Khám phá bản thân là một hành trình không có điểm dừng, bởi lẽ bản sắc cá nhân là một sợi chỉ cần cả đời để tháo gỡ.
Sinh ra và lớn lên tại Pháp, thế nhưng năm 24 tuổi, Linda Nguon lại đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt: rời bỏ châu Âu. Chính từ đó, chặng đường sự nghiệp 8 năm ở khắp châu Á không chỉ giúp cô kết nối sâu sắc hơn với cội nguồn Việt Nam, mà còn bất ngờ hé lộ một phần nguồn gốc Campuchia của cha mẹ, điều mà từ trước đến nay cô chưa từng nghĩ đến việc tìm hiểu.
Năm năm sau khi trở về Pháp, Linda đã bắt tay xây dựng Banh Mi Media – một nền tảng truyền thông độc lập, với mong muốn kết nối và gỡ bỏ những rào cản trong việc dung hòa các nền văn hóa giữa cộng đồng người Việt hải ngoại. Kể từ khi thành lập vào năm 2020, Banh Mi Media đã thu hút hơn 60.000 người theo dõi và 7 triệu lượt xem.

“Mỗi nơi tôi đặt chân đến đều định hình nên con người tôi. Và con người tôi hiện tại chính là thành quả của hành trình không ngừng khám phá chính mình,” Linda chiêm nghiệm.
Với Linda, chuyến đi đến châu Á không chỉ là một cuộc “hồi hương” đơn thuần, mà đó còn là quá trình cởi mở để hiểu rõ mình là ai, cả trong và ngoài bối cảnh địa lý cụ thể. Cô bộc bạch: “Tôi đến châu Á không chỉ để trở về quê hương, mà còn để bước vào một không gian mà chính mình cũng không chắc mình là ai. Chính sự lạ lẫm ấy buộc tôi phải kết nối với căn tính của bản thân, kể cả khi tôi không thuộc về nơi đó.”
“Cuối cùng tôi nhận ra, mình vừa rất Pháp, lại cũng rất châu Á.”
Dưới đây là một đoạn trích từ cuộc trò chuyện của chúng tôi về “hành trình trở về nhà” và ý nghĩa của việc dung hòa mọi khía cạnh trong bản sắc của một người Việt hải ngoại
Năm 24 tuổi, chị đã rời Pháp để đến châu Á và ở lại đó suốt 8 năm. Điều gì đã thôi thúc chị rời đi? Chị nghĩ mình đang đi tìm điều gì?
Ngay từ khi còn bé, trong tôi đã luôn ấp ủ một mong muốn được đi thật xa. Bố mẹ ly hôn, mẹ tôi nhờ vào việc mở một nhà hàng châu Á mà nuôi tôi khôn lớn. Có lẽ, rất nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ của tôi, những người chạy trốn khỏi quê hương, đã chọn Pháp làm điểm đến. Và điều đầu tiên một người tị nạn có thể làm là nấu ăn, bởi có thể họ chưa thạo ngôn ngữ hoặc không có điều kiện học hành đầy đủ.
Làm việc quần quật 7 ngày mỗi tuần, mẹ không còn thời gian kèm tôi học hay đưa tôi đi chơi. Bà chăm sóc tôi bằng cách gửi gắm tôi cho các dì, anh chị em họ hoặc bất kỳ ai có thể trông nom giúp. Chính vì vậy, tôi lớn lên mà không thực sự thuộc về một nơi nào cố định. Lúc nào tôi cũng ở "một nơi khác".
Tôi nghĩ, khao khát được khám phá những điều bên ngoài nước Pháp đã âm ỉ trong tôi từ rất lâu.
Tôi từng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài khi còn nhỏ. Điều đó thực sự khiến tôi vô cùng thích thú. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã quyết định không bắt đầu sự nghiệp tại Pháp. Dù biết sẽ đầy thử thách, nhưng tôi cảm thấy vô cùng hào hứng với lựa chọn này.

Lần đầu ra nước ngoài, chị đã chuẩn bị những gì?
Không hẳn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là: “Cứ thử xem sao”.
Thứ giúp tôi đủ tự tin để làm điều đó là vì tôi đi cùng một người bạn thân. Có một điểm tựa như thế khiến tôi cảm thấy mình không đơn độc. Và nếu phương án A không ổn, tôi vẫn còn phương án B: quay về Pháp.
Tôi luôn tin rằng mình có thể tìm ra giải pháp. Bạn biết đó, chúng ta luôn phải linh hoạt và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tôi nghĩ không phải cái gì mình cũng có thể lên kế hoạch được, mà thậm chí có lên kế hoạch đi chăng nữa, thì đâu phải lần nào nó cũng diễn ra như ý muốn.
Tốt hơn hết cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên thôi. Tôi nghĩ đó cũng là một cái gì đó rất “Pháp”, và nó đã trở thành một phần tính cách của tôi bây giờ.
Chị thấy văn hoá Pháp, Việt có những nét tương đồng và khác biệt nào?
Tôi nghĩ cả người Pháp lẫn người Việt đều mang trong mình tố chất của những chiến binh. Họ luôn kiên cường đấu tranh vì điều gì đó.
Người Việt đã trải qua vô vàn cuộc chiến. Dù ai cũng nghĩ rằng họ sẽ bị đánh bại, nhưng cuối cùng họ luôn giành chiến thắng một cách bất ngờ. Mặc dù rõ ràng, mình yếu thế hơn về mặt vật chất, nhưng mình lại vô cùng dũng cảm và kiên cường. Với người Việt, dường như luôn có một lối thoát, một con đường để đi.
Người Pháp thì thích tận hưởng từng khoảnh khắc, họ có thể ngồi ăn hàng giờ đồng hồ. Nhưng người Việt cũng không khác là bao, cũng thích trò chuyện, đi cà phê, rồi lại tiếp tục những câu chuyện bất tận.
Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng cảm thấy có đôi chút khác biệt. Người Pháp họ tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Họ đi xem phim, thưởng thức văn hoá bản địa và tham quan các di tích lịch sử. Còn người Việt thì không hẳn, phần lớn do hoàn cảnh kinh tế, nên tôi có cảm giác họ không còn nhiều thời gian để tận hưởng, bởi chính họ còn phải bươn chải mưu sinh. Việt Nam là kết quả của nhiều lớp lịch sử chồng lên nhau, có những nét giao thoa của văn hoá Pháp-Mỹ, và cũng có những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc. Điều làm tôi thật sự ấn tượng chính là người Việt mình luôn đi trước 10 bước. Lúc tôi đặt chân đến Việt Nam khoảng 30 năm trước, mọi thứ vẫn còn khá lạc hậu, nhưng giờ đây, đất nước đã vươn mình trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất châu Á.
Phụ nữ Việt Nam cũng vậy, họ mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Họ đang dần trở thành những biểu tượng đáng tự hào.

Chị lớn lên trong cộng đồng người Việt ở Pháp, một cộng đồng mang nhiều dấu ấn từ thời thuộc địa. Điều đó đã ảnh hưởng thế nào đến cách chị nhìn nhận bản thân và vị trí của mình trong xã hội?
Ở trường, chúng tôi chỉ được học rằng: nước Pháp mang “ánh sáng” đến các vùng thuộc địa ở bán đảo Đông Dương, nhưng không được dạy về cảm giác bị áp bức mà những người dân bản địa từng trải.
Càng đi sâu hơn vào những câu chuyện này, tôi càng thấy rõ những mảng màu khác nhau của chủ nghĩa thực dân. Có người, kể cả người Việt, từng nói với tôi: “Thời đó tốt mà”, bởi dưới “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, họ được nói tiếng Pháp, được sống trong cộng đồng người Pháp.
Nhưng cũng có người kể rằng họ từng bị xem thường, bị đối xử như kẻ dưới cơ, đặc biệt là những người phụ nữ Việt theo chồng Pháp về Pháp, dù họ chưa từng đặt chân đến đó trước đây. Họ lớn lên trong các trại tạm cư, bị cô lập hoàn toàn với những người Pháp bản địa. Họ bị nói rằng họ không còn là người Việt nữa.
Có những câu chuyện mà tôi không thể nào hiểu hết. Vậy nên, khi được gặp gỡ và trò chuyện với những vị khách mời trên Banh Mi Media, tôi biết nhiều hơn, dưới nhiều góc nhìn hơn về lịch sử thuộc địa. Có vô số câu chuyện được “tam sao thất bản”. Và với tôi, thay vì đánh giá góc nhìn này kia, tôi luôn cố gắng để lắng nghe và tiếp thu tất cả, bởi đơn giản tôi hiểu rằng, mỗi người có một câu chuyện riêng mà họ muốn kể.

Suốt hành trình ấy, có khi nào chị và bố mẹ cùng được "chữa lành" không? Họ phản ứng ra sao với những gì chị đang làm?
Với bố mẹ tôi - thế hệ từng bỏ lại tất cả để lo cho con cái, thì việc nhìn thấy chúng tôi quay lại tìm hiểu quá khứ thật sự là điều khó hiểu.
Họ đã rời quê nhà hai lần trong đời để tìm một tương lai mới, cốt yếu chỉ để chăm lo vật chất cho gia đình. Trong mắt họ, thành công được đo bằng tiền lương, nhà cửa và xe cộ. Vậy nên, việc tôi đang làm, là xách micro đi phỏng vấn người này người kia, trông chẳng "ra tiền" gì cả.
Mẹ tôi rất thực tế: bà mua thịt bò, nấu, rồi bán – cuối ngày có tiền. Còn tôi? Tôi đang làm gì vậy?
Nhưng tôi tin có một kiểu “nuôi sống bản thân” khác. Nếu tôi sống vào thời của mẹ, có thể tôi cũng sẽ chọn như bà.
Tuy nhiên, ở thế hệ chúng ta, rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ mới ra trường, không thực sự hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm. Họ luôn tự hỏi: "Tôi làm công việc này để làm gì?" Bởi hôm nay tôi ở đây, nhưng ngày mai có thể không còn tôi ở nơi này. Chúng ta không biết được điều gì sẽ xảy đến với mình. Vậy nên, quan điểm của thế hệ mình đương nhiên cũng sẽ khác.

Sau 8 năm sống ở châu Á, chị cảm thấy trải nghiệm ấy quan trọng ra sao với việc định hình bản sắc cá nhân?
Mỗi người có một lý do khác nhau để quay về kết nối với bản thân.
Thế hệ thứ hai của người Việt hải ngoại, những người hiện đã ổn định và được giáo dục ở các nước phương Tây, họ từng được “gắn mác” là người Pháp, người Mỹ hay người Úc. Nhưng giờ đây, họ đang dần mở lòng và quan tâm hơn đến bản sắc của mình.
Cùng với đó, chúng tôi có cơ hội đi đây đi đó nhiều hơn trước, khám phá quê hương - những quốc gia vẫn đang trong quá trình phát triển.
Đây là thời điểm lý tưởng: tại sao không trở về quê cha đất tổ khi giờ tôi đã có kiến thức và điều kiện để làm điều đó? Xét về văn hóa, kinh tế và địa chính trị, Việt Nam đang ở một giai đoạn chuyển giao tuyệt vời. Đất nước đã thay đổi rất nhiều trong 20, 30 năm qua. Giờ đây, cơ hội không chỉ gói gọn ở phương Tây, bởi Việt Nam đã trở thành miền đất hứa, một giao lộ toàn cầu, nơi bạn có thể gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới.
Vietcetera Open, phát triển từ Vietcetera Goes Abroad, là chuỗi sự kiện được tổ chức bởi Vietcetera tổ chức nhằm kết nối cộng đồng người Việt tại nước ngoài, thúc đẩy giao lưu văn hóa và mở rộng cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và nước sở tại.
Năm nay, sự kiện hứa hẹn sẽ mang đậm dấu ấn Vietcetera hơn bao giờ hết với những tác động tích cực và sâu rộng: từ việc định hình lại tư duy, thay đổi cách người Việt nhìn nhận bản thân trong bối cảnh toàn cầu hóa, cho đến việc mở ra những cánh cửa hợp tác và phát triển đầy hứa hẹn giữa những cá nhân, tổ chức cùng chung gốc Việt.
Về lịch trình "hạ cánh" tại Châu Âu
- Paris, Pháp – 22.07.2025
Đại điểm: Goku Asian Canteen, 27 Bd du Temple, 75003 Paris
Mua vé tại đây.
- Berlin, Đức – 24.07.2025
Địa điểm: Manon Brasserie Nouvelle, Steinpl. 4, 10623 Berlin
Mua vé tại đây.
Cảm ơn Janus Executive Search & Talent Advisory đã đồng hành cùng Vietcetera trong sự kiện lần này.