Cởi Mở: "Yêu" nhau sau sinh nở là một nghệ thuật | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Well-nessCởi Mở: "Yêu" nhau sau sinh nở là một nghệ thuật

Tình dục sau sinh không phải là sự trở lại. Nó là sự bắt đầu của một chương yêu sâu sắc hơn, chân thực hơn và cũng... nghệ thuật hơn bao giờ hết.

Thanh Trúc
Cởi Mở: "Yêu" nhau sau sinh nở là một nghệ thuật

Nguồn: Unplash

Khi nào thì ta được quan hệ tình dục sau khi sinh? Tôi từng nghĩ chuyện yêu sau sinh cũng chỉ là chuyện theo bản năng. Chỉ cần tôi chờ cơ thể hồi phục rồi cứ thế mà triển với anh xã nhà mình. Nhưng không. Sau khi sinh, tôi mới biết: “yêu” lại nhau là một nghệ thuật. Và hai vợ chồng tôi bất đắc dĩ trở thành cặp nghệ sĩ học nghề lại từ đầu.

Sáu tuần sau sinh, tôi vẫn chọn... ngủ

Sáu tuần là mốc thời gian thường được các bác sĩ khuyến nghị như một cột mốc an toàn về mặt thể chất để có thể quan hệ tình dục trở lại sau sinh, nếu không có biến chứng. (Theo ACOG – Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ.)

Và đúng sáu tuần sau sinh, bác sĩ cũng đã gật đầu xác nhận: cơ thể tôi “an toàn để yêu lại”. Tôi nhìn chồng – người đang rất cố tỏ ra không quá háo hức – rồi nhìn vùng da rạn dưới bụng mình. Tôi biết mình nên “sẵn sàng”, nhưng thành thật thì tôi thấy ngủ còn hấp dẫn hơn làm tình.

alt
Khi chiếc giường không còn là nơi hứa hẹn những cuộc yêu vui vẻ chỉ bởi vì tâm trí tôi chưa sẵn sàng. Giường chiếu bấy giờ chỉ mang đúng nghĩa đen: nơi để ngủ. | Nguồn: Unplash

Không phải tôi ghét sex. Mà là hormone của tôi ghét sex giùm tôi.

Hormone đổi vai, ham muốn không còn chỗ đứng

Sau sinh, cơ thể tôi trở thành một bản phối lạ kỳ. Prolactin tăng để tiết sữa, kéo theo estrogen và testosterone tụt dốc. Kết quả? Tôi khô hạn, không hứng thú, và đôi khi hơi... bực mình nếu chồng đụng nhẹ vào vai.

Tôi từng lo mình bị “lãnh cảm”. Nhưng hóa ra, đó là một điều rất thường gặp, đặc biệt ở các bà mẹ đang cho con bú. Theo các chuyên gia y khoa, ham muốn tình dục của phụ nữ có thể sụt giảm đáng kể trong 6 tháng đầu sau sinh, không phải vì “không yêu chồng”, mà vì cơ thể đang ưu tiên việc nuôi sống một sinh vật khác 24/7.

Và điều đó không sai. Nhưng nếu không ai nói trước, bạn sẽ tưởng cơ thể mình hỏng mất rồi.

Cơ thể và tinh thần của phụ nữ sau sinh cũng cần thời gian để sẵn sàng cho tình dục

Trong các khảo sát quốc tế, thời gian trung bình để phụ nữ thật sự sẵn sàng "yêu lại" sau sinh là từ 3 đến 6 tháng – lâu hơn nhiều so với mốc 6 tuần thường được bác sĩ khuyến nghị.

Nhưng “sẵn sàng” không chỉ là chuyện cơ thể. Đó còn là một điểm rơi rất riêng giữa thể chất và cảm xúc, giữa việc “được chạm” và “muốn được chạm”.

Sau sinh, cơ thể tôi như một ngôi nhà đang được sửa lại. Nhìn thì có vẻ vẫn là nơi quen thuộc, nhưng bên trong thì ngổn ngang bản vẽ, gạch vữa, dây điện, và cả tiếng khoan bất tận của tiếng khóc con mỗi đêm.Trong khung cảnh ấy, ai mà còn hứng yêu?

Mệt mỏi kéo dài do thiếu ngủ là điều đầu tiên đánh gục ham muốn. Bạn thức dậy ba lần một đêm, đầu đau như búa bổ và điều duy nhất bạn muốn là một giấc ngủ liền mạch bốn tiếng, chứ không phải một cuộc “thăng hoa” lỡ dở vì tiếng ọ ẹ từ chiếc nôi gần đó.

Cộng thêm cảm giác tự ti về cơ thể khi tôi nhìn dấu rạn trên bụng, ngực to nhỏ bất đồng. Lúc chồng đưa tay vuốt ve, tôi không thấy kích thích, mà chỉ thấy đau nhức vì bầu sữa vẫn rất căng.

Và khi thiếu sự hỗ trợ từ bạn đời thì sự gần gũi thể xác trở thành một công việc chứ không phải sự kết nối. Còn nếu bạn rơi vào trầm cảm sau sinh, một yếu tố cần được nhìn nhận nghiêm túc thay vì lướt qua bằng câu "mới sinh thì ai chả vậy", thì không chỉ tình dục, mà mọi cảm xúc tích cực đều có thể biến mất tạm thời.

Tôi may mắn. Tôi không bị trầm cảm. Tôi có một người chồng biết thay tã, biết canh giờ hâm sữa và biết bế con đúng tư thế cho tôi chợp mắt 15 phút.

Dù vậy, sự thật là: kể cả khi tinh thần không khủng hoảng, thì thể chất vẫn có thể “tắt đài”. Những cơn thiếu ngủ triền miên, thân hình chưa kịp hồi phục, hormone vẫn lộn xộn như mớ đồ chơi trong nhà có trẻ con. Tất cả khiến tôi mất kết nối với chính mình.

Và để “mở lại cái đài” ấy, tôi và chồng đã phải học… quan hệ tình dục, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Không phải học lại tư thế, mà là học lại cách tiếp cận, cách chạm, cách nói, và nhất là cách hiểu: “yêu” sau sinh không giống bất cứ cuộc yêu nào trước đó.

Nghệ thuật yêu lại: Không có công thức, nhưng có cách học

Tôi và chồng không có một “buổi yêu” trọn vẹn trong 3 tháng đầu sau sinh. Nhưng chúng tôi có những lần... tập lại.

Một cái ôm lâu hơn bình thường. Một lần massage vai trước khi ngủ. Một lần chỉ ôm nhau, không đụng đến gì. Và chúng tôi bắt đầu lại bằng... chơi đùa. Một nụ hôn dài. Một lần quan hệ tình dục chỉ bằng tay để khám phá cơ thể và cảm xúc đã sẵn sàng chưa, một cách nhẹ nhàng và thận trọng. Và từ đó, mọi thứ trở lại.

alt
Sau thời điểm sinh con ba tháng, tôi và chồng học lại cách “yêu” bằng cách chơi đùa. | Nguồn: Pexel

Trước đây, chúng tôi từng "thử nghiệm" mọi chốn, mọi kiểu, mọi giờ. Còn giờ? Chỉ cần 30 phút, một không gian yên tĩnh và gel bôi trơn trong ngăn tủ đầu giường.

Tình dục sau sinh không cuồng nhiệt như xưa. Nhưng có điều gì đó chín hơn, sâu sắc hơn. Giống như tình yêu của chúng tôi đã được gạn lọc qua từng đêm thiếu ngủ và tiếng khóc trẻ con.

Mọi nghệ sĩ đều xuất phát từ việc học và luyện tập

Không ai sinh ra đã là nghệ sĩ. Kể cả trong tình yêu. Tình dục sau sinh là một dạng nghệ thuật không phải vì nó trừu tượng hay cao siêu, mà vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, quan sát và đồng sáng tạo.

Bạn sẽ cần nhẫn nại như người đang vẽ lớp nền cho một bức tranh mới: từng nét mỏng, từng màu loãng, không vội vã. Bạn sẽ cần dịu dàng như người lên dây cho một cây đàn cũ: chậm rãi, lắng nghe, điều chỉnh theo từng biến âm nhỏ nhất. Và bạn sẽ cần vui vẻ là chính mình, tự tin học lại cách “yêu” trong một cơ thể mới, với một người bạn đời quen thuộc nhưng không bao giờ cũ.

Tình dục sau sinh không phải là sự trở lại. Nó là sự bắt đầu của một chương yêu sâu sắc hơn, chân thực hơn và cũng... nghệ thuật hơn bao giờ hết.

(Bài viết thực hiện thông qua lời kể phỏng vấn nhân vật)