Không ít người trẻ bước vào môi trường làm việc với đầy kỳ vọng, nhưng chỉ sau vài tháng đã cảm thấy hoang mang, lạc lõng và rồi dần dần việc đi làm như một cực hình. Không hẳn vì công việc quá áp lực, mà vì những khoảng cách vô hình nơi công sở khiến bạn thầm thở dài.
Bạn muốn đóng góp, nhưng mọi ý tưởng đều bị đánh giá là “thiếu thực tế”. Bạn gửi tin nhắn kèm nhiều cảm xúc, nhưng người nhận chỉ đáp lại bằng một câu khô khốc. Bạn không hiểu lý do cho các quyết định của sếp, nhưng khi nhận được lời giải thích xong vẫn… không hiểu, vì lệch hệ giá trị.
Nhưng thay vì đổ lỗi cho sự khác biệt thế hệ, đã đến lúc ta nhìn nhận một sự thật khác: sự khác biệt luôn tồn tại và thứ đáng sợ hơn cả khác biệt chính là việc không (muốn) thấu hiểu nhau.
Những khoảng cách vô hình khi đi làm
Những rối rắm trong môi trường công sở ngày nay không chỉ đến từ cá nhân, mà phản ánh những biến động lớn hơn của thế giới. Các thay đổi địa chính trị, kinh tế xã hội và công nghệ đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, phân tách con người thành các nhóm thế hệ – mỗi thế hệ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hoàn cảnh thời đại mà họ lớn lên.
Lần đầu tiên trong lịch sử, có tới 5 thế hệ cùng tham gia lực lượng lao động, biến chốn công sở bỗng trở thành một “chảo áp suất” của nhiều khác biệt: cách nghĩ khác, cách làm khác, kỳ vọng khác.
Để tháo gỡ những rối rắm đó, chúng ta không thể chỉ ngồi yên, mà bước đầu tiên là hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ẩn dưới 2 chữ “thế hệ” là những khoảng cách vô hình nhưng rất thật giữa con người với con người, giữa con người với tổ chức, giữa tổ chức với biến đổi thị trường. Hiểu các khoảng cách này là bước đầu để chúng ta bắt đầu thu hẹp chúng.

1. Khoảng cách năng lực thích ứng
Khoảng cách này đặc biệt xảy ra trong các tình huống chịu tác động của các yếu tố VUCA.
- Volatility & Uncertainty: Tự động hóa, AI và các mô hình làm việc linh hoạt (remote, gig economy) khiến công việc trở nên kém ổn định và khó dự đoán.
- Complexity: Nhu cầu kỹ năng liên ngành và chuyển đổi số tạo ra thách thức cho cả người lao động và nhà tuyển dụng.
- Ambiguity: Ranh giới giữa các ngành nghề truyền thống trở nên mờ nhạt, tạo ra sự mơ hồ trong việc xác định con đường nghề nghiệp.
Khi thế giới ngày càng bất định (VUCA), tổ chức và con người không thể đứng yên. Nhưng không phải ai cũng thích nghi theo cùng một cách hoặc cùng một tốc độ.
Sự khác biệt trong năng lực thích ứng tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Lãnh đạo có thể nhìn xa, nhưng thiếu dữ liệu thực tế từ đội ngũ để ra quyết định nhanh. Nhân viên có thể giỏi giải quyết vấn đề cụ thể, nhưng lại không có đủ tầm nhìn để góp phần vào chiến lược dài hạn.
Không ai sai, nhưng sự thiếu kết nối khiến công ty dễ bị trì trệ hoặc rối loạn khi cần thay đổi.
2. Khoảng cách kỹ năng
Công nghệ phát triển quá nhanh khiến nhiều kỹ năng cũ trở nên lỗi thời. Những gì từng là thế mạnh nay có thể trở thành gánh nặng. Trong khi đó, các yếu tố như chuyển đổi xanh, biến động địa chính trị, hay dân số già càng gia tăng áp lực lên thị trường lao động.
Do đó, nhu cầu tái đào tạo (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling) là rất lớn.
Báo cáo The Future of Jobs 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng chỉ ra rằng khoảng cách kỹ năng (skill gap) là một trong những rào cản nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển và chuyển đổi của các tổ chức trên toàn cầu.
Trung bình cứ 100 người thì sẽ có 59 người được cho là cần đào tạo lại từ nay cho đến năm 2030, để làm việc hiệu quả hơn trong vai trò hiện tại hoặc luân chuyển sang vị trí mới trong công ty.
Khoảng cách kỹ năng này có thể là lý do khiến bạn cảm thấy yêu cầu của sếp “vô lý”, hay những tiêu chí tuyển dụng nghe thật “trên trời”. Đó là vì thị trường đang tiến nhanh hơn khả năng theo kịp của nhiều người.
3. Khoảng cách hệ giá trị
Bạn có thấy những điều sau đây quen thuộc?
- Không cảm thấy được tôn trọng từ đồng nghiệp hoặc sếp
- Mâu thuẫn trong cách đưa ra quyết định
- Thiếu gắn kết với tổ chức
- Mệt mỏi vì không thấy công việc ý nghĩa
Những bất đồng về cách giao tiếp, thái độ hay phương thức làm việc hầu hết đều xuất phát từ tư duy khác nhau, mà tư duy khác nhau đến từ hệ giá trị khác nhau – tức là cách bạn định nghĩa điều gì là quan trọng và đáng để làm.
Có nhiều chiến lược để giải quyết các bất đồng này, chẳng hạn chương trình cố vấn (mentoring) hoặc sự can thiệp từ bộ phận nhân sự.
Tuy nhiên, một nghiên cứu về mâu thuẫn tại nơi làm việc vào năm 2016 chỉ ra rằng mỗi thế hệ quản lý sẽ giải quyết xung đột theo cách khác nhau, dựa trên hệ giá trị của họ. Do đó, chiến lược cụ thể không quan trọng bằng việc nhận ra và tận dụng những giá trị chung, nhằm định hướng xung đột theo hướng tích cực và đạt được kết quả hài hòa.
Gấp Gap – Cùng nhau gấp lại những khoảng cách
Trong nỗ lực thu hẹp lại những khoảng cách trên thị trường lao động, VietnamWorks đã hợp tác cùng Vietnam Innovators Digest, và đối tác truyền thông Vietcetera cho ra mắt Gấp Gap – một talkshow nơi những vấn đề “lệch nhịp” giữa các thế hệ được mở ra, nhìn thẳng, và cùng nhau gấp lại.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh “gấp” – như gấp giấy để rút ngắn lại khoảng cách, hay gấp lại một chương cũ để bước sang chương mới – Gấp Gap không đi tìm câu trả lời đúng-sai, mà tạo ra không gian để đối thoại, soi chiếu và kết nối.

Ai sẽ xuất hiện trong Gấp Gap?
Họ là những người trẻ vừa bước vào sự nghiệp và đang va vấp. Là những nhà tuyển dụng, quản lý, mentor… từng đi qua giai đoạn ấy. Là những người không ngại nói thật, kể thật và học hỏi thật. Trong Gấp Gap, họ ngồi lại với nhau – không phải để tranh luận, mà để hiểu nhau hơn.
Mùa 1 của Gấp Gap sẽ nói đến những khoảng cách lớn nhất trong giai đoạn đầu sự nghiệp.
- Tập 1 – Liệu tôi đã đủ giỏi cho công việc mình mơ ước?
Người trẻ thường mơ về con đường sự nghiệp “xịn sò”, nhưng lại hoang mang không biết mình đã đủ năng lực chưa. Hoặc dù đã cố gắng nhưng dường như khoảng cách đến công việc mơ ước vẫn thật xa vời. Vậy làm sao để xác định mình “đủ giỏi”? - Tập 2 – Skillset và Mindset: Cái nào thực sự cần thiết và cần thiết khi nào?
Chuyên môn quan trọng, nhưng như vậy đủ. Vậy những phẩm chất, tư duy nào là điều kiện cần để phát triển lâu dài? - Tập 3 – Quy mô hay mức độ phù hợp quan trọng hơn?
Công ty lớn mang lại danh tiếng, công ty nhỏ cho ta trải nghiệm sâu sát. Người mới đi làm nên chọn gì? Khoảng cách giữa kỳ vọng của người trẻ và thực tế về thị trường lao động nên được rút ngắn ra sao? - Tập 4 – Không ngừng nỗ lực và sự thăng tiến trong công việc
Thăng tiến có thật sự là mục tiêu hàng đầu? Hay “chuyên nghiệp” đôi khi là biết… chậm lại? Những giá trị nào đang định hình thước đo thành công giữa các thế hệ?

Gấp Gap không giải quyết mọi vấn đề trong một cuộc trò chuyện. Nhưng đây là cơ hội để cả khách mời và khán giả cùng đối chiếu, chiêm nghiệm và thấu hiểu nhau hơn. Khoảng cách lớn đến đâu, nếu gấp lại từng chút một bằng sự thấu hiểu, rồi cũng sẽ lại gần nhau hơn.
Các tập sẽ lần lượt được phát sóng trên hệ sinh thái của Vietnam Innovators Digest vào 19h thứ 4 hàng tuần. Mời bạn cùng Gấp Gap và đón xem tập đầu tiên vào thứ 4, ngày 14 tháng 5!