Khi khách sạn là nơi con người và địa phương cùng gắn bó và phát triển | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Là một phụ nữ, bạn lo sợ điều gì? Làm khảo sát này nhé!Thực hiện
10 giờ trước
Xu Hướng Kinh Doanh

Khi khách sạn là nơi con người và địa phương cùng gắn bó và phát triển

Lãnh đạo tập đoàn Rosewood và khách sạn New World Sài Gòn: “Chiều sâu gắn kết của các khách sạn với từng nơi chốn, con người là cơ hội để kết hợp giữa sự sang trọng và phát triển bền vững.”
Khi khách sạn là nơi con người và địa phương cùng gắn bó và phát triển

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed và ông Niklas Wagner | Nguồn: Hội nghị Nhà đầu tư ESG Việt Nam

Tháng 3 năm 2025, Tập đoàn Khách sạn Rosewood chính thức đạt chứng nhận phát triển bền vững từ Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC). Chứng nhận này áp dụng cho 47 khách sạn thuộc ba thương hiệu của tập đoàn: Rosewood Hotels & Resorts, New World Hotels & Resorts và Carlyle & Co.

Dẫn dắt hành trình này là bà Mehvesh Mumtaz Ahmed – Phó Chủ tịch bộ phận Tác động Xã hội & Phát triển Bền vững của Tập đoàn. “Chúng tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái nơi khách sạn trở thành nền tảng mà con người cùng địa phương có thể tạo giá trị và phát triển.” bà chia sẻ.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư ESG Việt Nam 2025, do Raise Partners và Vietnam Innovators Digest tổ chức, bà Mehvesh Mumtaz Ahmed và ông Niklas Wagner – Tổng Giám đốc khách sạn New World Sài Gòn – đã cùng trò chuyện về cách các nguyên tắc ESG được triển khai ở cấp tập đoàn, và hành trình hiện thực hóa những cam kết đó tại địa phương, ngay tại New World Sài Gòn.

Chiến lược ESG và phát triển bền vững của Tập đoàn Rosewood là gì?

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed: Mục tiêu của Rosewood vượt xa khái niệm ESG hay phát triển bền vững—chúng tôi hướng đến trở thành một doanh nghiệp tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Và phát triển bền vững chính là yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Tinh thần ấy được thể hiện trong cách chúng tôi tuyển dụng, lựa chọn nhà cung ứng, hợp tác cùng đối tác địa phương và kết nối sâu sắc với văn hóa cũng như cộng đồng nơi chúng tôi hiện diện. Qua đó, chúng tôi kiến tạo kết nối ý nghĩa, dù là thông qua trải nghiệm, việc làm, sinh kế, hay bảo tồn giá trị bản địa—tất cả đều quay về với sứ mệnh phát triển bền vững.

Những nỗ lực hướng tới phát triển bền vững này được cụ thể hóa bằng bảy cam kết của Rosewood bao gồm: tạo sinh kế cho địa phương, giảm thiểu 70% lượng rác thải đổ vào bãi chôn lấp, giảm 25% lượng tiêu thụ điện năng và nước vào cuối năm 2025 và đạt Net Zero vào năm 2050.

Chúng ta đã bàn về các cột mốc và lộ trình dài hạn ở cấp tập đoàn, vậy tại khách sạn New World Sài Gòn, hành trình hiện thực hóa những mục tiêu này đang ở đâu?

Ông Niklas Wagner: Có những hạng mục chúng tôi đang theo đúng lộ trình, nhưng cũng có những phần vẫn cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu đề ra. Với mục tiêu giảm thiểu rác thải, chúng tôi đã vượt xa kỳ vọng. KPI năm 2024 là giảm thiểu 70% và hiện tại khách sạn đã đạt mức 90% nhờ nỗ lực không ngừng của cả đội ngũ. Tuy nhiên, ở hạng mục giảm phát thải carbon, chúng tôi vẫn còn một khoảng cách nhất định cần bắt kịp. Mục tiêu năm nay là giảm 5% so với năm trước, và đến hiện tại, chúng tôi mới đạt khoảng 70% KPI. Do chỉ số này phần lớn phụ thuộc vào các khoản đầu tư vốn (CapEx), nên chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện trong năm nay.

Những tiến bộ này đang đóng góp đáng kể vào hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero của chúng tôi bởi trong ngành khách sạn bởi rác thải là một trong những nguồn phát thải lớn nhất, hơn cả điện năng hay nước.

alt
Tiền sảnh tại khách sạn New World Saigon vào năm 1995. | Nguồn: VNExpress
alt
Tiền sảnh khách sạn New World Saigon hiện nay sau khi được cải tạo. | Source: New World Saigon Hotel

Phát triển bền vững không thể là nỗ lực đơn lẻ của khách sạn mà cần sự đồng hành của các tổ chức tư nhân, khối nhà nước và các chuyên gia kỹ thuật. Dù khách sạn đã được cải tạo toàn diện nhưng phần kết cấu lõi của tòa nhà đã hơn 30 năm tuổi, khiến một số hạng mục nâng cấp trở nên phức tạp. Đó cũng là lý do hạng mục tiết kiệm nước vẫn chưa ghi nhận nhiều chuyển biến.

Với việc giảm thiểu rác thải từ mức 20% vào năm 2022 lên đến 90% vào năm 2025, ông nhìn nhận bước tiến nhanh này đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển bền vững tổng thể? Con số 90% đó cụ thể bao gồm những gì và khách sạn đã chú trọng vào những hành động nào?

Ông Niklas Wagner: Tiến độ ấn tượng này là kết quả từ những nỗ lực của toàn bộ đội ngũ tại New World Sài Gòn. Họ liên tục tìm kiếm đối tác, thử nghiệm ý tưởng mới để mở rộng mạng lưới các đơn vị chuyên xử lý từng loại rác thải.

alt
Ly tái chế làm từ bã cà phê tại khách sạn New World Sài Gòn. | Nguồn: Khách sạn New World Sài Gòn

Các đơn vị chúng tôi làm việc cùng có thể kể đến Lagom–họ thu gom các vỏ hộp Tetra Pak đã qua sử dụng và tái chế thành những vật dụng nhựa như móc treo quần áo chúng tôi có thể dùng cho dịch vụ giặt ủi, một đơn vị chuyên xử lý pin nhỏ từ điều khiển và ổ khóa cửa, một đơn vị thu gom các vật liệu tái chế như bìa carton. Rác thải từ thực phẩm ướt được phân loại riêng và chuyển đến các trang trại làm thức ăn cho gà và chúng tôi mua trứng từ chính những trang trại đó. Bã cà phê từ các nhà hàng của khách sạn được hoàn trả trong bao bì gốc, sau đó tái chế thành ly có thể sử dụng nhiều lần. Chúng tôi dùng những chiếc ly này cho đồ uống mang đi và áp dụng ưu đãi khi khách hàng tái sử dụng chúng—từ đó góp phần giảm thiểu ly dùng một lần.

Quan trọng không kém là việc kiểm định độ an toàn và chứng nhận của những giải pháp này. Ví dụ, ly cà phê tái chế của chúng tôi được làm từ bã cà phê và nhựa đã đạt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế như chứng nhận nhập khẩu của Nhật Bản và TÜV của Đức về khả năng sử dụng an toàn với máy rửa chén và không chứa BPA.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải, mà còn tạo ra các giải pháp tuần hoàn mà khách có thể mang về nhà, tiếp tục lan tỏa giá trị ngay cả sau khi họ không còn lưu trú với chúng tôi.

Việc giáo dục và truyền thông nội bộ là một trong những yếu tố then chốt—đặc biệt khi nói đến sứ mệnh và tầm nhìn của Tập đoàn Rosewood trong việc trở thành điểm kết nối cộng đồng—điều đó được phản ánh như thế nào trong cách phát triển thương hiệu, định hình phong cách giao tiếp và xây dựng các giá trị cốt lõi?

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed: Tầm nhìn kiến tạo một nơi con người và địa phương cùng nhau tạo giá trị chính là nền tảng cho chiến lược thương hiệu và truyền thông nội bộ của Rosewood. Dù chiến lược thương hiệu được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chuyên môn riêng biệt nhưng điều đó thể hiện rõ ràng nhất qua những trải nghiệm của du khách và nhân viên.

Về phía nội bộ, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động truyền thông và đào tạo. Một chương trình học trực tuyến về phát triển bền vững đã được triển khai bằng 11 ngôn ngữ, và Ngày Trái Đất giờ đây đã trở thành một hoạt động trọng điểm trên toàn hệ thống do từng khách sạn chủ trì với sự hỗ trợ từ tập đoàn.

Ở góc độ khách hàng, những thay đổi cụ thể như dịch vụ đưa đón sân bay bằng xe điện tại New World Sài Gòn là minh chứng cho cam kết phát triển bền vững của chúng tôi mà không làm giảm đi sự sang trọng trong trải nghiệm. Trên toàn bộ danh mục khách sạn, chúng tôi cũng đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sự hòa nhập và tính đa dạng của cộng đồng.

Và ở cấp độ khách sạn, ông Wagner nhìn nhận việc triển khai những giá trị đó ra sao?

Ông Niklas Wagner: Chúng tôi có rất nhiều khóa đào tạo—đôi khi đến mức có người phàn nàn là… hơi nhiều. Là người lãnh đạo tại một khách sạn, tôi hiểu rằng mình phải là người đi đầu. Khi cả đội ngũ thực sự thấm nhuần tư duy bền vững, thì kết quả đạt được rất rõ rệt.

Ví dụ, khi chúng tôi đề xuất mua xe hybrid thay vì xe điện hoàn toàn, chính đội ngũ đã chất vấn tôi vì sao không chọn giải pháp thân thiện với môi trường hơn. Điều đó cho thấy tư duy phát triển bền vững không còn là chỉ thị từ trên xuống, mà đã trở thành một phần trong cách các nhân viên tại New World sống và làm việc mỗi ngày.

Ngay cả những bữa tiệc cuối năm dành cho nhân viên giờ đây cũng được tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp vì mọi người cảm thấy được là chính mình và thuộc về tập thể. Sự nồng nhiệt đó cũng lan tỏa đến khách lưu trú.

Chúng tôi nỗ lực xây dựng một môi trường mà ở đó mọi người đều được tôn trọng—bất kể lối sống hay xuất thân. Không phán xét, không đàm tiếu, chỉ có sự bao dung và chân thành. Đó chính là văn hóa mà chúng tôi đang kiến tạo: tôn trọng, trách nhiệm, và hướng đến tương lai.

Khi nhìn xa hơn mốc 2030, đâu là những cơ hội lớn nhất dành cho ngành khách sạn? Và các thương hiệu như Rosewood có thể hỗ trợ các khách sạn thuộc tập đoàn nắm bắt những cơ hội đó như thế nào?

alt
Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed, Phó Chủ tịch phụ trách Tác động và Phát triển Bền vững tại Tập đoàn Khách sạn Rosewood. | Nguồn: Hội nghị Nhà đầu tư ESG Việt Nam

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed: Một trong những cơ hội dài hạn lớn nhất cho ngành khách sạn chính là nhu cầu kết nối chân thành của du khách với con người và với nơi chốn. Dù thế giới đang trải qua nhiều biến động, chúng ta vẫn thấy ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và khát khao được khám phá, được kết nối ấy chưa bao giờ suy giảm.

Nhìn xa hơn mốc 2030, du khách sẽ ngày càng tìm kiếm những gì nguyên bản và tinh tường hơn trong việc nhận biết sự chân thực trong từng trải nghiệm. Ngành khách sạn có lợi thế đặc biệt để đáp ứng điều đó bởi chất lượng dịch vụ xuất sắc không thể làm giả; nó đòi hỏi sự chu đáo thật tình và lòng tận tâm. Những thương hiệu có thể duy trì sự chân thực ấy, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng chính là những thương hiệu sẽ phát triển bền vững.

Một xu hướng quan trọng khác là du khách giờ đây khao khát những trải nghiệm nguyên bản mang đậm bản sắc địa phương. Đây là điều mà Rosewood luôn cam kết theo đuổi.

Ông Niklas Wagner: Tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra tác động lớn đối với ngành khách sạn, đặc biệt là trong việc tự động hóa các đầu việc. Sự chuyển dịch này có thể giúp đội ngũ toàn tâm hơn trong việc tương tác với khách thay vì chỉ chạy theo danh sách công việc. Về lâu dài, tôi hình dung hoạt động vận hành khách sạn sẽ ngày càng tự động hóa.

Đây có thể là bước ngoặt cho ngành khách sạn khi các nền tảng như Airbnb đang gặp nhiều rào cản pháp lý tại nhiều thành phố. Khách sạn có cơ hội lấy lại vị thế bằng cách gìn giữ văn hóa địa phương và kiến tạo những trải nghiệm độc đáo mang tính cá nhân hóa.

Ngày nay, nhiều du khách—đặc biệt là thế hệ trẻ—đang tìm kiếm những trải nghiệm nguyên bản, đậm bản sắc địa phương và kết nối sâu sắc với cộng đồng nơi họ đến. Vậy làm thế nào để khách sạn có thể cân bằng giữa trải nghiệm sang trọng và nhu cầu ngày càng lớn về tính chân thực cũng như trách nhiệm môi trường?

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed: Tính sang trọng chính là một cơ hội đặc biệt để khách sạn có thể thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều lựa chọn thân thiện với môi trường như sử dụng chai thủy tinh thay vì nhựa, hoặc bàn chải gỗ thay cho nhựa không chỉ giúp giảm rác thải, mà còn mang lại trải nghiệm tinh tế hơn cho du khách.

Những lựa chọn này không nhất thiết phải tốn kém hơn. Khi thị trường sản phẩm bền vững ngày càng phát triển, chúng tôi ghi nhận nhiều giải pháp có mức giá tương đương, thậm chí thấp hơn các lựa chọn truyền thống. Quan trọng hơn, phân khúc khách sạn cao cấp cũng mang lại khả năng thay đổi góc nhìn kinh doanh về phát triển bền vững khi một khoản “chi phí” trở thành một “khoản đầu tư.” Những hành động bền vững không chỉ gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, mà còn giúp định vị thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân sự.

Sự sang trọng cũng có khả năng tự tái định nghĩa mình. Người tiêu dùng ngày nay không còn quá mặn mà với biểu tượng vật chất hay logo đắt tiền, họ khao khát những trải nghiệm có chiều sâu, kết nối và mang lại cảm xúc chân thật. Trong ngành khách sạn, chúng tôi có “tấm toan” lý tưởng để kiến tạo điều đó—nơi khách không chỉ ghé qua, mà còn náu lại, trải nghiệm và đắm mình vào văn hóa bản địa. Chính chiều sâu gắn kết ấy của các khách sạn của tập đoàn Rosewood với từng nơi chốn, con người là cơ hội để kết hợp giữa sự sang trọng và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà Mehvesh Mumtaz Ahmed và ông Niklas Wagner!