Với phong trào Dân Quyền (Civil Rights Movement), hay làn sóng Black Lives Matter nổi lên vào hai thập kỉ trở lại đây, ý thức của thế giới về nạn phân biệt chủng tộc chắc chắn đã có nhiều phần cải thiện.
Thế nhưng, tại Hollywood, kinh đô của điện ảnh thế giới, một nơi đáng lẽ phải đi đầu trong việc lan truyền những thông điệp này lại mắc kẹt với một hình mẫu chẳng mấy đẹp đẽ mang tên “White Savior”.
Những bộ phim được đề cử cho các giải thưởng danh giá như Giết con chim nhại (1962), The Help (2011), Green Book (2018),... đáng tiếc thay, lại chứa những nội dung gây hại cho làn sóng dân quyền của cộng đồng người da màu.
1. White Savior là gì?
White Savior, hay người cứu rỗi da trắng là một hình mẫu nhân vật da trắng sẵn sàng từ bỏ tất cả những quyền lợi của mình để giúp cho cuộc sống của những người da đen tốt hơn.
2. White Savior bắt nguồn từ đâu?
Hệ tư tưởng “người cứu rỗi da trắng” có bắt nguồn từ thời kì thực dân. Khi người Tây Ban Nha lần đầu đặt chân lên Châu Mỹ và bắt đầu thuộc địa hóa nơi đây, họ cho rằng họ đang đem tới một nền văn minh cho những người bản địa “man di, mọi rợ”.
Chẳng đâu xa, chính tư tưởng này cũng xuất hiện ở tâm lí những người lính Pháp vào thời kì Pháp thuộc ở Việt Nam. Những thanh niên này đem trong mình niềm tin rằng họ là những chiến binh mang tới lí tưởng văn minh, hiện đại cho chủng người lạc hậu An Nam.
Cho đến nay, phức cảm “người cứu rỗi da trắng” vẫn còn hiện diện ở khắp nơi. Từ giáo dục, an ninh đến y tế, vẫn có những người da trắng cho rằng họ có đủ công cụ, sự hiểu biết và trí thông minh để giải quyết vấn đề thay cho những người bị trực tiếp ảnh hưởng bởi chúng.
3. Vì sao hình mẫu này phổ biến?
Vào những thập niên 60, khi mà phong trào dân quyền được lãnh đạo bởi những người da màu trên đường phố, thì trên màn ảnh, những người đàn ông da trắng lại là tâm điểm của sự chú ý. Điều này đến từ nỗi lo sợ của các nhà sản xuất rằng khán giả da trắng sẽ không thể kết nối đến vấn đề chủng tộc nếu như chúng không được kể qua góc nhìn của một người cùng màu da với họ.
Những bộ phim xoay quanh hình mẫu người cứu rỗi da trắng thường có những kết thúc tươi sáng, nơi những người da trắng được tôn vinh bởi hành động cao đẹp của họ. Từ đó, khán giả có thể ra khỏi rạp phim với một tinh thần thoải mái, rằng họ đã tiếp nhận và hiểu đủ một “bài học cuộc sống” tích cực về nạn phân biệt chủng tộc.
4. Vì sao hình mẫu này không còn phù hợp?
Bỏ quên câu chuyện và góc nhìn của người da đen
Khuyết điểm dễ thấy nhất của các bộ phim đi theo hình mẫu người cứu rỗi da trắng là việc những bộ phim này tập trung vào những hành động cao cả của người da trắng mà quên đi những nhân vật da đen trong câu chuyện.
The Help được đề cử Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất vào năm 2011. Bộ phim là câu chuyện của một nữ nhà văn da trắng sẵn sàng vứt bỏ những quyền lợi mà cô đang sở hữu để phỏng vấn và viết sách về những người hầu gái da đen. Tuy nhận được những thành công vang dội, bộ phim vẫn bị đánh giá là chứa hình mẫu người cứu rỗi da trắng.
Dễ thấy nhất, trong câu chuyện của The Help, nữ nhà văn Skeeter sở hữu mạch truyện thể hiện những khó khăn của cô ở đa dạng các khía cạnh như sự nghiệp, gia đình và các mối quan hệ. Ở mặt còn lại, những người hầu gái mà cô phỏng vấn trở thành những nhân vật bị động, được đơn giản hóa thành những khó khăn mà họ phải trải qua.
Vào năm 2019, Green Book nhận giải thưởng bộ phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar. Đây là một bộ phim xoay quanh câu chuyện về tình bạn của Dr. Shirley và tài xế người Ý, Tony Lip. Trong câu chuyện, chính Tony Lip là người đã giúp Dr. Shirley kết nối với chính văn hóa của mình.
Quyết định khó hiểu nhất của Green Book có lẽ là lựa chọn kể câu chuyện này qua góc nhìn của Tony Lip thay vì góc nhìn của Dr. Shirley, một nhạc sĩ da đen đồng tính. Ngoài đời thực, Dr. Shirley là một trong những nghệ sĩ da đen biểu diễn nhạc cổ điển đầu tiên, ông sở hữu 3 bằng tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sáng tạo ra một trường phái nhạc jazz của riêng mình, một góc nhìn có lẽ sẽ hợp lí hơn cho một bộ phim nói về nạn phân biệt chủng tộc.
Về phần Oscar năm đó, Viện Hàn lâm cũng không tránh khỏi những chỉ trích khi trao giải thưởng cho Green Book và bỏ qua BlacKkKlansman, được đạo diễn bởi Spike Lee. Bộ phim kể về một cảnh sát da đen phải cải trang thành người da trắng để triệt tiêu tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng thời đó là Ku Klux Klan.
Nạn phân biệt chủng tộc không bắt nguồn từ những cá nhân
Có lẽ yếu tố độc hại nhất của những bộ phim chứa hình mẫu người cứu rỗi da trắng là chúng gây ra những lầm tưởng cho người xem về nạn phân biệt chủng tộc.
Khi câu chuyện được xoay quanh những người da trắng và hành động của họ, chúng đã đơn gian hóa sự phân biệt chủng tộc xuống còn những vấn đề của cá nhân. Những bộ phim ấy đưa ra một thông điệp sáo rỗng nhưng đầy an ủi cho người da trắng rằng “chỉ cần chính bạn giúp đỡ những người yếu thế hơn, bạn chính là người đã giải quyết nạn phân biệt chủng tộc.”
Đáng buồn thay, như bao vấn nạn phân biệt khác, khoảng cách giữa người da màu và người da trắng không đơn giản đến từ những suy nghĩ của một vài cá nhân. Chúng đến từ những hệ thống vốn được xây dựng trên nền tảng phân biệt và chia rẽ. Để có thể giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc, chúng ta cần thay đổi hệ thống.
Hay như lời của Danielle Taana Smith, tiến sĩ, giáo sư môn Văn hóa Mỹ gốc Phi (African American Studies) tại đại học Syracuse đã phân tích:
“Người cứu rỗi da trắng giải quyết nạn phân biệt chủng tộc như việc dán băng keo cá nhân lên trên một vết thương hở … (Giống như) một bác sĩ thường sẽ xem người bệnh như một cá nhân với một căn bệnh cụ thể, và họ không thể thấy được những vấn đề lớn hơn như việc sống trong nghèo khổ hay những nơi có tỉ lệ tội phạm tăng cao có ảnh hưởng nhiều như thế nào đến tần suất của căn bệnh.”
5. Một bộ phim về nạn phân biệt chủng tộc “đúng” sẽ có những tiêu chuẩn gì?
Những nhà làm phim da trắng khi tạo ra một bộ phim chứa hình mẫu “White Savior” tuy có một thiện chí đưa những vấn đề chủng tộc lên màn ảnh, những nỗ lực này còn quá hời hợt và chưa được tìm hiểu kĩ.
Nạn phân biệt chủng tộc đã luôn là một đề tài phức tạp để đưa lên màn ảnh. Vì điện ảnh là một phạm trù sáng tạo, không thực sự có một hướng dẫn cụ thể nào để những nhà làm phim có thể nói về nạn phân biệt chủng tộc một cách chuẩn xác.
Tuy nhiên, với tư cách là khán giả, đây là một vài câu hỏi bạn có thể sử dụng để biết được chất lượng của một bộ phim nói về bất kì nạn phân biệt nào:
- Liệu câu chuyện của bộ phim này có phải là câu chuyện của cộng đồng thiểu số?
- Liệu bộ phim có đang chỉ ra những lỗi sai của hệ thống ảnh hưởng lên nạn phân biệt, thay vì đơn giản hóa chúng thành lỗi sai của cá nhân?
- Liệu những diễn viên và đoàn làm phim có những thành viên của cộng đồng thiểu số mà bộ phim đang hướng tới?
Nếu những câu trả lời trên là có, đó là một bộ phim nói về nạn phân biệt một cách chuẩn xác. Tất nhiên, để có thể hiểu sâu về bất cứ nạn phân biệt nào, bạn cần tự giáo dục bản thân về chúng. Những câu hỏi trên chỉ là những gợi ý ban đầu để bạn có thể tìm hiểu và đào sâu thêm.
6. Ví dụ
Những bộ phim chứa hình mẫu White Savior:
Giết con chim nhại (1962)
Green Berets (1968)
A Time To Kill (1996)
Hardball (2001)
Gran Torino (2008)
The Blindside (2009)