Tết không đi đâu thì ở nhà self-care thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 02, 2024
Chất Lượng Sống

Tết không đi đâu thì ở nhà self-care thế nào?

Một chút thay đổi mới lạ từ những phương pháp chăm sóc bản thân quen thuộc, giúp bạn “reset” bản thân cho năm mới.
Tết không đi đâu thì ở nhà self-care thế nào?

Nguồn: Anna Tarazevich @ Pexels

Mỗi dịp năm mới hay khi Tết đến, cụm từ “New year, new me” (tạm dịch: Năm mới, tôi mới) lại được nhắc đến nhiều hơn. Chúng ta thường cho rằng năm mới là lúc để “xoá bỏ” phiên bản cũ của bản thân và trở thành một con người hoàn toàn mới. Tuy nhiên, những thay đổi lớn sẽ bắt đầu từ những bước tiến nhỏ, chẳng hạn chăm sóc bản thân tốt hơn.

Tết này, nếu bạn chỉ quanh quẩn ở nhà và chưa có kế hoạch gì, hãy dành thời gian chăm sóc cho bản thân bằng những phương pháp đơn giản sau nhé.

Xu hướng chăm sóc bản thân trong năm nay

Những mục tiêu thay đổi bản thân trong năm mới thường liên quan đến sức khoẻ. Điển hình có thể kể đến giảm cân, ăn uống lành mạnh hay kiêng các chất kích thích (như chiến dịch Dry January - tháng Một không rượu bia của Alcohol Change UK).

Thế nhưng đây chỉ là một phần nhỏ của chăm sóc sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khoẻ là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất (physical), tâm lý (mental), tâm hồn (spiritual) và các mối quan hệ xã hội (social).

Khi các yếu tố này có sự kết nối mạnh mẽ hơn, ranh giới giữa sức khỏe thể chất, tâm lý và tâm hồn sẽ trở nên mờ nhạt. Năm 2024 được dự đoán sẽ mở đầu một thời kỳ chăm sóc sức khỏe toàn diện. Sức khoẻ tâm lý được chú trọng nhiều hơn, với các xu hướng liên quan đến điều hoà hệ thống thần kinh và điều trị sang chấn (trauma therapy).

Nói cách khác, chăm sóc bản thân không chỉ dừng lại ở mặt cải thiện thể chất, mà còn tập trung vào việc xây dựng hệ thống thần kinh mạnh mẽ và cân bằng. Một số phương pháp self-care “toàn diện” bạn có thể tham khảo bao gồm:

Vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene)

Chúng ta đã nghe nhiều về lợi ích của một giấc ngủ ngon. Việc thiếu ngủ sẽ dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, quá tải và thiếu năng lượng để làm việc. Để xây dựng thói quen ngủ chất lượng, bạn có thể thử phương pháp “vệ sinh giấc ngủ”, hay còn được gọi là sleep hygiene.

Thay vì xem giấc ngủ như là hoạt động kết thúc một ngày, hãy tái định nghĩa nó như một sự khởi động - tương tự như giãn cơ trước khi tập thể dục. Giấc ngủ ngon tối hôm trước sẽ giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho ngày mai đầy năng lượng.

Việc ngủ thiếu giấc là kết quả của lịch trình ngủ thiếu nhất quán, vì vậy hãy bắt đầu bằng việc đi ngủ và thức dậy vào một thời gian cố định trong suốt một tuần. Bạn cũng cần tạo ra một môi trường ngủ lý tưởng bao gồm sự yên tĩnh, độ tối và nhiệt độ phù hợp.

Nếu vẫn còn thói quen lướt điện thoại hay xem phim trước khi ngủ, bạn nên chuyển sang đọc sách để không tiếp xúc với ánh sáng xanh. Để tập cho não bộ quen rằng phòng ngủ chỉ là nơi để ngủ, bạn nên chuyển máy tính và TV sang phòng khác.

06feb2024pexelscottonbrostudio6941128jpg
Môi trường ngủ lý tưởng bao gồm sự yên tĩnh, độ tối và nhiệt độ phù hợp. | Nguồn: Pexels

Và để đi ngủ đúng giờ, bạn cần tránh ăn no và kiêng đồ ăn/uống chứa caffeine trước giờ ngủ. Bạn cũng có thể uống một chút rượu để dễ ngủ hơn, tuy nhiên không uống quá nhiều để tránh ảnh hưởng quá trình ngủ sâu và hồi phục chức năng của cơ thể. Khi duy trì những thay đổi nhỏ này, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe bạn sẽ cải thiện đáng kể.

Trò chuyện ý nghĩa hơn với “big talk”

Còn gọi là “deep talk”, đây là những cuộc trò chuyện sâu sắc, làm gắn kết thêm các mối quan hệ. Dự báo năm mới của Pinterest cho thấy, gen Z và millennials đang tích cực tìm kiếm các cuộc hội thoại tạo ra những kết nối ý nghĩa hơn.

Đặc biệt theo báo cáo của Eden Project Communities, gen Z bị coi là thế hệ cô đơn nhất. Có tới 19% người ở độ tuổi 16-24 thường xuyên cảm thấy cô đơn, cao gấp 3 lần so với nhóm tuổi 65-74. Do đó, việc trân trọng những cuộc trò chuyện giúp khai phá thêm về người đối diện có thể coi là bước tiến tích cực.

Một buổi hẹn cà phê thong dong với bạn bè hoặc người thân sẽ là khởi đầu lý tưởng cho những cuộc nói chuyện sâu sắc. Để gợi mở về đối phương, bạn có thể đặt những câu hỏi thú vị, khác thường hơn một chút, chẳng hạn: “bí mật gì ở bạn khiến người khác ngạc nhiên nhất khi biết được?” hay “bạn muốn trở thành nhân vật phim ảnh nào nhất?”.

Hoặc nếu ngại mở đầu câu chuyện bằng những câu hỏi này, bạn có thể tìm đến các trò chơi. Hiện nay trên thị trường đã tung ra các bộ bài câu hỏi với thiết kế giúp bạn “phá băng” với người đối diện, từ đó có những chia sẻ ý nghĩa hơn về tình yêu, ước mơ và giá trị mà mỗi người theo đuổi trong cuộc sống.

Chải da khô (dry brushing)

Nhắc đến tẩy tế bào chết, bạn có thể nghĩ ngay đến các sản phẩm chuyên dụng hoặc phương pháp cổ điển nhất - dùng nước, xà phòng và khăn tắm để chà xát da. Nhưng có một phương pháp tẩy tế bào chết ít tốn kém hơn, chỉ với một công cụ mà lại vô cùng hiệu quả: chải da khô (dry brushing).

Đây là một hình thức tẩy tế bào chết vật lý kết hợp massage cơ thể, bắt nguồn từ Ayurveda – nền y học cổ truyền Ấn Độ. Bạn cần một bàn chải lông cứng và thực hiện các động tác massage xoay tròn theo hướng lên trên.

Theo chuyên gia chăm sóc da Rhea Souhleris Grous, phương pháp này giúp cải thiện tuần hoàn máu (đặc biệt hệ bạch huyết), từ đó thúc đẩy việc cung cấp oxy và dưỡng chất, giữ cho da săn chắc và tươi trẻ. Phương pháp này còn giúp hạn chế tình trạng lông mọc ngược.

06feb2024istock1285914882jpg
Chải da khô là cách tẩy da chết hiệu quả đến từ y học cổ truyền Ấn Độ. | Nguồn: HFR

Tương tự các phương pháp tẩy tế bào chết khác, chuyên gia da liễu Jeanie Downie cho biết bạn chỉ nên chải da khô từ 1-2 lần/tuần. Bạn nên thực hiện trước khi tắm, sau đó sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm giúp da thẩm thấu một cách tối đa. Bạn cũng cần vệ sinh cọ với sữa tắm em bé ít nhất 2 lần/ tháng.

Làm đẹp bằng nước đá (ice facing)

Trong vlog Met Gala vào tháng 5/2023, nữ thần tượng Jennie (BLACKPINK) đã tiết lộ bí quyết làm đẹp da cấp tốc của cô trước giờ G: một chậu nước đựng đầy đá. Sau khi nhúng tay vào nước đá và nhẹ nhàng massage khắp mặt để quen với nhiệt độ, nữ ca sĩ nhanh chóng úp mặt vào chậu nước lạnh.

Phương pháp này vốn không quá xa lạ với cộng đồng làm đẹp, với cái tên “ice facing” (tạm dịch: đóng băng da). Theo chuyên gia da liễu Dendy Engelman, phương pháp này trở nên phổ biến trên TikTok vì dễ thực hiện, không tốn chi phí mà mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Chuyên gia thẩm mỹ Renée Rouleau cũng cho biết, đá lạnh giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm kích thước lỗ chân lông và làm dịu viêm nhiễm, giúp da trở nên sáng mịn.

Ice facing cũng là phương pháp yêu thích của minh tinh Joan Crawford và siêu mẫu Bella Hadid, nhờ khả năng làm căng mặt hiệu quả, sẵn sàng cho các buổi quay chụp. Nếu muốn có gương mặt căng bóng, săn chắc để xúng xính chơi Tết, đây là phương pháp đáng để bạn cân nhắc (miễn thời tiết không quá lạnh).

Tự tạo năng lượng tích cực với hũ khích lệ (affirmation jar)

Lời khích lệ (word of affirmation) vốn là một trong 5 ngôn ngữ tình yêu phổ biến. Dịp Tết này, hãy dành lời yêu thương đến bản thân nhiều hơn thông qua lọ khích lệ (affirmation jar).

Đây là phương pháp chăm sóc tinh thần đơn giản mà hiệu quả, bằng cách tự động viên bản thân những suy nghĩ tích cực: "Tôi biết ơn vì còn khoẻ mạnh”, "Những khuyết điểm làm tôi trở nên độc nhất", "Tôi tự hào vì những gì mình đã đạt được".

06feb2024lindajarjpg
Chỉ cần chiếc lọ và giấy note, bạn có thể tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho chính mình. | Nguồn: Women of the ELCA

Chỉ cần vài mảnh giấy note, bạn có thể viết xuống những lời động viên bản thân muốn nghe, cuộn lại và đặt vào lọ. Khi thức dậy mỗi ngày, hãy chọn ra 3 cuộn và đọc to thành tiếng. Bạn có thể lặp lại những câu này vài lần, hoặc suy nghĩ về chúng trong ngày. Bạn có thể dùng nhiều hũ riêng biệt cho từng mục tiêu khác nhau, như công việc và cuộc sống cá nhân.

Có thể bạn sẽ không tin ngay vào những điều mình viết trong đó, nhưng đích đến cuối cùng của phương pháp này là thúc đẩy bản thân hướng đến tư duy tích cực. Về mặt tâm liý, việc lặp lại lời nói khích lệ về lâu dài cũng giúp bạn có thêm niềm tin ở bản thân.

Ăn đồ ăn có nguồn gốc thực vật (plant-based eating)

Theo khảo sát của Clinical Nutrition năm 2020, việc ăn chay giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp và ung thư. Vì vậy, việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ, có gốc thực vật sẽ còn phát triển mạnh vào năm 2024, do người tiêu dùng ngày một hướng đến các giá trị bền vững cho sức khỏe và môi trường.

Nếu có hơi “quá tải” với các món thịt ngày Tết, bạn thử làm dịu bao tử bằng các món ăn chay với nấm, các loại đậu và hạt. Thử vào bếp và sáng tạo món ăn mới với những nguyên liệu dễ kiếm này, bạn sẽ bất ngờ với độ ngon miệng và dinh dưỡng của chúng.