Bạn có đồng ý rằng, dù xã hội có đi qua bao đổi thay, từ những cú chuyển mình công nghệ cho đến những cơn sóng trào lưu mạng xã hội mới,… chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam chưa bao giờ giảm đi sức nóng?
Tôi còn nhớ như in thời kỳ đỉnh cao của Giọng hát Việt, Cuộc đua kỳ thú, Gương mặt thân quen, Vietnam Idol, Vietnam’s Next Top Model,... Từ âm nhạc, người mẫu, trí lực,… tất cả đều có thể trở thành chất liệu cho một show thực tế nảy lửa.
Giờ đây, khán giả có thể thay đổi cách xem, format có thể biến hóa liên tục để phù hợp với bối cảnh xã hội, nhưng chắc chắn cảm giác “chờ nôn nao đến tối” để đón xem những chương trình truyền hình thực tế chưa bao giờ mất đi. 2025 cũng là một năm không ngoại lệ.
Hãy theo chân bài viết tìm ra công thức “viral” của 4 chương trình truyền hình thực tế đang được thảo luận nhiều nhất thời điểm này.
1. Gia Đình Haha - Những ngày trời bao la
Giữa một “bữa tiệc” chương trình truyền hình thực tế được trưng bày bắt mắt, lôi kéo người xem bằng những tình huống kịch tính, ít ai nghĩ rằng một chương trình tôn vinh trải nghiệm văn hóa với nhịp “sống chậm” như Gia Đình Haha lại có thể vươn lên thành tâm điểm chú ý.
3 tập phát sóng đầu tiên của Gia đình Haha - Những ngày trời bao la đều lọt top trending YouTube, oanh tạc khắp các nền tảng mạng xã hội với lượng thảo luận tăng theo cấp số nhân sau mỗi tập. Đó là chưa kể đến hàng loạt đoạn cut, reel, TikTok clip… cắt gọn những khoảnh khắc đắt giá nhận về lượng tương tác bùng nổ.
Điều mà Gia Đình Haha làm tốt nhất cho đến thời điểm này chính là góc khai thác nội dung. Dàn cast chính, bao gồm Jun Phạm, Bùi Công Nam, Rhymastic, Duy Khánh và Ngọc Thanh Tâm - những nghệ sĩ nổi tiếng vốn đã quen với ánh đèn, sân khấu, những người dân thành thị có cuộc sống gắn liền với xe cộ đông đúc, với những tòa nhà cao tầng.
Khi đến Bản Liền, Lào Cai, nhiều người nghĩ dàn cast sẽ có một kỳ nghỉ “chữa lành”, tận hưởng thiên nhiên, tìm hiểu văn hoá địa phương theo trải nghiệm ngắn hạn. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở hai chữ "khám phá". Họ rũ bỏ hình tượng nghệ sĩ, gác lại mọi hào nhoáng quen thuộc để thực sự hòa nhập vào cuộc sống của người dân địa phương, từ đi bắt cá, cắt cỏ, cấy lúa đến gánh nước…


Một phần quan trọng khác trong công thức viral của chương trình chính là sự xuất hiện của gia đình chị Vàng Thị Thông – những người chủ nhà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình của dàn cast và ekip. Lâu nay, hình ảnh người dân vùng cao thường gắn liền với sự vất vả, cam chịu, với đồng ruộng, núi rừng mênh mông và những câu chuyện mưu sinh khắc nghiệt.
Nhưng chị Thông - một người phụ nữ vùng cao đã mang đến góc nhìn hoàn toàn mới. Không chỉ là người hướng dẫn các nghệ sĩ hoàn thành từng nhiệm vụ, chị còn là người kết nối. Một nhịp cầu văn hoá giữa khán giả thành thị và cuộc sống bản làng. Sự chủ động, dí dỏm, năng lượng tích cực và khát vọng phát triển du lịch địa phương của chị là minh chứng rõ nhất rằng người dân vùng cao chưa bao giờ đánh mất tiếng nói của họ.
Bên cạnh nội dung, cách quay dựng cũng là một điểm cộng lớn khiến khán giả dành nhiều thiện cảm cho chương trình. Jun Phạm từng chia sẻ trên trang cá nhân: "Điều vất vả nhất là ekip phải luôn nhẹ nhàng, âm thầm bám sát dàn cast... từ những con thú nuôi, giọt sương, tia nắng đầu tiên cho đến cả con nhện giăng tơ." Không cắt dựng dồn dập, không lạm dụng hiệu ứng. Từng khung hình được xử lý chỉn chu, giữ nguyên không khí trong trẻo, mộc mạc của núi rừng Tây Bắc. Thành quả là những thước phim đẹp đến nao lòng mà chúng ta được thưởng thức qua màn ảnh nhỏ.


2. Em Xinh "Say Hi"
Là chương trình âm nhạc tiếp nối thành công của Anh Trai "Say Hi", đã từng có không ít hoài nghi đặt ra: Liệu Em Xinh "Say Hi" có đủ sức vượt qua cái bóng quá lớn mà các anh trai để lại?
Nhìn vào thành tích hiện tại, có lẽ chúng ta không cần quá lo lắng. Các tập phát sóng chính thức của Em Xinh "Say Hi" nhận về lượt view cao ngất ngưởng. Trên bảng xếp hạng Âm nhạc thịnh hành YouTube, các bài hát thuộc livestage 1 và livestage 2 lần lượt lọt vào top trending. Ngay cả khi chỉ mới tung bản demo, những ca khúc như Không đau nữa rồi hay Gã săn cá đã phủ sóng dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội. Và dù phần trình diễn chính thức có đạt kỳ vọng hay chưa thỏa lòng khán giả, nó vẫn để lại khoảng trống thảo luận, làm chất xúc tác mạnh mẽ cho hiệu ứng lan truyền của chương trình.

Không chỉ là một sân chơi để các cô gái xinh đẹp chứng minh tài năng âm nhạc, đây còn là bệ đỡ để những nhân tố mới được đến gần hơn với khán giả. Từ chương trình này, cá tính, tư duy âm nhạc của 52Hz được khán giả công nhận hơn. Khả năng nhảy "out trình" của Mỹ Mỹ, Ánh Sáng AZA, giọng hát trong veo của Lyhan, Lamoon chạm đến nhiều trái tim ngoài kia hơn. Họ đã thổi một làn gió mới và khiến khán giả tò mò hơn bao giờ hết.
Một điều cuối cùng, không ai có thể phủ nhận rằng sân khấu được đầu tư quá đỗi công phu, dàn dựng tỉ mỉ đến từng chi tiết dù mới chỉ đến livestage 2. Mỗi tiết mục đều là một “bữa tiệc thị giác” với âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh được phối hợp nhịp nhàng. Sự chỉn chu trong cách dàn dựng khiến người xem có thể cảm nhận được… "mùi tiền" phảng phất trên từng khung hình.


3. Đấu Trường Gia Tốc - Run For Time
Đi ngược lại với tinh thần của Gia Đình Haha hay Em Xinh "Say Hi", Đấu Trường Gia Tốc - Run For Time là trận rượt đuổi nghẹt thở với format gốc từ Run For Money (Nhật Bản). Số liệu cho thấy, chỉ sau 2 ngày phát sóng, Đấu Trường Gia Tốc đã “in dấu chân” của mình lên hầu hết các bảng xếp hạng.

Khái niệm "rượt đuổi" trong chương trình không chỉ dừng ở thể lực. Tất cả người chơi được đặt vào những bối cảnh mới lạ, đậm chất "game hóa": từ một thành phố thu nhỏ, một khu đô thị bỏ hoang, cho đến một mê cung khổng lồ. Họ phải chứng minh khả năng sinh tồn trong giới hạn thời gian, vừa chạy vừa phân tích, vừa “giữ mạng” vừa suy nghĩ chiến thuật. Mỗi tập là mỗi câu chuyện rõ ràng để người xem hiểu bối cảnh, dễ dàng nhập vai cùng dàn cast.

Đấu Trường Gia Tốc mang lại cho khán giả những phút giây giải trí đúng nghĩa. Công thức viral của chương trình nằm ở khả năng "kích hoạt cảm xúc hoảng loạn" một cách có chủ đích. Mỗi cú chuyển cảnh gấp, mỗi lần camera zoom cận biểu cảm sợ hãi hay hoảng loạn của người chơi, mỗi tiếng đếm ngược dồn dập… tất cả đều được tính toán để đẩy adrenaline của người xem lên cao nhất có thể.
4. Tân Binh Toàn Năng
Những show thực tế sống còn không còn là điều quá mới mẻ với khán giả từng quen thuộc với các format quốc tế, từ Produce 101, The Unit, Boys Planet,... Tuy nhiên, khi đặt vào thị trường Việt Nam, đặc biệt với một lớp thí sinh non trẻ và thị hiếu khán giả còn khá mới với mô hình này, Tân Binh Toàn Năng vẫn là một phép thử táo bạo.
Nếu cảm nhận, Tân Binh Toàn Năng chưa thực sự tạo được tiếng vang lớn trên diện rộng. Nhưng nhìn kỹ vào cách chương trình được xây dựng, đây thực sự là một show sống còn đúng nghĩa, khốc liệt và đầy tiềm năng trong việc ươm mầm lớp nghệ sĩ trẻ kế tiếp cho thị trường giải trí Việt.

Tập 2 của chương trình cũng đạt được thành tích vô cùng ấn tượng khi đạt Top 1 chương trình giải trí có độ thảo luận nổi bật theo bảng xếp hạng YouNet Media (đo lường từ ngày 22/4 - 28/4). Các tập sau đó vẫn giữ chân được một lượng khán giả nhất định. Ngoài chứng kiến khả năng mentor của Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn hay Kay Trần, điều khán giả quan tâm hơn cả chính là hành trình trưởng thành của từng thí sinh.

Mỗi chương trình kể trên sẽ có một “công thức viral” riêng, một gia vị riêng. Cuộc chiến của những chương trình truyền hình thực tế Việt chưa bao giờ hạ nhiệt. 2025 chỉ mới là khởi đầu cho một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, sáng tạo hơn và nhiều cú hit hơn trên đường đua rating lẫn mạng xã hội.