Theo dữ liệu từ Google Trends vào năm 2024, lượt tìm kiếm về "du lịch chậm" đã tăng gấp ba lần trong suốt 5 năm vừa qua. Mô hình du lịch mới này cho phép du khách dành nhiều thời gian hơn tại các điểm đến để khám phá, hòa mình vào văn hóa ẩm thực, âm nhạc địa phương, kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự tương tác sâu sắc với con người, tận hưởng trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Đó cũng là cách Namia lựa chọn để kể câu chuyện của mình về một tương lai du lịch bền vững.
Chính thức mở cửa vào tháng 12/2024, Namia trải dài trên khu Cồn Ba Xã yên tĩnh nơi phố cổ Hội An, sở hữu 60 villa với hồ bơi riêng, hai nhà hàng ven sông, trung tâm spa và chăm sóc sức khoẻ Lumina Wellbeing và những khoảng không gian yên ắng.

Trong tập podcast Vietnam Innovators lần này, host Hảo Trần đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng hai nhà lãnh đạo tại Namia River Retreat: bà Michelle Ford — Tổng Giám đốc Namia River Retreat, CEO & đồng sáng lập Lumina Wellbeing, và ông Trần Thanh Nam — CEO HG Holdings, chủ sở hữu Namia River Retreat, đồng thời là người đã dành hơn 25 năm gắn bó với ngành du lịch Việt Nam.
“Chạm” vào Hội An theo cách riêng
“Có những cuộc gặp gỡ vô tình như được sắp đặt sẵn” dường như là câu nói đúng nhất để kể về cơ duyên hợp tác giữa bà Michelle Ford và ông Trần Thanh Nam.
Một người đã sống ở đây gần hai thập kỷ, xem Hội An như nhà. Một người đi qua đủ miền đất,với kinh nghiệm vững chắc trong ngành du lịch và rồi dừng chân tại mảnh đất bên sông Thu Bồn – nơi hội tụ đầy đủ con người, thời điểm và lý do cần thiết để một giấc mơ đưa di sản Việt truyền nối thế hệ sau được hình thành.
Ông Trần Thanh Nam chia sẻ, ý tưởng về Namia River Retreat được lấy cảm hứng từ những ký ức sâu đậm và êm đềm về tuổi thơ ở làng quê Hà Nam. Đó là những buổi chiều chạy chơi ngoài đồng, những lần cảm sốt và được mẹ, bà nấu nước cho xông hơi với những nắm lá ổi, lá tre, mơ, cúc tần, ngải cứu, đinh lăng, sả... hái ngoài vườn.
"Điều đó mang đến cho tôi hình ảnh rất rõ nét về wellness ở Việt Nam, từ vùng quê yên bình và những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi", ông Nam chia sẻ.

Ông Trần Thanh Nam mang trong mình giấc mơ về ngành du lịch Việt Nam - nơi tinh thần hiếu khách, nét đẹp văn hóa và bản sắc truyền thống có thể hòa quyện. Trước khi gặp ông, bà Michelle Ford đang kiên định với con đường chuyên biệt về xây dựng wellness tại Việt Nam và muốn tách rời khỏi ngành khách sạn.
Tuy nhiên, khi bà Michelle cùng ông Nam dạo bước trên Cồn Ba Xã, tầm nhìn của ông Nam và tiềm năng đưa wellness vào cốt lõi dịch vụ của dự án đã thuyết phục bà. Namia River Retreat ra đời như một sự kết hợp hoàn hảo giữa triết lý chăm sóc sức khỏe toàn diện mà bà Michelle hết lòng tâm huyết và những giá trị truyền thống Việt mà ông Nam đưa vào.
Triết lý “sống chậm”: Càng ở lâu, càng không muốn rời xa
Chăm sóc sức khỏe toàn diện “từ trong ra ngoài”
Vì được xây dựng theo mô hình wellness-inclusive (chăm sóc sức khỏe toàn diện trọn gói), du khách khi đến Namia đều không phải lăn tăn suy nghĩ quá nhiều về việc “Mình nên làm gì tiếp theo?”. Bà Michelle hiểu rằng du khách khi đến với Namia không phải để tuân theo những liệu trình nghiêm ngặt, mà là để thật sự được nghỉ ngơi và tái kết nối với chính mình.
Ở Namia, du khách sẽ được tận hưởng một gói chăm sóc sức khỏe trong vòng 90 phút mỗi ngày cho từng đêm nghỉ dưỡng, bao gồm 30 phút xông hơi thảo mộc (hammam - phòng xông hơi thảo mộc) và 60 phút trị liệu truyền thống. Kèm theo đó là gói thảo mộc để ngâm bồn thư giãn tại phòng vào buổi tối, hoặc trà thảo mộc giúp an giấc như một nghi thức nhẹ nhàng để kết thúc một ngày.
Cốt lõi là để tạo ra một nơi mà du khách không chỉ đến để ngủ, ăn, nghỉ như các khách sạn khác, mà thực sự tìm thấy chính mình qua không gian, qua thiên nhiên và qua nhịp sống chậm rãi.

Từ góc nhìn của bà Michelle, những giá trị chăm sóc sức khỏe đã luôn hiện hữu trong văn hoá Việt – từ bữa cơm thanh lành, món cháo ấm nóng khi ốm, đến việc xông lá, uống trà thảo mộc. Namia River Retreat mong muốn tôn vinh những giá trị nguyên bản trong lối sống khoẻ của người Việt, đưa chúng trở thành trải nghiệm nghỉ dưỡng sâu sắc.
Ngồi nghe sông nước kể chuyện trăm năm
Bên cạnh yếu tố chăm sóc sức khỏe, vị trí của Namia cũng là một điểm đặc biệt níu chân du khách. Nói về ý tưởng “Life by the river" (cuộc sống ven sông) mà Namia River Retreat theo đuổi, ông Nam muốn nhấn mạnh sông nước là một phần không thể thiếu trong lịch sử và văn hoá Hội An - nơi vốn là một thương cảng lớn với hơn 400 năm tuổi.
Đến với Namia River Retreat, khách có thể di chuyển bằng thuyền đưa đón ra phố cổ, uống cocktail trên sông ngắm hoàng hôn và ăn tối trên du thuyền, hoặc trải nghiệm tự chèo thuyền thúng quanh đảo. Trong tương lai, Namia River Retreat dự định sẽ áp dụng cả thuyền điện để giảm tiếng ồn và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Namia River Retreat chính là việc khiến du khách càng ở lâu, càng không muốn rời đi.

Đi xa để như được trở về nhà
Ông Trần Thanh Nam chia sẻ rằng, trong hành trình xây dựng Namia River Retreat, một yếu tố quan trọng mà ông và bà Michelle luôn hướng đến là sự kết nối giữa chăm sóc sức khỏe toàn diện và cộng đồng. "Chúng tôi cảm thấy đôi khi trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thiếu đi những giá trị cộng đồng, như sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau", ông Nam chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ ngôi làng truyền thống Việt Nam, nơi mọi người đều quen biết và quan tâm nhau, Namia River Retreat đã được xây dựng theo một triết lý sâu sắc. Mỗi hành động, mỗi sự tiếp đón của đội ngũ nhân viên đều được thực hiện một cách tự nhiên, mang đậm tinh thần bản địa.

Giấc mơ về một thương hiệu Việt
Từ những câu chuyện sâu sắc mà hai khách mời chia sẻ trong số podcast lần này, định hướng tại Namia River Retreat không đơn thuần là một khu nghỉ dưỡng. Đó là giấc mơ về một thương hiệu Việt đủ tinh tế để đứng cạnh các tên tuổi quốc tế, đủ bản sắc để khiến người Việt tự hào.

Một nơi mà ở đó, không gian, con người, dịch vụ hay từng trải nghiệm nhỏ nhất đều mang hơi thở rất riêng của văn hoá Việt. Một thương hiệu Việt, do người Việt sáng tạo, mang tinh thần Việt vào từng ngóc ngách. Namia River Retreat như một bức thư tình gửi lại Hội An – cho những ai đủ chậm để dừng lại và lắng nghe.