Hoàng Dũng và màu sắc hoàn toàn mới trong album studio thứ 2 | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

RadioOnTVHoàng Dũng và màu sắc hoàn toàn mới trong album studio thứ 2

Với album lần này, liệu Hoàng Dũng có thực sự bứt phá?

Tram Anh Pham
Hoàng Dũng và màu sắc hoàn toàn mới trong album studio thứ 2

Nguồn: Hoàng Dũng

Khi ca sĩ – nhạc sĩ Hoàng Dũng phát hành album phòng thu thứ hai mang tên “Xoay Tròn”, “chàng thơ” acoustic pop-ballad ngày nào dường như đang tự tái định nghĩa bản sắc âm nhạc của chính mình. Từ những giai điệu dịu dàng, dễ đoán, anh bước vào hành trình mới: nhiều màu sắc hơn, nhiều thể nghiệm hơn mà vẫn không đánh mất cảm xúc vốn là điểm mạnh nhất của mình.

Câu hỏi đặt ra là: “Xoay Tròn” có thật sự xoay được sự kỳ vọng của người nghe khỏi gu cũ, để đón nhận một Hoàng Dũng trưởng thành, quyết liệt hơn, và khó nắm bắt hơn?

Chúng ta biết gì về âm nhạc của Hoàng Dũng?

Nhẹ nhàng, mộc mạc và… nhạt nhẽo.

Đó có lẽ là ấn tượng đầu tiên của nhiều người nghe kén chọn khi biết đến những ca khúc trước đó của Hoàng Dũng, chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ xuất thân từ chương trình The Voice 2015 và được đón nhận nhiều nhất với hiện tượng mang tên “Nàng Thơ” năm 2020. Vào những năm 2020 đến 2022, không khó để bắt gặp các ca khúc của Hoàng Dũng được phủ sóng tại các quán cà phê, buổi văn nghệ hay các video cover trên mạng xã hội nhờ giai điệu dễ nghe, lời bài hát đáng nhớ - đặc biệt là vì khi âm nhạc của anh thuộc thể loại pop ballad, acoustic… vốn được ưa chuộng bởi các thính giả Việt Nam.

Ta khó có thể phủ nhận những gì Hoàng Dũng đạt được dưới vai trò một nhạc sĩ, người viết lời đa tài với những câu từ mộc mạc, gần gũi trong album đầu tay “25” hay EP “Yên”. Nhưng với những người chuộng các thể loại nhạc khác ngoài pop ballad, hoặc người nghe khó tính luôn tìm sự mới lạ thì âm nhạc của Hoàng Dũng khi ấy đang đóng khung ở hình ảnh an toàn, nhàm chán và không có quá nhiều dấu ấn cá nhân để phân biệt giữa những nghệ sĩ đương thời như Vũ., Thịnh Suy… vốn theo đuổi thể loại nhạc tương đồng.

Hoagraveng Dũng
Hình ảnh "chàng thơ" Hoàng Dũng trong EP Yên. | Nguồn: Hoàng Dũng

Cuộc dạo chơi đa thể loại trong “Xoay Tròn”

Liệu Hoàng Dũng có thành công với thể loại nào ngoài pop ballad hay không? Chắc có lẽ đó là câu hỏi được đặt ra khi định hướng âm nhạc của album “Xoay Tròn” dần được hé lộ trước ngày ra mắt.

“Xoay Tròn” được chia thành ba phần chính tượng trưng cho từng chủ đề và cung bậc cảm xúc khác nhau, khởi đầu với Intro “Cities” cho phần một, tiếp nối với phần hai và phần ba qua interlude “Conversations” và “Morality” lồng ghép âm thanh đến từ các bản ghi những cuộc trò chuyện, chia sẻ đời thường của Hoàng Dũng với nửa còn lại của mình.

Cấu trúc mạch lạc này giúp đem lại trải nghiệm nghe thống nhất từ đầu đến cuối cho các thính giả, thể hiện quyết tâm của Hoàng Dũng và các nghệ sĩ Việt trẻ như Wren Evans với “Loi Choi”, “ả” của marzuz, Thể Thiên, Mỹ Anh… khi tập trung vào việc kể chuyện thông qua việc liên kết các ca khúc một cách có chủ đích nghệ thuật, thay vì chỉ cho ra một tuyển tập các ca khúc rời rạc được “nhét” chung vào nhau rồi gọi là album.

Tâm lý tò mò, hoài nghi và mong chờ về một Hoàng Dũng “rất khác” đã được khơi gợi từ đĩa đơn mở đường mang tên “La Bàn” - một ca khúc thuộc thể loại synthpop với cấu trúc thú vị, đánh dấu sự kết hợp với nhà sản xuất trẻ tiềm năng Pixel Neko. Tựa như kim chỉ nam cho định hướng âm nhạc của mình, “La Bàn” xuất hiện theo cách mà có lẽ ít ai ngờ. Tưởng chừng như hỗn loạn về mặt âm thanh cho những ai vốn quen với Hoàng Dũng acoustic đơn sơ, nhưng lại thể hiện sự tính toán một cách thông minh của bộ đôi ca - nhạc sĩ và nhà sản xuất này. Họ cần một điều gì đó mới và thu hút hơn để những người vốn quen với “chàng thơ” Hoàng Dũng phải bất ngờ, và để những người không quá quen thuộc thấy ấn tượng từ những giây đầu tiên.

“La Bàn” khiến người nghe cảm nhận rõ được sự hứng khởi và năng lượng có phần choáng ngợp tựa như một vòng tàu lượn siêu tốc. Bắt đầu bằng tiếng snare từ trống điện tử mở đường cho verse 1, Pixel Neko đã khéo léo tạo điểm nhấn xuyên suốt bài hát với cấu trúc âm thanh đến từ phần synth, bộ gõ (percussion) mang đậm âm hưởng của thập niên 80. Với “La Bàn”, Hoàng Dũng không cần phô diễn quá nhiều ở kỹ thuật hay cảm xúc phức tạp, mà chỉ để phần hoà âm và phối khí đặc sắc đến từ những âm thanh lớp lang, các tầng bè và adlibs thú vị dẫn lối cho lời hát một cách tự nhiên mà hiệu quả.

alt
Hoàng Dũng lần đầu khoe vũ đạo và "nhá hàng" âm nhạc màu sắc mới qua MV La Bàn. | Nguồn: Hoàng Dũng

Như một lời khẳng định về khả năng sáng tạo đa thể loại của Hoàng Dũng, các bài hát tiếp nối trong album đều đem lại những trải nghiệm nghe đa dạng với sự góp mặt của đội ngũ sản xuất sáng giá là Pixel Neko và bộ đôi LELAREC. Qua các ca khúc, chúng ta thấy một Hoàng Dũng bông đùa, tinh nghịch trách cứ người yêu trong bản phối synthpop “Sao Giờ Em Mới Tới” với các phân đoạn bossa nova đầy bất ngờ, một Hoàng Dũng bâng khuâng với tương lai vô định qua âm hưởng alt-pop của “Cuối Tuần”, cho đến cảm hứng từ các thể loại như R&B, progressive rock… và không thể thiếu màu sắc pop ballad vốn gắn liền với tên tuổi của nam ca sĩ.

Hoàng Dũng và sự khẳng định tầm quan trọng của cá tính trong nghệ thuật

Sự chỉn chu, kỹ lưỡng về khâu sản xuất âm nhạc cho đến cách khai thác chủ đề bài hát mới mẻ của Hoàng Dũng với cương vị một nhạc sĩ chính là điều làm nên thành công của “Xoay Tròn”. Ở album lần này, Hoàng Dũng không chỉ hát về tình yêu như những ca khúc anh viết vào những năm ở độ tuổi 20, mà “Xoay Tròn” còn đem lại cảm giác tương đồng với “30” của Adele hay “Lilac” của IU đã từng mang tới: một câu chuyện âm nhạc gắn liền với cột mốc trưởng thành của người nghệ sĩ.

Có thể ví sự đặc biệt của “Xoay Tròn” tựa như một đoạn băng cassette mà ta dễ dàng tua lại, hoặc như một dải mobius không điểm kết thúc. Bắt đầu với nguồn năng lượng dồi dào, phấn khởi trong tình yêu và dần biến chuyển sang nỗi lo lắng của người trẻ khi đối diện với những thay đổi; các khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống thường nhật với “Tách”, những nốt trầm khi cùng san sẻ nỗi đau trên hành trình trưởng thành qua “Khiêu Vũ Trong Đêm” và nhẹ nhàng kết thúc bằng sự thấu hiểu niềm hy vọng về tương lai của “Giữ Anh Cho Ngày Hôm Qua” kết hợp phần rap đặc trưng của Rhymastic như lời chiêm nghiệm tuổi 30.

alt
Hoàng Dũng kết hợp cùng Rhymastic trong MV Giữ Anh Cho Ngày Hôm Qua. | Nguồn: Hoàng Dũng

Song hành với âm nhạc là sự đổi mới, đầu tư đến từ đội ngũ sáng tạo của Studio DUY bởi nhà thiết kế Duy Đào - đội ngũ đã làm nên album “Gieo” của Ngọt, đem lại một hình ảnh Hoàng Dũng đa màu sắc qua nhiều góc độ nghệ thuật thị giác: album bản cứng với nhiều phiên bản tượng trưng cho mỗi bài hát, phần thiết kế hình ảnh độc đáo… giúp góp phần khẳng định tính đồng nhất nơi âm nhạc và định hình dấu ấn riêng của Hoàng Dũng trong album phòng thu thứ hai lần này.

Những điểm xoáy chưa được “tròn trịa”

Cho dù Hoàng Dũng và đội ngũ đã đem đến một album hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, thế nhưng “Xoay Tròn” cũng chưa hoàn toàn mang lại được sự bứt phá với những “điểm xoáy” còn tồn tại.

Với những người nghe muốn cảm nhận sâu hơn thì câu chuyện mà Hoàng Dũng muốn kể lần này đang quá vội vã và ôm đồm. Khi thính giả đã quen với phần hai của album - nơi hé lộ niềm vui đơn giản trong cuộc sống thường ngày cùng người mình yêu thương như bài hát “Em Trồng Cây”, Hoàng Dũng lại bất ngờ chuyển qua một ca khúc có màu trầm buồn về việc vượt qua nỗi đau và khó khăn của cặp đôi. “Khiêu Vũ Trong Đêm” tạo ra cảm giác hụt hẫng, nặng nề cho phần giữa vốn đang nhẹ nhàng và tươi sáng, làm mất đi hiệu quả tạo cảm xúc cho người nghe.

Để rồi khi họ còn chưa kịp cảm nhận hết được chiều sâu mà “Khiêu Vũ Trong Đêm” và interlude “Morality” đem đến, album đã tiếp tục chuyển giao qua phần ba với âm hưởng khác hẳn. Hoàng Dũng đã có thể khai thác sâu hơn về khía cạnh của nỗi buồn để tạo điểm nhấn cho khoảng giữa của album một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn, thay vì khiến cho mạch nghe bỗng “chưng hửng” vì sự “nhảy vọt” chóng vánh trong việc chuyển chủ đề bài hát.

Ngoài ra, việc lựa chọn “Giữ Anh Cho Ngày Hôm Qua” làm đĩa đơn chủ đề khi ra mắt album cũng được nhận được những đánh giá cho rằng anh vẫn đang loay hoay “thỏa hiệp” với phong cách pop ballad đặc trưng, khi ca khúc này quá mờ nhạt và đơn giản về mặt sản xuất âm nhạc so với những gì mà Hoàng Dũng đã đem đến trước đó.

Tạm kết

Trong thời đại các nghệ sĩ Việt đang dần quan tâm, trau chuốt cho âm nhạc và cho ra mắt các album phòng thu với chất lượng hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, Hoàng Dũng đã có bước đi đúng đắn khi chấp nhận đổi mới và vượt ra khỏi vùng an toàn vốn đã rất thành công với công chúng.

Qua “Xoay Tròn”, Hoàng Dũng thể hiện rõ nét về cá tính và tham vọng của một nghệ sĩ chuyên nghiệp trong sản phẩm âm nhạc với những điểm sáng đáng được công nhận. Cho dù kết quả ra sao thì Hoàng Dũng cũng đã đạt được điều mà anh cần nhất: chứng tỏ được vị thế của một nghệ sĩ đa tài và khẳng định rằng anh là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh đa màu sắc của nền âm nhạc Việt hiện đại.