Giữa nhịp sống căng thẳng và bận rộn, những đêm nhạc hiện nay đã trở thành điểm đến để xả stress, để sống hết mình và… để được chữa lành. Khoảnh khắc hàng ngàn người cùng hò reo, cùng hòa giọng trong giai điệu yêu thích, cùng “cháy” hết mình bên thần tượng không chỉ là một cuộc vui – mà còn là cách cơ thể và cảm xúc được giải toả. Một công cụ chữa lành – nhưng cũng có thể mang về doanh thu cả chục tỷ đồng? Nghe tưởng mâu thuẫn, nhưng đó lại là thực tế đang diễn ra ở thị trường hòa nhạc Việt Nam.
Ngày xưa (chưa xa bây giờ là bao), nghệ sĩ và các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc vẫn “than trời” là làm show ở đâu lỗ ở đó. Ca sĩ Uyên Linh chia sẻ, làm đêm nhạc chỉ có lỗ nhiều hay lỗ ít. Tùng Dương thừa nhận, được tài trợ nhưng không đủ kinh phí bỏ ra. Hoàng Dũng từng thổ lộ không dám làm concert vì rất tốn kém. Cũng vì thế mà, các nhà tổ chức hòa nhạc trở nên dè dặt hoặc “liệu cơm gắp mắm” với thị trường này? Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn... mỗi lần làm show là một lần “cháy” vé.
Ngày nay, kinh doanh hòa nhạc có cuộc đảo chiều ngoạn mục tại Việt Nam. Liên tiếp những concert vang dội (về cả danh tiếng lẫn doanh thu) như The Born Pink Tour của BlackPink tại Hà Nội (2023), G-Dragon tại K-Star Spark Mega Concert (2025). Các concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai hay Anh Trai “Say Hi” cũng thu hút vài vạn người hâm mộ mỗi đêm, với doanh thu “ngất ngưởng”.
Các concert liên tục “cháy vé”, khan hiếm cả vé chợ đen. Vậy các đơn vị tổ chức kiếm tiền ra sao từ tổ chức hòa nhạc? Họ lỗ - lãi thế nào sau mỗi sự kiện?
"Đẳng thức" concert = bất động sản + bóng đá
Có người cho rằng, bản chất của hoạt động tổ chức hòa nhạc (concert) cũng tương tự như phát triển một dự án bất động sản. Ở đây có sự tham gia của Ban tổ chức địa phương, đóng vai trò như đơn vị phát triển dự án. Các công ty chủ quản/nghệ sĩ là chủ đầu tư. Hai bên phối hợp nhau để "xây" nên concert.

Ví dụ như concert Blackpink tại Hà Nội được Công ty TNHH Âm nhạc IME (ban tổ chức địa phương) kết hợp với YG Entertainment (công ty chủ quản của BlackPink, chủ đầu tư). Hay như concert Anh trai vượt ngàn chông gai là Tập đoàn Yeah1 (ban tổ chức) và các nghệ sĩ/công ty quản lý của các nghệ sĩ tham gia (chủ đầu tư). Nếu một nghệ sĩ tự tổ chức hòa nhạc, mô hình này về cơ bản cũng sẽ không thay đổi quá nhiều.
Sau một quá trình “phát triển”, nhà tổ chức quyết định bán dự án (buổi hòa nhạc) của mình đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là người hâm mộ. Bản chất tổ chức concert tương tự như bất động sản nhưng phương pháp kinh doanh khá gần gũi với thể thao, đặc biệt là bóng đá. Nếu bạn biết FIFA kiếm tỷ đô từ mỗi mùa World Cup như thế nào?, thì bạn đã phần nào biết được nhà tổ chức concert kiếm tiền ra sao.
Vé tham dự concert (hiển nhiên rồi)
Nguồn thu trực tiếp và dễ thấy nhất của kinh doanh hòa nhạc chính là bán vé. Các nhà tổ chức thường đa dạng hóa các hạng vé, không chỉ để tạo ra dải nhu cầu phù hợp với nhiều đối tượng khán giả, mà còn biến nó thành một yếu tố kinh doanh độc đáo.

Ví dụ như concert Anh Trai “Say Hi” tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (2 đêm 07/12 và 09/12/2024) đã thu hút khoảng 90.000 khán giả (theo đơn vị bán vé). Buổi hòa nhạc này có tỷ lệ lấp đầy 100%, với 12 hạng vé từ 500 nghìn VNĐ - 10 triệu VNĐ.
Các nhà tổ chức không chỉ bán nội dung concert mà còn bán cả những thứ liên quan, trước và sau buổi hòa nhạc. Các hạng vé cao nhất thường tích hợp đặc quyền xem tổng duyệt trước chương trình (rehearsal) hay giao lưu, chụp ảnh cùng nghệ sĩ sau chương trình…

Tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi của một concert cho biết rất nhiều điều. Ngoài doanh thu bán vé, nó còn cho thấy mức độ thu hút, sự thành công cũng như độ nổi tiếng của nghệ sĩ tham dự. Tất nhiên, doanh thu bán vé không nói lên kết quả kinh doanh hay lợi nhuận thực tế về tay nhà tổ chức.
Tài trợ và hợp tác
Như đã nói ở trên, bản chất của hoạt động tổ chức concert bao gồm Ban tổ chức địa phương và chủ đầu tư (công ty chủ quản/nghệ sĩ). Trên thực tế, Ban tổ chức địa phương hoặc công ty chủ quản/nghệ sĩ có thể tự huy động vốn hoặc hợp tác, nhận tài trợ từ một bên thứ 3.
Rất nhiều concert thành công trong thời gian qua có sự “góp mặt” của các thương hiệu lớn, ở hình thức tài trợ hoặc hợp tác. Lấy ví dụ, đại hòa nhạc K-Star Spark tại Hà Nội (21/06/2025) có sự góp mặt của G-Dragon, CL, DPR Ian… có dấu ấn của nhà tài trợ rất lớn, gần như “choán lấy” thông tin trên truyền thông so với nhà tổ chức thực sự của concert.

Bên cạnh các nhà tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (Yeah1), Anh trai “Say Hi” (VieON) còn là bóng dáng của những nhà tài trợ khác, ở nhiều cấp độ và hạng mục khác nhau. Trong khi đơn vị tổ chức có nguồn tài chính vững mạnh để tổ chức mà không/ít cần huy động vốn thì nhà tài trợ nhận được quyền lợi truyền thông, và các quyền lợi khác.
Vật phẩm văn hoá, sản phẩm (good/ merchandise/ Lightstick…)
Tất cả những chi tiêu phát sinh khi bạn bước vào một buổi hòa nhạc hay lễ hội âm nhạc đều có một phần doanh thu chảy về túi nhà tổ chức. Đó có thể là các vật phẩm, sản phẩm như gậy cổ vũ (light stick), đồ thời trang, thẻ bo góc, album… Tất nhiên, đây là trường hợp bạn “làm giàu” cho nhà tổ chức ngay tại concert, khi chưa đặt mùa các món đồ này trước đó.
Bạn cầm một chiếc lightstick lên và thanh toán; bạn mua thêm 1 chiếc áo t-shirt hay một chiếc túi Tote có in hình thần tượng… bên trung khu vực tổ chức sự kiện là đang giúp Ban tổ chức có thêm một phần doanh thu. Nhận thấy nhu cầu này, các nhà tổ chức còn sản xuất và bày bán các sản phẩm giới hạn/đặc biệt chỉ có tại buổi hòa nhạc.

Cho thuê sân bãi và các nhượng quyền khác
Nếu đã từng tham gia các đại hòa nhạc hoặc các lễ hội âm nhạc, bạn sẽ không lạ lẫm với những cửa hàng “pop-up” từ ngành ăn uống cho đến thời trang, vật phẩm khác… Cho thuê sân bãi và nhượng quyền cũng là một nguồn doanh thu của nhà tổ chức hòa nhạc.
Món khoai tây chiên hay ly bia mà bạn vừa chọn để lấp bụng trước khi đu “concert”, hay khăn bạn mua để trải lên thảm cỏ, ngồi chờ thần tượng của mình biểu diễn tại một lễ hội âm nhạc cũng tạo ra một phần doanh thu cho nhà tổ chức hòa nhạc.
Trong không ít trường hợp, việc cho thuê sân bãi và nhượng quyền cũng là một cách trả quyền lợi cho các đơn vị tài trợ, hợp tác với nhà tổ chức của sự kiện đó.
Bản quyền phát sóng trực tuyến, phát lại
FIFA có thể thu hàng tỷ USD từ tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa World Cup và nhà tổ chức concert cũng có doanh thu từ bán bản quyền phát sóng (truyền hình trực tiếp, Internet, phát lại nền tảng OTT...)
Bên cạnh đó, sản xuất phim tài liệu hoặc bản ghi âm, ghi hình từ concert và chiếu tại rạp sau đó cũng trở thành xu hướng toàn cầu trong vài năm trở lại đây. Từ The Eras Tour của "Toàn bộ ngành âm nhạc” Taylor Swift đến phim concert của BTS, hay Anh Trai đổ bộ rạp phim cũng tạo ra doanh thu đáng kể.

Phim The Eras Tour của Taylor Swift đạt 261 triệu USD trên toàn cầu, cũng như có doanh thu mở màn khoảng 8,7 tỷ tại phòng vé Việt Nam (Box Office Vietnam). Hay như phim Anh Trai “Say Hi”: Kẻ phản diện tạo nên người hùng trở thành phim concert Việt Nam có doanh thu cao nhất với 15,4 tỷ đồng.
Nguồn doanh thu từ bản quyền phát sóng trực tuyến, phát lại… còn dựa vào bên nắm giữ bản quyền, cũng như các thoả thuận giữa các bên liên quan khi concert diễn ra.
Tạm kết
Doanh thu là một tiêu chí để đánh giá quy mô thị trường, bên cạnh chi phí vận hành, lợi nhuận, khả năng thực thi hay chất lượng (nghệ thuật, an ninh,...) trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc.
Bên cạnh đó, các yếu tố như chi phí cho nghệ sĩ, phí quảng bá sự kiện (marketing), phí sân bãi/địa điểm tổ chức, nhân lực, bảo vệ an ninh hay thậm chí loại hình buổi hòa nhạc (buổi biểu diễn nhỏ, đại hòa nhạc, lễ hội âm nhạc)... cũng tác động đến chi phí, doanh thu và lợi nhuận của nhà tổ chức.
Dẫu vậy, thị trường biểu diễn âm nhạc vẫn ngày càng trở nên hấp dẫn. Không chỉ bởi tiềm năng doanh thu cao mỗi đêm, mà còn vì giá trị tinh thần mà nó mang lại: cảm giác “cháy” hết mình cùng thần tượng, được cộng hưởng cảm xúc giữa đám đông, được xoa dịu và chữa lành sau những ngày mệt mỏi. Đó là một loại “liệu pháp” đang được công chúng chủ động tìm đến – và sẵn sàng chi tiền cho.
Không ngạc nhiên khi chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2040, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, đã xác định nghệ thuật biểu diễn – bao gồm biểu diễn âm nhạc – là một trong những lĩnh vực trọng tâm cần đầu tư và thúc đẩy.