Nếu là khán giả quen thuộc của Have A Sip, bạn sẽ nhận ra đây không phải lần đầu tiên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xuất hiện với vai trò khách mời. Hai năm trước là Tro tàn rực rỡ ở tập 100, lần trở lại này đã là tập 217. Đối với Have A Sip, đây là một vinh hạnh lớn khi có dịp trò chuyện cùng bác sau mỗi cột mốc điện ảnh quan trọng.
Vẫn là những câu chuyện về nghề. Vẫn là tư duy nhất quán, góc nhìn điềm tĩnh của một người làm phim lâu năm. Nhưng lần này, cuộc trò chuyện mang theo một cảm xúc lâng lâng, khó tả, có lẽ bởi nó diễn ra vào đúng cột mốc đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Và bác Chuyên cũng mang Địa đạo, một câu chuyện đặc biệt đến kể cho khán giả nghe.
Bản thân tôi không biết phải diễn tả hai chữ “đặc biệt” thế nào cho tròn vành đủ ý. Tôi chỉ có thể tóm gọn rằng, những hình tượng bạn nghĩ về Địa đạo trước đó, có thể sẽ “sụp đổ” sau bài chia sẻ này.
Địa đạo không hẳn là một bộ phim chiến tranh, nó là...
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhắn nhủ đến các khán giả của mình rằng, tốt nhất không nên đi xem Địa đạo với tâm thế đây là bộ phim về chiến tranh. Vì sao?
Theo nhìn nhận của bác, định nghĩa của một cuộc chiến tranh thông thường phải là sự đối đầu trực tiếp giữa hai bên. Chúng ta cũng đã nghe thấy/đọc qua rất nhiều tư liệu về các cuộc chiến tranh đau thương của dân tộc, nơi những người lính “oằn” mình hy sinh để đổi lấy tự do cho đất nước. Nhưng ở Địa đạo thì khác, những người lính du kích không tìm cách chiến đấu để giành thế thượng phong. Họ chấp nhận ở trong bóng tối để TỒN TẠI, để đào sâu từng tấc đất, với mục tiêu cao cả hơn: giữ địa đạo như giữ chính mạng sống của mình.
Thế nên, Địa đạo gần với một bộ phim SINH TỒN hơn là phim chiến tranh đúng nghĩa.

Ngay từ đầu, Củ Chi vốn là vùng đất không để kể về con người hay những trận chiến lừng lẫy. Nó được mang vào để tái hiện tinh thần của cả một Việt Nam. Trên cả tình yêu quê hương Tổ quốc là sự dũng cảm và gan lì. Có ai cận kề cái chết mà vẫn tiếp tục đào đất? Có ai giữa tiếng đạn réo bên tai vẫn bình thản nhóm bếp, bám trụ địa đạo đến phút cuối cùng? Khói lửa có thể làm nhòe mắt, chứ không làm nhòe đi khát vọng sống mãnh liệt bên trong họ được.
Điều này thật sự khiến nhiều khán giả “vỡ lở”. Vì nếu ví Địa đạo giống với “một cơn bão lớn”, thì những người lính du kích Củ Chi cũng như những người con đang gồng mình giữ lấy căn nhà chung của dân tộc. Vậy thì chúng ta cũng không cần phải cố gán ghép đây là một bộ phim chiến tranh để nó mang nặng yếu tố mất mát, như bác Chuyên đã chia sẻ.
Địa đạo là bộ phim được “chi” nhiều nhất
Tuổi nghề làm phim cho bác không ít những va vấp, từ kinh nghiệm lớn tới kinh nghiệm nhỏ. Nhưng tới khi bắt tay làm Địa đạo, bác Chuyên phải thừa nhận rằng chặng đường này có lắm điều khiến bác phải đau đầu. Bác phải "chi" ra gần như tất cả: thời gian, tiền bạc, chất xám, năng lượng, thậm chí cả niềm tin. Sự thật, Địa đạo là bộ phim được chi nhiều nhất trong tất cả các dự án bác từng thực hiện.
Kịch bản Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối được viết năm 2014 và hoàn thiện vào 2 năm sau đó. Nghe có vẻ trơn tru, nhưng ít ai biết rằng quá trình này đã tiêu tốn bao nhiêu tâm huyết. Vì với bác, Địa đạo không ra đời để phục vụ cho một mục đích nào khác ngoài việc nâng đỡ ký ức cho cả cộng đồng Việt Nam nói chung, người trẻ nói riêng. Nó phải thật chỉn chu, phải trọn vẹn.
Thế nên, chuyện chắt chiu từng con chữ, gọt giũa từng chi tiết cũng là lẽ thường tình. Quan niệm của bác là một kịch bản không thể làm xong ngày một ngày hai, mà phải tính bằng năm bằng tháng. Điện ảnh không xây dựng một thế giới chỉ dựa trên những cảm xúc ngẫu hứng. Nó phải bao hàm sự tính toán với mọi yếu tố, để mỗi cảnh quay, mỗi nhân vật, mỗi nhịp thở trong phim đều phải có lý do để tồn tại.

Bác Chuyên vẫn gọi đùa Địa đạo là bộ phim của những “lần đầu tiên.” Lần đầu dựng một hệ thống địa đạo phức tạp dưới lòng đất. Lần đầu tái hiện khói nổ, bom rơi, cho đến việc tính toán từng tần số rung, từng biên độ va chạm để mô phỏng cảm giác động đất, như thể đang dựng nên một trận địa thật sự. Và dĩ nhiên, thất bại cũng đến từ rất nhiều những “lần đầu” ấy.
Vai trò cơ bản của một bộ phim là phải giải thích cho khán giả hiểu 3 yếu tố: là ai, ở đâu, khi nào rồi mới tính đến chuyện hay dở. Thế nhưng dưới địa đạo, mọi khái niệm về không gian và thời gian đều trở nên mơ hồ. Không ánh sáng mặt trời, không mốc thời gian cụ thể, cũng chẳng có khung cảnh rõ ràng để bám víu - mọi thứ bị bóp nghẹt trong một màu đất đá, trong thứ không khí khép kín và căng thẳng đến nghẹt thở.
Đó cũng là một bài toán hóc búa mà bác phải trăn trở đi tìm cách giải. Nhưng rồi, cuối cùng Địa đạo vẫn kịp ra đời thành công, ở thời điểm mà bác Chuyên gọi là “cái phước”.
Nhưng cũng “thu” về nhiều nhất
Suy cho cùng, thứ phản ánh sự thành công của nền điện ảnh công nghiệp vẫn là doanh thu. Nhưng cái “thu” khiến bác Chuyên xúc động hơn cả không phải là con số hàng trăm tỷ, mà là niềm tin, sự đồng hành từ những người đã dốc hết lòng vì bộ phim.
Từ đầu, đoàn phim cũng cân nhắc sử dụng mô hình giả và kỹ xảo để tái hiện xe tăng và vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng và các cấp lãnh đạo, ekip đã mượn được toàn bộ phương tiện phục vụ cho việc tạo dựng cảnh thời chiến. Từ xe tăng, trực thăng, tàu chiến đến đạn và thuốc nổ, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam có một bộ phim sử dụng số lượng khí tài quân sự lớn như thế. Nếu không có sự hỗ trợ hết lòng từ Nhà nước, đoàn phim khó có thể thực hiện được bộ phim chân thực đến vậy.

Nếu ai thắc mắc bác Chuyên đã từng tham vọng một cột mốc nào đó trên đường đua trăm tỷ chưa? Câu trả lời là chưa. Cơ bản là bác chỉ dám nghĩ đến chuyện phim của mình có bao nhiêu người xem và họ đón nhận như thế nào.
Ngay cả những nhà đầu tư cho bộ phim cũng không đặt nặng con số thu về. Đối với họ, từ khi Địa đạo được dựng xong, khi những thước phim dưới hầm đầu tiên được đưa lên lồng đất, đó đã là một thành công vang dội. Không ai bảo ai, nhưng ai cũng vui, cũng xúc động trong lòng, nhất là khi biết bộ phim sẽ kịp công chiếu vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Và đúng như kỳ vọng, Địa đạo đã có một cuộc hội ngộ cảm xúc trọn vẹn với khán giả. Điều bác Chuyên bất ngờ nhất, là các em, các cháu – những người trẻ, không chỉ theo dõi, mà còn đưa ra góc nhìn của một thế hệ đến sau. Dù mang trong mình những vấn đề thời cuộc khác, sống trong một xã hội đầy biến động, nhưng điều đáng quý là họ vẫn đọc, vẫn tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức về lịch sử. Họ nhận ra một cách rất rõ ràng rằng, tự do hôm nay được trả bằng cái giá rất đắt.

Không cần một khúc tráng ca nào cho cái chết
Địa đạo không làm cho người ta rơi nước mắt bằng những bản nhạc hào hùng hay những cú máy đặc tả sự hy sinh. Xuyên suốt bộ phim hơn 2 tiếng, những cái chết đến rồi đi theo một cách… hết sức bình thường. Không có tiếng nức nở hay giây phút lắng lòng được dọn sẵn. Vì đó là sự thật, và nguyên tắc làm phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là tôn trọng sự thật.
Với bác, trong chiến tranh, cái chết là điều hiển nhiên, là thứ xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ. Những người lính Củ Chi đã sinh tồn và ra đi trong sự thản nhiên đến tàn nhẫn, như thể họ biết trước vận mệnh của mình vậy. Do đó, việc kể lại Địa đạo với một góc máy bình thản như thế cũng là lựa chọn có chủ đích.

Không nhấn vào cảm xúc, không gợi sự ghê rợn, Địa đạo được dựng với một thái độ khiêm nhường, một kiểu kể chuyện để đời sống thật được cất lên theo cách tự nhiên nhất. Vì nếu người xưa coi sự hy sinh là điều bình thường, chẳng có lý do gì để người đời sau phải phô trương cả. Bác đã để lại những khoảng trống, để một cái kết “chưa trọn vẹn,” cho khán giả bước vào và viết tiếp bằng chính trí tưởng tượng và cảm xúc của họ.
Nếu ai xem xong cũng khóc rồi quên ngay khi vừa ra khỏi rạp, thì thôi. Nhưng cái cốt là phải để lại cái “dằm trong tim”, để họ phải thổn thức, dằn vặt và nghĩ hoài về cái chết đó.
Còn lại gì sau một bộ phim điện ảnh đình đám…
Trong quan điểm của bác, điều quan trọng nhất sau khi làm xong một bộ phim là phải tìm cách… quên nhanh.
Thoạt nghe thì có vẻ kỳ lạ. Nhưng cũng dễ hiểu, vì khi đã dốc toàn tâm trí cho “một đứa con tinh thần” chào đời, thì cũng phải sẵn sàng buông tay để chinh phục những ngưỡng cửa mới. Nếu cứ day dứt với bộ phim trước đó thì không thể bước tiếp trên hành trình tiếp tục làm phim. Một nhà làm phim mà không được tiếp tục làm phim, thì cũng coi như vô nghĩa.
Vì vậy, bác trân trọng mỗi cơ hội được tạo ra sản phẩm và gửi gắm đến khán giả. Còn việc phim có được chiếu rộng rãi, có thắng giải hay không, đó là chuyện của “trời sắp đặt”. Phần thưởng xứng đáng nhất nhiều khi lại không nằm ở chúng, mà nằm ở những điều mộc mạc hơn: được đi đến một vùng đất mới, hay đơn giản là lắng nghe một câu chuyện mới. Và đôi khi, biết “quên nhanh” cũng chính là cách để giữ trọn vẹn những gì mình từng gửi gắm vào nó.

Đọc đến đây, có thể những hình tượng bạn xây dựng cho Địa đạo trước đó đã bị xê dịch đôi chút. Nhưng dù ở tầng cảm xúc nào, chúng ta cũng đã có một bộ phim đáng giá cho dịp lễ 30/04. Mặc dù phải đến tám năm sau sự kiện địa đạo được nhắc đến trong phim thì đất nước mới hoàn toàn thống nhất, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, cuộc chiến âm thầm trong lòng đất Củ Chi là một lát cắt quan trọng trong hành trình giành lại hoà bình.