Niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng công nghệ số của Việt Nam ngày càng lớn | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Vietnam Innovators DigestNiềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng công nghệ số của Việt Nam ngày càng lớn

Các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng quan tâm đến nền kinh tế số của Việt Nam nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh, chính sách hỗ trợ từ chính phủ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang phát triển.

Niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng công nghệ số của Việt Nam ngày càng lớn

Nguồn: Unsplash

Hà Nội đầu tư dài hạn cho khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo

Hà Nội vừa thông qua một chính sách đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa (SMEs) và startup trong giai đoạn 2026–2030, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nghị quyết do Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành, hướng tới hơn 340.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội. Trong đó 97% là SMEs và cũng là lực lượng đóng vai trò xương sống của nền kinh tế địa phương.

alt
Hà Nội ủng hộ doanh nghiệp SME nhiều chi phí và ưu đãi. | Nguồn: Giang Huy cho VNExpress

Chính sách tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như AI, fintech, nông nghiệp công nghệ cao và thiết kế sáng tạo. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đến 100% chi phí tư vấn, đào tạo chuyên gia và thuê văn phòng, cùng với 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo công nghệ ngắn hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh việc giảm rủi ro cho startup ở giai đoạn đầu, chính sách cũng giúp tăng niềm tin cho nhà đầu tư thông qua cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả. Đây được xem là bước đi chiến lược của Hà Nội nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và nâng tầm vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

CEO Warburg Pincus: Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng bứt phá

Jeffrey Perlman, CEO của Warburg Pincus, nhận định rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng quan trọng với động lực kinh tế mạnh mẽ, tương tự như những gì từng diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ. Sau 13 năm đầu tư tại Việt Nam, ông nhận thấy GDP bình quân đầu người đã tăng từ dưới 3.000 USD lên gần 5.000 USD, trong khi vốn hóa thị trường chứng khoán cũng bứt phá lên mức 200–250 tỷ USD. Ông gọi đây là thời điểm “vòng lặp tích cực”, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao và niềm tin nhà đầu tư thúc đẩy lẫn nhau.

alt
Jeffrey Perlman, CEO của Warburg Pincus, nhận định Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng quan trọng. | Nguồn: HT, The Leader

Dù vẫn còn những biến động toàn cầu và rào cản thương mại, Việt Nam vẫn cho thấy sự vững vàng nhờ chính sách phát triển theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, các cải cách hành chính liên tục và quan hệ thương mại ngày càng gắn kết với Mỹ. Nằm trong chiến lược “Trung Quốc + 1”, Việt Nam cũng sở hữu chuỗi cung ứng mạnh và lực lượng lao động chất lượng. Đơn cử, công ty BW Industrial trong danh mục đầu tư của Warburg đã cho thuê gần 1 triệu m² chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, đạt hơn 80% mục tiêu cả năm và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Các thương vụ IPO thành công như Vincom Retail và Techcombank cho thấy thanh khoản đang được cải thiện, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Với các khoản đầu tư vào MoMo, Bệnh viện Xuyên Á hay Lodgis, Warburg thể hiện cam kết dài hạn với thị trường Việt Nam. Theo Perlman, giữ vững ổn định chính sách và tiếp tục mở cửa với dòng vốn quốc tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam chuyển mình từ thị trường mới nổi sang nền kinh tế trưởng thành.

1Office gọi vốn thành công 3 triệu USD từ Redbadge Pacific và các nhà đầu tư khác

Startup Việt 1Office vừa gọi vốn thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư mới do Redbadge Pacific dẫn dắt. Đây là quỹ đầu tư thuộc văn phòng gia đình Redbadge (Mỹ), chuyên hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, 1Office đã nhận vốn Series A từ Mynavi (Nhật Bản) vào năm 2023. Từ đó đến nay, công ty duy trì tốc độ tăng trưởng 50% mỗi năm, hoạt động có lãi và phục vụ hơn 6.000 doanh nghiệp.

alt
Ông Lê Việt Thắng, Nhà sáng lập và CEO của 1Office. | Nguồn: 1Office

Nguồn vốn mới sẽ giúp 1Office triển khai chiến lược “1Office Next”, chuyển từ mô hình phần mềm truyền thống (SaaS) sang mô hình AI dưới dạng dịch vụ (AaaS). Công ty đặt mục tiêu phát triển các tác nhân AI để tự động hóa các hoạt động như tuyển dụng, bán hàng, tổ chức họp và đánh giá hiệu suất. Đồng thời, 1Office cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc mua lại các startup AI trong nước để xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam.

Thương vụ này phản ánh xu hướng đầu tư vào AI đang bùng nổ tại Việt Nam. Một số tín hiệu nổi bật gần đây có thể kể đến như AI Hay gọi vốn 10 triệu USD từ Argor Capital, hay Vingroup bán cổ phần của hai công ty AI cho Nvidia và Qualcomm. Đây là những bước đi cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng công nghệ số của Việt Nam đang ngày càng lớn.

6 Startup Việt Nam vào giai đoạn tăng tốc cùng Shinhan InnoBoost 2025

Shinhan Future’s Lab Vietnam vừa công bố 6 startup Việt Nam được chọn vào giai đoạn tăng tốc của chương trình Global Shinhan InnoBoost 2025, khởi động từ ngày 11/7. Chương trình do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) bảo trợ, phối hợp cùng các đối tác Hàn Quốc như Seoul Business Agency, Seoul Startup Hub và BambuUP. Mục tiêu là giúp các startup giải quyết bài toán thực tế trong ngành tài chính thông qua mô hình hợp tác mở (Open Innovation).

alt
6 startup Việt Nam được chọn vào giai đoạn tăng tốc của chương trình Global Shinhan InnoBoost 2025. | Nguồn: VNEconomy

Danh sách bao gồm Fineksi (ứng dụng AI trong phân tích tín dụng), Sobanhang (nền tảng tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 600.000 người dùng), Metsakuur (AI nhận diện khuôn mặt), bTaskee (dịch vụ gia đình theo yêu cầu), Borra (nền tảng tiếp thị hướng đến Gen Z) và AgenticFlow AI (tạo tác vụ AI không cần lập trình). Trong vòng 16 tuần, các startup sẽ thử nghiệm sản phẩm trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm và an ninh dữ liệu, trước khi trình bày kết quả tại Demo Day vào tháng 11.

Chương trình cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như fintech và AI. Việc được hỗ trợ từ cả trong và ngoài nước không chỉ giúp startup rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm mà còn mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác và gọi vốn trong khu vực.

Việt Nam tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp với Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia mới

Việt Nam đang đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và các startup thông qua việc nâng cấp Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và chuẩn bị ra mắt Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia vào tháng 10/2025. SMEDF hiện cung cấp các khoản vay, vốn mồi cho các trung tâm đổi mới sáng tạo và cùng đầu tư với các quỹ trong nước. Tính đến nay, quỹ đã giải ngân 900 tỷ đồng cho 60 doanh nghiệp, trong đó 700 tỷ được giải ngân chỉ trong vòng 3 năm gần đây. Đặc biệt, các dự án xanh hoặc theo định hướng ESG còn được hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm.

alt
Việt Nam chuẩn bị ra mắt Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia. | Nguồn: Vietcap

Song song với đó, Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Quốc gia sẽ trực tiếp đầu tư vào các startup đổi mới sáng tạo, cùng góp vốn với các nhà đầu tư khác và hỗ trợ các quỹ chuyên về khởi nghiệp. Chính phủ cũng sẽ triển khai cơ chế sandbox để thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh doanh mới. Những bước đi này thể hiện chiến lược dài hạn của Việt Nam trong việc tăng khả năng tiếp cận vốn, nâng cao năng lực quản trị và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, mở đường cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Genesia Ventures mang đến cho bạn góc nhìn tổng hợp về những câu chuyện đang định hình thị trường khởi nghiệp Việt. Là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm hoạt động tại Nhật Bản và Đông Nam Á, Genesia Ventures tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế số Việt Nam. Không chỉ cung cấp nguồn vốn, Genesia còn đồng hành cùng các startup thông qua tư vấn chiến lược và kết nối với mạng lưới khu vực.