YouTube hiện là một phần không thể thiếu trong đời sống số của hàng triệu người dân Việt Nam sau hơn một thập kỷ hiện diện tại đây. Từ nền tảng video thuần túy ban đầu, YouTube nay đã bước sang một chương mới: trở thành kênh mua sắm trực tuyến mạnh mẽ thông qua YouTube Shopping, tính năng vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2024.
Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong chiến lược phát triển của Google tại khu vực Đông Nam Á và đặc biệt tại Việt Nam, nơi được đánh giá là thị trường tiềm năng bậc nhất trong khu vực. Dẫn dắt bước tiến chiến lược này là anh Gabby Roxas, Giám đốc Marketing Toàn quốc của Google Việt Nam.

Vào một buổi sáng nhiều nắng tại TP.HCM, Vietnam Innovators đã có dịp trò chuyện cùng anh Gabby Roxas và được hiểu nhiều hơn về cách YouTube đang chuyển mình thành một không gian thương mại số, và đâu là điểm khác biệt thực sự của YouTube Shopping giữa muôn vàn giải pháp mua sắm trực tuyến hiện nay.
Từ video đến giỏ hàng, và một chiến lược không vội vàng
Nền tảng lưu trữ và phát video trực tuyến YouTube xuất hiện từ năm 2005 và trở thành một phần của “ông lớn” công nghệ Google vào 2006.
Khi trở thành một phần của hệ sinh thái phong phú gồm Google Search, Gmail, Android và Google Ads, YouTube cùng YouTube Shopping sẽ không chỉ là một sàn thương mại điện tử đơn thuần, mà chính là một giải pháp marketing toàn phễu (full-funnel). Điều này đồng nghĩa với việc dùng YouTube Shopping, bạn đang được chính Google giúp đỡ trong việc tìm thông tin, tìm đúng người mua, đúng thời điểm, qua đúng video một cách đầy chủ ý nhưng không hề gượng gạo.
Với một lợi thế như vậy, YouTube Shopping không đến để chen chân vào cuộc chơi thương mại video, mà để viết lại cách người tiêu dùng tiếp cận và hành động trong hành trình mua sắm.
Không cần tách rời giữa “xem” và “mua”, người dùng nay có thể xem một video dài, tìm hiểu sản phẩm, lắng nghe đánh giá, rồi click vào sản phẩm hiện ngay trong khung hình. Tất cả các bước đều liền mạch, tự nhiên, và đặc biệt: không tạo cảm giác bán hàng lộ liễu.
Điều này đến từ việc xuất phát của YouTube là một nền tảng video dài trước khi có Shorts (video ngắn) và Live (video phát trực tiếp). Gabby mô tả: “Shorts là món khai vị thu hút người xem. Video dài là món chính cung cấp thông tin sâu.”

Cả ba định dạng này đều đã hỗ trợ tích hợp mua sắm trực tiếp được gợi ý đúng người, đúng thời điểm nhờ nền tảng thuật toán đã được trau chuốt suốt hơn một thập kỷ. Điều này khiến YouTube trở thành một nền tảng đa chiều, nơi người dùng không chỉ tiêu thụ nội dung, mà còn hành động ngay trong khoảnh khắc cảm xúc cao nhất.
Việt Nam – Nơi không chỉ bắt nhịp, mà dẫn đầu
Không phải ngẫu nhiên mà YouTube chọn Việt Nam là thị trường thứ 5 toàn cầu để triển khai tính năng này. Với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và thói quen tiêu dùng số đã thành nếp, Việt Nam hội đủ điều kiện để trở thành bệ phóng cho xu hướng thương mại video. Theo một nghiên cứu của Kantar, 89% người xem Việt Nam tin tưởng nội dung từ các nhà sáng tạo nội dung Việt. Con số vượt trội hơn so với các thị trường khác này đến từ một hệ sinh thái số năng động đặc thù của riêng thị trường Việt Nam.
“Tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái số được xây dựng từ chính những con người chăm chỉ mà tôi gặp hàng ngày ở Việt Nam.” – Gabby chia sẻ. “Tôi tin Việt Nam có thể đi đầu trong những thay đổi lớn của Đông Nam Á và xa hơn thế nữa.”

Dự báo tổng giá trị thương mại điện tử (GMV) của Việt Nam có thể đạt 45 tỷ USD, trong đó thương mại qua video sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng. Vậy nên sự xuất hiện YouTube Shopping như một bước tiến tất yếu. Vì video sẽ không chỉ là công cụ kể chuyện, mà là nơi thương hiệu sống cùng nội dung, và người tiêu dùng tìm thấy quyết định của mình.
Với nền tảng công nghệ mạnh mẽ từ Google, cùng triết lý lấy người dùng làm trung tâm, YouTube đang tạo nên một mô hình thương mại thay vì làm gián đoạn trải nghiệm người dùng thì mô hình này lại được sinh ra từ chính trải nghiệm đó.
Kết thúc mỗi tập Vietnam Innovators, chúng tôi vẫn thường hỏi khách mời về ấn tượng hay điều khiến họ suy nghĩ nhiều nhất sau khi dành thời gian sinh sống, làm việc, và có sự thấu hiểu nhất định về thị trường Việt Nam. Anh Gabby Raxos chỉ cười và nói: “Tôi muốn hiểu vì sao văn hóa khởi nghiệp ở đây lại mạnh đến vậy.”

Với vai trò là người điều hành mảng marketing cho Google tại Việt Nam, Gabby không chỉ mang theo chiến lược, dữ liệu hay công nghệ, mà còn mang theo sự tò mò đầy chân thành về con người Việt Nam.
Khi các mô hình khởi nghiệp công nghệ mọc lên từ mọi ngóc ngách Việt Nam, phản ánh trực quan trên từng trang số liệu thống kê toàn cầu, Gabby tự hỏi điều gì đang tạo ra “phép màu” ấy. Và bằng trực giác của một người am hiểu về thị trường, Gabby tin rằng tinh thần khởi nghiệp này có thể lan tỏa đến các thị trường Đông Nam Á khác như một nguồn cảm hứng phát triển mới.
Xem toàn bộ tập Vietnam Innovators tại đây:
Cảm ơn Google Việt Nam đã đồng hành cùng Vietnam Innovators. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Thông qua việc có mặt tại Việt Nam, Google mong muốn cung cấp một nền tảng để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua nhiều định dạng quảng cáo khác nhau, bao gồm quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, quảng cáo hiển thị và chiến dịch mua sắm. Giờ đây, với sự hợp tác cùng Vietnam Innovators Digest, Google mang đến những phân tích chuyên sâu về toàn cảnh bức tranh kỹ thuật số của Việt Nam—bao gồm ứng dụng, trò chơi và thương mại điện tử, đồng thời giới thiệu cách các doanh nghiệp có thể đạt được tăng trưởng bền vững thông qua các giải pháp công nghệ và quảng cáo tiên tiến của Google.