Tôi có cơ hội trò chuyện với một chàng trai 25 tuổi, bằng đúng tuổi tôi bây giờ. Nhưng điều đặc biệt là, nhân vật này, ngày thường tôi gọi bằng “ba”. Trong bài viết này, tôi xin gọi ông là “chàng trai thế kỷ 20”. Bởi khi ông bằng tuổi tôi, đất nước vừa chuyển mình từ năm 1999 sang thiên niên kỷ mới, năm 2000. Một thời khắc đầy biến chuyển, không chỉ về lịch sử, mà cả về tâm thế của một thế hệ.
Vì sao thế hệ Gen X tuổi ấy bằng chúng ta của bây giờ lại cảm thấy, burnout chẳng là gì cả?
Vì Gen X là “những người trẻ” được nhào nặn giữa hai dòng chảy xã hội đối lập: bao cấp và đổi mới.
Thời thơ ấu của “chàng trai thế kỷ 20”, là những năm trước 1986, khi khẩu phần ăn được chia theo tem phiếu, nhà đông con nên áo quần chuyền tay giữa các anh em. Khi ấy, việc được đến trường đã là một "diễm phúc" lớn lao. Miễn được đi học, thì đi bộ hơn 20 cây số mỗi ngày, chăn trâu vất vả hay thiếu ăn thiếu mặc cũng chẳng là gì cả. Bởi đất nước lúc ấy, đa số… đều như nhau.
Trong ký ức của ba, đó là quãng đời kham khổ nhưng gắn bó, mọi người cùng khó, cùng chia, cùng cố gắng.
Bước vào tuổi thanh niên cũng là lúc đất nước chuyển mình, “chàng trai” của tôi bất ngờ được trao những điều hoàn toàn mới: quyền học, quyền làm việc, quyền mưu sinh, và cả... khát vọng cá nhân.
Học xong cấp 3 là đi làm ngay. Vừa học đại học, vừa phụ giúp việc nhà. 23 tuổi cưới vợ, không lâu sau làm ba, và vẫn tranh thủ ra đồng mỗi khi có thời gian.
Trong suốt giai đoạn ấy, "áp lực" hay "burnout" dường như là khái niệm xa lạ. Bởi lẽ:
“Có tri thức, có công ăn việc làm, no bụng và con cái khỏe mạnh là may mắn rồi. Và thoát nghèo, là một loại hạnh phúc mà so với kiệt sức, chẳng đáng là bao."

Vậy nên, Gen X được xem là thế hệ sống giữa hai làn sóng tư tưởng:
Một bên là tinh thần tập thể, hy sinh cá nhân vì cái chung, “việc gì cũng phải làm được”. Một bên là chủ nghĩa cá nhân mới trỗi dậy, khuyến khích khẳng định bản thân, tạo ra dấu ấn riêng.
Họ được dạy phải sống vì người khác, rồi bỗng bị yêu cầu sống đúng với mình. Họ vừa là trụ cột gia đình, vừa phải tự học cách "định vị bản thân" trong một xã hội bắt đầu đo đếm bằng thành tích.
Thành ra, burnout nếu có cũng bị lặng lẽ nuốt vào bụng.
Không "mindfulness", không "work-life balance', và hiển nhiên không biết gì về trị liệu tâm lý như thời nay. Chỉ có… sự tiếp nối như một bản năng.
- Ồ, vậy là thời đó cũng chưa stress, nên thường ít có người đi khám bệnh tâm lý như bây giờ, ba nhỉ?
- Ừ...
Thời đó... bệnh tâm lý chưa phổ biến như bây giờ
Burnout, hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe tâm thần, từng là một khái niệm xa lạ với thế hệ Gen X. Không phải vì họ không từng trải qua những cảm xúc mệt mỏi, lo âu hay kiệt sức, mà vì xã hội thời điểm ấy không có ngôn ngữ và cũng không có chỗ đứng cho những trải nghiệm ấy.
Khi giới trẻ hiện nay nghỉ việc vì stress, vì trầm cảm, hay vì cảm thấy “trống rỗng không rõ lý do”, phản ứng quen thuộc từ các bậc phụ huynh thường là:
- Ngày xưa cực trăm lần có ai than đâu.
hay
- Bệnh tâm lý thời xưa làm gì có.
Và đúng là… thời đó không ai bỏ việc vì stress. Bởi làm việc không phải là lựa chọn, mà là nghĩa vụ. Sống sót mới là ưu tiên. Còn cảm xúc? Được xem như một thứ xa xỉ.
Trên thực tế, theo hồi ký nghề báo đăng trên Báo Xây Dựng, trong giai đoạn những năm 2000, nội dung báo chí phần lớn vẫn xoay quanh các chủ đề chính trị – kinh tế – phát triển xã hội. Các vấn đề như trầm cảm, lo âu, sức khỏe tinh thần gần như không được nhắc tới. Điều đó phản ánh rõ thực trạng: sức khỏe tâm lý chưa từng là một mối quan tâm công khai.
Bên cạnh đó, theo bài phân tích về truyền thông thời kỳ trước đổi mới, nền báo chí Việt Nam thời hậu bao cấp vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa chậm, thiếu nhạy bén với các chủ đề mới mẻ. Những khái niệm như “burnout”, “stress nghề nghiệp”, hay “áp lực vô hình” vì thế không có cơ hội lên trang, dù có thể đã hiện diện âm thầm trong đời sống nhiều người. Tức là, burnout nếu có cũng không được công nhận.
Còn sức khỏe tinh thần? Vẫn là điều gì đó rất… lạ.
Burnout thời nay: nhiều tự do hơn?
Thời nào tâm lý ấy. Nếu thế hệ của “chàng trai thế kỷ 20” gồng gánh quá nhiều việc để sống, thì thế hệ chúng ta lại đang gồng gánh quá nhiều lựa chọn để định nghĩa bản thân.
Thời ấy có lúc mệt vì phải tồn tại.
Còn chúng ta thời này đôi khi lại mệt vì không biết nên tồn tại theo cách nào.

Thế hệ gen Z, những người sinh sau đổi mới, lớn lên trong một xã hội đề cao cá nhân, vì lý tưởng không còn nằm ở “sự cống hiến cho tập thể” mà là “được là chính mình”. Nhưng chính mình là ai? Phải có thành tựu, làm điều mình yêu, sống tử tế, giỏi giang, truyền cảm hứng và vẫn... phải đẹp mắt trước đã?
Chúng ta được khuyến khích theo đuổi thành công, nhưng là kiểu thành công tự thân, đa nhiệm và tức thời. Thành công phải đến sớm, trông dễ dàng, và tốt nhất là… "viral".
Trong khi thế hệ của chàng trai thế kỷ 20 đa số chỉ có một con đường, dù vất vả nhưng rõ ràng, thì thế hệ chúng ta sở hữu một rừng ngã rẽ, và càng nhiều lựa chọn, lại càng... kiệt sức.
Xã hội càng hiện đại, burnout càng phổ biến
Ngày nay, burnout không còn là trạng thái đơn lẻ, mà trở thành một hiện tượng thế hệ. Tại các bệnh viện lớn như Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), hay Khoa Tâm thần – Đại học Y Dược TP.HCM, số lượng bệnh nhân trẻ đến khám vì trầm cảm, lo âu tăng mạnh sau đại dịch. Theo một số thống kê không chính thức, cứ 3 người trẻ ở đô thị thì có ít nhất 1 người từng trải qua triệu chứng của rối loạn tâm lý.
Cùng lúc đó, các phòng khám tư nhân, khóa thiền – chữa lành – liệu pháp cảm xúc mọc lên như nấm. Những từ khóa như inner child, healing, burnout, burnin trở thành trending không chỉ trong ngành tâm lý học, mà cả trong lifestyle, sáng tạo, và giáo dục.
Nếu thế hệ trước sống trong khu tập thể, ăn chung, học chung, làm việc theo phân bổ nhà nước, thì thế hệ chúng ta đa số thích làm việc tại nhà, sống online, “cạnh tranh” bằng thương hiệu cá nhân.
Thế hệ sau đổi mới dần rời xa mô hình cộng đồng bền chặt để bước vào cuộc chơi của từng cá thể độc lập. Đó là một bước tiến, nhưng đồng thời cũng có một cái giá: càng độc lập, càng cô đơn. Càng nổi bật, càng dễ…”bùng cháy”.
Chàng trai thế kỷ 20 khuyên gì?
Dù thời nào, chúng ta cũng có một lộ trình tâm lý giống nhau. Con người từ lâu đã không còn sống theo những mùa nông lịch, nhưng trong tâm lý, mỗi người vẫn đi qua những mùa chuyển động không thể né tránh.
Tuổi thơ cần một nơi để tin. Tuổi mới lớn cần một điều để tin.
Theo lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của nhà phân tâm học Erik Erikson, bất kỳ ai, dù sinh năm 1900 hay 2000, cũng sẽ phải đi qua các giai đoạn hình thành bản ngã: từ lòng tin thời sơ sinh, tính tự chủ khi chập chững biết đi, đến sáng tạo và nghi ngờ khi đi học. Nhưng bước ngoặt thực sự nằm ở tuổi trưởng thành, khi con người phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn:
Khủng hoảng bản sắc cá nhân (identity crisis) và khủng hoảng vai trò xã hội (role confusion). Nói cách khác, chúng ta sẽ liên tục đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Tôi là ai giữa thế giới này?” và “Liệu tôi có đủ giá trị để tồn tại không?”
Thế hệ của "ba", những người sinh ra trong giai đoạn đất nước còn khó khăn cũng từng lạc lối, cũng có lúc muốn buông. Nhưng các cô chú thời ấy chưa bao giờ dám gọi tên những cảm xúc đó, không một ai dùng từ "burnout" để định nghĩa những gì mình đang trải qua. Và cũng chẳng có không gian để hoang mang bản sắc, vì cuộc sống khi ấy đặt ra những nhiệm vụ rõ ràng: làm việc, nuôi con, và vượt nghèo.
Không có gói trị liệu nào, chưa biết gì về khóa chữa lành, nhưng họ vẫn đi qua được, bằng một kiểu nội lực thầm lặng.

- Sao con chạy mãi, chạy mãi, mà vẫn thấy mình không bằng ai.
- Bằng người ta để làm gì? Thành công đâu có đo được bằng địa vị và tài sản.
- Trời, không phải hai thứ ấy, vậy chứ thành công là gì hả ba?
- Thành công là khi con thấy bình yên trong lòng, biết ơn điều mình có, tử tế với người bên cạnh.
– Nghe dễ ba ha, nhưng làm mới khó. Thế hồi xưa, làm sao để ba không gục ngã giữa những guồng quay?
– Khi mệt, điều tốt nhất ba có thể làm… là đứng yên. Đời không phải cuộc thi, không cần lúc nào cũng phải thắng.
- Đứng yên? Thôi đi ba, lỡ mất biết bao nhiêu cơ hội.
– Theo ba nghĩ, cơ hội thật sự không nằm ở tốc độ, mà ở sự tỉnh táo. Cứ đi tiếp thôi con, nhưng đừng chạy theo tiếng ồn ngoài kia. Đi đủ lâu, con sẽ nghe được tiếng của mình.
Kết
Dù khác nhau ở hình thức, mỗi thế hệ đều va chạm với chính mình. Và nếu có một điểm chung giữa ba - chàng trai thế kỷ 20, và tôi, người chấp bút bài viết này, thì đó là:
Chúng tôi đều đã từng đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành, với cùng câu hỏi đang đợi tìm ra lời giải đáp: Làm sao để "trở thành người lớn" mà không đánh mất đi con người thật của mình?