Kì thi THPT của 2k7 vừa khép lại. Thoáng nhận ra, tuổi 18 của mình đã là của 4 năm về trước.
Mình thuộc thế hệ bước vào kì thi Đại học giữa tâm bão Covid. Chúng mình không có lễ bế giảng, không lễ trưởng thành. Và thay vì ngồi ở lò ôn luyện, mình từng đối diện với 4 bức tường của căn phòng ngủ 24/7, vùi đầu trong mớ sách vở hỗn độn. Nhưng thứ văng vẳng trong đầu không chỉ là kiến thức, mà còn là nỗi sợ, là những câu hỏi thi nhau chạy không có điểm dừng "liệu mình có làm được không?", "cứ nhồi nhét thế này, kết quả sẽ tốt đẹp chứ"?
Ngày đó, mình đã từng bị ám ảnh bởi những câu nói như:
- “Đại học là kì thi quan trọng nhất đời người. Không cố gắng bây giờ thì bao giờ?”
- “Đã nỗ lực 12 năm rồi, cố nốt 120 phút nữa thì có sao?”
- “Ôn kĩ rồi thì có gì mà sợ?”
Mình rất hiểu cảm giác đó. Những gì 2k7 trải qua bây giờ, phản chiếu rõ mồn một hình bóng của mình ở kì thi THPT năm 2021. Áp lực của các bạn còn lớn hơn mình gấp bội phần, khi là lứa đầu tiên phải làm quen với những thay đổi và cải cách chưa từng có tiền lệ. Cho phép mình ôm các bạn một cái nhé, qua những dòng chữ này.
Với nhiều người mà nói, Đại học là "cuộc chiến" không khoan nhượng, là tấm thẻ “danh chính ngôn thuận” để theo đuổi ước mơ. Ai chẳng phải nỗ lực, ai chẳng phải "vắt chân lên cổ" chạy đua với thời gian, với bài thi, với những con số và dòng chữ. Nhưng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát mà chúng ta không thể nào ngăn cản, những điều có lý do xảy ra, sẽ xảy ra.
Như việc mình từng rớt nguyện vọng 1 chẳng hạn.
Cách điểm chuẩn 0,04 điểm. Mọi thứ với mình tại thời khắc đó, gần như ngưng đọng. Cảm giác bạn đang đi thăng bằng, nhưng có một bước chân bị hụt. Không chỉ đối diện với nỗi thất vọng vọng lại từ bên trong, mà còn phải phản hồi ánh nhìn kỳ vọng từ bố mẹ, trả lời những tin nhắn dồn dập hỏi han về điểm thi từ bạn bè, họ hàng.

Buồn không? Có. Thất vọng không? Chắc chắn. Đã khóc chưa? Rất nhiều. Không phải mình phủ nhận công sức của bản thân, nhưng ý nghĩ hèn mọn “đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn”, “đáng ra mình chọn câu này thì đã không mất điểm dở hơi như vậy” cứ đeo bám khiến mình không ngừng tự trách.
Một tuần sau đó, mình không làm gì cả, chốc lát lại lật ra mấy trang văn viết dở, tặc lưỡi giá mà hoàn thành nó cho xong. Những đề Anh chất chồng chưa giải đến, và cả những tờ nháp Toán nằm trơ trọi mỗi nơi một ngả. Trong 10+ tin nhắn tồn đọng trong Zalo, mình quyết định trả lời một trong số đó - tin nhắn từ cô Chủ nhiệm. Mình báo với cô mình đã thất bại rồi. Cô gửi mình hai dòng tin…

Tin nhắn của cô như một chiếc phao kéo mình ra khỏi “hố sâu” khủng hoảng. Nó đã đi theo mình hết tháng ngày cấp 3, qua 4 năm ngồi ở giảng đường và trên cả những chặng đường đời khác. Sau này mình đối diện với nhiều kỳ thi hơn, có những kỳ thi không đến từ trường lớp, mà còn ở cuộc đời và xã hội. Trăm lần vấp ngã, vạn lần đặt niềm tin ở bản thân, đứng dậy và bước tiếp.
Mình biết rằng không thể lấy tiêu chuẩn, trải nghiệm của bản thân để áp đặt ai khác. Các bạn được quyền buồn, được thất vọng vì thành tích chưa như mong muốn. Nhưng tuyệt đối, xin đừng khóc vì cho rằng mình kém cỏi.
Nếu mùa hè này không rực rỡ, thì cũng không sao.
Giá trị của bạn không nằm ở một con số. Đó chỉ là “quả” chín mà bạn đã gieo hạt, dù chua hay ngọt. Người nông dân cần mẫn đến mấy, không phải vụ mùa nào cũng thu hoạch tươi tốt như nhau.
Tưởng tượng vài năm tới, bạn đang ngồi trong một quán cà phê, cùng bạn bè ôn lại chuyện cũ. Lúc đó, điểm Văn 5.75 hay Toán 9.4 sẽ chẳng còn đủ sức nặng làm bạn thổn thức. Thay vào đó, bạn sẽ nhớ nhiều hơn về mình của năm 18 tuổi: từng loay hoay, từng gục đầu xuống bàn học vào 3g sáng, từng khóc thút thít một mình vì tủi thân… nhưng sau cùng vẫn kiên trì vững bước.

Những thứ trước kia như “trời đất đổ sập” sau này chỉ còn là một cơn gió thoảng khi ngoảnh đầu nhìn lại. Điều bạn cần (nên) làm bây giờ, là gói ghém hành trang để vững vàng trên con đường mà bạn đã (hoặc sẽ) chọn, dù kết quả có ra sao. Quá khứ nếu không thể thay đổi, thì hãy chuẩn bị thật tốt cho những gì đang chờ đợi ở tương lai:
- Một cái đầu tỉnh táo: Để phân định rõ ràng trước những sự lựa chọn.
- Tư duy thích nghi linh hoạt: Có thể bạn không đậu đúng trường mình mơ ước hoặc học ngành mình không từng nghĩ tới. Một tư duy cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, thích nghi sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng mềm: Giao tiếp, quản lý thời gian, teamwork... Dù học ở đâu hay làm gì, bạn sẽ cần dùng chúng mỗi ngày.
- Trình độ ngoại ngữ, Tin học: Bạn có thể học để nâng cao kĩ năng tiếng Anh, hoặc các ngôn ngữ khác. Đầu tư vào việc học Tin học, tìm hiểu các chứng chỉ cần thiết để tốt nghiệp và chuẩn bị trước sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoảng thời gian “vàng”.
- Thái độ: Từ việc đi làm part-time, tương tác với giảng viên, bạn bè, đồng nghiệp. Học về thái độ cũng là một cách để người khác tôn trọng bạn.
Và còn rất nhiều điều bạn sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm, học hỏi để trưởng thành. Sẽ có nhiều “đề bài” phức tạp hơn, khó nhằn hơn. Biết sao được, vì đó là điều tự nhiên trong cuộc sống. Đại học chỉ là một dấu mốc nhỏ trong đời, một khởi đầu của những hành trình khác.
Lời cuối cùng, cảm ơn 2k7 vì đã là những “chiến binh” dũng cảm.