Hãy thử tưởng tượng: bạn đến bệnh viện phải kể lại tiền sử bệnh tật từ đầu và ôm theo các tập giấy tờ hồ sơ bệnh án. Bác sĩ lật từng tờ giấy trong một tập hồ sơ cũ kỹ để tìm thông tin về lần khám trước đó. Nếu chuyển khoa, mọi việc gần như bắt đầu lại từ đầu.
Đó là thực tế đã diễn ra tại nhiều bệnh viện. Dù đã có nhiều cải tiến trong khám chữa bệnh, nhưng việc quản lý thông tin bệnh nhân còn phụ thuộc vào giấy tờ, gây tốn thời gian, dễ sai sót và khó theo dõi lịch sử điều trị.
Trong bối cảnh đó, bệnh án điện tử ra đời như một bước tiến quan trọng trong hành trình số hóa y tế, giúp bệnh viện vận hành và cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả hơn.
Bệnh án điện tử là gì?
Bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR) là phiên bản số hóa của hồ sơ bệnh án truyền thống. Tất cả thông tin liên quan đến một bệnh nhân như thông tin cá nhân, chẩn đoán, xét nghiệm, đơn thuốc đến diễn biến điều trị đều được lưu trữ và cập nhật trên một hệ thống phần mềm duy nhất. Nhờ đó, bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ hay nhân viên tiếp nhận đều có thể truy cập và sử dụng khi cần, thay vì phải tìm kiếm giữa hàng ngàn hồ sơ giấy.
Hệ thống này hoạt động ra sao trong thực tế?
Khi bạn đến bệnh viện, thông tin của bạn được nhập vào hệ thống ngay từ bước tiếp nhận. Trong suốt quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ sẽ vừa cập nhật bệnh án vừa theo dõi kết quả các xét nghiệm hoặc hình ảnh y khoa trên phần mềm, không cần chờ in giấy hay chuyền tay qua các phòng ban.

Nếu bạn được chuyển sang khoa khác, bác sĩ mới sẽ tiếp tục truy cập bệnh án điện tử để nắm bắt đầy đủ lịch sử điều trị. Khi ra viện, toàn bộ quá trình điều trị cũng được lưu trữ để phục vụ cho những lần khám sau dù ở bệnh viện đó hay nơi khác có liên thông hệ thống.
Với bệnh án điện tử, công việc hàng ngày của nhân viên y tế trở nên liền mạch và thuận tiện hơn. Họ không còn mất thời gian lật hồ sơ hay ghi chép thủ công. Các thông tin quan trọng như dị ứng thuốc, chỉ định đặc biệt hay tiến triển bệnh được ghi nhận rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Bác sĩ có thể ra y lệnh điều trị, xem kết quả xét nghiệm và chỉnh sửa thông tin ngay trên bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử mang lại điều gì?
Điều dễ nhận thấy nhất là tốc độ. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không phải chờ đợi lâu vì dữ liệu được lưu và chia sẻ ngay lập tức.
Nhưng quan trọng hơn, hệ thống này giảm thiểu sai sót, tăng độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời giúp bệnh viện theo dõi hiệu quả hoạt động và quản trị tốt hơn. Lưu trữ dữ liệu cho quy trình phân tích và ra quyết định của các bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh án điện tử còn đóng vai trò quan trọng trong các buổi hội chẩn liên chuyên khoa hoặc khám từ xa qua hình thức trực tuyến. Khi bệnh án được lưu trữ và chia sẻ trên nền tảng số, các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa hay cơ sở y tế khác nhau có thể cùng lúc truy cập, theo dõi và phân tích hồ sơ bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán chính xác và thống nhất.
Đây là điều các bệnh viện hiện đại ngày nay không thể thiếu, đặc biệt trong các ca bệnh phức tạp hoặc cần phối hợp đa ngành. Việc “share file” bệnh án điện tử giúp mọi người cùng nhìn một dữ liệu, giảm rủi ro hiểu nhầm và nâng cao chất lượng điều trị. Tăng cường minh bạch, giảm tiêu cực, giám sát hiệu quả điều trị qua lịch sử điều trị rõ ràng, cũng giúp giảm gian lận bảo hiểm y tế.
Về phía người bệnh: không phải trình bày lại quá nhiều, không bị nhầm lẫn toa thuốc, dễ dàng tra cứu lịch sử khám chữa bệnh nếu cần theo dõi lâu dài.

Việt Nam đang triển khai bệnh án điện tử ra sao?
Việc đưa bệnh án điện tử vào hệ thống y tế là một chiến lược lâu dài. Tại Việt Nam, bộ Y tế đã chính thức ban hành lộ trình triển khai bệnh án điện tử từ năm 2019, với mục tiêu thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy tại các bệnh viện trong thời gian tới.
Cụ thể, Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định rõ việc sử dụng bệnh án điện tử trong khám chữa bệnh, yêu cầu các bệnh viện hạng 1 và đặc biệt cần hoàn thành chuyển đổi trước tháng 10/2025 (Báo Chính Phủ). Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng được khuyến khích triển khai theo điều kiện thực tế.

Để hỗ trợ, Bộ Y tế đã phối hợp cùng các đơn vị công nghệ để phát triển phần mềm phù hợp với quy trình điều trị tại Việt Nam, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo nhân viên y tế sử dụng hệ thống. Một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh... đã đi đầu trong quá trình này.
Tuy vẫn còn không ít thách thức, từ hạ tầng công nghệ cho đến thói quen làm việc, nhưng bệnh án điện tử đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế.
Một bước đi nhỏ, một thay đổi lớn
Bệnh án điện tử không phải là một khái niệm mới với thế giới. Nhưng tại Việt Nam, nó là một phần của lời cam kết mạnh mẽ cho một tương lai y tế minh bạch, an toàn và hiện đại. Với thế hệ trẻ là những người quan tâm đến sức khỏe, công nghệ và chất lượng dịch vụ, việc hiểu và ủng hộ bệnh án điện tử chính là cách để cùng góp phần vào một hệ thống y tế thông minh, nơi mọi dữ liệu đều phục vụ cho con người, giảm tải áp lực cho bác sĩ và các nhân viên y tế.