Môi trường nước cũng giống như một xã hội thu nhỏ. Đó là nơi mà vô số những loài cá (dù cá heo là động vật có vú, nhưng người Việt gọi chúng là cá nên tác giả sẽ gian lận và tạm tính chúng là cá trong bài viết này) sinh sống và tương tác với nhau bằng những tính cách, đặc điểm của riêng chúng.
Thông qua quan sát và hòa mình trong những biến động của nhiều yếu tố từ chính trị, kinh tế, xã hội những năm 1980, Dudley Lynch và Paul L. Kordis đã viết nên cuốn sách The Dolphin Strategy (Tạm dịch: Chiến lược của cá heo) và giới thiệu “Mô hình tư duy cá mập, cá chép, cá heo” (The Shark, The Carp, The Dolphin Thinking Models).
Đây là sự đơn giản và hình tượng hóa của hai tác giả để giúp người đọc hiểu rõ hơn về những mẫu người phổ biến trong cuộc sống và công việc. Và bên dưới là những gì bạn cần biết về mô hình tư duy này.
Mô hình tư duy cá mập, cá chép, cá heo là gì?
Cuối thập niên 1980, Chiến tranh Lạnh dịu đi nhưng bất ổn chính trị vẫn hiện hữu. Kinh tế Mỹ thịnh vượng nhưng bị rung chuyển bởi sự sụp đổ chứng khoán năm 1987. Công nghệ và toàn cầu hóa phát triển, tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt. Ô nhiễm môi trường và thay đổi cấu trúc gia đình phản ánh sự chuyển mình không ngừng của xã hội.
Các lý thuyết tâm lý học, tư duy hệ thống và lãnh đạo tình huống đều nhấn mạnh vai trò của sự thích nghi như là một phương pháp phản ứng với những rung chuyển từ môi trường.
Trong thời gian đó, cuốn sách Strategy of the Dolphin của hai tác giả Dudley Lynch và Paul L. Kordis đã mang đến một góc nhìn độc đáo về cách con người tư duy và hành xử trong công việc lẫn cuộc sống.
Họ sử dụng ba hình ảnh ẩn dụ bao gồm cá mập, cá chép và cá heo để thể hiện ba mô hình tư duy hành vi. Mỗi mô hình phản ánh cách chúng ta đối mặt với thử thách, tương tác với người khác và khát vọng trong cuộc sống.
Trong thế giới hỗn loạn ấy, tư duy cá mập đại diện cho những mẫu người không ngừng cạnh tranh để thoát khỏi khó khăn, áp bức, giải phóng bản thân. Ngược lại, tư duy cá chép phản ánh khát khao hòa bình, an toàn và ổn định từ một bộ phận lớn nhân loại. Và cuối cùng là tư duy cá heo, đại diện cho sự linh hoạt, sáng tạo và hợp tác để cùng phát triển.
Giờ đây, với bối cảnh cuộc sống và công việc hiện đại, việc lựa chọn tư duy phù hợp là yếu tố quyết định để sinh trưởng ổn định. Tư duy không còn dừng lại ở câu chuyện “đúng” hay “sai” mà ở việc áp dụng với ai, khi nào để tối ưu hiệu quả.
Đôi lúc bạn sẽ cần sự cứng rắn của cá mập nhưng cũng cần sự ôn nhu của cá chép. Và rồi bạn cũng sẽ va phải tình huống khiến bạn phải mềm dẻo như cá heo để xử lý. Vì vậy, việc hiểu biết ưu điểm, nhược điểm của từng loại tư duy sẽ giúp bạn khai thác chúng một cách triệt để.
Tư duy cá mập
Cá mập là biểu tượng của sự cạnh tranh mạnh mẽ, quyết đoán, và luôn hướng đến mục tiêu theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Người có tư duy cá mập thường đặt lợi ích cá nhân hoặc nhóm lên hàng đầu, sẵn sàng đối đầu để đạt được điều mình muốn.
- Điểm mạnh: Tư duy này rất hiệu quả trong những môi trường khốc liệt, nơi cần nhanh chóng đạt được kết quả. Nó tạo động lực mạnh mẽ, giúp cá nhân hoặc tổ chức vượt qua thử thách và đạt mục tiêu trong thời gian ngắn.
- Điểm yếu: Tuy nhiên tư duy cá mập dễ dẫn đến xung đột, làm rạn nứt các mối quan hệ. Nếu lạm dụng, nó có thể gây bào mòn nội bộ, mất lòng tin và tạo ra những tổn thất lâu dài.

Tư duy cá chép
Cá chép đại diện cho sự thụ động, tránh đối đầu và sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để giữ hòa khí. Người có tư duy này thường ưu tiên sự ổn định và tránh rủi ro.
- Điểm mạnh: Giúp duy trì sự hòa hợp, giảm thiểu xung đột ngay lập tức. Nó phù hợp trong những tình huống cần sự kiên nhẫn, nhẫn nại hoặc khi ưu tiên giữ gìn mối quan hệ hơn là cạnh tranh.
- Điểm yếu: Tuy nhiên tư duy này có thể khiến người áp dụng bị xem nhẹ, thiếu chủ động, và khó tạo ra sự đột phá. Trong môi trường thay đổi nhanh, tư duy cá chép dễ khiến bạn bị động và tụt hậu.

Tư duy cá heo
Cá heo là biểu tượng của sự linh động, ứng biến và khả năng thích nghi. Người có tư duy cá heo biết khi nào nên hợp tác, khi nào cần kiên quyết và luôn tìm kiếm giải pháp “đôi bên cùng có lợi”.
- Điểm mạnh: Giúp tạo ra những giải pháp bền vững, thích nghi nhanh với sự thay đổi, và duy trì các mối quan hệ lâu dài. Nó đặc biệt hiệu quả trong những môi trường phức tạp, đa chiều.
- Điểm yếu: Tuy nhiên tư duy cá heo đòi hỏi kỹ năng quan sát nhạy bén, khả năng tư duy chiến lược và sự điều chỉnh liên tục. Không phải ai cũng dễ dàng áp dụng, đặc biệt trong những tình huống cần đưa ra quyết định tức thì.

Bạn có thể là cá mập, cá chép và cả cá heo
Việc chọn đúng tư duy cho từng tình huống là chìa khóa giúp bạn tiến xa hơn trong công việc và cuộc sống. Ba kiểu tư duy cá mập, cá chép, cá heo đều có giá trị riêng nhưng chỉ hiệu quả khi được áp dụng đúng lúc.
Khi đối mặt với môi trường cạnh tranh gay gắt, như giành hợp đồng hay khởi nghiệp, bạn cần tư duy cá mập: quyết đoán, nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm. Như một người mới bắt đầu kinh doanh, nếu không dám bước ra thị trường và chấp nhận rủi ro, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội khẳng định mình.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng cần “húc đầu” như cá mập. Trong làm việc nhóm hay khi xử lý mâu thuẫn, tư duy cá chép với lối suy nghĩ và hành động thiên hướng nhẹ nhàng, lắng nghe và nhường nhịn sẽ giúp giữ hòa khí và duy trì tinh thần hợp tác. Ví dụ khi đồng nghiệp bất đồng ý kiến, thay vì hơn thua, bạn chọn lùi một bước để mọi người cùng nhau giải quyết vấn đề.
Trong môi trường thay đổi liên tục, như công nghệ hay dự án phức tạp, tư duy cá heo phát huy tối đa. Cá heo vừa tinh tế vừa linh hoạt sẽ tạo ra giải pháp “đôi bên cùng thắng”. Đây là tư duy cần rèn luyện nếu bạn muốn làm việc hiệu quả với nhiều bên.

Và sẽ không có kiểu tư duy nào là tuyệt đối đúng. Ai thích thì chọn ai không thích thì… chọn hết. Người lớn “đủ” sẽ biết khi nào nên là cá mập, khi nào cần là cá chép và đặc biệt là vận dụng tư duy cá heo để kết nối, điều chỉnh và đạt hiệu quả tối ưu. Như một nghệ sĩ chọn đúng nhạc cụ cho mỗi giai điệu của một bản giao hưởng, bạn cũng cần chọn đúng tư duy cho từng tình huống để tạo nên bản hòa âm của riêng mình.