Cởi Mở: Chúng tôi chia tay, nhưng vẫn “yêu” | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Well-nessCởi Mở: Chúng tôi chia tay, nhưng vẫn “yêu”

Khi tình dục không còn cứu vãn được cảm xúc và tôi chọn dứt khoát.

Thanh Trúc
Cởi Mở: Chúng tôi chia tay, nhưng vẫn “yêu”

Nguồn: Unsplash

Tôi và anh lại chia tay. Không rõ là lần thứ mấy. Lý do thì vẫn như cũ: nói chuyện không nghe, nghe rồi không hiểu, hiểu rồi lại cãi.

Rồi như một phản xạ thân quen, chúng tôi lại thử “yêu” nhau, như một cách kiểm tra xem tình cảm có còn không. Nhưng khác với những lần trước, tôi biết rất rõ: lần đụng chạm xác thịt này sẽ thật sự là lần chia tay.

Giận nhau, chia tay, rồi quan hệ làm lành

Cứ mỗi lần giận nhau, chúng tôi hoặc tạm dừng, hoặc thẳng thừng chia tay, rồi đâu đó vài hôm lại quay lại. Không bằng lời xin lỗi, chúng tôi làm hòa bằng cách… lên giường, “yêu” nhau bằng cơ thể, khi trái tim còn chưa thật sự nguôi giận.

Kiểu yêu “chập chờn như wifi” ấy hóa ra không hề hiếm. Một nghiên cứu tại Đại học Texas năm 2009 cho thấy: 62% sinh viên từng trải qua on-again/off-again relationship, nghĩa là chia tay rồi quay lại, cứ thế vài vòng.

2 con chuồn chuồn
Một nghiên cứu tại Đại học Texas năm 2009 cho thấy: 62% sinh viên từng trải qua on-again/off-again relationship, nghĩa là chia tay rồi quay lại, cứ thế vài vòng. | Nguồn: Unsplash

Tôi và anh từng khúc khích khi đọc con số đó, còn đùa: “Thiếu mất 7% nữa là vừa đẹp 69.” Chúng tôi cười cợt và cố tình lờ đi phần kết luận như một lời tiên tri cho mối quan hệ của chúng tôi: các cặp đôi thuộc nhóm này có tần suất xung đột cao nhất so với các cặp yêu lâu dài hoặc chia tay dứt khoát.

Niềm vui của sex chỉ kéo dài bằng tuổi thọ của dopamine

Tôi thừa nhận bản thân cảm thấy dùng thể xác để làm lành khiến cuộc yêu đương có cảm giác mãnh liệt. Cơ thể tôi run lên theo từng nhịp yêu đương, đầu óc như được giải phóng, cảm xúc hưng phấn tràn về. Những cái ôm lâu hơn thường ngày, những nụ hôn mang tính “giành giật”, cái cách cả hai cuốn lấy nhau như thể sợ mất nhau lần nữa…

Cảm giác ấy có thật. Sau mỗi cuộc yêu, đặc biệt là khi cảm xúc đang dâng trào vì cãi vã hay chia tay, cơ thể giải phóng một “cơn bão hormone”. Nào là dopamine khiến ta cảm thấy sung sướng, thỏa mãn; rồi oxytocin thường gọi là hormone “kết nối” hoặc “gắn bó”, đặc biệt mạnh khi được ôm hoặc tiếp xúc thân mật. Khi tất cả những hormone ấy cùng trào lên, tôi tưởng như tình yêu đã quay lại. Nhưng đó chỉ là cảm giác, một sự phấn khích nhất thời được châm ngòi từ căng thẳng chưa giải tỏa.

Tôi từng nghĩ make-up sex là một cách để xoa dịu, để tha thứ, để nối lại những gì vừa đứt gãy. Nhưng rồi tôi lại thấy mình tìm kiếm cảm giác được gắn bó, có lúc chỉ muốn né tránh cuộc trò chuyện nghiêm túc, và có lúc, tôi đơn giản là muốn quên đi cảm xúc tiêu cực bằng một khoái cảm mạnh hơn.

Thế là một vòng tròn luẩn quẩn ra đời. Mỗi khi có xung đột, chúng tôi giải tỏa qua sex, từ đó lại thấy gần gũi hơn, lại tiếp tục yêu. Nhưng đáng tiếc là vòng tròn này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Make-up sex, nếu không đi kèm giao tiếp và hiểu nhau, chỉ là một liều giảm đau tạm thời. Uống nhiều quá, tôi cảm thấy thuốc đã dần lờn, cơn bão hormone sau chuyện yêu đương ngày càng dễ tan biến.

alt
Make-up sex, nếu không đi kèm giao tiếp và hiểu nhau, chỉ là một liều giảm đau tạm thời. | Nguồn: armmypicca

Tôi không muốn tình yêu trở thành vết xước tích tụ. Không muốn sex là cách duy nhất để hai người còn cảm thấy mình kết nối. Và tôi biết rõ: nếu không dừng lại, thì mỗi lần nằm cạnh nhau sẽ chỉ là một cách trốn tránh cảm xúc thật và tự đánh mất chính mình trong im lặng kéo dài.

Tôi chọn chia tay và vẫn chọn xác nhận cảm xúc bằng thân thể

Tôi chọn chia tay. Nhưng cơ thể thì không đơn giản như vậy. Nó có trí nhớ riêng, mềm yếu hơn, bản năng hơn.

Đêm đó, tôi vẫn để mình ngủ lại. Không phải để níu kéo. Cũng chẳng phải để quay lại. Chỉ là... quen thuộc. An toàn. Cái ôm sau cuộc chia tay không còn là sự gần gũi, mà là một cách để tránh xa nỗi buồn. Như thể sex là liều thuốc giúp tôi không cảm thấy hoàn toàn trống rỗng.

Tôi từng nghĩ break-up sex là “lần cuối cùng để tạm biệt”. Nhưng sự thật là chẳng có “lần cuối” nào rõ ràng cả. Sau khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình rơi vào vùng lửng lơ: không còn là người yêu, nhưng vẫn nằm cạnh nhau; không còn hẹn hò, nhưng vẫn biết rõ thói quen, nốt ruồi, cả cách người kia thở khi buồn.

Tôi không biết mình làm vậy vì còn yêu, vì tiếc, hay vì chỉ không biết phải làm gì khác. Có thể là tất cả. Hoặc chẳng cái nào trong đó.

Chỉ nhớ sáng hôm sau, khi người ấy ngủ say, tôi lặng lẽ mặc đồ rồi bước ra khỏi căn phòng quen thuộc. Lần đầu tiên, tôi không quay đầu lại. Và không phải vì tôi đã hết yêu, mà vì tôi biết: nếu cứ nằm lại, tôi sẽ không bao giờ rời đi được.

(Bài viết thực hiện thông qua lời kể phỏng vấn nhân vật)