"Epic" không còn là một từ thường xuyên được dùng để miêu tả các tác phẩm điện ảnh. Vào thập niên 50 và 60, đây là tên gọi dành cho nhưng bộ phim phiêu lưu sử thi như Ben-Hur hay Lawrence of Arabia, với quy mô khổng lồ, kỳ vĩ tới mức huyền ảo.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ kỹ xảo, điện ảnh dường như lại tập trung hơn vào những "set piece" công phu, thay vì muốn nhấn chìm khán giả vào một không gia rộng lớn.
Dune và Dune: Part Two vì thế sừng sững hiện lên như một ngoại lệ. Chuyển thể từ tác phẩm kinh điển năm 1965 của Frank Herbert, hai bộ phim đưa khán giả tới một thế giới xa xôi, mênh mông tới nỗi chỉ có thể được ghi lại trên khổ phim 70mm.
Giống như người tiền thân, Dune: Part Two là một bản thiên hùng ca uy nghi hùng vĩ gây choáng ngợp mọi giác quan, dày đặc về mặt nội dung với những yếu tố trải dài từ chính trị tới tôn giáo. Nhưng khác với phần một, Dune: Part Two có phần lộn xộn hơn, nhưng cũng giàu cảm xúc và đậm tính con người hơn rất nhiều.
Đối với những khán giả chưa xem phần một, thì 165 phút của Dune: Part Two sẽ là khoảng thời gian phải căng não. Bởi lẽ bộ phim không tốn giây phút nào để nhắc lại nội dung của Dune, mà kể tiếp câu chuyện ngay sau cái kết đột ngột của phần một.
Năm 10191 tại hành tinh sa mạc Arrakis. Gia tộc Atreides vừa bị tàn sát bởi nhà Harkonnen, dưới sự chỉ đạo của lão Nam tước Vladimir (Stellan Skarsgård). Harkonnen giành lại Arrakis để tiếp tục thu hoạch Hương dược, một loại tài nguyên quý giá có khả năng kéo dài tuổi thọ, gây ảo giác và cho phép du hành không gian.
Như lời dẫn truyện đầu bộ phim đã nói: "Ai kiểm soát Hương dược, kiểm soát tất cả."
Nhưng Paul Atreides (Timothée Chalamet) và mẹ vẫn còn sống sót ngoài sa mạc cằn cỗi, được tiếp đón bởi tộc người bản địa Fremen.
Nhiều người Fremen tin rằng Paul là Lisan al-Gaib, một vị cứu tinh trong truyền thuyết sẽ giúp họ giành lại được Arrakis, biến hành tinh này thành một thiên đường. Nhưng Paul biết rằng lời tiên tri này thực chất được gieo mầm bởi các Bene Gesserit, một dòng nữ tu vốn từ lâu đã âm thầm thao túng chính trị của vũ trụ.
Và những ảo mộng về tương lai cảnh báo Paul rằng nếu hiện thực hóa vận mệnh như lời tiên tri, cậu sẽ mở ra một cuộc thánh chiến và tàn sát cả vũ trụ.
Song Paul vẫn cần sự ủng hộ của người Fremen, nếu cậu muốn thành công trong con đường trả thù nhà Harkonnen và Hoàng đế Shaddam IV (Christopher Walken), người đã bí mật tiếp tay sát hại nhà Atreides.
Tượng đài mới của dòng phim khoa học viễn tưởng
Dune: Part Two là một tượng đài tham vọng tới khó tin của thể loại khoa viễn tưởng và điện ảnh nói chung, là một trải nghiệm phi thường nhấn chìm giác quan và trí tưởng tượng của khán giả vào một thế giới không tồn tại.
Qua ống kính của đạo diễn hình ảnh Greig Fraser cùng sự kết hợp tài tình giữa công nghệ kỹ xảo và hiệu ứng thực tế, những đụn cát sa mạc, những con sâu khổng lồ, những cỗ máy thu hoạch Hương dược thô kệch hiện lên hùng vĩ tráng lệ, biến khán giả trở nên tí hon và bất lực trước quy mô khổng lồ của từng thước phim.
Các phân cảnh hành động của Dune: Part Two, từ Paul cưỡi sâu rẽ cát dọc sa mạc, tới trận đánh du kích của tộc người Fremen, được đẩy lên một tầm cao mới với những điệu nhạc tựa sấm rền của Hans Zimmer.
Ngược lại, những đụn cát với tinh thể Hương dược phảng phất trong gió, đi kèm với những nốt nhạc tí tách như tiếng lấp lánh của kim cương, lại đem đến một vẻ huyền ảo như thể chính khán giả đang được trải nghiệm thứ tài nguyên gây ảo giác này.
Đạo diễn Denis Villeneuve muốn cho thấy đây là một cuộc chiến âm hưởng khắp vũ trụ, và vì vậy đưa khán giả tới nhiều hành tinh khác nhau như Arrakis, Kaitain hay Caladan, mỗi nơi đều sặc sỡ một cách riêng biệt. Vậy nhưng địa điểm gây trầm trồ nhất lại chỉ sử dụng màu sắc ở hai điểm cực của dải quang phổ.
Đó là tại hành tinh Geidi Prime của gia tộc Harkonnen, nơi tên phản diện Feyd-Rautha được giới thiệu qua một trận giác đấu. Toàn bộ đấu trường được phủ một màu đen trắng rùng rợn, tạo cảm giác nơi này khắc nghiệt và quỷ quyệt tới nỗi màu sắc cũng không thể tồn tại.
Dune: Part Two có thể là một bộ phim yêu cầu sự tập trung dài hạn của khán giả, nhưng một khi đã chiêm ngưỡng, khó ai có thể rời mặt khỏi màn hình.
Câu chuyện giàu cảm xúc và đậm tính con người
Yếu tố hình ảnh, dù kỳ vĩ tới đâu, không thể là thứ khiến Dune: Part Two đột phá quá nhiều so với người tiền nhiệm, và 6 tượng vàng Oscar ở các hạng mục kỹ thuật của phần một là minh chứng cho điều này. Thứ tách biệt Dune: Part Two, là một câu chuyện giàu cảm xúc và đậm tính con người hơn.
Dune và Dune: Part Two, vừa là hai phần phim chiến tranh khoa học viễn tưởng, nhưng cũng là một câu chuyện coming-of-age hay tuổi mới lớn của Paul Atreides (trong tiểu thuyết, Paul mới chỉ 15 tuổi). Nếu phần một Paul chỉ như một nạn nhân bị động liên tục bị cuốn theo những biến cố của câu chuyện, thì ở Dune: Part Two, khán giả thấy rõ được sự xung đột bên trong cậu.
Được thể hiện đầy tinh tế bởi Timothée Chalamet với một sự yếu đuối và mông lung của tuổi trẻ ẩn sau vẻ duyên dáng đầy lôi cuốn, khán giả thấy rõ Paul đang đứng giữa hai lựa chọn mà cậu biết đều không hoàn toàn tốt. Chi tiết này đẩy câu chuyện mang "motif" đã lạc hậu về Người được chọn hay Đấng cứu thế da trắng trở nên dễ đồng cảm hơn.
Bên cạnh Paul là Chani (Zendaya), người đã được trao cho một vai trò thực sự sau khi gần như chỉ xuất hiện trong những ảo mộng ở phần một. Nữ chiến binh Fremen đóng vai trò mỏ neo tới nhân tính của Paul, (cố gắng) nhắc nhở cậu không bị trôi quá xa trong vô vàn những lời hô hào từ các giáo đồ.
Mối quan hệ thân thiết ngoài đời thực của Timothée Chalamet và Zendaya thẩm thấu vào vai diễn, tạo cảm giác liên kết thực sự giữa hai nhân vật, giúp tình yêu của họ
Và đó là chưa kể tới màn hóa thân rợn tóc gáy của Austin Butler trong vai tên tâm thần máu lạnh Feyd-Rautha; Công nương Jessica (Rebecca Ferguson) người đang ngày một trở nên quyền lực và bí hiểm với những toan tính mờ ám của riêng mình; hay "ông chú" Stilgar (Javier Bardem), nhân vật khiến bao khán giả phải bất ngờ bật cười mỗi lần ông tung hô Paul.
Chưa phải cái kết?
Dune: Part Two không phải không có những khiếm khuyết. Bộ phim, giống phần một, thêu dệt nên một câu chuyện dày đặc với quy mô khổng lồ, chứa đựng những yếu tố vĩ mô như địa chính trị hay thánh chiến. Vì vậy nên đôi khi, kịch bản của bộ phim cảm giác chật chội vì bị nhồi nhét quá nhiều.
Một phần ba cuối của bộ phim diễn ra gấp gáp như thể thiếu mất một vài phân cảnh quan trọng. Thế nhưng ít nhất khi đang ngồi trong rạp chiếu phim, hiếm khán giả nào sẽ để ý quá về điều này, khi ai cũng đang bận trầm trồ trước những kỳ quan trên màn ảnh.
Dune: Part Two là tác phẩm chuyển thể khép lại cuốn tiểu thuyết gốc của Frank Herbert, nhưng chắc chắn sẽ chưa phải cái kết của câu chuyện mà Denis Villeneuve muốn kể. Nếu được "bật đèn xanh", một viễn cảnh rất khả thi nếu xét về thành công mà Dune: Part Two đang nhận được, thì bộ phim thứ ba sẽ chuyển thể tác phẩm Dune: Messiah. Khi đó, câu chuyện của Paul Atreides, ít nhất là Paul Atreides của Timothée Chalamet mới khép lại.
Có thể lại là ba năm nữa, hoặc cũng có thể là sớm hơn.