Chưa bao giờ hai chữ “ổn định” lại mông lung như hiện nay. Khi thị trường thay đổi liên tục và công nghệ phát triển vượt bậc, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: Liệu công việc hôm nay mình làm có còn cần thiết vào ngày mai? Liệu thứ mình đang cặm cụi học năm nay còn giá trị vào 2 năm tới?
Và dù câu trả lời là thế nào, thì 5 kỹ năng dưới đây cũng cần thiết cho tất cả chúng ta để “sống sót” trong kỷ nguyên đầy biến động này.
1. Rèn tính linh hoạt và bền bỉ để không bị “cuốn trôi” bởi thời đại
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, hàng loạt doanh nghiệp đã sa thải ở quy mô lớn. Microsoft và Estée Lauder sa thải khoảng 7.000 nhân sự toàn cầu, Google cắt giảm hàng trăm vị trí ở các bộ phận chiến lược… Andy Jassy - CEO của Amazon - thẳng thắn tuyên bố rằng việc phát triển và tích hợp AI sẽ tiếp tục làm giảm số lượng nhân sự của Amazon trong những năm tới.
Ngay cả những sinh viên tốt nghiệp MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) từ Harvard hay MIT Sloan cũng gặp khó khăn khi tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm này tăng từ khoảng 4% vào năm 2021 lên đến 15% vào năm 2024. Kristen Fitzpatrick, Trưởng bộ phận Phát triển sự nghiệp và Quan hệ cựu sinh viên tại Harvard, chia sẻ rằng: “Việc học ở Harvard không còn là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Điều quan trọng là bạn phải thật sự có kỹ năng.”
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong Báo cáo “Future of Jobs Survey 2025” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), linh hoạt và bền bỉ được xếp vào nhóm kỹ năng cốt lõi. Hai kỹ năng này được 67% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát đánh giá cao và xem đó là yếu tố tiên quyết để ứng viên đối phó tốt với tình huống bất ngờ cũng như duy trì hiệu suất làm việc.

Người linh hoạt biết khi nào cần thay đổi. Nhưng chính sự bền bỉ giúp họ bật dậy sau mỗi lần thất bại, giúp họ có sức lực để tiếp tục sáng tạo nên định hướng mới.
Không ai biết trước “cơn sóng” tiếp theo sẽ đến lúc nào. Và nếu bạn chưa sẵn sàng, bạn sẽ là người bị cuốn trôi đầu tiên. Do đó, linh hoạt và bền bỉ là điều kiện tối thiểu để sống sót.
2. Thành thạo các kiến thức và kỹ năng số để không bị “out meta”
Từ chuyến bay đầu tiên đến khi con người đặt chân lên mặt trăng chỉ mất 66 năm, một khoảng thời gian quá ngắn nếu so với 2,4 triệu năm để tổ tiên chúng ta học cách dùng lửa. Và chỉ trong 2 thế kỷ, con người đã chế tạo ra bóng đèn, điện thoại di động, vacxin và vô số phát minh mang tính lịch sử khác.
Nhân loại đang ở thời kỳ mà tốc độ xuất hiện các phát minh công nghệ ngày càng được rút ngắn. Bước sang thế kỷ 21, các công nghệ mới còn âm thầm thay đổi cách con người giao tiếp, học hỏi và làm việc mỗi ngày.

Theo Gartner, 80% tập đoàn lớn trên thế giới đã đưa AI vào chiến lược chuyển đổi số của mình. Trong khi đó, báo cáo của McKinsey cho biết tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI vào ít nhất một phần trong quy trình vận hành đã tăng từ 33% (2022) lên mức dự báo 72% (2024). Không chỉ riêng các doanh nghiệp, AI còn lần lượt được tích hợp vào mọi hoạt động của con người, từ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cá nhân hóa đến theo dõi tiến độ học tập.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đưa ra các quan ngại về việc AI khuếch đại định kiến xã hội, làm gia tăng khả năng phát tán thông tin sai lệch, đạo văn, gian lận học thuật.
Do đó, năng lực số không đồng nghĩa với việc phụ thuộc và lạm dụng công nghệ. Nếu thiếu tư duy phản biện, việc ứng dụng công nghệ dễ dẫn đến những hệ quả tiêu cực, như trường hợp một luật sư bị tước chứng chỉ hành nghề vì quá tin tưởng AI và nộp 2 vụ án hư cấu làm bằng chứng trên tòa.
Tóm lại, để sinh tồn trong thời đại AI, ngoài sử dụng thành thạo công cụ, người lao động cần có tư duy, hiểu biết sâu về bản chất công nghệ và duy trì sự linh hoạt trước những thay đổi liên tục của thị trường.
3. Phát triển tư duy sáng tạo để bứt phá trong kỷ nguyên AI

Sáng tạo không phải là đặc tính riêng của nghệ sĩ, mà là một kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ngành nghề nào. Nói đơn giản tư duy sáng tạo là khả năng tạo ra các giải pháp, ý tưởng, góc nhìn vượt khỏi lối mòn và mang lại hiệu quả cao.
Nó có thể đến từ những hành động nhỏ. Chẳng hạn, một nhân viên chăm sóc khách hàng có thể tạo video hướng dẫn ngắn trên TikTok để trả lời các câu hỏi lặp đi lặp lại, thay vì trả lời từng người. Một lãnh đạo tạo văn hoá gắn kết cho doanh nghiệp thông qua “bài tập” làm thơ nếu đi làm trễ.
Hoặc ở cấp độ cao hơn, sáng tạo là năng lực giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Tư duy này thậm chí đã được triển khai thực tế trong giáo dục tại một trường trung học ở Hạ Môn (Trung Quốc). 32 học sinh lớp 8 tham gia một chương trình học liên ngành kéo dài 5 tuần về thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Chương trình tích hợp các môn học như địa lý, sinh học, CNTT và mỹ thuật. Học sinh sử dụng thực tế ảo để trải nghiệm bão, lũ lụt..., sau đó phân tích dữ liệu, tạo mô hình 3D và thiết kế giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
Chúng ta đang ở thời đại mà các vấn đề ngày càng phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Những cách làm cũ không còn hiệu quả. Vì vậy tư duy sáng tạo là một đòi hỏi cấp thiết, chứ không chỉ là một lợi thế. Nó nằm trong top 5 kỹ năng quan trọng nhất của thời đại mới, theo ghi nhận của khảo sát “Skill on the rise 2025-2030” thực hiện bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
4. Tập làm chủ bản thân và tích cực cộng tác để phát triển trong mọi môi trường
“Lãnh đạo là biết cách… rủ nhau đi uống trà sữa khi thất bại.” Đó là một câu nói vui từ một bạn nhân viên kể về người sếp không trách mắng khi bạn mắc lỗi, mà thay vào đó là dùng chính trải nghiệm của mình để động viên cấp dưới. “Chuyên môn giỏi thì nhiều người có, nhưng giữ được cái đầu lạnh và trái tim ấm khi gặp vấn đề mới là thứ hiếm” – bạn chia sẻ thêm.
Năm 2014, khi Satya Nadella trở thành CEO của Microsoft giữa lúc công ty gặp khủng hoảng, ông không chọn cách áp đặt quyền lực. Thay vào đó, ông cùng Kathleen Hogan cải tổ văn hóa doanh nghiệp, xây dựng tinh thần học hỏi không ngừng, khuyến khích nhân viên cải thiện bản thân từ thất bại và tạo cơ hội hợp tác giữa các bộ phận. Kết quả, chưa đầy một thập kỷ sau, Microsoft vươn lên thành công ty giá trị nhất thế giới.
Lãnh đạo không phải là thể hiện quyền lực, mà là khả năng dẫn dắt bất kể trong tình huống nào. Đây là năng lực cần thiết với tất cả mọi người, ngay cả khi bạn không ở trong vị trí “có chức, có quyền”.

Năng lực lãnh đạo bắt đầu từ tinh thần làm chủ (ownership), nghĩa là biết chịu trách nhiệm với bản thân. Điều đó không chỉ dừng ở việc biết tự nhận lỗi, mà còn là chủ động với công việc và luôn sẵn sàng học hỏi để tiến bộ hơn.
Khi mỗi cá nhân đều nuôi dưỡng tinh thần làm chủ và không ngừng rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức sẽ trở thành một tập thể mạnh mẽ, nơi mọi người cùng nhau tạo ra giá trị, chứ không chỉ đơn thuần làm theo mệnh lệnh. Cùng lúc đó, năng lực phối hợp và làm việc nhóm, gồm lắng nghe, thấu hiểu và xây dựng lòng tin, là yếu tố giúp bạn thích nghi nhanh trong mọi hoàn cảnh.
Khi có kỹ năng lãnh đạo và cộng tác, bạn có thể phát triển dù ở bất kỳ môi trường nào, tạo nền móng để bạn không bị nhấn chìm bởi những biến động bất ngờ.
5. Hội nhập quốc tế để nhìn thấy “bức tranh toàn cảnh”
Năm 2025 mở ra nhiều biến động đan xen cơ hội trên toàn cầu. Cạnh tranh địa chính trị gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng phân hóa, trong khi AI bứt phá mạnh mẽ, kéo theo thách thức về đạo đức, việc làm và an ninh. Biến đổi khí hậu và bất ổn môi trường cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững.

Giữa bối cảnh đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều tín hiệu tích cực. Bên cạnh các chính sách mới từ Nhà nước, nhiều lĩnh vực cũng ghi nhận bước tiến nổi bật. Chẳng hạn trong điện ảnh, hai bộ phim Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc gây ấn tượng tại các liên hoan phim quốc tế. Ở mảng giáo dục – lao động, sinh viên ngành kỹ thuật, CNTT có cơ hội làm việc tại Singapore với mức lương có thể lên đến 10.000 SGD/tháng. Hay du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc khi du khách khắp thế giới hưởng ứng “xu hướng” ghi hình video với thông điệp “Vietnam is calling”.
Những chuyển động ấy cho thấy Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Và vì vậy, năng lực công dân toàn cầu, kỹ năng hội nhập quốc tế trở nên ngày càng cấp thiết. Hãy trang bị cho bản thân khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, hiểu và tôn trọng sự đa dạng văn hóa và sẵn sàng thích nghi trong môi trường học tập, làm việc đa quốc gia.
Kết
Ở kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần ứng viên có năng lực toàn diện, có thể thích nghi với những thay đổi cần có của môi trường nói chung và định hướng của doanh nghiệp nói riêng. Điều này đòi hỏi người trẻ cần liên tục trau dồi kiến thức và nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời. Không đơn thuần là tích lũy bằng cấp, mà còn là nâng cao các bộ kỹ năng và tư duy để bắt kịp nhịp phát triển nhanh chóng của công nghệ và xã hội.
Nesternship: NesUP 2025 là chương trình phát triển kỹ năng và khai phá tiềm năng cho thế hệ trẻ do Nestlé Needs YOUth và Onboardy khởi xướng, phối hợp thực hiện cùng Vietcetera và VietnamWorks.
Chương trình nhằm trang bị cho các tài năng trẻ Việt Nam những kỹ năng thực chiến và góc nhìn thực tế về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) – đồng thời nuôi dưỡng sự tự tin để họ vững vàng bước vào hành trình sự nghiệp giữa thế giới không ngừng biến động.
Lộ trình chương trình chi tiết:
· Từ 04.07 đến 08.08: Application & Online Assessment
· Từ 28.08 đến 29.08: NesUP Hackathon
· 16.09: Onboarding
Để tìm hiểu thêm về chương trình và đăng ký tham gia, truy cập website hoặc liên hệ chúng tôi qua events.rsvp@vietcetera.com.