Martyr Complex: Kiểu yêu thương khiến ta nghẹt thở | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Là một phụ nữ, bạn lo sợ điều gì? Làm khảo sát này nhé!Thực hiện
03 Thg 07, 2025
Tâm Lý Học

Martyr Complex: Kiểu yêu thương khiến ta nghẹt thở

Cha mẹ có thể không yêu cầu giúp đỡ, âm thầm chịu khổ, nhưng lại mong được công nhận, biết ơn. Về lâu dài, điều này khiến họ kiệt sức…
Martyr Complex: Kiểu yêu thương khiến ta nghẹt thở

Nguồn: Unsplash

Số 178 “Có hay không những bậc cha mẹ cô đơn” của podcast Have A Sip lên sóng đã gợi mở nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tại Việt Nam. Xuyên suốt 90 phút trò chuyện, Host Thùy Minh và khách mời - Tiến sĩ Tâm lý học Tô Nhi A đã cùng tháo và gỡ lần lượt các câu chuyện dẫn đến xung đột giữa hai thế hệ trong gia đình.

Dù xuất phát từ vô vàn các nguyên nhân và sự khác biệt về văn hóa gia đình, vùng miền, lịch sử nhưng mẫu số chung giữa các trường hợp này có thể đến từ một từ khóa: lòng tin.

Khi lòng tin của cha mẹ dành cho người con không đủ vững chãi, các bậc phụ huynh sẽ sinh ra tâm lý che chở, bảo vệ con trước những thứ mà họ cho rằng là có hại. Về lâu dài nếu không được điều chỉnh, người làm cha mẹ dễ rơi vào một hội chứng mà tâm lý học gọi là Martyr Complex (tạm dịch: Hội chứng tử đạo).

Khi tình thương là nguồn cơn của nỗi đau

“Con chỉ cần lo học, còn lại để cha/mẹ lo”

“Cha/Mẹ làm tất cả là vì con”

“Con ráng thành tài, cha/mẹ cực mấy cũng không sao”

Bạn thấy những câu này quen chứ? Không phải cha mẹ nào nói những câu này đều là người có phức cảm tử đạo nhưng người có hội chứng này sẽ thường sử dụng các lý do về sự hy sinh, đánh đổi để trò chuyện với con cái.

Theo trang MedicalNewsToday, Martyr Complex (tạm dịch: Hội chứng tử đạo) là khi một người luôn hy sinh, chịu đựng, làm tất cả cho người khác, kể cả khi không cần thiết và xem đó là “bổn phận” hay “tình yêu”. Họ thường không yêu cầu giúp đỡ, âm thầm chịu khổ, nhưng lại mong được công nhận, biết ơn.Về lâu dài, điều này khiến họ kiệt sức, còn người nhận dễ trở nên thụ động, lệ thuộc hoặc mang cảm giác mắc nợ.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng mình đang yêu con theo cách tốt nhất: lo từ miếng ăn, giấc ngủ, đến từng lựa chọn quan trọng trong cuộc đời. Nhưng đôi khi, đó lại là kiểu yêu khiến con nghẹt thở. Khi cha mẹ luôn là người ra quyết định, luôn giải vây giúp con, thì dần dà, con không còn cơ hội học cách xử lý khó khăn hay chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Điều trớ trêu là, nhiều cha mẹ không hề biết mình đang sống như một "liệt sĩ tự nguyện". Cho đến khi xung đột với con cái, họ mới bắt đầu rơi vào cô đơn, tổn thương vì cảm thấy không được thấu hiểu.

alt
Phức cảm Tử đạo là khi một người luôn hy sinh, chịu đựng, làm tất cả cho người khác, kể cả khi không cần thiết và xem đó là “bổn phận” hay “tình yêu”. | Nguồn: Unsplash

Buông tay dần để yêu chặt hơn

“Ngã kìa con”, “Mặt đường hư quá dám làm con tui đau, để cha/mẹ đánh nó” Những câu nói tưởng chừng chỉ mang ý dỗ dành, che chở đứa trẻ nhưng lại là những mầm mống hình thành Phức cảm Tử đạo.

Thật khó để đứng trước mặt một người làm cha/mẹ và bảo họ rằng hãy buông dần sự cảnh giác với con cái. Thế giới này có quá nhiều thứ có thể làm tổn hại đứa trẻ nhưng cũng có rất nhiều điều tốt đang bạn nhỏ đón nhận… nếu cha mẹ chịu buông.

Một người trưởng thành không thể nào hiểu bản thân hay học được bài học nếu không từng trải qua va chạm thật sự. Tương tự, một đứa trẻ cần vấp té, bị con quái vật tên là “mặt đường” xô ngã vài lần để hiểu được cách giữ thăng bằng và bước tiếp. Bằng không, bố mẹ sẽ phải đóng vai “hiệp sĩ” bảo vệ cho đứa trẻ cả đời.

Việc buông tay không đồng nghĩa với việc mặc kệ con tự làm theo ý muốn. Như TS Tô Nhi A có chia sẻ cùng Host Thùy Minh, cô không quản lý cuộc đời và hành động của con mình mà hoạch định những vấn đề thường mắc phải trong từng giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó định hướng con bằng những giải pháp, đồng thời gợi mở con chủ động chia sẻ.

alt
Việc buông tay không đồng nghĩa với việc mặc kệ con tự làm theo ý muốn. | Nguồn: Unsplash

Để con biết rằng cha mẹ tin sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ khi con cần. Nhưng con đường phía trước con phải tự bước đi, ra quyết định và chịu trách nhiệm. Nếu được áp dụng đúng, con sẽ cảm thấy yêu cha mẹ nhiều hơn vì đã tin tưởng và trao cho cơ hội để tự mình làm hiệp sĩ.

Con cái cũng cần chứng minh

Một trong những chia sẻ quan trọng trong podcast giữa Thùy Minh và Tiến sĩ Tô Nhi A là: “Thay vì yêu cầu cha mẹ thay đổi để chấp nhận con, thì con cái cũng cần chủ động chứng minh mình là người có đạo đức và trách nhiệm”.

Nhất là khi vấn đề lòng tin là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Phức cảm Tử đạo và khiến mối quan hệ cha mẹ, con cái trở nên căng thẳng, khó hóa giải.

Thật ra, đôi khi cha mẹ siết chặt không phải vì không yêu con, mà vì chưa thấy con đủ trưởng thành để họ yên tâm. Không thể trách cha mẹ khi chính chúng ta vẫn cư xử bốc đồng, trốn tránh, thiếu nhất quán. Việc đòi hỏi sự tin tưởng khi chưa từng thể hiện sự đáng tin, đó là một nghịch lý rất phổ biến.

Muốn cha mẹ buông tay, con cũng phải học cách nắm lấy trách nhiệm bằng các hành động như: làm việc đến nơi đến chốn, giữ lời hứa, dám nhận lỗi, dám sửa sai. Không cần trở làm ngay những việc to lớn nhưng cần đủ nhất quán và lâu dài để tạo dựng cảm giác an tâm. Khi cha mẹ thấy được sự ổn định đó, việc lùi lại sẽ dễ thở hơn nhiều.

Martyr Complex (tạm dịch: Hội chứng tử đạo) không thể biến mất nếu chỉ một phía thay đổi. Nếu cha mẹ buông ra mà con chưa sẵn sàng đón lấy, sự buông đó sẽ trở thành bỏ mặc. Ngược lại, nếu con cái đòi sự tự do nhưng không có năng lực cáng đáng thì tiếng nói giữa hai thế hệ càng trở nên xa cách.

alt
Phức cảm Tử đạo không thể biến mất nếu chỉ một phía thay đổi. | Nguồn: Unsplash

Việc chấm dứt vòng lặp hy sinh, lệ thuộc cần thiết phải đến từ những thay đổi rất nhỏ trong cách hai bên hành xử mỗi ngày. Khi cha mẹ học cách tin và con học cách chứng minh khoảng cách sẽ rút ngắn, và mối quan hệ sẽ không còn dựa trên sự hy sinh.