn ở Nam bán cầu.
5. Việt Nam ở đâu trong ngành công nghiệp này?
Ta có thể thấy sự xuất hiện của ngành công nghiệp rác tại chính khu dân cư của mình qua sự hiện diện của những người thu gom phế liệu. Và hãy để ý rằng bất cứ chiếc xe rác nào, dù lớn hay nhỏ, đều có những chiếc bao lớn ở hai bên xe để chứa đồ nhựa.
Làng Minh Khai cách Hà Nội khoảng 20km là một trong những “thủ phủ” tái chế rác lớn nhất trong nước. Khảo sát của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hộ dân hành nghề tại đây phụ thuộc nhiều vào nguồn rác nhập khẩu không giấy phép và thông qua những mối quan hệ riêng.
Ở quy mô khu vực, Việt Nam là quốc gia nhập rác nhiều thứ hai Đông Nam Á, trong đó Nhật Bản là đối tác lớn nhất với 41.9% “hàng nhập” tới từ nước này, xếp sau là châu Âu với 9% (số liệu năm 2019).
Trên toàn cầu, Việt Nam là nước nhập khẩu rác lớn thứ 9. Điều thú vị là Việt Nam cũng trao đổi rác với các nước khác trong khu vực, với ví dụ điển hình là Lào.