Chúng ta lớn lên chứng kiến bố mẹ làm việc vất vả không ngừng nghỉ, khiến quan điểm phải học giỏi, làm nhiều đã hằn sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ. Khi lớn hơn một chút thì lại nghe ra rả các tin tức ca tụng hình mẫu “con nhà người ta”. Để rồi, khi phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, phần lớn chúng ta dễ tin rằng cứ yêu nghề sẽ không kiệt sức, biết kiểm soát căng thẳng thì sẽ không bao giờ burnout hoặc chỉ cần ngủ nghỉ sẽ hồi phục.
Nhưng sự thật là: Burnout không loại trừ bất kỳ ai. Đã đến lúc nhìn lại ba lầm tưởng phổ biến nhất về burnout để bạn không phải trả giá bằng sức khỏe của mình.
Hiểu lầm 1: Yêu công việc thì sẽ không kiệt sức
Người ta vẫn nói: “Nếu được làm điều mình thích, bạn thực chất không cần làm việc một ngày nào trong đời.” Nhưng chúng ta có thể yêu thích thứ mình làm được bao lâu?
Trên thực tế, chính những người dành trọn đam mê cho công việc và có lý tưởng nghề nghiệp lớn lại thường là đối tượng dễ bị kiệt sức (burnout) nhất.
Tại sao lại như vậy? Đơn giản vì khi bạn yêu một thứ gì đó, bạn sẵn sàng hy sinh. Khi làm việc cũng thế, khi giá trị công việc hoàn toàn trùng khớp với giá trị cá nhân, bạn gần như không còn phân biệt giờ nghỉ và giờ làm. Với bạn, công việc không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một phần của bản sắc, giá trị cá nhân. Bạn sẵn sàng làm thêm giờ, làm ngoài giờ hay thậm chí bỏ quên những tín hiệu cảnh báo từ cơ thể và tâm trí. Bởi lẽ, bạn tin rằng: “Mình đam mê công việc này thì tại sao phải dừng lại?” hoặc “Làm việc có ý nghĩa thì chút mệt mỏi cũng không sao.”
Theo tạp chí Time, hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở những vị trí hay ngành nghề đòi hỏi sự tận tâm cao như y bác sĩ, giáo viên, chuyên gia tư vấn, những người khởi nghiệp hay hoạt động xã hội. Họ làm việc không chỉ vì tiền mà còn vì nhiều lý tưởng lớn hơn. Chính sự tận hiến này khiến họ có xu hướng ưu tiên nhu cầu của cộng đồng/tổ chức hơn bản thân mình.

Một nghiên cứu ở Canada trên 3.715 nhân viên thuộc 12 tổ chức cũng cho thấy những người làm việc có lý tưởng lớn thường dễ căng thẳng hơn, ít cảm thấy hạnh phúc, khả năng hồi phục và sự tự tin (self-efficacy) cũng thấp hơn so với nhóm còn lại. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng nguyên nhân có thể là vì lý tưởng khiến họ liên tục sống với kỳ vọng cao dành cho bản thân, vì vậy họ dễ bị áp lực và hao tổn tâm lý hơn.
Mọi vật trên đời đều có giới hạn. Dù là siêu xe hay máy tính hiện đại đến mấy cũng cần được bảo dưỡng. Cơ thể và trí óc của chúng ta cũng vậy. Mỗi ngày, não bộ và các cơ quan khác đều phải hoạt động không ngừng. Thế nên có thể bạn muốn làm rất nhiều, muốn cống hiến hơn nữa nhưng thể trạng của bạn không bắt kịp với những lý tưởng đó. Và nếu bạn cứ khăng khăng làm việc mà bỏ qua những tín hiệu cảnh báo từ cơ thể, chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ cạn kiệt từ thể chất đến tinh thần. Khi đó, mọi nỗ lực hay thành tựu trước đó cũng không còn giá trị.
Vì vậy, ngay cả khi yêu công việc, điều quan trọng vẫn là hiểu rõ giới hạn cá nhân và chủ động thiết lập thói quen nghỉ ngơi dù chưa thấy mệt. Theo Psychology Today, hãy bắt đầu thay đổi từ những khoảng nghỉ nhỏ như một bữa ăn yên tĩnh, vài phút đi dạo, hay đơn giản là 15 phút nghỉ mắt giữa ca làm. Hoặc, bạn cũng có thể tận dụng những kỳ nghỉ phép của công ty để dành cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp.
Hiểu lầm 2: Chỉ cần ngủ nghỉ đầy đủ là hết kiệt sức
“Cuối tuần này phải ngủ bù cho đã” - câu nói quen thuộc của dân công sở sau những ngày vật vờ. Nhưng bạn hãy tự hỏi: đã bao lần bạn ngủ một mạch 12 tiếng, hay du lịch dài ngày, mà khi quay lại vẫn mệt nhoài và chán nản? Đó chính là minh chứng cho thấy burnout không đơn thuần là mệt mỏi thể chất.
Burnout là sự cạn kiệt tinh thần, cảm xúc và ý chí. Nó không giống như một cục pin bị hết năng lượng sau một ngày dài và chỉ cần cắm vào sạc là xong. Nguyên nhân thực sự nằm ở chất lượng của “nguồn sạc” và “viên pin”. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tưởng tượng khi burnout thì bạn giống như chiếc điện thoại đã bị “chai pin” sau thời gian dài sử dụng mà không được chăm sóc đúng cách. Và ngay cả khi bạn có thời gian, nếu không thay đổi tư duy và cách thức nghỉ ngơi, tình trạng mệt mỏi vẫn không biến mất.
Theo Psychology Today, vấn đề không phải là bạn có bao nhiêu thời gian nghỉ ngơi, mà là bạn nghỉ ngơi như thế nào. Một kỳ nghỉ hay giấc ngủ dài chỉ có tác dụng khi bạn thật sự cho phép mình thư giãn. Cơ thể có thể nghỉ ngơi, nhưng nếu tâm trí bạn vẫn còn bận rộn với công việc, lo toan hay mối bận tâm khác, thì bạn không thực sự phục hồi.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng kéo dài là mâu thuẫn nội tâm. Bạn có thể cảm thấy xung đột giữa những gì bạn làm và những gì bạn muốn, giữa kỳ vọng và thực tế, hay giữa lý trí và cảm xúc. Khi lý trí của bạn luôn đặt ra những mục tiêu lớn, bạn sẽ cảm thấy hoàn thành những việc đó là một gánh nặng. Trong khi đó, tâm trí lại cảm thấy mệt mỏi và chỉ muốn được nghỉ ngơi. Từ đó, bạn cứ làm việc mà trong đầu chỉ nghĩ đến lúc nghỉ, nhưng đến khi nghỉ rồi lại không thoát khỏi những suy nghĩ về công việc.

Căng thẳng xuất phát từ chính cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách làm việc thì để giảm bớt tình trạng đó bạn cần thay đổi từ tư duy và thói quen làm việc. Bạn có thể ngủ 12, 14 hay 16 tiếng, bạn cũng có thể gom hết các ngày phép và dành cho bản thân chuyến du lịch dài cả tháng,... Nhưng khi trở lại, tư duy, lối sống và môi trường làm việc của bạn vẫn giữ nguyên. Chẳng mấy chốc, năng lượng vừa nạp sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Nghỉ ngơi không phải là “phần thưởng” cho việc bạn đã sống sót qua những ngày làm việc căng thẳng, mà là một điều kiện cần để bạn có thể đi làm mỗi ngày. Theo Healthline, cách giúp bạn “reset” tốt nhất là kết nối lại với chính mình, tức là bạn phải chủ động nhận thức được những dấu hiệu “đình công” từ cơ thể. Từ đó thay đổi tư duy, thói quen sống về công việc, về giá trị bản thân và cả các giới hạn cần được tôn trọng.
Hiểu lầm 3: Kiệt sức là do không biết cách kiểm soát căng thẳng
Mặt khác, bạn tự hỏi vì sao mình biết cách kiểm soát căng thẳng, biết đặt giới hạn cá nhân nhưng vẫn cứ mãi kiệt quệ? Trên thực tế, dù tâm bạn có bất biến đến đâu thì nếu phải sống trong một môi trường độc hại một thời gian dài, bạn cũng sẽ dần bị bào mòn. Giống như việc cố giữ một cây nến cháy giữa một trận bão, ngọn lửa dù có cháy mạnh thì vẫn bị mưa gió dập tắt.
Nghiên cứu “Employee Burnout: Causes and Cures” của Gallup cho rằng kiệt sức liên quan sâu sắc đến cách thức tổ chức công việc và sự hỗ trợ từ môi trường làm việc. Số liệu từ báo cáo cũng chỉ ra rằng, dù số giờ làm việc có tác động rõ rệt đến nguy cơ kiệt sức, yếu tố quyết định hơn lại là trải nghiệm của nhân viên đó trong giờ làm việc.
Các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến burnout được nghiên cứu chỉ ra bao gồm:
- Sự đối xử không công bằng tại nơi làm việc.
- Khối lượng công việc không thể kiểm soát.
- Sự giao tiếp không rõ ràng từ các quản lý.
- Thiếu sự hỗ trợ từ quản lý.
- Áp lực thời gian không hợp lý.
Người quản lý là yếu tố quyết định không chỉ trong quá trình công việc, mà còn đối với trạng thái tinh thần của nhân viên. Họ cần tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và khuyến khích các bộ phận hỗ trợ lẫn nhau.
Tình trạng nhiều nhân viên bị kiệt sức chính là tấm gương phản chiếu sức khỏe văn hóa của doanh nghiệp. Những trào lưu như “nghỉ việc trong im lặng” hay “nghỉ việc để trả thù” nổi lên gần đây ở Mỹ cho thấy: Cảm giác được thuộc về, cùng với môi trường cởi mở, đa dạng và hòa nhập đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với nhân viên.
Các tập đoàn lớn đã sớm nhận thức được vấn đề burnout và chủ động hành động bằng các chính sách hỗ trợ nhân viên. Họ đưa ra nhiều chiến lược nhằm hạn chế tình trạng kiệt sức, cải thiện sự hài lòng nội bộ và gia tăng năng suất làm việc, tạo ra một môi trường lành mạnh và bền vững hơn cho toàn bộ tổ chức.
Microsoft tái xuất chính sách “No Meeting Fridays” vào năm 2020, tạo ra không gian cho công việc tập trung và sáng tạo. Nike đóng cửa văn phòng một tuần vào năm 2021 để giúp nhân viên thư giãn, trong khi RingCentral khởi xướng “CaRing Days” vào 2022, cung cấp thêm ngày nghỉ có lương để nhân viên tái tạo năng lượng. Ngoài ra, các công ty như Adobe, Hubspot, Netflix cũng áp dụng chính sách nghỉ phép có lương không giới hạn (Unlimited PTO), giúp nhân viên tự do quản lý thời gian nghỉ ngơi.

Dưới góc nhìn cá nhân, nếu nguyên nhân burnout đến từ môi trường, khối lượng hay các mối quan hệ làm việc thì bạn có thể bắt đầu từ lựa chọn trao đổi thẳng thắn với sếp hoặc bộ phận nhân sự để tìm hướng điều chỉnh. Đến khi cảm thấy cả bạn và công ty không còn chung tầm nhìn và giá trị, bạn có thể cân nhắc thay đổi môi trường làm việc phù hợp hơn.
Kết
Cuộc sống của mỗi người khác nhau, ai cũng sẽ có lối đi riêng. Ngay cả khi bạn nỗ lực hết mình, vẫn sẽ luôn có người nỗ lực hơn bạn. Chỉ khi bạn biết lắng nghe cơ thể, nhận diện giới hạn, điều chỉnh tư duy cũng như trân trọng giá trị bản thân, bạn mới thật sự bảo vệ được sức khỏe và cảm xúc lâu dài.