Việt Nam vào Mỹ 20%, Mỹ vào Việt Nam 0%! | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Là một phụ nữ, bạn lo sợ điều gì? Làm khảo sát này nhé!Thực hiện

Việt Nam vào Mỹ 20%, Mỹ vào Việt Nam 0%!

Giật mình, hoang mang, lo sợ, rồi lại tự hỏi: Thuế mới là cơ hội hay thử thách?
Việt Nam vào Mỹ 20%, Mỹ vào Việt Nam 0%!

Việt Nam và Mỹ vừa có một cuộc đàm phán thương mại đột phá. | Nguồn: Unsplash

Những cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đã có kết quả cụ thể. Tin tức lan nhanh, để lại nhiều cảm xúc trái chiều: bất ngờ, lo lắng, nhưng các doanh nghiệp Việt cũng hoàn toàn có cơ sở để lạc quan.

Một đột phá trong đàm phán thương mại

Theo các nguồn tin chính thức từ Reuters, Politico và Financial Times, Mỹ đã quyết định áp thuế 20% với tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ sau ngày 9/7/2025. Mức thuế này thấp hơn phân nửa so với con số 46% từng được đề xuất trước đó.

Nhưng có một điểm cần lưu ý: nếu hàng hóa chỉ "mượn đường" Việt Nam để vào Mỹ (không được sản xuất thực sự tại Việt Nam) thì sẽ chịu mức thuế cao hơn, lên đến 40%!

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam sẽ có mức thuế 0% – một điểm ít ai ngờ tới.

Vẫn cần thời gian để nhìn rõ toàn cảnh

thỏa thuận đã được công bố, nhưng thông tin cụ thể về từng mặt hàng, mức độ ảnh hưởng ra sao, quy trình đánh giá xuất xứ như thế nào,… vẫn là nhiều dấu chấm hỏi.

Nhiều người đã tưởng tượng đến viễn cảnh những chiếc SUV nối đuôi nhau trên những con đường ở Việt Nam, thịt bò Mỹ trên bàn ăn hàng ngày, thực phẩm chức năng chính hãng, thiết bị điện tử – sẽ dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng ngoài thuế nhập khẩu, các loại thuế khác như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí bảo vệ môi trường… vẫn chưa được công bố cụ thể.

Câu hỏi đặt ra là: 0% thuế từ Mỹ vào Việt Nam thực sự là gì trong thực tế?

alt
Những mẫu xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam sẽ có giá như thế nào? | Nguồn: Dân Trí

Hơn nữa, chúng ta vừa bước vào một “giai đoạn mới” trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ. Nhưng giai đoạn này cũng còn rất nhiều ẩn số. Các nước như Ấn Độ, Indonesia hay Bangladesh vẫn chưa công bố con số cuối cùng. Liệu họ sẽ đàm phán được mức thuế thấp hơn? Nếu có, liệu Việt Nam có mất đi lợi thế cạnh tranh như hiện tại?

Những câu hỏi này chỉ thời gian mới trả lời được. Và điều doanh nghiệp Việt làm được là cần chủ động chuẩn bị: đầu tư vào minh bạch, truy xuất nguồn gốc, và nội địa hóa chuỗi cung ứng. Đây sẽ là con đường không thể đi tắt!

Mức thuế mới: Thử thách hay cơ hội?

Chúng ta có thể nhìn nhận quyết định này dưới hai chiều:

Là cơ hội cho những doanh nghiệp minh bạch: doanh nghiệp có khả năng chứng minh hàng hóa của mình là “made in Vietnam” thực sự – từ nguyên liệu, sản xuất, đóng gói đến vận chuyển – thì 20% là con số ổn định, có thể lên kế hoạch lâu dài. So với các quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia – hiện vẫn đang trong vòng đàm phán với Mỹ – thì Việt Nam là nước đầu tiên có một con số “chốt hạ”. Đây là lợi thế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển liên tục.

Hơn nữa, đây là lời kêu gọi rất rõ ràng cho tính minh bạch trong sản xuất. Những doanh nghiệp đã đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa, kiểm định chất lượng và truy xuất nguồn gốc sẽ thấy đây là thời điểm "được thưởng công".

alt
Theo đuổi minh bạch trong sản xuất là chiến lược kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. | Nguồn: Báo Thanh Niên

Là thử thách với doanh nghiệp phụ thuộc vào bên ngoài: Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các công ty FDI và nguồn nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài trong sản xuất tại Việt Nam. Nhưng nếu sản phẩm không thể chứng minh xuất xứ nội địa rõ ràng, nguy cơ bị áp thuế 40% là hoàn toàn có thật.

Việc “gỡ rối” để thể hiện tính minh bạch sẽ tốn kém, từ quản lý chuỗi cung ứng, điều chỉnh tài liệu vận đơn đến chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp, nhất là trong các ngành như dệt may, da giày, điện tử và nông sản.

Vui thôi, đừng vui quá!

Không cần vội ăn mừng, cũng không cần vội bi quan. Nhưng có một điều rõ ràng: Việt Nam sẵn sàng để minh bạch hơn, chủ động hơn và kiên định hơn trên sân chơi toàn cầu. Chúng ta có thể lo lắng, nhưng cũng có thể xem đây là dấu hiệu tích cực – một bước tiến để doanh nghiệp Việt bước ra thế giới bằng chính thực lực và uy tín của mình.

Nhưng, đường vẫn còn rất dài, ở phía trước!