Bảo tồn di sản văn hóa ngày nay đã không chỉ là câu chuyện giữ nguyên vẹn “hồn cốt”, mà phải đảm bảo không gian sáng tạo cho những giá trị mới ra đời. Đã đến lúc cần nhìn nhận văn hóa là một ngành có thể “làm ra tiền”, hơn là một công cụ chỉ đơn thuần để giáo dục tư tưởng.
Tuy nhiên bảo tồn văn hóa nói chung, bảo tồn những ngành nghề truyền thống nói riêng vẫn là trăn trở của nhiều người Việt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, trong số đó có Nhà sưu tập Nguyên Đặng, chàng trai thuộc thế hệ 9X ấp ủ tình yêu lớn đối với các món đồ chơi dân gian, đặc biệt là đèn lồng và tò he. Nguyên đồng thời cũng là founder của Shinesium – một fanpage cập nhật kiến thức, kinh doanh các món đồ sưu tập thời trang tại Việt Nam.
Tôi không nhớ rõ cuộc trò chuyện với Nguyên đã diễn ra chính xác trong bao lâu. Chúng tôi đã đi, đã ngồi chia sẻ với nhau ngay trong chính không gian mà Nguyên lồng ghép những sản phẩm văn hóa vào mô hình thời trang lưu trữ của mình. Nguyên gọi đó là không gian để anh “thử nghiệm”, còn tôi lại thấy đó là không gian ngập tràn chất liệu của ký ức tuổi thơ.
Tình yêu dành cho các sản phẩm văn hóa truyền thống đã được nhen nhóm trong anh từ khi nào?
Mình sinh ra ở Thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng may mắn là có đến 8 năm được sống ở một làng quê thực sự. Mình nghĩ cảm xúc với những món đồ chơi tuổi thơ đã nảy sinh từ đó. Hồi học mẫu giáo, mỗi khi tan học chờ mẹ đón, mình thích chạy lại ngắm nghía hàng tò he (hay còn gọi là con giống bột) của các cô trước cổng trường. Chỉ cần nhìn các cô nặn tò he thôi là đã mê mẩn rồi. Mình nghĩ cái sự “thòm thèm” đó là một khao khát rất thuần khiết của một đứa trẻ. Mà không phải cứ muốn là có được, học giỏi rồi đạt hoa điểm mười mẹ mới mua cho.
Còn với đèn lồng, mình bén duyên trong một lần làm dự án thời trang ở Huế, nhưng tiếc là phải tạm hoãn vô thời hạn vì đại dịch. Nhưng qua dự án này, mình vô tình bắt gặp lại một mảnh kí ức hồi còn nhỏ, chiếc đèn kéo quân.
Với mình, trong đèn kéo quân như luôn tồn tại một loại ma thuật nào đó, nên ngay lần đầu tái ngộ, mình đã nảy ra ý tưởng ứng dụng hiệu ứng xoay vòng ấy vào thời trang để khiến không gian trở nên đương đại hơn. Những hình ảnh con thú hay người lính ra trận quay vòng đều tạo nên một hiệu ứng cảm xúc thật đặc biệt.
Hành trình khơi lại ký ức đèn lồng, tò he cho người Việt của anh có gì đặc biệt?
Phải nói là không… hề dễ dàng. Ngày xưa những món đồ chơi này rất phổ biến, nhưng chủ yếu được sử dụng trong các gia đình quý tộc, nhất là ở khu vực thành Thăng Long hay phố cổ Hà Nội như Hàng Gai, Hàng Bông.

Còn bây giờ, tò he gần như biến mất trong đời sống thường nhật, chỉ còn xuất hiện tại một số hội chợ. Có thời điểm, mình thật sự băn khoăn và quyết định đi tìm tò he ở khắp các con phố Sài Gòn, nhưng tiếc là không tìm thấy. Sau đó mình có thử mua tò he online, mua mười mấy con liền, nhưng khi nhận hàng thì lại thất vọng. Chúng vẫn có nét đặc trưng nhưng không tinh xảo như trong ký ức của mình, và chất liệu cũng không tốt, tạo hình chưa tinh tế. Không bỏ cuộc, mình ra Huế.
Vẫn không có, mình tìm đến Hà Nội. Ngày cuối cùng, mình mới được giới thiệu đến anh Đặng Văn Hậu, sống cách Hà Nội gần 40km. Khi nhìn thấy những mẫu tò he được trưng bày ở nhà anh, mình không thể tin rằng tò he lại có thể đạt đến mức độ đẳng cấp như vậy. Bạn không biết lúc đó mình đã thực sự xúc động thế nào đâu. Và mình thương những người chỉ được biết đến “tò he online”, đó chỉ là là sự mô phỏng tò he mà thôi!
Đó chỉ là về phần mình. Còn người có công thực sự trong hành trình này phải kể đến các nghệ nhân như chú Trịnh Bách hay chú Trọng Bình. Quá trình phục dựng mẫu vật như đèn lồng rất gian nan. Vì chúng ta không biết các cụ đã sử dụng loại giấy gì, những kỹ thuật cũ đã mai một, chỉ còn lại tư liệu hình ảnh và các mẫu trưng bày ở các bảo tàng nước ngoài. May mắn là cuối cùng mọi người cũng tìm ra đó chính là giấy nhiễu, và một trong những sản phẩm được phục dựng thành công đầu tiên chính là con cá hóa long.

Nghệ nhân mà, tiêu chuẩn của họ rất cao. Đừng nói là làm “na ná” giống cái cũ là được, mà phải đạt đến độ chi tiết nhất. Mỗi mẫu thiết kế phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần để đạt đến điểm “hoàn hảo.” Con cá hóa long chính là khởi đầu, nhưng cũng là một bước tiến lớn trong hành trình phục dựng này.
Anh cho rằng những sản phẩm văn hóa như đèn lồng và tò he đóng góp thế nào trong việc nâng cao đời sống tinh thần của người Việt, đặc biệt là trẻ em?
Mình không phủ nhận tầm quan trọng của tri thức, việc đầu tư các ứng dụng học tập cũng là điều rất cần thiết. Nhưng với mình, đời sống tinh thần của trẻ nhỏ mới là yếu tố có ảnh hưởng lâu dài đến sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia.
Đặc biệt là đối với những món đồ chơi như tò he, dù là hình rồng thời Lý uy nghiêm hay một chú cá nhỏ xinh, bất kể kích thước hay hình dạng thế nào, chúng đều mang một nét ngây ngô, ngộ nghĩnh, từng biểu cảm đều thể hiện tính cách riêng của từng nhân vật. Trẻ em có thể tạo nên một thế giới riêng trong tưởng tượng của chúng từ những món đồ chơi này.

Tuy nhiên, xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Không còn nhiều không gian để những món đồ như tò he và đèn lồng có thể phát huy tối đa khả năng kích thích sáng tạo của trẻ. Điều này thật sự là một thiệt thòi lớn cho các em.
Mặc dù đây là những món đồ chơi trẻ em, người tiêu thụ hiện nay phần nhiều là người lớn. Vì họ cũng từng là trẻ con mà. Đi qua biết bao nhiêu nơi, khám phá biết bao nền văn hóa, cuối cùng người ta cũng chỉ muốn trở về với cốt lõi, bản chất thuần khiết trong con người mình, hay nói đúng hơn là tìm về những giá trị Việt. Sự hồn nhiên chính là cảm xúc vô giá mà tất cả người lớn chúng ta luôn luôn tìm kiếm, nhỉ?
Vì sao anh lại muốn kết hợp lồng đèn và tò he vào mô hình thời trang của mình, trong khi hai khía cạnh này có vẻ chẳng hề liên quan tới nhau?
Vì đơn giản mình muốn những sản phẩm của người Việt được giữ nguyên nét đẹp của nó đúng như trước đây, khi mà đồ chơi cho con trẻ là một phần thưởng, là sự chăm chút yêu thương của bố mẹ, là sự khéo léo tinh tế đến từng chi tiết nhỏ nhất. Nét đẹp ấy phải được giữ nguyên chứ không phải mô phỏng hay đại chúng hóa một cách xuề xòa cho các thế hệ sau chỉ còn hình dung được khái niệm chung chung.
Điều quan trọng nhất khi phục chế lại một sản phẩm văn hóa là phải mang nó quay lại với đời sống, giúp nó có thể ứng dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau. Phục dựng những món đồ này không chỉ là để trưng bày bằng cách “nhốt” chúng trong lồng kính, ở bảo tàng.
Ví dụ, khi nhắc đến đèn lồng, mọi người thường nghĩ ngay đến đêm Trung Thu. Nhưng Trung thu người ta đi mua lồng đèn điện tử, trong khi một quán ăn, quan trà, quán cafe Việt, một phòng khách ngoại giao, một không gian Việt sang trọng, ấm cúng, hoàn toàn có thể trang trí bằng lồng đèn mang tính cá nhân hóa, phù hợp phong thủy và sở thích riêng.
Nghĩa là ta cần và hoàn toàn có thể đưa đèn lồng vào nhiều bối cảnh hơn nữa, với nhiều hình dạng và màu sắc hơn nữa, và nhất là không chỉ giới hạn trong một dịp nhất định. Chúng có thể được xuất hiện một cách hợp lý trong bất kỳ không gian nào.

Tuy nhiên về lâu dài, mình sẽ tách biệt thời trang và các sản phẩm này để phát triển riêng, vì đây là hai ngành sáng tạo khác nhau. Những sản phẩm văn hóa xứng đáng có được một chỗ đứng riêng.
Lý tưởng gìn giữ những giá trị truyền thống phải đi song song với hiệu quả kinh doanh, gốc rễ kinh tế có vững vàng thì nhánh cây văn hóa mới có thể nở hoa. Anh có tầm nhìn nào xa hơn cho những dự án của mình không?
Điều này thì mình hoàn toàn đồng ý. Vì suy cho cùng, con đường duy nhất để di sản tồn tại sống động là di sản ấy phải được sống chung với chúng ta trong xã hội. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải BÌNH THƯỜNG HÓA những sản phẩm văn hóa này. Khi đó, việc phục dựng và bảo tồn mới thực sự thành công.
Nhắc tới hai từ “bảo tồn”, mình nghĩ cũng cần phải định nghĩa lại về nó. “Bảo tồn” không chỉ là giữ nguyên trạng, mà là tiếp tục đưa những giá trị còn có thể sử dụng được vào đời sống thường nhật. Mình có thể nhìn thấy rất rõ ánh sáng tương lai của những sản phẩm mang yếu tố văn hóa. Chúng có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu, trong mọi không gian, vào mọi thời điểm chứ không nhất thiết phải gắn liền với không gian hoài cổ.
Ngành này thực sự có rất nhiều tiềm năng nếu chúng ta khai thác hiệu quả. Mình may mắn vì có tệp khách hàng tại các pop-up store của mình là những người đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Đưa lồng đèn vào mô hình thời trang là bước đi đầu tiên để làm nó trở nên “quen mắt”, bình thường hơn với mọi người.
Mình cũng biết không thể chỉ dựa vào thời trang để nuôi cái được gọi là đam mê văn hóa này mãi được. Mình cũng đã tính đến chuyện hợp tác với nhiều đơn vị, đối tác ở các ngành nghề khác nhau, đặc biệt là nội thất để đưa những sản phẩm này làm vật trang trí trên bàn, trên kệ với nhiều kiểu kích thước.
Vậy những sản phẩm văn hóa này đã tạo ra lợi nhuận nào cho anh chưa?
Nhiều người khi nhìn vào hành trình của mình ít nhiều cũng có sự hoài nghi. Họ đặt dấu hỏi về việc tại sao mình tìm đến lồng đèn, tò he từ năm 2021 mà đến giờ vẫn chưa có thương hiệu riêng cho chúng? Liệu có phải chỉ làm cho vui không? Nói thật nếu mình chọn cách tự start-up, lập một team riêng và kinh doanh theo định hướng bản thân sẽ nhanh hơn rất nhiều. Nhưng nếu làm vậy thì lại thiếu sự tôn trọng với các bậc tiền bối. Vì tất cả những gì mình biết được ngày hôm nay là từ họ mà ra.
Thách thức lớn nhất có lẽ là làm sao thuyết phục được chú Trịnh Bách và những nghệ nhân, sau đó tìm cách kết nối ba thế hệ lại với nhau nữa. Khi câu chuyện kinh doanh được bắt đầu thì câu hỏi về quyền lợi, lợi nhuận, phân chia là điều không thể tránh khỏi. Có những đơn vị hợp tác họ cũng dè chừng, nên mình hiểu rằng phải làm thật rõ quy trình, minh bạch nguồn cung, và cho thấy được tiềm năng thực sự thì họ mới có thể an tâm đồng hành.
Chính vì thế, việc phát triển dự án này phải đặt trong quy tắc thời gian. Nhưng chắc chắn sẽ không thể chờ quá lâu đâu, vì mình hiểu rõ với những sản phẩm văn hóa thế này, nếu bỏ lỡ thời điểm thì sẽ mất đi rất nhiều cơ hội. Sự hứng thú của giới trẻ trôi qua rất nhanh, nếu không bắt kịp làn sóng đó, nó sẽ đến rồi đi như biết bao trào lưu văn hóa khác.
Nói đến giới trẻ, anh đánh giá sự tiếp nhận các sản phẩm văn hóa của họ hiện tại như thế nào?
Lòng yêu nước thật ra đã luôn âm ỉ tồn tại trong tim mỗi người Việt. Nó không cần phải xây dựng từ đầu, chỉ cần một nhịp chạm đúng lúc, đúng nơi là sẽ trỗi dậy. Chúng ta đã yêu nước từ kháng chiến, thì hôm nay mình tin chúng ta cũng có thể yêu nước bằng cách đón nhận và hòa mình vào các loại hình nghệ thuật, văn hóa.
Những năm gần đây, mình thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực, chẳng hạn như các show giải trí Anh trai vượt ngàn chông gai hay Anh trai say hi hay những sản phẩm văn hóa trên mạng xã hội được lồng ghép một cách vô cùng sáng tạo. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là dễ sai lệch thông tin do truyền thông chưa được dẫn dắt đúng cách. Điều này không quá đáng lo, mình tin nó hoàn toàn có thể giải quyết được.
Còn việc ai sẽ là người kế thừa thì rất khó nói. Vì để thực sự ngồi xuống làm ra từng chi tiết nhỏ, nhất là với những món đồ thủ công tinh xảo, thì cần một chữ NHẪN rất lớn. Mình đã thấy không ít người, kể cả những người "có tiếng" trong nghề bỏ cuộc ngay từ những bước đầu tiên. Quan sát là một chuyện, bắt tay vào làm lại chuyện hoàn toàn khác, vì phải đánh đổi gần như tất cả mà.

Nếu có hai điều ước dành cho những dự án văn hóa mà anh đang theo đuổi, đó sẽ là gì?
Ước mơ cuối cùng của mình thật ra rất rõ ràng, đó là mang những món đồ như tò he hay lồng đèn trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia.
Khi nhắc đến Nhật Bản, người ta nhớ tới mặt nạ Noh, búp bê Kokeshi, một số quốc gia khác cũng vậy. Vậy Việt Nam của chúng ta được nhận diện thông qua điều gì? Mình luôn tin rằng những gì thuộc về dân gian, bắt nguồn từ những người đang sống, lao động mỗi ngày sẽ phản ánh rõ nhất sự ưu việt của tâm thức. Nó không cần phải quá triết lý hay trừu tượng, cũng không cần diễn giải nhiều.
Tại sao khi nhắc đến quà ngoại giao, chúng ta phải nghĩ đến những thứ quá vĩ mô trong khi một bộ tò he rực rỡ, đầy biểu cảm và tinh xảo hoàn toàn có thể kể câu chuyện về một Việt Nam hồn nhiên khéo léo với bạn bè năm châu. Chúng ta có thể tự hào, vì đây là sự sáng tạo của người Việt, xuất phát từ ý niệm của người Việt, và ngoài bàn tay nhỏ bé, khéo léo của người Việt, còn dân tộc nào có thể tạo nên một bộ đồ chơi dân gian đáng yêu như vậy?
Đó là ước mơ về tinh thần. Tất nhiên, mình cũng có một mơ ước thực tế hơn, đó là làm cho dự án phải sống được. Muốn đi đường dài thì không thể chỉ ấp ủ mỗi đam mê. Dự án cần có nguồn thu ổn định, cần được thương mại hóa ở mức độ phù hợp để tự nuôi và phát triển tiếp. Chúng mình đã có tên gọi, có mô hình, chỉ còn cần thời gian để mọi thứ đi đúng hướng.

Có một vài bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngỏ ý muốn mang sản phẩm đi trưng bày, điều đó làm mình rất xúc động. Nhưng mình cũng đã từ chối một vài lời mời, vì mình không thể vội vàng. Hành trình để những sản phẩm mang nét văn hóa Việt ấy được nối dài đời sống, tự kể tiếp câu chuyện của mình cho nhiều thế hệ sau nữa….sẽ còn rất dài.