Oh Dongkun và hành trình 13 năm xây dựng Thành phố mới Bình Dương | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Là một phụ nữ, bạn lo sợ điều gì? Làm khảo sát này nhé!Thực hiện

Oh Dongkun và hành trình 13 năm xây dựng Thành phố mới Bình Dương

Với ông Oh Dongkun, chuyến đi đến Việt Nam không chỉ là một nhiệm vụ công tác, mà là một phần sự nghiệp và cuộc đời.
Oh Dongkun và hành trình 13 năm xây dựng Thành phố mới Bình Dương

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Năm 2012, một người đàn ông Nhật Bản gốc Hàn đặt chân đến Việt Nam, mang theo không chỉ tâm huyết từ tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), mà còn cả tinh thần kiên định của một người làm đô thị học lâu năm. Sau 13 năm sống và làm việc ở Việt Nam, ông Oh Dongkun – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu – chính thức trở về Nhật. Nhưng dấu ấn mà ông để lại, đặc biệt là với Thành phố mới Bình Dương, thì vẫn tiếp tục hiện hữu và phát triển từng ngày.

Chacircn dung ocircng Oh Dongkun
Ông Oh Dongkun – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Hành trình từ Nhật Bản đến Việt Nam

Oh Dongkun bắt đầu làm việc cho Tokyu – một tập đoàn có tuổi đời gần 100 năm, nổi tiếng với mô hình phát triển đô thị tích hợp tại Nhật Bản – vào năm 1991. Khi Tokyu mở rộng chiến lược ra thị trường Đông Nam Á vào đầu những năm 2010, ông được cử sang Việt Nam với nhiệm vụ phát triển dự án đô thị tại tỉnh Bình Dương. Ở thời điểm đó, Việt Nam là thị trường tăng trưởng "nóng" nhất khu vực, và Bình Dương với tốc độ công nghiệp hóa nhanh trở thành điểm đến lý tưởng cho một “thành phố kiểu mẫu”.

Kể từ đó, ông Oh đã gắn bó trọn vẹn với dự án này, từ giai đoạn còn là thành viên ban lãnh đạo đến khi đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc. Với ông, đây không chỉ là một nhiệm vụ công tác mà là một phần sự nghiệp và cuộc đời.

Thành phố mới Bình Dương: Nơi ươm mầm một mô hình sống khác biệt

Dự án Thành phố mới Bình Dương rộng khoảng 1.000 ha, được thiết kế dựa trên cảm hứng từ các mô hình thành phố vệ tinh hiện đại tại Nhật Bản, kết hợp với nhu cầu và đặc điểm địa phương Việt Nam. Khác với nhiều khu đô thị đơn lẻ hoặc phát triển rời rạc, Thành phố mới Bình Dương được xây dựng theo hướng tích hợp: nơi có nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, công viên và hạ tầng giao thông đồng bộ.

Điều đặc biệt mà ông Oh Dongkun nhấn mạnh là việc kết hợp hài hòa các yếu tố: một cửa hàng A, cửa hàng B, cửa hàng C thì nơi đâu cũng có thể có, nhưng việc các cửa hàng cùng tồn tại và bổ trợ nhau trong một không gian sống thống nhất, tiện lợi thì không phải nơi nào cũng làm được. Chính sự cộng hưởng này mới tạo nên chất lượng sống vượt trội, điều mà Tokyu luôn theo đuổi.

Ocircng Oh Dongkun tại chương trigravenh
Với ông Oh Dongkun, thành phố mới đã có những tòa nhà cao tầng và trung tâm mua sắm, mang lại cảm giác sống tiện nghi cho người dân. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Sau hơn một thập kỷ phát triển, thành phố mới đã có những tòa nhà cao tầng, các khu nhà ở liền kề, công viên rộng lớn và trung tâm mua sắm như SORA gardens hay Hikari. Đây là những “điểm đến” thực thụ thay vì chỉ là bất động sản thuần túy. Từ một bản đồ quy hoạch trống trơn, nay dự án đã hiện diện rõ ràng, mang lại cảm giác sống tiện nghi và hiện đại cho người dân trong khu vực.

Thấu hiểu người Việt: Một bài học lâu dài

Dù mang theo tinh thần chuẩn mực Nhật Bản, ông Oh không giấu việc từng nhiều lần “sốc văn hóa” khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam. "Ở Nhật, mọi thứ được hoạch định rất chi tiết và gần như không có chỗ cho sự ngẫu hứng. Nhưng ở Việt Nam, mọi việc diễn ra linh hoạt hơn, đôi khi lời cam kết không được giữ đúng như kế hoạch", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, chính từ sự khác biệt ấy, ông học được cách thích nghi. Ông không chỉ thay đổi phong cách quản lý mà còn học cách “cân bằng” giữa hai nền văn hóa: một bên là sự chặt chẽ, dài hạn kiểu Nhật; một bên là tốc độ, linh hoạt kiểu Việt. Nhờ vậy, ông trở thành một người kết nối thực thụ, giải thích những kỳ vọng của phía Nhật với đối tác Việt và ngược lại, dung hòa các lợi ích để dự án vẫn giữ được chất lượng, nhưng không bị kìm hãm bởi quy trình.

Trong quá trình làm việc, ông Oh nhận ra người Việt có sự chủ động, cầu tiến và tinh thần ham học hỏi rất rõ nét. Không ít nhân viên tại Becamex Tokyu tự trau dồi kỹ năng ngoài giờ làm việc, xây dựng mối quan hệ trong công ty dựa trên sở thích và định hướng cá nhân. Đây là điều mà ông đánh giá cao.

Về khách hàng, ông nhận xét: "Người tiêu dùng Việt ngày càng tinh tế. Họ sẵn sàng chi thêm nếu biết sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Điều đó khuyến khích chúng tôi phải luôn làm thật, làm tốt, làm có tâm."

Dù vẫn còn không ít khó khăn về hành chính, quy trình hay sự khác biệt trong tư duy đầu tư, ông Oh tin rằng nếu đủ bền bỉ, người làm dự án tại Việt Nam vẫn sẽ đạt được kết quả tốt. “Không phải cứ làm A, B, C là sẽ thành công. Nhưng nếu bạn vẫn làm A, B, C một cách tử tế thì kết quả sớm muộn sẽ đến.”

Từ “gian khổ” đến “tự hào”

Trong buổi podcast, ông thừa nhận từng có nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì những khó khăn “không tên”. Nhưng nay khi nhìn lại, ông cho rằng thành tựu đạt được với Thành phố mới Bình Dương là điều mà ông có thể tự hào để kể và để cảm thấy nuối tiếc khi chỉ mới đi được nửa chặng đường.

Dù dự án còn cần 20 năm nữa để hoàn thiện như kế hoạch ban đầu, nhưng việc tạo dựng được nền tảng từ không có gì đến một cộng đồng cư dân, khách hàng, nhà đầu tư tin tưởng đã là bước tiến quan trọng.

Ocircng Oh Dongkun vagrave Host Hảo Trần
Ông Oh Dongkun và host Hảo Trần tại Vietnam Innovators. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Trở lại Nhật Bản sau 13 năm, ông mang theo không chỉ kinh nghiệm, mà còn cả câu chuyện để kể với lớp trẻ. Ông mong rằng nhiều bạn trẻ Nhật sẽ chọn đến Việt Nam để làm việc, sống và trải nghiệm ít nhất 3–5 năm. Bởi theo ông, “đó sẽ là ký ức tuyệt vời và cũng là lợi thế sự nghiệp lớn trong tương lai.”

Với Việt Nam, ông tin rằng thế hệ doanh nhân mới có đầy đủ năng lực để làm cầu nối giữa các nền văn hóa. Ông hy vọng mối quan hệ Việt – Nhật sẽ được củng cố không chỉ ở cấp chính phủ mà còn ở cấp doanh nghiệp và cá nhân, vì điều mang lại lợi ích thật sự lâu dài cho người Việt Nam.