Hai thập kỷ trong thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam cùng Giám tuyển Đỗ Tường Linh | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera

Hai thập kỷ trong thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam cùng Giám tuyển Đỗ Tường Linh

Đỗ Tường Linh theo đuổi một lý tưởng: xâu chuỗi những hình dung về lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam – một lịch sử lặng lẽ nằm ngoài những gì phương Tây định nghĩa là nghệ thuật đương đại.

Kiều Nga
Hai thập kỷ trong thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam cùng Giám tuyển Đỗ Tường Linh

Chân dung Giám tuyển Đỗ Tường Linh tại gallery Eli Klein. | Source: Tracy Dong

Theo đuổi nghệ thuật là một con đường không có tương lai.

Đó là quan niệm của phần lớn người Việt khi nói đến việc học tập và thực hành nghệ thuật vào đầu những năm 2000. Đỗ Tường Linh cũng đã từng là một trong số đó.

Vậy mà, qua những cơ duyên, những cuộc gặp gỡ tình cờ, Đỗ Tường Linh lại gắn bó với nghệ thuật đương đại Việt Nam tới nay đã được hai thập kỷ. Chị không chỉ là một giám tuyển, một nhà nghiên cứu, mà còn là một người kết nối – giữa các thế hệ nghệ sĩ, giữa Việt Nam và thế giới, giữa những ký ức lịch sử và những hình dung cho tương lai.

Từ Hà Nội đến New York, từ các không gian nghệ thuật độc lập đến những sân chơi quốc tế như Berlin Biennale, Linh kiên định theo đuổi một lý tưởng chị luôn đau đáu mang theo mình: xâu chuỗi những hình dung về lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam – một lịch sử vốn bị gián đoạn, thiếu vắng lưu trữ và lặng lẽ nằm ngoài những gì phương Tây định nghĩa là nghệ thuật đương đại.

Trò chuyện cùng Đỗ Tường Linh, tôi được cùng chị du ngoạn qua hai thập kỷ của nghệ thuật đương đại Việt Nam đầu thế kỷ 21.

Mọi con đường đều dẫn đến nghệ thuật

Sinh năm 1987, Đỗ Tường Linh lớn lên trong một gia đình làm việc trong ngành văn hóa – mẹ là cán bộ lưu trữ, bố là kỹ sư tại Viện Tư liệu phim Việt Nam. Tuổi thơ của chị gắn liền với ký ức vẽ tranh, múa hát và những cảm xúc mơ hồ về nghệ thuật: “Lúc nào cũng thấy nghệ thuật là một thế giới đẹp, nhưng mơ hồ. Tôi rất thích nó, nhưng không biết đi lối nào.”

Không có người dẫn lối, không có định hướng, Đỗ Tường Linh đến với nghệ thuật một cách âm thầm qua cầu nối của ngôn ngữ Tây Ban Nha, đọc sách mỹ thuật trong thư viện rồi viết blog nghệ thuật trên Yahoo 360. Linh vẫn nhớ cuốn sách đầu tiên chị đọc là Living With Art – một cánh cửa mở ra lịch sử nghệ thuật phương Tây.

Tình cờ, một người bạn học nghệ thuật có tiếng trong giới lúc đó là Nguyễn Quốc Hùng – người sau này sáng lập nhà đấu giá nghệ thuật Chọn Auction House và góp phần đưa nghệ thuật Đông Dương tới công chúng – đọc được những bài viết về mỹ thuật của chị và ngỏ lời mời chị ghé thăm Hanoi Campus (1).

Chính cơ duyên đó đã dẫn lối cho lần đầu tiên chị bước vào thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp, làm trợ lý cho các dự án và gặp gỡ những nhân vật quan trọng như giám tuyển Arlette Quỳnh Anh Trần – khi ấy đang điều hành Saigon Open City dưới sự tài trợ của Ford Foundation và Rockefeller. Cũng tại đây, chị gặp cô Suzanne Lecht, người sáng lập Art Vietnam Gallery – một không gian ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam và quốc tế. Chị cũng may mắn được gặp những người nghệ sĩ đã rộng lòng chia sẻ và mở ra cho chị những cánh cổng đầu tiên: Trương Tân, Richard Streitmatter-Trần, Trần Lương, Đinh Q. Lê.

Những cuộc gặp ấy là khởi đầu cho một hành trình mới với các dự án nghệ thuật chuyên biệt, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, nơi chị được làm việc cùng những người giỏi nhất trong giới.

Giấc mơ về hệ sinh thái nghệ thuật tự chủ

Sau thời gian ngắn ở Hanoi Campus, Đỗ Tường Linh quyết định thi vào ngành Lịch sử Nghệ thuật. Dù khi đó chưa thể gọi tên con đường mình theo đuổi, chị đã sớm gắn bó với công việc giám tuyển theo bản năng – lặng lẽ đứng sau, hỗ trợ nghệ sĩ, kết nối tác phẩm với công chúng.

Những năm đầu sự nghiệp, chị làm việc tại nhiều không gian nghệ thuật khác nhau – từ các trung tâm văn hóa như Goethe-Institut, British Council đến các sáng kiến độc lập như Sàn Art, Nhà Sàn Collective (tiền thân là Nhà Sàn Studio), Ryllega Gallery của nghệ sĩ Nguyễn Minh Phước. Bên cạnh đó là Hanoi DocLab, nơi chị gắn bó nhiều năm để hỗ trợ nghệ sĩ trẻ tiếp cận thực hành video và phim tài liệu, cùng VCCA – nơi góp phần mở rộng khả năng tiếp cận nghệ thuật đương đại tới công chúng đại chúng. Đây là những trải nghiệm đã đặt nền móng cho tư duy giám tuyển và định hướng lâu dài của chị sau này.

alt
Tác phẩm Hồ nước của Nguyễn Linh Chi trong dự án Công dân trái đất tại Trường ĐHKHTN do Đỗ Tường Linh giám tuyển năm 2020. | Source: Six Space

Bước ngoặt đến khi chị cùng nghệ sĩ Lê Giang thành lập Six Space – một không gian độc lập dành cho nghiên cứu, đối thoại và kết nối cộng đồng. Với vai trò giám đốc nghệ thuật, chị phụ trách nội dung, gây quỹ, xây dựng chương trình; còn Lê Giang điều hành hoạt động thường nhật. Mọi thứ đều hướng đến một điều giản dị: khiến nghệ thuật trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.

Tuy nhiên, sau vài năm vận hành, chị nhận ra mô hình sống bằng tài trợ không bền vững. Mỗi lần xin tài trợ là một lần phải điền đủ các tiêu chí, điều chỉnh nội dung sao cho vừa với mong đợi của bên cấp quỹ. Không chỉ các không gian nghệ thuật, mà cả nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, khi sống bằng tài trợ cũng buộc phải điều chỉnh sáng tác làm sao cho vừa mắt các hội đồng nghệ thuật phương Tây vốn nhìn Việt Nam qua một lăng kính đã định hình sẵn

Mỗi nơi là một cánh cửa hé mở, nhưng chưa nơi nào đủ để trả lời trọn vẹn câu hỏi chị luôn mang theo: làm thế nào để nghệ sĩ Việt và nghệ thuật Việt có thể được tự do sáng tác, tự do phát triển?

alt
Triển lãm Cẩm nang sử dụng cuộc đời diễn ra tại VCCA từ 296 đến 287, trưng bày các tác phẩm của 11 nghệ sĩ trẻ đương đại. | Source: VCCA

Sự đầu tư vào nghệ thuật của người Việt Nam cũng là một trăn trở với Đỗ Tường Linh. So với thời điểm 15 năm trước, công chúng trong nước đã cởi mở hơn với nghệ thuật, nhưng sự công nhận vẫn phần lớn dành cho những tên tuổi lớn. Còn những nghệ sĩ trẻ – tài năng, liều lĩnh, và đang trong quá trình định hình ngôn ngữ riêng – vẫn đứng ngoài tầm đầu tư.

“Người sưu tầm Việt rất ngại rủi ro,” Linh nói. “Họ nghĩ mua các tác phẩm của nghệ sĩ lớn là khoản đầu tư an toàn. Nhưng nếu ai cũng chờ nghệ sĩ thành danh mới đầu tư, thì nghệ thuật Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển được.”

Với chị, việc đồng hành cùng nghệ sĩ từ những ngày đầu để chứng kiến họ trưởng thành, vấp ngã, rồi có được thành công thương mại đầu tiên chính là một hành trình đầy ý nghĩa. Bởi lẽ, nghệ thuật cần được nuôi dưỡng để có thể chín muồi.

Từ đó, Đỗ Tường Linh ấp ủ khát vọng: xây dựng một hệ sinh thái cho nghệ thuật Việt Nam, nơi mà nghệ sĩ, giám tuyển, nhà sưu tầm, khán giả đều cùng tồn tại và phát triển.

Kể câu chuyện nghệ thuật đương đại Việt Nam với thế giới

Berlin Biennale là một trong những triển lãm nghệ thuật đương đại uy tín nhất châu Âu, được tổ chức hai năm một lần từ năm 1996. Triển lãm tập trung giới thiệu các nghệ sĩ độc lập, không bị chi phối bởi thị trường hay giới sưu tầm và thường là bệ phóng giúp nhiều nghệ sĩ trẻ vươn ra quốc tế.

Năm 2022, với chủ đề Still Present! (Vẫn Hiện hữu), Biennale lần thứ 12 do nghệ sĩ Pháp Kader Attia làm giám tuyển chính, cùng đội ngũ giám tuyển quốc tế và Đỗ Tường Linh là người châu Á duy nhất trong ê-kíp. Triển lãm tập trung vào những tổn thương chưa được chữa lành của xã hội hiện đại: từ di sản của chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới đến biến đổi khí hậu, chiến tranh và dịch chuyển cưỡng bức.

Still Present! không chỉ phản ánh những vết sẹo lịch sử còn in hằn lên hiện tại, mà còn đặt ra câu hỏi về khả năng hàn gắn: tại sao xã hội hiện đại – với tất cả tiến bộ và lý tưởng – vẫn chưa thể vượt qua những chấn thương tập thể?

Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của nghệ thuật Việt Nam mang một ý nghĩa đặc biệt. Từ trước đến nay, phần lớn công chúng quốc tế chỉ biết đến Việt Nam qua những hình ảnh hậu chiến – đầy thương tích và bi thương. Việc đưa các nghệ sĩ đương đại Việt Nam bước vào một sân chơi toàn cầu là một cột mốc lớn không chỉ với chị, mà với cả ngành nghệ thuật Việt Nam.

Điều đáng chú ý là tất cả các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam tham gia lần này đều là newly commissioned – được Biennale tài trợ để sản xuất mới hoàn toàn. Điều đó không chỉ giúp nghệ sĩ có điều kiện thực hiện những tác phẩm quy mô lớn như của Đào Châu Hải, mà còn khẳng định một cách rõ ràng rằng: nghệ thuật Việt Nam không đứng bên lề, không bị nhìn như di sản khảo cổ hay vết tích chiến tranh mà là những tác phẩm sống động, đang đối thoại với thế giới theo ngôn ngữ riêng.

alt
“Ballad Biển Đông” (2022), Berlin Biennale 2022, Đào Châu Hải. Tác phẩm là tổ hợp từ 100 con sóng thép dày 1,5mm, khoảng cách đều nhau 3cm, liên kết ngang bằng con xỏ tyren D10 và bu lông; chiều dài 7m, chiều ngang 4m, đầu cao 1,5m, đầu thấp 0,8m, tổng trọng lượng 6,5 tấn. | Source: Berlin Biennale (photo by dotgain.info)

Tiếng vang từ triển lãm trở thành cú hích quan trọng trong hành trình quốc tế hóa nghệ thuật Việt. Ngay sau đó, Linh đã nghĩ đến bước tiếp theo: làm sao để không chỉ có một lần, không chỉ vài tên tuổi, mà nền nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng có cơ hội bước ra ngoài biên giới. Vì vậy, chị quyết định chuyển tới New York để theo đuổi việc học và thực hành giám tuyển.

Một cột mốc trong thời gian của chị ở New York là triển lãm nhóm Ceci N’est Pas Une Guerre – This Is Not A War, trưng bày tác phẩm của 17 nghệ sĩ Việt Nam đến từ cả ba miền với thực hành đa dạng. Triển lãm không chỉ giới thiệu diện mạo phong phú của nghệ thuật Việt đương đại, mà còn là một nỗ lực kể lại câu chuyện về Việt Nam vượt ra khỏi khuôn mẫu chiến tranh – một đất nước đang suy tư, sáng tạo và kết nối với thế giới bằng chính ngôn ngữ nghệ thuật của mình.

alt

Đỗ Tường Linh chia sẻ về những dự định tương lai: “Tôi sẽ tiếp tục ở New York với mong muốn tạo một tiền đề vững chắc để nghệ sĩ Việt có cơ hội bước ra quốc tế, và từng bước xây dựng một nền tảng lâu dài cho họ trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu.”

Làm giám tuyển, với Đỗ Tường Linh, là một hành trình để đi, để lắng nghe, để kết nối. Và từ đó, mở ra một cách kể chuyện khác về Việt Nam – không phải như một ngoại lệ văn hóa, mà như một phần sống động của thế giới đang tiếp tục viết lại chính mình.

Dự án sắp tới của Đỗ Tường Linh:
Photo Hanoi 2025 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

- Thời gian: 01 – 30.11.2025
- Địa điểm: Hà Nội, Việt Nam
- Đồng giám tuyển: Đỗ Tường Linh (Việt Nam) và Éline Gourgues (Vietnamese-French curator, hiện sống và làm việc tại Martinique)
- Đơn vị phối hợp tổ chức: Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace & Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA
- Xem thông tin chi tiết về các phiên bản trước tại WEBSITE

(1) Hanoi Campus là một chương trình nghệ sĩ lưu trú trong căn biệt thự Pháp cổ trên phố Nguyễn Khắc Nhu. Đây là không gian nơi các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam sáng tác và triển lãm, đồng thời tạo điều kiện để nghệ sĩ trong nước giao lưu và cộng tác.