Vòng lặp tiêu dùng quá mức - có phải lỗi hoàn toàn của người tiêu dùng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vòng lặp tiêu dùng quá mức - có phải lỗi hoàn toàn của người tiêu dùng?

Bạn có biết nền kinh tế thị trường thực ra được thiết kế để con người không thể ngừng tiêu thụ?
Vòng lặp tiêu dùng quá mức - có phải lỗi hoàn toàn của người tiêu dùng?

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera

Chợ Tốt

Một cây bút của tờ BuzzFeed - Anne Helen Petersen - đã viết một câu đầy ám ảnh trên bài viết I Don’t Feel Like Buying Stuff Anymore: “Nền kinh tế của chúng ta được xây dựng dựa trên việc người Mỹ thuộc mọi giai cấp tiêu thụ hàng hoá.”

Từ khi chủ nghĩa tối giản lên ngôi, chủ nghĩa tiêu dùng trở thành "tội đồ" trong mắt nhiều người. Việc liên tục mua hàng được cho là gây nhiều hệ lụy, nó tác động xấu đến môi trường, thậm chí là ảnh hưởng đến nhân quyền.

Rất dễ để tìm thấy những bài viết nói về việc con người tiêu dùng quá mức như một cách giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, có thực sự rằng việc tiêu dùng quá mức đều là lỗi của người mua hàng? Và có thực việc tiêu thụ hàng hoá là "tội đồ"?

Thế nào là tiêu dùng quá mức và sản xuất quá mức?

Thực tế, sẽ là không đúng nếu nói tiêu thụ có nghĩa là không cống hiến cho xã hội. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nước tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã lấy tiêu thụ làm hoạt động kinh tế cơ bản của con người. Hoạt động tiêu thụ, gắn liền với sản xuất hàng hoá, đang trên xu hướng trở thành rường cột cho nền văn minh của toàn bộ loài người.

Trong thảm hoạ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, các chính trị gia và CEO nước này đã khuyên người dân rằng đừng để thảm hoạ làm chững lại những hoạt động thường ngày của họ. Hành động ái quốc nhất người dân có thể làm là tạo ra thêm tiền.

Nguồn Linh Thảo inprairie cho Vietcetera
Hoạt động tiêu thụ, gắn liền với sản xuất hàng hoá, đang trên xu hướng trở thành rường cột cho nền văn minh của toàn bộ loài người.

Chủ nghĩa ái quốc tiêu dùng (consumer patriotism) kiểu Mỹ thúc đẩy người dân bay đến Disney World ở Florida để cứu ngành hàng không, chụp ảnh với Minnie cùng Mickey và mua cổ phiếu của Exxon.

Nhưng làm sao để biết ta đang tiêu dùng quá mức?

Tiêu dùng quá mức (overconsumption) được định nghĩa là hiện tượng xảy ra khi một hệ sinh thái không còn có thể duy trì cho việc con người sử dụng tài nguyên của nó. Tiêu dùng quá mức tước đoạt tài nguyên thiên nhiên, làm sụp đổ hệ sinh thái, huỷ hoại môi trường sống và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của vô số loài sinh vật khác.

Có hai yếu tố để tính toán ngưỡng tiêu dùng quá mức: (1) Số tài nguyên con người sử dụng trong mỗi năm, so sánh với số trái đất có thể tạo ra được trong chừng đó thời gian; (2) Sự chênh lệch tài nguyên tiêu thụ giữa các tầng lớp dân số khác nhau.

Chỉ số đầu tiên được tính bằng Ngày vượt quá tài nguyên trái đất (Earth Overshoot Day). Trong ngày đó, số tài nguyên con người sử dụng để sản xuất và tiêu thụ vượt quá số tài nguyên mà trái đất có thể tái sinh. Năm 2016, đó là ngày 8/8, còn năm 2015 là ngày 14 tháng 8...

Chỉ số thứ hai thể hiện ở phần lớn số tài nguyên trên trái đất được tiêu thụ bởi nhóm nào. Thống kê vào năm 2016 cho thấy 20% dân số tiêu thụ đến 80% số tài nguyên thiên nhiên. Điều này khẳng định không phải tất cả mọi người trên trái đất đều gây ra tiêu thụ quá mức. Việc một nhóm thiểu số tinh hoa tiêu thụ quá nhiều mới gây nảy sinh vấn đề.

Không chỉ là chuyện tiêu dùng

Để sự tiêu dùng xảy ra một cách điên cuồng như vậy, con người phải sản xuất được đủ hàng hoá. Vì thế, tiêu dùng quá mức gắn liền với sản xuất quá mức (overproduction). Hiện tượng này là sự sản xuất hàng hoá vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cuộc Đại Suy Thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Các nhà máy và nông trại sản xuất ra nhiều hơn mức người dân tiêu thụ. Kết quả là giá cả giảm sút, các cơ sở sản xuất đóng cửa và công nhân không có việc làm, dẫn đến một chu kỳ nghèo đói tưởng như vô tận.

Vòng lặp tiêu dùng quá mức có đơn giản chỉ là vấn đề của cảm xúc?

Khi hiện tượng tiêu dùng quá mức xảy ra, đối tượng bị đổ lỗi cho nhiều nhất là… người tiêu dùng. Họ bị đổ lỗi vì không thể tự kiểm soát bản thân, không biết tính toán đâu là ngưỡng tiêu dùng hợp lý hay mình thực sự cần gì.

Thực tế, tiêu dùng quá mức là hệ quả của cả một cơ chế xã hội. Anne Helen Petersen chỉ ra rằng những “thần dân” của chủ nghĩa tư bản tiêu thụ đã được huấn luyện rằng mình sẽ mua hàng thường xuyên, mua hàng rẻ, và mua thật nhiều, từ khi còn nhỏ.

Trong cuốn Consuming Schools: Commercialism and the End of Politics, giáo sư ngành triết học giáo dục Trevor Norris nói rằng các trường học của thế giới phương Tây đang đào tạo trẻ em trở thành người tiêu dùng. Học sinh được tiếp cận với quảng cáo đồ ăn trong căn tin, đồ dùng học tập trong thư viện, thậm chí, lựa chọn cả thầy cô từ khi còn sớm. Các nghề nghiệp tương lai cũng được thiết kế sao cho giống mua một món đồ trong siêu thị nhất, để người học tính toán lựa chọn nào đem lại lợi nhuận tối ưu.

Khi noacutei đến chủ nghĩa tiecircu dugraveng người ta thường chỉ noacutei đến tacircm lyacute của người tiecircu dugraveng Nhưng những gigrave đứng sau đoacute thigrave sao
Khi nói đến chủ nghĩa tiêu dùng, người ta thường chỉ nói đến tâm lý của người tiêu dùng. Nhưng những gì đứng sau đó thì sao?

Cảm giác khoan khoái và giải quyết được áp lực cuộc sống khi mua hàng không xuất phát từ cơ thể người tiêu dùng, mà được tạo ra bởi xã hội. Khái niệm Nền thống trị của người tiêu dùng (Consumer covereignty) được đề xuất để duy trì cảm giác giả tưởng này.

Người mua hàng được thuyết phục rằng chỉ cần họ lựa chọn mua Coca hay Pepsi, ống hút nhựa hay ống hút giấy, bầu cho Donald Trump hay Joe Biden… là đã có thể can thiệp tới các quyết sách vĩ mô của xã hội. Số phận của tập thể sẽ được giải quyết bằng quyết định của cá nhân.

Trong Nền thống trị của người tiêu dùng, hoạt động sản xuất và tiêu thụ đều được coi là lao động. Hạnh phúc cá nhân thực tế không quan trọng bằng mức độ tăng trưởng và sự không ngắt quãng của dòng giao dịch hàng hoá. Vì thế, việc vào công xưởng đầu giờ sáng và vào siêu thị cuối giờ chiều đều là nhiệm vụ cơ bản của việc làm người trong chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa tư bản tôn thờ sự chăm chỉ. Chăm chỉ bao gồm chăm làm và chăm mua. Một khi hầu hết dân số tin rằng họ cứ chăm chỉ lao động hơn là đời sống tốt hơn, thì bên cạnh sản xuất hàng hoá, tiêu thụ là hoạt động giải trí duy nhất con người có thể tìm thấy.

Vòng lặp sản xuất-tiêu dùng, vì vậy, sẽ khó có thể biến mất.

Liệu con người có thể thoát khỏi chủ nghĩa tiêu dùng?

Câu trả lời của tôi là không, chừng nào mục tiêu của xã hội vẫn là phải bận rộn thì thế giới mới tốt đẹp hơn. Nhận định vĩ mô này có thể khiến chúng ta bi quan nhiều hơn là lạc quan.

Mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu dùng

Với Robert và Edward Skidelsky, hầu hết các nhà kinh tế học ngày nay cho rằng chủ nghĩa tư bản sẽ trải qua ba bước phát triển: Tích luỹ tư bản (capital accumulation), tiêu thụ (consumption), và dư thừa (abundance). Thực tế, ngoài phương Tây ra thì hầu hết xã hội loài người ngày nay chưa bước tới trạng thái tiêu thụ.

Thật khoacute để con người thoaacutet khỏi vograveng lặp tiecircu dugraveng quaacute mức
Thật khó để con người thoát khỏi vòng lặp tiêu dùng.

Ở Trung Quốc, hoạt động tiết kiệm và đầu tư vẫn xảy ra trên một diện khổng lồ. Sản xuất và tiêu thụ đều nhắm đến một cái đích duy nhất: tích luỹ tư bản. Còn ở phương Tây, dù giàu hơn 100 năm trước nhiều lần, song giờ làm việc thì vẫn không giảm - tương đương với việc năng suất lao động tăng.

Vấn đề có thể thấy là số tư bản tích luỹ được đang chảy sang túi của người giàu - điều mà Karl Marx đã dự đoán từ 1 thế kỷ rưỡi trước. Ngày nay, những câu chuyện như bảo vệ môi trường, dù khiến ta nhận thức rõ rệt hơn về tác hại của chủ nghĩa tiêu thụ, song khiến ta dễ dàng bỏ qua nhóm người chịu thiệt hại đầu tiên bởi chủ nghĩa tư bản: tầng lớp trung lưu.

Tầng lớp trung lưu càng tiêu thụ nhiều, tầng lớp thượng lưu càng giàu có

Một khi tầng lớp trung lưu vẫn đo đạc chất lượng của cuộc sống bằng thu nhập, thì guồng quay tiêu thụ không thể bị đảo chiều. Tầng lớp này có thể kiếm ra và tiêu thụ số tài sản lớn hơn trước rất nhiều, song nhóm thực sự có lợi nhiều hơn ở đây là tầng lớp thượng lưu.

Tầng lớp thượng lưu nắm trong tay tư liệu sản xuất. Vì vậy, sự chăm chỉ sản xuất và tiêu thụ của các tầng lớp dưới sẽ tạo ra thêm tài sản cho tầng lớp trên. Đó là lý do người giàu sẽ làm mọi cách để guồng quay này giữ nguyên vị trí, để họ có thể giàu mãi.

Kết

Quả là khó khăn để trả lời tôi có giải pháp gì để đẩy lùi tiêu thụ quá mức hay không. Nếu ở cấp độ vĩ mô, guồng xoay sản xuất-tiêu thụ vẫn chạy đều đặn, thì ở cấp độ vi mô, chúng ta chẳng có cách nào khác ngoài đối diện với những sự thật mất lòng sau:

Thứ nhất, tiêu dùng quá mức gây hệ luỵ vô cùng lớn về tâm lý tới tầng lớp trung lưu. Họ liên tục phải đạt tới ngưỡng giàu mới hoặc vượt qua ngưỡng nghèo mới. Họ không bao giờ cảm thấy mình đã sở hữu đủ.

Thứ hai, người nghèo và các nước nghèo sẽ chịu hậu quả nhãn tiền đầu tiên của biến đổi khí hậu do tiêu dùng quá mức. Họ vừa phải đối mặt với rác thải của các nước giàu đổ sang, tình trạng khai khoáng liên tục do nhu cầu khổng lồ của các tập đoàn tư bản quốc tế, và gồng gánh trên mình nước biển dâng và khí nhà kính.

Cuối cùng, bất bình đẳng luỹ tiến sẽ là hậu quả đáng sợ nhất của tiêu dùng quá mức. Dù số của cải vật chất con người tạo ra đã lớn hơn toàn bộ sinh khối (biomass) trên trái đất, thì vẫn có khả năng chúng ta chết vì béo phì, hoá chất, và nghèo đói, hơn là chết vì biến đổi khí hậu.

Chợ Tốt là nền tảng recommerce hàng đầu Việt Nam, trực thuộc tập đoàn công nghệ kỳ lân Carousell. Bằng việc mang đến nền tảng mua bán dễ dàng, tiện lợi, Chợ Tốt cùng Carousell thúc đẩy mua bán, trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng, giảm thiểu sự tiêu dùng quá mức, và hướng đến lối sống bền vững cho Việt Nam nói riêng và cho khu vực Đông Nam Á nói chung.